Du Uyên
– Em đã đóng góp cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của quê hương.
– Em rời khỏi quê hương
Hôm trước khi toàn thành phố giới nghiêm, không ai được ra đường. Tôi kịp mua tặng hai cái tủ lạnh và hai cái bếp điện cho một khu trọ, nhưng tôi cảm thấy áy náy vô cùng vì hai cái tủ lạnh, hai cái bếp điện để trữ và nấu đồ ăn cho hơn mười gia đình nhỏ là điều khó khăn. Lúc bình thường, với họ thì cái tủ lạnh, cái bếp điện (hay bếp gas) là thứ xa xỉ và không cần thiết, vì họ là công nhân lương thấp hoặc sinh viên xa quê, đi làm hai ba việc một ngày đâu có ở nhà. Chỗ ở chỉ là nơi để ngủ và vệ sinh cá nhân, có khi “căn phòng” của họ chỉ thuộc diện tích cái giường tầng… Việc có tủ lạnh là việc không cần thiết và gây thêm tốn kém, nên khi bình thường mà tặng tủ lạnh hay bếp điện giống như việc tặng tổ yến cho người vô gia cư vậy.
Nhưng giãn cách mấy tháng trời, người giàu cũng cực khổ vì chuyện thiếu thốn đồ ăn, những người nghèo đã khó khăn trong việc tìm đồ ăn mà không có tủ lạnh trữ thì càng khổ. Tôi từng ước còn tiền để mua cho mỗi nhà một cái tủ lạnh, nhưng giật mình tự hỏi: có tủ lạnh rồi thì họ có đồ ăn để trữ không? Có đồ ăn trữ rồi thì họ có tiền để đóng tiền điện mỗi tháng không? Càng nghĩ, tôi càng thấy mình thấy… rối.
Hoặc mới hồi chiều, khi đứng trên ban công, nhìn xuống những người vô gia cư, người nghèo khổ đang bơ vơ giữa đại dịch, lấy đất làm nệm, lấy trời làm mền. Nếu trong phim hay trong một buổi cắm trại nào đó thì thật là lãng mạn, nhưng họ sống suốt nhiều năm như vậy, ngày thường còn được cho chút tiền, chút thức ăn bởi những nhà hảo tâm đi ngang qua đời. Giờ người làm từ thiện chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp đều bị nhốt, thì họ biết sống thế nào? Tôi đã ước mình có thể xây cái nhà cho họ trú nắng mưa. Nhưng đời thường không như là mơ, chắc gì khi giàu lên tôi còn nghĩ vậy? Chắc gì một căn nhà là đủ cho những nhu cầu của người sa cơ?…
Sài Gòn đang bắt đầu mùa mưa, ở Thủ Ðức còn có mưa đá – từ khi tôi sanh ra tới giờ, lần đầu thấy việc này xảy ra tại Sài Gòn. Bởi vậy, tối tối nghe ông trời “gầm gừ”, tôi lại ước trời đừng mưa nữa. Tôi lo cho những người vô gia cư ngủ ở bờ kênh trước nhà hay ở bất cứ con đường nào ở Sài Gòn, những người ở các khu “ổ chuột”, tôi sợ khu trọ kia ngập, nước tràn dzô chỗ để hai cái tủ lạnh… Ðầu tôi cũng hiện lại những hình ảnh người bệnh đau đớn, chen chúc ở các bệnh viện mà những người bạn làm nghề bác sĩ đã đăng lên
Nhiều bệnh viện tại Việt Nam, lúc không có cúm Vũ Hán đã là địa ngục – cảnh người bệnh chen lấn, nằm dưới nền nhà, ngoài hành lang được coi là bình thường, tình trạng hai ba người bệnh một giường ở bệnh viện ung bướu cũng được nhiều người coi là chuyện bình thường – bất cứ trang báo chính thống nào cũng từng có bài viết về tình trạng này. Thì nay, đại dịch tới, nền y tế quá tải, y bác sĩ lẫn diện tích các bệnh viện đều kiệt sức trước lượng bệnh nhân tăng cao, rất ít người ngạc nhiên trước cảnh người bệnh phải nằm tràn ra sân bệnh viện được che chắn tạm bợ.
Vì quá hiểu và quen, mà nhiều người dân ở Sài Gòn đã phải bất chấp bị phạt (vì không có giấy đi đường), phải lật đật chạy tới các bệnh viện đưa người thân đang bệnh nặng về nhà chăm sóc trước ngày thành phố “giới nghiêm” 24/24, không ai được ra đường kể cả mua đồ ăn (trừ người được chính quyền cho phép). Họ chỉ mong người thân mình được sống sạch sẽ và thoải mái hơn, cho dầu ở nhà không có bác sĩ, không có dụng cụ y tế hiện đại, nhưng họ vẫn yên tâm hơn là “giao” người thân cho bệnh viện đang quá tải… Nắng nóng còn ráng chịu chứ mưa dầm thì sao chịu nổi?
Mà mưa thì vẫn mưa, trông mong của tôi đâu cản được thời tiết. Nhìn những cơn mưa xuyên đêm, những dòng tin hiện lên ở các group kêu cứu mùa dịch trên mạng xã hội, chưa bao giờ, một thị dân của thành phố giàu có bậc nhất Việt Nam như tôi cảm nhận rõ sự kiệt quệ và đau khổ của đồng bào mình đến vậy! (Trong cái rủi có cái may, mưa dai dẳng nhưng sáng hôm sau không ai than phải chen chúc, lặn ngụp giữa các con sông “tự phát” giữa đường nữa, tại hơn 90% người dân đã bị buộc ở nhà rồi. Báo chí cũng có nhiều tin “hot” để đăng hơn là tin “ngập lụt” quen thuộc. Tính ra, cúm Vũ Hán “trị” đường ngập “hiệu nghiệm” hơn nhiều công trình chống ngập ngàn tỷ.)
Cúm Vũ Hán không chỉ “khiến” đường phố Sài Gòn “hết ngập” trên báo, mà còn khiến cho tôi đỡ… ngu ngốc, vì ở nhà miết, siêng đọc và siêng viết hơn. Tôi dần nhận ra mình ngớ ngẩn khi trách bản thân không thể giúp quê hương “xóa đói giảm nghèo”, khi mơ mộng trời bớt mưa cho người bệnh, người vô gia cư bớt khổ.
Vì việc “xoá đói giảm nghèo cho quê hương” đâu phải việc của riêng tôi, đó là việc của cả xã hội, quan trọng nhất là những người có quyền điều hành kinh tế của đất nước này. Họ có thể làm những việc mà tôi muốn làm nhưng không có quyền làm (như trả cái lư hương về trước tượng đài Trần Hưng Ðạo tại công trường Mê Linh, như xây nơi cưu mang những hoàn cảnh sa cơ, như không ngăn sông cấm chợ để hàng hóa lưu thông, như nâng cao phẩm chất giáo dục/đời sống người dân và cả dân trí, như thân với Mỹ và nghỉ chơi với Tàu…), họ cũng buộc phải có kiến thức hơn tôi để làm những việc mà tôi chưa nghĩ đến, không nghĩ ra – để cho kinh tế xứ “rừng vàng biển bạc” như Việt Nam ta vượt qua xứ Tân Gia Ba, một đất nước giàu có nhưng chỉ sống nhờ 100% hàng nhập cảng.
Ðiều gì khiến cho cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhìn về Sài Gòn và mơ ước Tân Gia Ba sẽ được như Sài Gòn? Ðiều gì để cho Sài Gòn giờ đây nhìn Tân Gia Ba như một chú lùn nhìn kẻ khổng lồ? Ðó là trách nhiệm của người ngồi ghế “chính quyền”, vì họ đại diện cho tôi và hàng trăm triệu “đồng hương” của tôi, họ cũng sống bằng thuế của tôi và trăm triệu đồng bào.
Cầu mong trời đừng mưa, thật ngu ngốc. Thay vì trông đợi sự “hồi tâm chuyển ý” của “ông trời” trước cơn mưa, sao tôi không trông đợi vào con người? Tại sao thành phố lớn như vậy mà không đủ chỗ để người vô gia cư trú mưa, ngủ tạm? Tại sao đất nước này nhiều tượng đài ngàn tỷ, nhiều cổng chào vô nghĩa vậy mà ngành y tế lại kiệt sức trước khi dịch đến, người bệnh đã phải nằm đất trước khi “quen biết” con virus đến từ Trung Cộng?
Ðất nước nghèo, dân trí thấp, đường biến thành sông đâu phải do tôi hay ông trời… Mới đây, hình ảnh một ông cụ ngồi lắc lư sau lưng người con trai trên chiếc xe gắn máy, người con dù đi thật chậm và cố níu cha mình mà vẫn không giữ vững nổi (vì người già yếu khả năng cầm nắm lẫn nhận thức), chiếc xe loạng choạng đến mức cả hai cha con suýt té. Ðược người ta thi nhau share với bao lời đạo lý, ca thán, chê trách đại dịch, nhưng tôi nhìn vào hình ảnh đó chỉ nhìn thấy mong cầu của một người con: muốn đấng sinh thành sống tốt hơn là ở lại trong cái bệnh viện quá tải, ngột ngạt phía sau lưng – vì sau ngày giới nghiêm toàn thành phố, anh không thể lên bệnh viện mỗi ngày chăm cha. Tôi chỉ thấy sự bất lực trong chính sách của những người cầm quyền trước đại dịch. Tôi chỉ thấy giữa thế kỷ 21, sao con người ta khổ quá!
Tôi không biết những người hữu trách có cha mẹ già không? Có quen biết ai ở trong những khu trọ nghèo “không có mồng tơi để rớt” không? Có nhìn thấy những người vô gia cư đang đói lả từng ngày khi không còn biết tìm đâu ra nguồn sống? Có biết ai đang bị cúm Vũ Hán dằn vặt mà không có Oxy để thở không? Sao họ có thể ra những công văn/quyết định/mệnh lệnh gây khó khăn cho cả những người giàu có? Làm kiệt quệ luôn những kẻ có khả năng xây dựng đất nước, xóa đói giảm nghèo – rất nhiều công ty vận chuyển, công ty sản xuất/xuất cảng đóng cửa, phá sản vì những quy định bất hợp lý từ họ. Không những cấm cửa nền kinh tế, chính quyền cấm cửa luôn lòng tốt giữa người và người – khi chính họ không lo hết được đời sống cơ bản cho toàn dân nhưng lại không chịu phát giấy đi đường cho người làm thiện nguyện, người chở oxy 0 đồng, những shipper chuyên vận chuyển hàng hóa…
Chắc không có thành phố nào trên địa cầu mà người làm thiện nguyện phải viết “đơn xin cấp giấy ra đường” nhiều như ở Sài Gòn – Việt Nam trong mùa đại dịch này. Ðọc những câu họ viết, họ than thở mà tôi buồn quá. Buồn cho những người đang cần họ giúp, buồn cho họ và chính tôi. Xin kết thúc bài này bằng hai «tờ đơn online» từ một «bếp cơm 0 đồng» và một «trạm oxy 0 đồng»:
“Ðơn xin cấp giấy đi đường – Mục đích: nấu cơm từ thiện. Kính gởi ông trời: Con làm đơn này xin được cấp giấy đi đường cho các bạn từ nhà đến bếp con, để nấu cơm từ thiện phục vụ bà con khó khăn và các tình nguyện viên chống dịch tuyến đầu mùa COVID-19. Con đọc báo thấy Mật trận tổ quốc (MTTQ) cấp giấy nên con đã liên lạc từ phường tới quận, thành phố, hỏi thăm đủ chỗ quen biết. Cuối cùng tới MTTQ quận, được hướng dẫn rất nhiệt tình là lên MTTQ thành phố xin giấy đi đường. Thực tình hôm nay mà lên MTTQ thành phố thì khác nào đường đi lên ông – vì muốn ra đường phải có… giấy đi đường. Nên con gởi đơn này lên ông cho nó tiện vì con thân với ông hơn chính quyền thành phố. Kính mong ông xem xét giúp đỡ giùm con Con xin chân thành cám ơn!”
“Ðơn xin cấp giấy đi đường – Mục đích: Hỗ trợ Oxy 0 đồng. Kính gởi ông trời: Xin ông trời và quý cư dân mạng giúp Trạm Oxy của chúng tôi được tiếp tục hỗ trợ bà con! Trạm cần giấy đi đường theo mẫu mới từ cấp thành phố cho tài xế và tình nguyện viên giao-nhận để cấp cứu miễn phí.
Mấy hôm nay, ngày nào cũng là một ngày khá vất vả với toàn bộ đội ngũ Trạm Oxy 0 đồng chúng tôi. Các đường phố rất khó di chuyển. Và các anh em tài xế cũng phải giải trình nhiều khi đi lại, nhưng người bệnh họ không thể nhịn thở để đợi được.
Mong mọi người có thể cùng giúp Trạm và bà con…
Thương Sài Gòn vô cùng!”
Vài tiếng sau, trạm Oxy cùng bếp ăn từ thiện trên (và nhiều nơi khác) cùng đăng lên thông báo: tạm nghỉ chờ… cấp giấy. Bà con nghèo, tình nguyện viên, y bác sĩ cùng người bệnh thông cảm, nghỉ thở – nhịn đói mấy bữa, chờ chính quyền suy nghĩ lại…