Ngày 04/09/2021
Trong tình cảnh này, cũng có dăm người vẫn sống được nhờ tìm cách kiếm ăn.
Đầu tiên là những người buôn bán thực phẩm. Trong những ngày giãn cách, việc đi lại khó khăn, chợ đầu mối, chợ nhà lồng hay chợ cóc đều bị đóng cửa. Ngay siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tạm đóng cửa khi có nhân viên bị dương tính
Siêu thị gánh không xuể khi toàn bộ khách hàng của đủ các loại chợ to nhỏ xa gần đổ ập vào. Người đi siêu thị phải khai báo y tế bằng tờ khai giấy hay bằng mã QR-code, xếp hàng mỏi mòn chờ đợi, tới phiên vào thì chỉ còn các kệ hàng trống rỗng. Ai cũng muốn tích trữ và cho đáng công chờ đợi thì nên mua vét voi. Hàng hóa vì thế lúc nào cũng thiếu thốn.
Trong hoàn cảnh này, ngoại trừ các cửa hàng online thì xuất hiện một số “hàng chạy”. Hàng móc vào tay xe đạp, xe máy, cũng không nhiều, vài ký thịt, vài ký tôm, mấy bó rau… giá đắt gấp đôi, gấp ba ngày thường. Dây thịt ba rọi dày mỡ, tôm bơm nước và cân thiếu, rau héo xèo… Vừa mua bán vừa lo bị bắt nên đưa thứ nào, trả tiền rồi mau mau mạnh ai nấy tản đi. Không thể xem hàng, không chọn lựa, trả giá. Nói chung có ít rau cỏ thịt thà mang về là tốt rồi,
Một số người có thực phẩm từ quê gửi lên, cũng nhân tiện bán cho hàng xóm nhân lúc thực phẩm khan hiếm. Hay chịu khó chạy vào ngõ hẻm chào mời khách quen dặn mua khoai tây, cà rốt, cá điêu hồng… Dĩ nhiên giá đắt nhưng ai cũng hiểu kiếm được nguồn hàng đâu có dễ
Trứng ngày thường 25- 30 ngàn/một chục nay lên 45- 50 ngàn đồng. Đường cát trắng 20 ngàn/kg nay lên 30 ngàn, mì chay ăn liền lúc trước 2.500, 3.000 một gói, nay tăng lên 7.000 đồng, cá bạc má 60 ngàn/kg lên 120…
Cửa hàng góc phố bán valy túi xách, nay bán các loại rau. Rau ăn lá buộc lạt từng bó, cà rốt, khoai tây… thành từng bịch 1 kg. Mỗi bó, mỗi bịch từ 40 đến 50 ngàn đồng. Không còn giá vài ngàn, mười mấy ngàn đồng nữa, mà là vài chục ngàn. Cái bàn máy may chuyên sửa quần áo cũ đầu hẻm cũng dẹp đi thay bằng thùng trứng, rổ chanh, gừng, sả…
Giá cao cũng có nguyên nhân. Lệnh giãn cách nghiêm ngặt tới mức ngay cả nông dân cũng không thể ra ruộng gặt hái. Rau quả hoa trái… đầy đồng không thể lên tỉnh. Sầu riêng vùng Tây nguyên hư hỏng đầy trong kho. Mùa Vu Lan nhưng hoa Đà Lạt chất đống chờ khô để đốt. Vì thiếu các loại giấy tờ di chuyển, rồi bao nhiêu chi phí: tiền test, ăn uống chờ chực dọc đường… Người bán kêu có được ít hàng để bán trầy vi tróc vảy, qua bao nhiêu đường đi nước bước mới đến chỗ bán lẻ nên không thể không giá cao.
Ngại sắp hàng cả buổi ở siêu thị thì ra tiệm tạp hóa. Tiệm mở hé cửa cầm tờ giấy mà khách hàng đặt mua đứng xếp hàng cách nhau cả mét rồi khép cửa lại ngay vì truyền miệng nếu bị bắt tại trận mở cửa bán hàng sẽ phạt 20 triệu. Lát sau tiệm thò tay ra 1 bịch đủ mấy thứ lặt vặt nói luôn tổng số tiền, chẳng biết từng món giá cả thế nào.
Ở nhà buồn tình chẳng biết tiêu dao thì giờ ra sao. Bèn đăng ký học Anh văn online. Cô thạc sĩ mới tốt nghiệp tiếng Anh phiên dịch, dạy online từ sáng sớm đến tối mịt ba lớp khác nhau, từ trẻ con đến người đi làm kiếm được 20 triệu mỗi tháng.
Anh shipper chạy hàng cho GoSend kể mùa dịch kiếm khá hơn ngày thường: “3 tháng mùa dịch, mỗi tháng, tôi được công ty cho 1 triệu đồng. Phường cho 1,5 triệu. Suốt ngày chạy giao hàng cũng kiếm được khoảng 700 ngàn. Từ hôm giãn cách chỉ được chạy trong quận, thì giá cước tăng lên gần gấp 3. Như khoảng 2 cây số hồi trước giá 20 ngàn thì nay 50 ngàn vì nhiều đường ngang bị rào kẽm gai. Phải chạy vòng vèo trong hẻm nên đường dài ra”
Không phải ai cũng tốt số như trường hợp trên. Một anh shipper mang thùng bơ từ quận này sang quận khác bị phạt 2 triệu vì bơ không phải là “hàng hóa thiết yếu”. Anh khác giao cục sạc điện thoại cũng bị phạt. May mắn thì được công ty bồi hoàn, không thì ngậm ngùi móc tiền riêng ra.
Thấy tình hịnh bệnh tật, chết chóc gia tăng, ai nấy cũng lo đi chích ngừa. Người đi làm chích theo cơ quan, công ty, trường học… Thường dân thì chờ chích theo nơi cư trú phường, xã… Chỗ chích cộng đồng đặt ở nơi rộng rãi sân trống, chung cư chẳng hạn, để mọi người có chỗ ngồi chờ cách khoảng nhau theo quy định.
Sốt ruột đợi hoài chưa thấy đến lượt kêu đi chích hoặc muốn lựa chọn loại vaccine theo ý thích riêng của mình, một số người rỉ tai nhau tìm đến “cò”. Giá thông thường khoảng từ 1 đến 3 triệu đồng, có thể lên xuống chút tùy theo cò thông báo thuốc còn nhiều hay ít.
Cò thiên hình vạn trạng. Một giáo viên nhờ làm tổ trưởng nhóm chích được tổ chức ở ngay trong sân trường mình bèn dẫn cả gia đình nội ngoại đến chích thay vì chờ hoài không biết khi nào chính thức được gọi. Những trường hợp khác lợi dụng mối quen biết để kiếm ăn, ngay cả ông bảo vệ cũng có thể tìm ra người muốn chích ngay để kiếm một số tiền. Ông cán bộ trật tự đô thị thì hoạt động mạnh hơn khi ra giá dịch vụ khác nhau tùy loại thuốc. Thuốc Mỹ giá cao nhất, Thuốc châu Âu bị cho là kém giá trị hơn, không cần phải chạy chọt mua bán. Chọn chích ở bệnh viện giá cũng cao hơn khi người ta cho là lỡ có shock thuốc thì bệnh viện chữa trị kịp thời hơn chích ngoài sân trường không được cấp cứu đúng. Vì thế những người có bệnh mãn tính đều phải chích ngừa ở bệnh viện. Đọc thêm
Đó là những đường dây rỉ tai, dù sao cũng có phần kín đáo truyền miệng mách nhau chứ có một bà cò, chắc là không tìm được nhiều khách nên đã quảng cáo công khai trên facebook với giá từ 2 đến 4 triệu đồng/1 liều và đã tổ chức trót lọt cho 21 người đi chích, bỏ túi gọn ơ 60 triệu đồng.
Ở Hà Nội, mặc dù có lệnh, nhưng nếu ai lót tay từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng thì được gài tên vào danh sách nhân viên của các cơ sở kinh doanh trong phường. Giấy hẹn được sắp xếp và lịch tiêm chớp nhoáng “nay đặt lịch, mai tiêm luôn” khỏi mất công chờ đợi.
Sở dĩ cò “chạy” tiêm được dễ dàng do mỗi đợt tiêm chủng ở bất kỳ đâu, người có tên chính thức trong danh sách tiêm chủng bận thình lình chưa đến được hoặc mắc bệnh nên không thể tiêm ngay. Vì thế luôn dư ra một số lượng vaccine.
Người bỏ tiền ra thì an ủi: “Bao nhiêu thì bao. Còn người thì còn của!”
Từ lúc mắc vào con virus Corona đến lúc… chết, nhanh lắm. Người một tháng, người chỉ một vài ngày… Như mọi bệnh khác, có bệnh thì vái tứ phương. Trong lúc đợi kết quả của thuốc tây, thuốc gì nghe quảng cáo bùi tai là người ta mua ngay. Do đó xuất hiện đủ mọi loại thuốc quảng cáo chữa được Covid-19 (!). Từ xuyên tâm liên, bạch địa căn, sirô Dưỡng âm bổ phế… đều được chú ý chắc là với tâm lý không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang.
Nhân cơ hội, một người đàn ông ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã pha trộn những thứ gì không biết để sản xuất ra hàng trăm ngàn viên thuốc tây giả các loại, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường giúp điều trị bệnh Covid-19 mang tên Terpincodein, Neo- Cordion, Augmentin… Thuốc giả dĩ nhiên không thể trị khỏi bệnh mà hơn nữa, do không chữa kịp thời, có khi còn đẩy bệnh nhân mau …“đi” hơn.
Không nặng như thuốc chữa bệnh nhưng cũng dễ gây nhiễm bệnh là khẩu trang giả. Hà Nội thu 100 thùng với 17.100 khẩu trang y tế giả nhãn hiệu 3M (Mỹ). Đáng chú ý là nhãn hiệu này đã đăng ký bảo hộ tại VN. Trước đó, một công ty ở Sài Gòn chuyên sản xuất, phân phối khẩu trang y tế cho thị trường trong và ngoài nước cũng bị tịch thu 151 ngàn khẩu trang giả nhãn hiệu 3M… Khẩu trang bây giờ là thứ bắt buộc mỗi người phải dùng nên món hàng giả này chắc chắn tiêu thụ rất chạy.
Đề phòng dịch bệnh, trong lúc chờ đợi nhà nước xét nghiệm sợ lâu, bệnh không trở tay kịp, nhiều gia đình hiện nay đã mua một số dụng cụ y tế để tự xét nghiệm Covid-19 như: bộ kit test nhanh, máy đo nồng độ oxy trong máu… Vậy là hàng lậu lại lẳng lặng vào VN qua đường xách tay. Nói chung hễ có cầu là có cung.
Lệnh giãn cách xã hội buộc mọi người ở yên một chỗ, nhà ai nấy ở. Các chốt kiểm soát được mở ra dày đặc khắp nơi để hạn chế người dân ra đường. Dù sao trong thực tế, vẫn có nhiều người với rất nhiều lý do muốn đi từ chỗ này qua chỗ khác.
Nghệ An lập 14 chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ ra vào và 25 chốt phường, xã lưu động. Thế nhưng một thanh niên vì thông thạo địa hình, đã đưa người theo các lối mòn nhỏ tránh chốt luồn vào thành phố Vinh để kiếm 50 nghìn đồng/người. Dù sao trong cảnh đường phố vắng hoe vắng ngắt thì “dịch vụ” này đã mau chóng bị phát giác.
Tại Bình Dương, hiện có hàng ngàn chốt kiểm soát. Hầu như mỗi phường, mỗi khu phố… đều có chốt. Vì thế chỉ có những chốt lớn mới có cảnh sát, còn nhiều chốt nhỏ có các thành phần khác nhau và tình nguyện viên. Một nhân viên giao hàng gặp chốt kiểm soát. Khi thấy giấy xét nghiệm Covid-19 của anh nhân viên quá hạn và có dấu hiệu bị tẩy xóa, một nhân viên dọa “có thể ở tù” rồi đòi “chung” 2 triệu đồng. Anh nhân viên buộc phải chuyển khoản ngay và được hứa hẹn đi qua những chốt sau sẽ không bị kiểm tra nữa.
Đi lại các nơi giai đoạn này buộc phải có một loại “giấy thông hành” nào đó. Tại chốt chống dịch ở Hà Nội. Ba thanh niên khai đã mua 9 giấy đi đường với giá 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ (!)…
Các chốt kiểm soát rất quyền lực và một số người khó lòng bỏ qua ưu thế này.
Hiện nay xe chạy đường dài chỉ ưu tiên chở hàng hóa thiết yếu. Những loại xe đặc biệt này được đăng ký chạy liên tỉnh suốt ngày đêm, bớt kiểm tra tại các chốt kiểm soát. Thế là bà chuyên viên Tổng cục Đường bộ được quyền cấp thẻ ưu tiên, đã móc nối với một số người xin duyệt để cấp trái phép cho hơn 1.000 hồ sơ xe ô tô, hưởng lợi hơn 200 triệu đồng.
Trong mùa dịch té ra vẫn nhiều đường kiếm ăn…
SGCN