Biến thể Delta có làm lung lay vị thế “công xưởng sản xuất” của Việt Nam?

Biến thể Delta đang gây ra sự tàn phá ở TP HCM, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng của các thương hiệu toàn cầu, tờ Financial Times nhận định.
Công nhân tại công ty Hansoll Vina cách ly tại nhà máy. (Ảnh: vov.vn)Tờ Financial Times (FT) hôm 31/8 đã đặt ra câu hỏi, liệu biến thể Delta có làm lung lay vị thế mới nổi của Việt Nam như một công xưởng sản xuất mới trong khu vực, khi số ca nhiễm tăng vọt đã làm đình trệ các hoạt động xã hội, sản xuất trong nhiều tháng. Hơn 85.000 doanh nghiệp cũng đã rời khỏi thị trường chỉ trong 8 tháng đầu năm 2021.

Khi virus corona lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 1 năm 2020, giới lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện một trong những chính sách ngăn chặn thành công nhất trên thế giới. Các quan chức đã ví chiến dịch dập tắt COVID-19 giống như chiến đấu trong một cuộc chiến tranh, với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”.

Bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và một hệ thống theo dõi và truy vết toàn diện, được hỗ trợ bởi các công cụ thực thi pháp luật rộng khắp, vào giữa năm, Việt Nam đã có thể dập tắt các đợt bùng phát mới.

Thành công rõ ràng của Việt Nam trong việc khôi phục hoạt động kinh doanh như thường lệ đã củng cố khả năng chào đón các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã nổi lên như một giải pháp thay thế ít gặp khó khăn về địa chính trị hơn so với Trung Quốc.

Tuy vậy, một năm sau, biến thể Delta đã khiến số ca nhiễm tại Việt Nam tăng kỷ lục với hơn 10.000 trường hợp mới mỗi ngày, khiến người ta phải đặt ra hoài nghi về tương lai của một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu châu Á.

Nikkei Asia hiện xếp Việt Nam ở vị trí cuối cùng trong Chỉ số Phục hồi COVID-19 cùng với các quốc gia Đông Nam Á khác.

Đợt bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề nhất ở TP HCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam, nơi các nhà chức trách đã thực thi lệnh giới nghiêm 12 giờ, cấm hầu hết các hoạt động di chuyển và triển khai hàng nghìn quân nhân đến để hỗ trợ.

Việc các thương hiệu như Nike và Adidas đã bị gián đoạn hoạt động cho thấy vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Toyota cũng đã thông báo ngừng sản xuất trên 27 dây chuyền tại 14 nhà máy ở Nhật Bản vì tình trạng thiếu các bộ phận được sản xuất ở Đông Nam Á – chủ yếu là Việt Nam và Malaysia, nơi cũng đang phải vật lộn với sự gia tăng của các ca nhiễm mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng chính phủ mới của mình đang gấp rút đảm bảo vắc-xin cho người dân, cũng như đưa nền kinh tế đi đúng hướng.

Với chiến lược đưa số ca nhiễm về 0 không còn khả thi, hiện phần lớn trọng tâm của Hà Nội là ngăn chặn sự lây nhiễm và cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số công ty đang áp dụng mô hình “ba tại chỗ” để nhân viên nhà máy làm việc, ăn và ngủ tại nơi làm việc. Tuy vậy, điều này cũng gây khó khăn cho nhân viên và gây tốn kém cho các công ty.

Trong một lưu ý với khách hàng vào tuần trước, VinaCapital cho biết các công ty sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp hơn như may mặc, giày dép hoặc đồ nội thất “gặp khó khăn để có thể duy trì sản xuất”. Quỹ này lưu ý rằng xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam đã giảm trong tháng 8 và cho biết sự sụt giảm, kết hợp với việc tiêu thụ cũng giảm, có khả năng “kéo lùi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam” trong năm nay.

Theo lãnh đạo của bộ phận Kiểm soát Rủi ro, một số nhà máy ngại nhận đơn đặt hàng mới vì họ lo lắng sẽ không thể hoàn thành nếu không có đủ công nhân. Tuy nhiên, người này cho rằng sự gián đoạn có thể chỉ là vấn đề ngắn hạn vì Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài so với các nước khác ở châu Á.

Câu hỏi lớn đặt ra hiện tại là là liệu Việt Nam có thể kiềm chế cuộc khủng hoảng đủ nhanh để có thể tránh được việc các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy hay không. Ở thời điểm hiện tại, chưa có các dấu hiệu thoái vốn công khai. Tuy vậy, nhiều ý kiến đang lo ngại rằng nếu việc thực hiện giãn cách tiếp tục kéo dài qua ngày 15/9, dòng vốn FDI sẽ rời bỏ Việt Nam.

Trả lời truyền thông trong nước, bà Dorsati Madani – chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận xét rằng việc dòng vốn giảm trong ngắn hạn là bình thường, khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế phục hồi thì dòng vốn FDI sẽ tăng trở lại. Bà nói các nhà đầu tư vẫn có niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam và kỳ vọng sẽ phục hồi bật trở lại tốt trong thời gian tới. Bà cho rằng thách thức của Việt Nam là phải nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh để giữ chân các nhà đầu tư.

Thanh Thủy (theo FT)

Related posts