Một ông bộ trưởng Việt làm thay ba ông bộ trưởng Tàu

Lê Trọng Hiệp

Khởi tố cựu bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng - Ảnh 1.
Vũ Huy Hoàng

Ngày 10.7.2020 báo chí đã thông tin ầm ầm, đến ngày hôm sau Bộ Công an mới chính thức xác nhận: truy tố cựu Bộ trưởng Bộ Công thương (BC) Vũ Huy Hoàng, cựu Thứ trưởng BCT Hồ Thị Kim Thoa, cựu Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ Phan Chí Dũng.

Ba chức sắc cao cấp của một bộ bị truy tố cùng lúc, như vậy thì những sai phạm của bộ này phải là sai phạm mang tính hệ thống, từ trên xuống dưới.

Hãy bắt đầu từ cấp lớn nhất!

Bộ và ông Bộ trưởng

Bộ Công thương (BCT) được sáp nhập từ Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại theo nghị định 189/2007/NĐ-CP do Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 27.1.2008. Vũ Huy Hoàng là bộ trưởng đầu tiên, được bổ nhiệm giữa lúc đang làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn.

Vũ Huy Hòang sinh năm 1953, quê ở Hải Phòng, thời trẻ học tại Học viện Mỏ – Luyện kim Preiberg tại Đông Đức, trải nhiều chức vụ tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước rồi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2003 Hòang được “cơ cấu” làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, sau đó là Chủ tịch tỉnh, năm 2006 Hòang trở thành Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và đến năm 2008 được Nguyễn Tấn Dũng “chấm”, giao cho BCT.

Bộ này ra đời giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Để cứu vãn, Dũng quyết định tung ra “gói kích cầu kinh tế” trị giá 6 tỷ đô la Mỹ nhăm kích thích sản xuất trong nước, tạo công việc làm cho người Việt. Trách nhiệm thực hiện vụ kích cầu này thuộc về BCT thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Hoàng tất cả những dự án xây dựng lớn nhất đều lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc, mở đường cho vật liệu Trung Quốc tràn vào Việt Nam cùng với hàng vạn nhân công Trung Quốc,

Nói cách khác Hoàng và BCT đã góp phần vụ giải quyết nạn thất nghiệp cho nhân công Trung Quốc và giải quyết các lô hàng tồn kho tại Trung Quốc. Đó là chưa kể những hệ lụy an ninh lâu dài khi nhiều nhân công Trung Quốc bám chặt đất Việt bằng cách lấy vợ Việt, lập làng.

Việc này không chỉ diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính mà kéo dài cho đến khi Hoàng bị cách chức vào năm 2016.

Ngày 12.4.2014 báo Tuổi Trẻ đăng bài bình luận “Nhiều dự án tỉ USD vào tay nhà thầu Trung Quốc” của Cẩm Văn Kình, trích lời than vãn nhiều doanh nghiệp, chuyên gia: “Hàng loạt dự án tỉ USD rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc, chưa rõ chất lượng đến đâu thế nhưng tỉ lệ nội địa hóa gần như bằng 0% vì “họ đem cả bulông, ốc vít vào”.

Khi một nước mời gọi đầu tư, họ hướng đến hai mục tiêu mà mình cần: Thứ nhất là thu hút vốn, thứ hai là để thu nhận kỹ thuật mới. Có như vậy kỹ nghệ trong nước mới phát triển, và tạo thêm công ăn việc làm. Nhưng BCT của Hòang thì làm ăn hoàn toàn khác: mời gọi để TQ mang kỹ thuật lạc hậu của họ vào và giải quyết nạn thiếu việc làm của Trung Quốc, sử dụng cả những nhân công hoàn toàn không có tay nghề.

Một sự thể “oan nghiệt” khác là chủ trương phá hoại của Trung Quốc với cách làm ăn tráo trở và phỉnh gạt của thương lái nước này: tăng giá nông sản hay bất cứ thứ nào để dụ nông dân canh tác hay chăn nuôi, khi sản phẩm tràn lan thì ngưng, không mua nữa. Từ ốc bưu đến đỉa, từ mèo đến sừng trâu, từ đồng đen đến gỗ sưa, từ khoai mì khoai lang, dưa hấu, từ rong mơ đến rễ hồi, râu ngô non hay đọt khoai lang v.v…

Người dân đã bao nhiên lần ngậm đắng nuốt cay với những trò này và đầu tháng này lại tiếp tục ngậm đắng khi hàng loạt xe tải chở dưa hấu bị dồn ứ tại cửa khẩu Tam Thanh, khiến sau đó cả gà vịt cũng ngán cả việc ăn dưa hấu tại các vùng nông thôn.

Nhưng tội của Hòang còn lớn hơn thế: biến Việt Nam thành thuộc địa kinh tế của Trung Quốc.

Ngày xưa Thực dân Pháp có một bộ gọi Bộ Thuộc Địa để khai thác các thuộc địa Á – Phi một cách hiệu quả. Bộ này càng làm ăn tốt bao nhiêu thì chính quốc càng giàu lên bấy nhiêu trong khi các thuộc địa kiệt quệ bấy nhiêu, ngoại trừ những thành phần bán nước, tiếp tay thực dân, chỉ có chúng là giàu lên khi hưởng xái cơm thừa cá cặn.

BCT của Hòang chính là một bộ tương tự của.. Trung Quốc. Dù ăn lương do tiền thuế người Việt đóng nhưng dường như bộ của Hòang chỉ có công dụng duy nhất là giúp chính phủ Trung Quốc khai thác tài nguyên Việt Nam.

BCT làm ăn càng “hiệu quả” bao nhiêu, Trung Quốc càng hưởng lợi bấy nhiêu trong khi đất nước và con người Việt Nam kiệt quệ đi thấy rõ, chỉ trừ bộ sậu lãnh đạo trong cùng “nhóm lợi ích” ăn theo là phỡn phè và giàu lên.

Những câu chuyện trên chẳng có gì là mới mẻ cả và nó đã trở thành “chuyện thường ngày ở nước CHXHCNVN”. Từ các dự án khai thác nhôm đến xây dựng nhà máy nhiệt điện, thủy điện, lĩnh vực nào cũng bị Trung Quốc áp chế và hưởng lợi. Phía VN không chỉ thua thiệt mà còn phải gánh chịu những hệ quả trước mắt và lâu dài về mặt an ninh chính trị, quốc phòng, xã hội và môi trường.

Hậu quả nhãn tiền là “Bô xít Tây Nguyên”, hiện mỗi năm lỗ hàng trăm tỷ đồng,. Đó là chưa kể cái giá phải trả về môi sinh với thảm họa bùn đỏ!

Nhưng tội của Hoàng không chỉ nằm ở lĩnh vực kinh tế.

Một bộ Việt bằng ba bộ Tàu

Theo định nghĩa thì BCT có chức năng “quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại”. Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Hoàng, bộ này đã kiêm luôn ba chức năng: Bộ Lao Động & Xã Hội, Bộ Tuyên Truyền và Bộ Công An của… Trung Quốc.

Như đã nói ở trên, BCT dưới thời Hoàng đã thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết nạn thất nghiệp cho công nhân Trung Quốc, nó chính là Bộ Lao Động & Xã Hội của Trung Quốc,

Nhưng nó còn “dấn thân” để tuyên truyền cho chính sách và quyền lợi của Trung Quốc, đồng thời lại vu cáo, chụp mũ những người Việt Nam yêu nước!

Đầu tháng Năm năm 2009 nhà nghiên cứu Lê Tuấn Huy sống tại Sài Gòn đã lên tiếng báo động về trang web Việt Nam tuyên truyền cho Trung Quốc này, qua bản tin ngày 29.4.2009.

Lúc đó trang web này có địa chỉ [www.vietnamchina.gov.vn], do Bộ Thương Mại đăng bộ năm 2006, gọi là “Website Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Trung Quốc”, chính thức khai trương ngày 16.11.2006 tại Hà Nội trong chuyến viếng thăm “hữu nghị” của Hồ Cẩm Đào.

Việc khai trương này không phải tầm thường vì có sự hiện diện của Nông Đức Mạnh (tổng bí thư VN), Nguyễn Minh Triết (chủ tịch VN) cùng Hồ Cẩm Đào (tổng bí thư – chủ tịch TQ) và Bạc Hy Lai (Bộ trưởng thương mại TQ). Dưới trang web ghi rõ cơ quan chủ quản:

Bộ Thương Mại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Bộ Thương Mại nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa

Và đơn vị thực hiện:

Vụ thương mại điện tử – Bộ Thương Mại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Trung tâm Thương mại Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa

BCT thừa hưởng trang web này từ Bộ Thương Mại VN.

Nhưng nội dung của nó chỉ bị phanh phui vào đầu tháng Năm năm 2009 qua bản tin ngày 29.4.2009, liên quan đến chuyện Trung Quốc phản đối Việt Nam bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa:

Bà Khương Du nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa (cách TQ gọi Hoàng Sa) cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.

Lúc đó trang web này có hai địa chỉ, bằng tiếng Việt là [www.vietnamchina.gov.vn] và bằng tiếng Trung là [www.chinavietnam.gov.cn]. Nếu trang tiếng Trung, do phía Trung Quốc thực hiện trình bày quan điểm của Trung Quốc thì âu cũng là sự thường. Đằng này trang tiếng Việt, trên danh nghĩa là do BCT của VN (đã tiếp nhận Bộ Thương Mại), lại đưa thân ra bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc, phản đối quyền lợi của VN.

Trước đó, sau khi tàu Ngư Chính của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam vào giữa tháng Ba, trang web này bê nguyên xi bản tin của Tân Hoa Xã:

“Ngày 26, tàu “Ngư chính Trung Quốc 45001”, một tàu ngư chính lớn nhất của Quảng Tây đã thuận lợi đến đảo Vĩnh Hưng Tây Sa để triển khai hoạt động hộ tống tàu thuyền đánh bắt cá trên vùng biển Tây Sa.

Tin cho biết, trong hành trình diễn ra nửa tháng lần này, tàu ngư chính 45001 sẽ phối hợp với “tàu ngư chính 311 Trung Quốc” cùng thực thi nhiệm vụ hộ tống tàu thuyền đánh bắt cá, bảo vệ lợi ích hải dương nhà nước, tuần tra ngư chính tại khu đặc quyền kinh tế cũng như giám sát và quản lý trên vùng biển Tây Sa.

“Tàu ngư chính Trung Quốc 45001” đã có chuyến khởi hành đầu tiên tại Bắc Hải Quảng Tây vào tháng 3 năm 2001, đồng thời chính thức bắt đầu thực thi nhiệm vụ quản lý ngư chính trên khu đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của nhà nước Trung Quốc.”

Cách mà BCT đưa tin về lãnh tụ Việt Nam cũng đầy giọng khinh miệt, giống như là mẫu quốc nói với chư hầu. Thí dụ trong bản tin “Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt- Trung phát triển lên phía trước” trong bản tin ngày 9.4.2009:

 “Theo Tân Hoa xã : Ngày 8, trong buổi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh nói, Đảng và Chính phủ Việt Nam nguyện cùng Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt- Trung phát triển lên phía trước theo phương châm chỉ đạo “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.

Giữa hai người bằng vai bằng lứa thì chỉ có chuyện “cam kết”, “hứa hẹn”. Người ta chỉ nói “nguyện” khi hứa hẹn hay cam kết chuyện gì đó với bậc bề trên, thí dụ chàng trai nguyện với bố vợ tương lai là sẽ bảo đảm cuộc sống hạnh phúc cho con gái của họ!

Ông Nông Đức Mạnh đến gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, tuyên bố rằng đảng và chính phủ Việt Nam NGUYỆN sẽ cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác.

Những “bản tin” như thế khiến côngluận người Việt ở trong và ngoài nước đang xôn xao: làm sao chính phủ Việt Nam lại có thể để một trang web như vậy hoạt động?

Lúc đó một số nguồn tin cho hay sau khi khai trương “Website Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Trung Quốc” vào năm 2006, chính phủ Việt Nam đã tin tưởng phó thác cho Trung Quốc việc biên tập nội dung. Bộ Thương Mại Việt Nam (sau thuộc BCT) đứng ra đăng bộ tên miền (gov.vn) nhưng giao phó cho Trung Quốc việc biên tập để rồi sau đó mất quyền kiểm soát nội dung. Tin này cho hay vì biết chuyện này nên chính quyền Việt Nam phát ngượng, giấu biệt trang web này. BCT không giới thiệu trang web hay nối (link) đến trang web này. Vụ Hợp tác Quốc tế của bộ cũng không. Trang thông tin điện tử của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (http://www.chinhphu.vn/ hay http://www.vietnam.gov.vn) cũng không.

Nhưng đến khi công luận làm ầm lên thì địa chỉ này biến mất, không thể truy cập. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam hoàn toàn có quyền kiểm soát nó!

Xa hơn nữa, BCT của Hoàng cũng đả đảm nhiệm luôn vai trò chụp mũ và kết tội của Bộ Tuyên truyền và Bộ Công an Trung Quốc. Việc này liên quan đến dự án bauxite tại Tây Nguyên, do BCT trực tiếp quản lý.

Ngày 17.4.2009 khoảng 150 nhà hoạt động khoa học – xã hội – văn hóa viết bản kiến nghị gởi chính quyền bày tỏ mối quan ngại về môi trường, kinh tế và an ninh một khi cho phép Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác bauxite.

Bản kiến nghị đưa ra ba kết luận chính:

1. Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định.

2. Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra những phê chuẩn thích hợp.

3. Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi.

Những kiến nghị này hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên 11 ngày sau BCT phản pháo bằng một bản thông cáo trong buổi họp “giao ban báo chí” do thứ trưởng Lê Dương Quang tổ chức tại Hà Nội (28.4).

Trong thông báo này một mặt BCT nằng nặc bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc, ca ngợi khả năng gìn giữ sự bền vững môi trường của công nghệ Trung Quốc, một mặt BCT đả kích kiến nghị của những trí thức phản đối dự án là “cố tình bóp méo sự thật”, “nội dung hoàn toàn sai trái”, “rất kém xây dựng”, “dựa trên những thông tin sai lệch, dựng chuyện”, “trầm trọng hóa”, “bị các tổ chức phản động lợi dụng”, “cố tình xuyên tạc sự thật, mang tính kích động làm ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và Nhân dân hai nước”…

Phần kết luận của thông cáo viết:

– “Như vậy cả 3 nội dung trong Bản kiến nghị ngày 17/4/2009 của các nhà tri thức gửi các đ/c Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là không có cơ sở và không đúng với tình hình thực tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động. Điều đáng buồn là các nhà khoa học, do thiếu thông tin lại đi ký vào một bản kiến nghị sai trái như vậy.

Trên đây là báo cáo của Bộ Công Thương về một số ý kiến xung quanh việc triển khai thực hiện Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025, rất mong các đ/c lãnh đạo các cơ quan thông tin báo chí, Bộ Thông tin và Truyền Thông chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông thông báo rộng rãi đến công chúng.”

Thông cáo nói đến “điều đáng buồn” thế nhưng “điều buồn cười” là không có ai ký tên dưới thông cáo cả. Thông cáo của BCT nhưng chẳng có chữ ký của ai cả, từ ông Bộ trưởng Hoàng cho đến bảy ông thứ trưởng dưới quyền, kể cả ông Lê Dương Quang. Chính vì vậy mà chẳng báo nào tại Việt Nam đang tải thông báo này, nó chỉ được các trang web tư nhân trích ra để đả kích.

Chuyện này làm người ta nghĩ đến trang web “Hợp tác kinh tế và thương mại Việt Nam – Trung Quốc” kể trên: thông cáo của cơ quan chính phủ Việt Nam nhưng nội dung là do quan chức Trung Quốc giấu mặt viết!

Giọng điệu vu cáo và chụp mũ này cho thấy BCT làm việc cho Bộ Tuyên Truyền hay Bộ Công An Trung Quốc.

Và tội của bộ trưởng

Hiện tại, theo tin của Bộ Công an, bộ ba Hoàng, Thoa và Dũng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đó là trò phù thủy cho Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco — thuộc Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương) thoái vốn, khiến 6000 mét vuông “đất vàng” ở quận 1 vào tay tư nhân với giá rẻ. Khu đất này có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn, bốn mặt tiền là: Hai Bà Trưng, Thi Sách, Đông Du và hướng ra Công trường Mê Linh. Trong vụ này thì Hoàng đồng ý về mặt chủ trương, Thoa và Dũng là người ký các văn bản, cả ba đều bị truy tố.

Thực ra những chuyện này không mới và chỉ là một phần nhỏ.

Ngày 24.10.2015 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng (UBKTƯĐ) công bố kết luận thanh tra, đề nghị cảnh cáo Vũ Huy Hoàng. Sau đó, tháng 11-2016, Ban Bí thư liền đi ngược thời gian bằng cách “cách chức” những chức vụ mà Hoàng từng giữ từ năm 2011 cho đến lúc đó như Bí thư Ban cán sự Đảng BCT.

Ban Bí thư kết luận Hoàng đã:

  • Thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi,vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương khi bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; cử Hải tham gia hội đồng quản trị Sabeco kiêm phó tổng giám đốc Sabeco,
  • Buông lỏng lãnh đạo và kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
  • Gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự Đảng, của BCT và cá nhân mình,

Đến đầu năm 2017, Thường vụ Quốc hội lại đi ngược chiều kim đồng hồ, ra nghị quyết xóa “tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương”.

Như đã nêu ở trên, đúng người và đúng tội, Hoàng phải bị truy tố ra tòa với tội làm lợi cho ngoại bang nếu không phải là tội bán nước, tội biến Việt Nam thành thuộc địa kinh tế của Tàu. Nhưng tội này là tội chung của cả hệ thống chính trị. Trước đó Nông Đức Mạnh, trong vai trò tổng bí thư, bị Trung Quốc ép phải đồng ý dự án bauxit. Sau đó Nguyễn Tấn Dũng đứng ra cam kết với nhân dân là dự án “có lời” và không gây tác hại về môi trường thì Hòang phải răm rắp thực hiện.

“Hậu quả nhãn tiền” của dự án này nay đã rành rành trước mắt. Nếu truy tố Hoàng về tội này thì phải truy tố cả Mạnh, cả Dũng và nói chung là cả đảng Cộng sản.

Thành thử Hoàng vẫn thoát tội lớn này, chỉ bị tội nhỏ hơn.

Nhưng cũng chính vì cái tội lớn này, vì những quan hệ “rút dây động rừng” với những quan hệ phe phái lằng nhằng nói trên nên phải mất gần năm năm chẵn kể từ ngày Hoàng bị UBKTTƯĐ đề nghị kỷ luật, Bộ công an mới có thể ký lệnh truy tố Hoàng.

Related posts