Bạn Không Thể Cãi Chày Cãi Cối Với Khoa Học!

Therese Nguyễn

Những người Mỹ đã tiêm hai mũi vaccine Pfizer có thể sẽ cần tiêm thêm mũi thứ ba. Minh họa: CDC/Unsplash

Một nhân viên chăm sóc y tế học sinh đã được chích ngừa hai liều vaccine, tiết lộ hai cách khác nhau mà Coronavirus tác động đối với cô và người bạn chưa được chích ngừa truyền bệnh cho cô. Người mà sau đó đã phải nhập viện vào ICU (hồi sức tích cực).

Tully S., 20 tuổi, ở Sydney- Úc, vô tình bị nhiễm COVID-19 từ một người bạn vào ngày 10 Tháng Tám. Tully kể, virus khiến cô cảm thấy không khỏe trong hai ngày, và sau khi hoàn thành thời gian cách ly, ngày 26 Tháng Tám, cô trở lại làm việc. Tuy nhiên, người bạn “trẻ trung, khỏe mạnh” mà cô tin rằng đã truyền virus cho cô, người chưa được chích ngừa, đã bị “tàn phá” bởi COVID-19, phải vào ICU sau hai tuần nhiễm bệnh và trải qua những cơn đau đớn dữ dội.

Câu chuyện của Tully bắt đầu từ lúc cô đi chích vaccine COVID-19 liều thứ hai. Đi chích về, Tully bị hành sốt, nóng lạnh, nghĩ rằng đó là tác dụng phụ của vaccine. Nhưng ngay sau khi nhận được thông báo rằng cô có tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19, Tully tức tốc đi xét nghiệm. Sáng hôm sau, cô nhận được tin nhắn từ NSW Health, cho biết kết quả xét nghiệm là dương tính. Tully cho biết: “Tôi bị nhức đầu, sốt và nghẹt mũi trong hai ngày. Tôi còn bị mất vị giác, khứu giác, một chút thôi, và cảm giác nóng ở trong mũi.”

Vấn đề ở chỗ, cô bạn của Tully là người “cứng đầu”, không tin và không muốn chích vaccine. “Tôi đã giải thích nhiều lần về tầm quan trọng của việc chích ngừa, nhưng cô ấy luôn từ chối, cứ nói là vaccine không giúp được gì”, Tully kể. “Ngay cả lúc các triệu chứng khởi phát đột ngột, cô ấy cũng không chịu đi bệnh viện. Tôi lại phải cố gắng thuyết phục, rằng nếu không chịu điều trị, sức khỏe sẽ giảm sút rất nhanh do mức độ bão hòa oxy giảm”.

Tully kể tiếp: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng khi bạn tôi (cuối cùng) đã chịu điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.”

Bạn của Tully bị đau đầu dữ dội, sốt cao, đau ngực, khó thở cực độ, nhịp tim nhanh, mất vị giác và khứu giác, đau nhức toàn thân, mất ngủ vì những cơn đau hành hạ. Rất may, cô ấy được chăm sóc và kiểm soát tốt, nên đến nay đã đỡ nhiều, chỉ còn hơi đau đầu.

Trong một bài đăng mới đây trên Facebook, Tully nói với mọi người về tầm quan trọng của việc sử dụng vaccine. “Trước khi nhiễm COVID-19, là một sinh viên y tế làm việc ở tuyến đầu, tôi đã trực tiếp chứng kiến Delta phá hủy hệ thống chăm sóc sức khỏe như thế nào. Chích ngừa là lối thoát duy nhất để vượt qua cơn khủng hoảng này.”

Theo các báo cáo, về mặt khoa học, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vaccine gây ra phản ứng, khi virus đã hoạt động trong cơ thể. Theo một số nghiên cứu, người chích vaccine COVID-19 sau khi nhiễm virus cũng không có tác dụng nguy hiểm nào. Tuy nhiên, Bộ Y tế Úc khuyến cáo những người đã nhiễm COVID-19 nên báo cho bác sĩ của mình biết nếu muốn chích vaccine. Ngoài ra, cơ thể chỉ được bảo vệ đầy đủ sau khi chích liều thứ hai của vaccine Pfizer hoặc Moderna hay AstraZeneca được từ bảy đến 14 ngày.

“Nhiều người nghĩ rằng nếu chích vaccine khi dương tính với COVID-19, thuốc ngừa sẽ bị giảm hiệu quả”, Tully giải thích, “Tuy nhiên, các kháng thể và khả năng miễn dịch tiếp theo được tạo ra từ việc thực sự nhiễm virus sẽ bù đắp đáng kể, thúc đẩy khả năng miễn dịch nhiều hơn.”

Tully cho biết khi đi chích ngừa, cô hiểu mình vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh, nhưng cảm thấy thoải mái vì biết nếu điều đó xảy ra, cũng không nguy hiểm như nếu chưa chích ngừa. “Tôi thấy yên tâm khi làm việc ở tuyến đầu vì biết rõ vaccine làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra, điều mà tôi biết chắc không ai muốn – là phải nhập viện.”

Tully viết: “Có thể vaccine gây ra cảm giác không chắc chắn và sợ hãi trong một bộ phận xã hội, tuy nhiên hãy so sánh: nguy cơ tử vong do vaccine hiện là 0,0019% so với 99% trường hợp tử vong do COVID-19 ở người không được chích ngừa, theo CDC”. Tully cũng đề cập đến những tiến bộ vượt bậc của công nghệ: “Khoa học không vội vã, và thực tế việc nghiên cứu đã rất bền bỉ: công nghệ mRNA đã được thử nghiệm lâm sàng từ năm 2000.”

“Chích ngừa là cách ngăn chặn có hiệu quả nhất cho mọi đại dịch trong lịch sử và không nghi ngờ gì nữa, hiện tại nó đang hoạt động tương tự. Bạn không thể cãi chày cãi cối với khoa học được!”

Therese Nguyễn

Related posts