HÔM QUA EM ĐI TỈNH VỀ

Nguyễn Thơ Sinh

Nhà thơ Nguyễn Bính được coi là vua thơ lục bát của người Việt mình. Quả nhiên thế, thơ của ông hiền hòa, không kiêu sa chày cối, thế mà những vần thơ lục bát ấy đã đi vào lòng người, được nhiều nhạc sĩ hân hoan phổ nhạc, trong đó có bài thơ nổi tiếng Chân Quê với hai câu kết khiến nhiều người nhớ mãi:

Hôm qua em đi tỉnh về,

Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.

Vòng vo tam quốc, đặc biệt mượn bài thơ Chân Quê của Nguyễn Bính cho bài viết tuần này (thực ra) nhân chuyến đi thăm Việt Nam của đương kim Phó tổng thống Mỹ Kalama Harris diễn ra cùng dịp với chuyến công du Đông Nam Á của bà gần đây. Chuyến đi (xét kỹ) chẳng ăn nhập gì đến ngữ cảnh Chân Quê của Nguyễn Bính. Bởi Mrs. Harris không phải là cô gái quê đi tỉnh. Việt Nam càng không phải là chốn thị thành có thể khiến tâm tính cô thôn nữ ấy ngả nghiêng. Nói trại đi một chút, Mrs. Harris đến một nơi gẫm kỹ lại không xa nhưng mục tiêu tương đối lạ. Và người ta kháo nhau: Không biết chuyến đi tỉnh của cô thôn nữ Harris không biết có làm cho hương đồng cỏ nội của Việt Nam có bay đi ít nhiều.

Lật lại trang sử cũ, Mỹ và Việt Nam từng là kẻ thù không đội trời chung. Cuộc chiến Việt Nam chẳng cứ người lòa mới nhận ra nó là một vực sâu ngăn cách giữa hai quốc gia. Với Mỹ, nó là một vết chàm không thể nào gột rửa được, thậm chí khá nực cười, không hẳn là vô nghĩa song nhiều người đã nói toạc ra cuộc chiến ấy lẽ ra không nên có. Với Việt Nam, một chiến thắng vẻ vang (?) hay đó là một khúc khải hoàn đắt đỏ về nhân mạng, một giá quá lớn phải trả cho cột mốc 30-04-1975 cho cả hai miền. Nay sự xuất hiện của Mrs. Harris tại Hà Nội, một bằng chứng cho thấy Oa-Sinh-Tơn và Cổ Loa đang thể hiện những thiện chí xích lại gần nhau hơn.

Có người nói lẽ ra chuyến đi tỉnh lần này của cô thôn nữ Harris sẽ hoành tráng rôm rả hơn nếu đại dịch Covid-19 không thọc gậy bánh xe những nỗ lực chế ngự lưỡi hái tử thần phiên bản Delta của Việt Nam. Đúng ra chuyến đi tỉnh lần này của cô thôn nữ họ Harris sẽ tưng bừng hơn, Việt Nam có thể khoe khoang sự phồn thịnh của Hòn ngọc Viễn đông, hoặc những chuyến đi thăm thú Sài Gòn nơi từng là thủ đô của Việt Nam Cộng hòa (Republic of Vietnam) tồn tại trong khoảng thời gian 1955-1975, một đồng minh quan trọng của Mỹ trong cố gắng chặn đứng làn sóng cộng sản đỏ loang ra từ Liên Xô cũ, sau đó xuyên thủng qua Trung Quốc và thấm nhanh vào Việt Nam thời đó.

Lẽ ra mọi cái phải nồng nàn vắn véo như thế.

Ít nhất cũng đã gần 50 năm trôi qua rồi còn gì.

Vâng. Không ngoa. Mới đó mà đã đó. Thời gian đúng là bóng câu qua cửa sổ.

Rồi nào chỉ có thế. Đang yên đang lành. Tình hình rút quân khỏi Afghanistan cứ ngỡ sẽ thong thả nhưng vào phút chót gần đến ngày cô thôn nữ Harris đi tỉnh, Kabul bỗng rối lên như canh hẹ khi Taliban tràn vào thủ đô Afghanistan như thác lũ, hoàn toàn không gặp phải bất cứ cản trở nào của chính quyền địa phương vốn được Mỹ rót biết bao tiền bạc và công sức. Chính xác là như thế. Ối làng nước ơi. Ra đây mà xem này, Mỹ chưa kịp rút quân đi Kabul đã loạn. Cả thế giới dồn mắt vào Kabul. Saigon thứ II các ông, các bà nhé. Dây vào Mỹ có lợi lộc gì đâu! Không hẳn là qua cầu rút ván nhưng cách đối xử của họ có khác nào vắt chanh bỏ vỏ. Lợi ích của Mỹ – Bẽ bàng thay bốn chữ ấy – Xót xa cay cực lắm nhưng các ông các bà cứ chống mắt lên xem thiên hạ có thể làm gì được. Chú Sam vốn dễ dãi với những hứa hẹn xong cũng dễ phủi quần đứng lên nhẹ nhàng đơn giản y như thế.

Lần này cô thôn nữ Harris đã đến Việt Nam trong tư cách của kẻ mang chanh vườn lên tỉnh bán. Vâng. Nếu bạn đọc dễ dãi, lấy bối cảnh trong Chân Quê của Nguyễn Bính, hoa chanh nở giữa vườn chanh (tạm thêm chút mắm muối chi tiết hư cấu này để dễ dàng liên hệ với hoàn cảnh chuyến công du này), tất nhiên mong đợi của cô thôn nữ Harris là phải bán hết chỗ chanh hái ở vườn nhà. Cơ khổ. Trước đó cũng đã có đứa đem chanh lên tỉnh bán. Chanh của nó không chua, cắt ra khô và xác xạc, thế là thị dân Hà Nội vừa gặp đứa bán chanh lần này (mặt mũi trông lấm la lấm lét) bèn kháo nhau là chanh đểu! Tất nhiên nhiệm vụ của Mrs. Harris là uốn ba tấc lưỡi, đem chuông đi đánh xứ người. Mục tiêu khá rõ: Kêu gọi các nước trong khu vực Đông Nam Á sát cánh với Mỹ trong việc đối phó với… Trung Quốc!

Đọc đến đây, độc giả tinh ý sẽ nhận ra có chút gì đó hơi quen quen. Nếu còn nhớ mùa phiếu 2020 năm ngoái vào lúc tăng tốc những ngày nước rút, đa số người Việt (cùng với nhiều cử tri hoài nghi thiện chí chống Trung Quốc của Mr. Joe Biden) đồng loạt gõ trống khua chiêng cổ võ cho Cựu tổng thống Donald Trump vì họ tin chỉ có ông mới là người dám mạnh tay đánh Trung Quốc. Miễn bàn chuyện này hư thực ra sao, chỉ biết lần này cô thôn nữ Harris đem chanh từ Hoa Thịnh Đốn sang Hà Nội bán, người xuề xòa sẽ cười nhạt: Nội các của Mr. Joe Biden coi mòi không cho phép Trung Quốc rung đùi muốn làm gì thì làm. (Ông ta cũng có đánh Trung Quốc đấy chứ!)

Hóa ra trước khi cô thôn nữ Harris đi Hà Nội bán chanh lần này đã có đứa khác đến đây bán chanh trước cô. Đến khổ. Chanh là thứ rẻ, chẳng đắt đỏ gì (?), thế mà lần này đích thân cô thôn nữ Harris phải cắp rổ chanh của mình từ Hoa Thịnh Đốn lặn lội đường sá xa xôi sang tận Hồ Hoàn Kiếm bán cho thấy Chú Sam đang cố ý thuyết phục Việt Nam chanh lần này là chanh thật. Chua lắm. Xin quý vị hãy tin tưởng chúng tôi. Không chua nhất định không lấy tiền!

Xét về mặt tư cách, cô thôn nữ Harris là đương kim phó tổng thống Mỹ đầu tiên đi thăm Việt Nam. Đây là một biểu hiện nghiêm túc của Uncle Sam. Lẽ ra nếu muốn, Mỹ chỉ cần gởi ngoại trưởng hay một vài nhân vật then chốt là đủ. Nhưng không. Mỹ lần này chơi sang. Đương kim phó tổng thống đấy. Có phần hơi ngông, đúng không thưa quý vị. Tuy nhiên xem ra vẫn không ngông bằng chuyện Cựu tổng thống Donald Trump ba lần đích thân hạ mình đi thăm Chủ tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn với hy vọng bán được vài vốc chanh.

Từ thiện chí này có thể tạm nhận định Nội các của Mr. Joe Biden không ngại chuyện mặt mũi lùm xùm trong việc tạo nên mối quan hệ mang tính chất gây thanh thế. Đã vậy, cô thôn nữ Harris còn mạnh mẽ đưa ra những lời tuyên bố thẳng thắn tố cáo Trung Quốc lấy thịt đè người, ỷ mạnh hiếp yếu, tha hồ tác oai tác quái trong vùng. Điều này cho thấy Bạch Cung của Mr. Biden có những chiến lược tiếp cận Trung Quốc khác hẳn với Bạch Cung thời Cựu tổng thống Donald Trump.

Nếu trước đây Cựu tổng thống Donald Trump thích chơi trò bẻ đũa từng chiếc (y như cách Trung Quốc thích trò này với các nước Đông Nam Á, đặc biệt những nước có nguyện vọng muốn được gắp một lát dày cắn ngập răng thái ra từ cái Lưỡi Bò Biển Đông) cách tiếp cận của Joe Biden có vẻ đang dồn Trung Quốc vào thế bẻ đũa cả bó. Rõ ràng lần này Joe Biden đang muốn gởi đến Đông Nam Á một thông điệp khá cụ thể: Nếu biết hợp sức lại, hãy tin chúng tôi đi, chúng ta sẽ thành công trong việc đối đầu với Bắc Kinh. Đặc biệt lần này chúng tôi sẽ không để các bạn bị Trung Quốc tha hồ cả vú lấp miệng em.

Vâng. Nhắc lại. Hồi còn tại nhiệm Cựu tổng thống Trump đánh Trung Quốc qua ngả kinh tế. Một sai lầm lớn khá dễ dàng nhận ra bởi đánh Trung Quốc qua ngả kinh tế là chọn lựa Uncle Sam không có nhiều lợi thế. Tại sao? Đến khổ, các trùm tài phiệt và Mafia kinh tế đều là con em của Uncle Sam. Đụng vào bát cơm của họ rất khó khăn, gây sức ép với họ có khác nào lấy ống tre vụt mông trâu bởi chúng đã hợp tác với Trung Quốc đâu dễ nhả ra miếng chả lụa đang cắn ngập răng. Cuối cùng chính sách của Cựu tổng thống Trump không hiệu quả lắm bởi đánh kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa đập bể nồi cơm của nhiều nhà tài phiệt lớn của Mỹ, chuyện này đẩy ông vào cảnh nắm dao đằng lưỡi!

Thực ra đánh Trung Quốc không hề dễ, bất luận là đánh bằng cách gì. Kinh tế toàn cầu Global Economy và công thức toàn cầu hóa Globalization biến bản đồ thế giới thành một mặt phẳng. Biên giới quốc gia không còn hiện diện. Đặc biệt Trung Quốc giờ khác nào gã khổng lồ Genie chui ra khỏi cái đèn cổ, bắt gã nhốt lại là chuyện không thể. Nay cô thôn nữ Harris đem chuông đến Đông Nam Á đánh, chuyện thành công xem ra có phần hy hữu. Tại sao, bởi đến lúc này thiên hạ cảm thấy hết sức khó tin vào Chú Sam, kẻ rất giỏi trong việc “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”.

Bài học Việt Nam và bài học Afghanistan người ta không lạ. Mỹ không hẳn nói dối như Cuội, song thực tế đã chứng minh, khi tình huống trở nên xấu, đặc biệt khi lợi ích (gain) và hứng thú (interest) của Mỹ tại bất cứ địa hạt nào không còn hấp dẫn nữa, quyết định của Mỹ thường khiến người ta hụt hẫng. Vâng. Mỹ không tráo trở, song khái niệm trung thành của họ chỉ nên hiểu theo nghĩa tương đối. Nếu tin tưởng vào những chính sách của Mỹ một cách quá ngây thơ: Mỹ sẽ trung thành bằng mọi giá, e rằng người ta sẽ thất vọng khi cuộc chơi bước vào giai đoạn Mỹ cảm thấy rút lui là thượng sách.

Đã thế, sau nhiều thập niên liền kinh tế Trung Quốc không ngừng lớn mạnh. Chỉ vì những tay tài phiệt và những gã Mafia tài chính Mỹ quá tham lam, mượn kinh tế toàn cầu hóa như con gà đẻ trứng vàng (khi) thị trường lao động tại Trung Quốc giá rẻ như bèo, các tiêu chuẩn đạo đức công bằng xã hội không có, hệ thống luật pháp không có, bảo vệ tác quyền không có, nạn đạo bản quyền lan tràn, đặc biệt tại đây các dây chuyền sản xuất gia công phát triển như nấm dại… làm sao Trung Quốc có thể trở thành cái nôi của tất cả những mặt hàng xuất khẩu qua các khu vực ngoại tệ mạnh, trong đó có USA.

Để rồi hôm nay ảnh hưởng của Trung Quốc hầu như bén rễ khá sâu khắp thế giới. Từ đầu tư hạ tầng cơ sở cho đến những quan hệ buôn bán làm ăn. Khi Trung Quốc mạnh về kinh tế, họ mạnh luôn cả về khoa học, quân sự, cũng như các chiến dịch thu phục nhân tâm khả dĩ có thể tạo ra những ảnh hưởng quan trọng lâu dài (bằng cách đổ tiền vào đầu tư khắp thế giới tại các lĩnh vực then chốt như năng lượng, viễn thông, giáo dục, đầu tư kinh tế, xây dựng hạ tầng cơ sở…)

Thế mạnh của Trung Quốc là sự ổn định chính trị độc đảng. Họ khác Uncle Sam hoàn toàn. Nếu Bạch Cung thay chủ cứ sau mỗi (hoặc hai) nhiệm kỳ tổng thống, Đảng Cộng Sản Trung Quốc xem ra không vướng phải hội chứng dọn-ra-dọn-vào liên miên này. Đặc biệt tại Mỹ tình trạng phân chia giữa hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa quá sâu. Cái gì ở đây cũng bị chính trị hóa trầm trọng. Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Tay phải cầm dao cắt tay trái. Thế mới biết dân chủ cũng có những hạn chế của nó. Còn độc đảng như Trung Quốc, sức tập trung tại các nỗ lực chính sách xem ra hiệu quả hơn Mỹ rất nhiều.

Và lần này…

Liệu cô thôn nữ Harris sẽ thành công với lời hứa tiếp ứng Việt Nam hơn 1 triệu liều vaccine chống Covid-19 khi Bắc Kinh lập tức hứa sẽ biếu Việt Nam hai triệu liều. Hóa ra không phải chỉ có cô thôn nữ Harris đem chanh đến Hà Nội bán mà lần này Bắc Kinh cũng gởi chanh của mình đến bán.

Cuối cùng ra… hương đồng cỏ nội của Việt Nam có bay đi ít nhiều, bay đi đâu (?) nhân chuyến đi tỉnh của Mrs. Harris bán chanh “chợ đụng hàng” với chanh Trung Quốc lần này phải đợi câu trả lời của thời gian mới có.

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts