Theo Chủ tịch EuroCham, nếu Việt Nam tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội tại các địa phương thêm 2 – 3 tháng hoặc lâu hơn, khiến chuỗi cung ứng đứt đoạn, các giải pháp cho việc triển khai kém hiệu quả, thiếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, việc thực hiện ở các địa phương hiện còn nhiều bất cập,… thì việc doanh nghiệp nước ngoài rời đi “hoàn toàn có thể xảy ra”.
Trong buổi họp báo trực tuyến tối qua (ngày 9/9) giữa các cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Alain Cany – Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho biết, 18% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước khác, 16% đang được cân nhắc nhưng hiện chưa có doanh nghiệp châu Âu nào rời khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, theo chủ tịch EuroCham, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2 – 3 tháng hoặc lâu hơn, chuỗi cung ứng đứt đoạn, các giải pháp cho việc triển khai kém hiệu quả, thiếu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, việc thực hiện ở các địa phương hiện còn nhiều bất cập,… thì việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi “hoàn toàn có thể xảy ra”.
Vì vậy, tại cuộc họp, Eurocham đã đưa ra nhiều kiến nghị gửi tới Chính phủ, gồm các ý chính sau:
- Các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đề nghị Chính phủ sửa mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đang khiến hầu hết doanh nghiệp khó khăn do mất thêm nhiều chi phí, hoặc gặp khó khăn trong việc muốn thay thế mới số công nhân đã ở lại nhà máy thời gian dài, hoặc vì xa gia đình lâu nên ảnh hưởng tâm lý người lao động dẫn đến ảnh hưởng năng suất, tiến độ của doanh nghiệp.
- Đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu.
- Sự bất cập trong các quyết sách giữa trung ương và địa phương dẫn đến các khó khăn liên quan tới chuỗi cung ứng, hậu cần logistics…
- Hiện giấy phép lao động của chuyên gia nước ngoài theo Nghị định 152 đang gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp EU tại Việt Nam đề nghị Chính phủ có chính sách cởi mở hơn với chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ 2 liều vaccine khi nhập cảnh vào Việt Nam…
Cũng theo Chủ tịch EuroCham, cùng với sự nỗ lực vận động, tìm nguồn vaccine từ các doanh nghiệp thuộc EuroCham thông qua đàm phán với các đại sứ quán, doanh nghiệp châu Âu ở nước sở tại, Việt Nam sẽ có thêm nguồn vaccine.
Ba ngày trước, thỏa thuận song phương của Đức cũng đã cung cấp 5 triệu liều, Pháp 700.000 liều.
Đến nay, Việt Nam đã có 10 triệu liều vaccine được EU cung cấp thông qua cơ chế COVAX. Tới đây sẽ có khoảng 3 triệu liều vaccine nữa được các nước châu Âu cung cấp thông qua cơ chế này hoặc tài trợ.