Nguyễn Thành Phong
Rất nhiều người, trong ngày hôm nay, đã chia sẻ trên trang của mình tình cảm, lòng ngưỡng mộ và thái độ kính trọng đối với nhà văn Nguyên Ngọc nhân dịp ông tròn 90 tuổi.
Không nhiều văn nhân, nhà khoa học, nghệ sỹ ở nước ta đã và sẽ nhận được tình cảm mọi người dành cho mình với sắc thái như trường hợp Nguyên Ngọc.
Hỏi đâu là một hình mẫu điển hình đáng kính trọng nhất của trí thức, thì đó chính là nhà văn Nguyên Ngọc.
Người trí thức mẫu mực chính là người dùng được tài năng và nhận thức của mình đóng góp vào thành công của đại nghiệp dân tộc. Và trong trường hợp thất bại, thì bằng câu chuyện về số phận của đời mình, mang đến cho hậu thế những bài học, ngõ hầu giúp họ “sáng mắt ra” để có thể tiến bộ trong cải biến đại nghiệp sau này.
Nguyên Ngọc có cả thành công và thất bại. Thành công và thất bại của ông cũng chính là thành công và thất bại của đại nghiệp dân tộc.
Các đại nghiệp ở nước ta từ sau 8/1945 đến nay chính là ba cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc và công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ hậu chiến.
Chiến tranh chống Pháp là bảo vệ độc lập. Chiến tranh chống Mỹ là giành lại thống nhất. Đây là hai đại nghiệp thành công. Nhà văn Nguyên Ngọc đã là một trí thức góp phần quan trọng vào thành công chung ấy. Trong chống Pháp, ông có “Đất nước đứng lên”, trong chống Mỹ, ông có “Rừng xà nu”, “Đường chúng ta đi”…
Khỏi cần phải phân tích những tác phẩm ấy đã khích lệ, đã vun bồi vào tinh thần của nhân dân ta trong hai cuộc chiến tranh lừng lẫy đã qua.
Sau năm 1975, đất nước đã phải đối đầu với cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc, rồi bị khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài trong kinh tế và xã hội. Việc xử lý xung đột, dẫn đến đối đầu với Trung Quốc và mất 10 năm ở chiến trường Campuchia, chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục minh định. Cùng với đó, là bao nhiêu những tha hóa từ lớp lãnh đạo cao cấp cho đến mặt bằng xã hội chung diễn ra từ âm thầm cho đến phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và tha hóa hiện nay.
Rất may mắn là hiện nay, đất nước đã có những thành tựu. Nếu chúng ta, ngay từ sau khi kết thúc chiến tranh, đã biết lắng nghe tiếng nói của những bậc thức giả, biết dẹp đi những kiêu ngạo và chủ quan, không bị trượt dài trên con đường duy ý chí, đừng quá tự tin, biết chú trọng việc xây dựng văn hóa nhân bản, thì đã không bị lãng phí quá nhiều thời gian và thành tựu của đất nước cũng không khiêm tốn như hiện nay.
Không lâu sau 1975, một số nhà văn đích thực, như Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… đã rất ưu tư và trăn trở về những vấn đề nói trên. Trong khi khắp nơi reo vang chiến thắng, tìm nhiều cách để xưng tụng chiến công trong quá khứ và một mặt thì đối xử rất nghiệt ngã với bên thua cuộc để đảm bảo chắc chắn không có thể dẫn đến nguy cơ đe doạ quyền lực của mình, mặt khác thì quá tự tin vào mình trong một công cuộc hoàn toàn mới mẻ, thì người trí thức ấy đã nhìn ra những nguy cơ. Nguyên Ngọc đã từ thực tế ở Campuchia, ở Sài Gòn và những nơi khác, thấy rất nhiều tín hiệu cảnh báo…
Nguyên Ngọc muốn văn chương lên tiếng. Ông muốn cải tổ Hội Nhà văn để làm điều ấy. Rồi sau đó, khi làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, ông đã tập hợp được một số nhà văn đi đầu để lên tiếng trên tờ báo này…
Nhưng công cuộc lên tiếng của ông và một số nhà văn đồng chí hướng đã thất bại. Họ là số ít so với các nhà văn đang rất thú vị nhấm nháp thành quả của chiến tranh và tiếp tục tìm cách xưng tụng chiến công trong quá khứ hơn là lo lắng cho tương lai… Nguyên Ngọc đã không được đa số đồng nghiệp tôn vinh và ủng hộ.
Một số nhà chính trị cao cấp nhận thấy và tâm đắc với ông. Nhưng họ cũng là thiểu số, rất thiểu số, bị cô lập dần rồi bị hạ bệ…
Như vậy, ở giai đoạn sau, Nguyên Ngọc và những trí thức đồng chí hướng với ông, đã thất bại. Một phần là do các ông và các nhà chính trị ủng hộ các ông chưa đủ tỉnh táo và cơ mưu để giữ mình, để tạo lập vị thế cho mình mà khai triển tư tưởng. Một phần lớn nữa, có lẽ là do thời thế, là số phận dân tộc này chưa được hưởng phúc lớn. Buồn cho các trí thức như ông thì ít mà buồn cho đại nghiệp là rất nhiều!
Những gì đã qua thì không thay đổi được, nhưng mong là trong tương lai, lớp hậu thế sẽ học được bài học sâu sắc từ thất bại này.
Vào tuổi 90, nhà văn Nguyên Ngọc, qua bao thành bại đời mình, vẫn đang tiếp tục làm việc và trăn trở. Ông vẫn là người đồng hành với thời cuộc bằng việc vun đắp văn hóa, văn chương và xúc cảm tích cực cho thế giới tinh thần của chúng ta. Vì thế, mà ông xứng đáng nhận được rất nhiều tình cảm biết ơn của chúng ta.