Không thể tiếp tục đối xử với họ như thế nữa

Trân Văn

11-9-2021

Một hình ảnh trích xuất trong phóng sự mang tên “Ranh Giới” của VTV1, ghi lại một phần hoạt động của Khu K1 thuộc Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM. (Hình: Trích xuất từ trang YouTube của VTVCab Tin Tức)

Tuần này, Công văn số 7330/BYT-KCB do Bộ Y tế phát hành – dọa sẽ tước chứng chỉ hành nghề nếu nhân viên y tế… tự ý bỏ việc giữa đại dịch (1), “Ranh giới” – phóng sự do VTV thực hiện tại Khu K1 Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM (2) và văn bản do Bộ phận Thường trực Đặc biệt để chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho các nhân viên y tế đang làm việc trong hệ thống bệnh viện dã chiến ở thành phố này (3) đã trở thành ba sự kiện nhắc công chúng phải chú ý đến thân phận của nhân viên y tế Việt Nam.

Đáng lưu ý là sau một thời gian dài “im hơi, lặng tiếng” vì bị lãnh đạo ngành y cấm chia sẻ cũng như cấm kêu gọi công chúng giúp đỡ cho dù phải đối diện với đủ thứ khó khăn, thiếu thốn,… ba sự kiện vừa kể, đặc biệt là sự kiện Bộ Y tế phát hành Công văn số 7330/BYT-KCB, nhiều nhân viên y tế đã phá vỡ… luật omerta (luật im lặng – gốc từ Sicily, Ý nhưng được mafia mở rộng và duy trì như nền tảng của các tổ chức tội phạm), vì không chịu nổi tình trạng được xưng tụng là anh hùng nhưng lao động như tù khổ sai, đã vậy còn vừa đối xử và đối đãi rất tệ!

Rất nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ suy tư của Bác sĩ Phạm Hoàng Thiên về nghề của ông – Nghề y, một nghề của máu và nước mắt

Mấy hôm nay cứ cắm đầu đọc tài liệu, tìm hiểu đủ thứ về điều trị COVID, không có thời gian mà xem gì khác. Sáng ra đàn em đưa cho một cái công văn của Bộ Y tế, lãnh đạo cấp cao nhất của ngành y khoa.

Đọc xong mà mình muốn dâng hai tay cái chứng chỉ hành nghề bác sĩ cho quý vị luôn. Quý vị nghĩ cái chứng chỉ này là tờ rác, thích thì thu hồi. Ừ, cũng đúng, một tờ giấy hành xác biết bao nhân viên y tế, đưa ra công văn như vậy, chứng tỏ quý vị biết để có được nó, chúng tôi đã bị hành hạ ra sao.

Thật là khốn nạn nhưng nó phản ánh một thực tế phũ phàng cách đối xử với nhân viên y tế trong mùa dịch, mà không, từ những ngày đầu bước chân vào hành nghề, mình đã thấy rõ những điều này, nhất là ở bệnh viện công rồi.

À, mình thấy Bộ Y tế hình như là viết dư? Tại mục số 2 ghi rõ là quyền và nghĩa vụ. Mà không, chắc chắn viết nhầm, chắc hẳn chữ “quyền” phải là từ “trách nhiệm” mới đúng. Vâng, không biết các vị có chứng kiến, có đứng trước những ca nguy kịch, hấp hối rồi ra đi ngay trước mặt không, chứ riêng mình, còn nhiều hơn quý vị ăn cơm, uống nước. Đó là mình còn vô cùng vững vàng đấy nhá, vì bản thân là bác sĩ cấp cứu, việc chứng kiến bệnh nhân tử vong là chuyện hằng ngày nhưng trong tâm dịch này, cũng chịu không nổi. Có những lần, chỉ trong một, hai tiếng đồng hồ, mà tận bốn, năm bệnh nhân tử vong, phải nói là có thần kinh thép – mà có lẽ, sắt thép nào cũng tan chảy cả thôi! Số bệnh nhân tử vong mà mình chứng kiến trong tâm dịch, đã vượt rất xa con số mà một người bình thường có thể chứng kiến trong cả cuộc đời họ. Chả nói đâu xa, ngay giữa đêm qua, năm bệnh nhân ngừng tim và năm bệnh nhân nguy kịch dọa tử vong. Tất cả diễn ra chỉ trong vài tiếng, lúc đó quý vị ở đâu? Từ ngày vượt qua hàng trăm vào tháng 8, thì mình không dám đếm nữa, vì không còn nước mắt mà khóc. Lệ như chực trào nhưng mắt đã khô vì bao đêm thức trắng.

Hay “quyền” mà quý vị nói đến là buộc phải chọn hồi sức cho ai? Nếu có thể, mình vô cùng tình nguyện trao cho quý vị cái “quyền” đó. Mỗi đêm trực cấp cứu, bệnh nhân COVID lẫn không COVID đâu có ngừng vào. Sức người và số nhân lực thì có hạn, thiết bị thì thiếu thốn, chỉ có hai, ba bệnh nhân ngưng tim thì còn cố hết sức nhưng bốn, năm bệnh nhân ngưng tim một lúc thì phải làm gì? Chỉ riêng cái monitoring theo dõi bệnh nhân nguy kịch sau ngừng tim thôi đã không đủ rồi. Nhân viên y tế (NVYT) cũng là người, chỉ có hai bàn tay mà thôi, nào phải thánh nhân mà có thể cứu bệnh nhân bằng lời ban ân hay cầu nguyện.

Mình vô cùng hiểu cảm giác bất lực, nát con tim khi chứng kiến từng bệnh nhân ra đi, áp lực vô cùng, nên việc nhiều NVYT trầm cảm, loạn thần, hay muốn nghỉ ngơi là điều vô cùng dễ hiểu. Mình nhớ rất rõ những ánh mắt, những lần nắm chặt tay những bệnh nhân tử vong đầu tiên trong nước mắt khi mới bước chân vào hành nghề bác sĩ, một cảm giác bất lực và tuyệt vọng, rồi tự dặn lòng phải đọc, phải học nhiều hơn… Nhưng có lẽ với những người chỉ làm bàn giấy, nó chỉ là những con số mà thôi, nên họ vô tâm, sẵn sàng đạp thẳng những NVYT đang trên bờ vực xuống địa ngục.

Chắc đây là quyền lợi mà quý vị muốn nói đến, chứ mình chẳng thể nào liên hệ đến điều gì khác. Hay là phụ cấp chống dịch nhỉ (300.000/ngày và 120.000/ngày tiền ăn)? Vậy thì càng nhầm, đến tận giờ, mình chưa nhận được một xu nào và đâu phải riêng mình, rất rất nhiều NVYT của nhiều bệnh viện đã và đang chống dịch, chưa nhận được gì, hoặc nhận không đúng như những gì công văn hay báo chí đã công bố. Nhiều NVYT, chống dịch cả tháng trời, cũng chỉ có 1 triệu/tháng (vì bản chất là có những bệnh viện đã cố gắng tự bỏ tiền ra chi cho NVYT). Có lẽ đến khi thành liệt sĩ chăng?

Rất nhiều người cứ ngỡ NVYT nhận được rất nhiều thứ. Có chú bảo mình: Hết dịch là con giàu rồi, đủ tiền kiếm vợ! Có cô thì nói: NVYT thiếu gì đồ ăn, nhà nước lo hết ngày ba bữa, sướng nhé! Ơ, ra là nhiều người nghĩ thế. Nào biết sự thật đàng sau là những mạnh thường quân, từ thiện xã hội mới là người đã lo cho nhiều bệnh viện, nhiều NVYT. Mình vô cùng cảm ơn (cũng gần 1 tháng rồi, trưa ăn cơm gà, tối ăn hủ tiếu). Còn tiền cưới vợ, chắc kiếp sau con kiếm, chứ kiếp này e là chẳng còn sức, tóc muối chấm tiêu rồi chú ạ, có ma nó nhìn!

Vậy mà còn đỡ, tội nhất là mấy em nhỏ sinh viên lẫn các em mới tốt nghiệp bác sĩ, chưa có chứng chỉ hành nghề thì xác định luôn: Có hợp đồng với bệnh viện nào đó rồi thì còn đỡ, đi chống dịch vẫn còn có chút lương, mỗi tháng được hơn ba triệu, chứ chưa có tên trên hợp đồng bệnh viện thì may mắn sẽ được một triệu, còn tệ hơn thì đến giờ vẫn không xu dính túi nhé. Ấy vậy mà vẫn rất rất nhiều em xung phong, tình nguyện. Thực sự tự hào vì các em.

Chống dịch như chống giặc? Nhân viên y tế phải biết hy sinh? Vâng, chống dịch như chống giặc, NVYT là chiến sĩ, thế cho hỏi: NVYT có được đối xử như các chiến sĩ bộ đội? Học y 6 năm, hiện học phí mỗi năm 40 triệu đến 60 triệu, ra trường đi thực tập hai năm để có chứng chỉ hành nghề (CCHN). Phí thực tập mỗi tháng ba triệu, sau đó thử việc từ hai đến 12 tháng, lương cơ bản 2.34 là hơn 3 triệu/tháng trong ba năm. Tính trung bình ít nhất 10 năm mới có thể làm ngoài giờ, tăng ca để có thêm thu nhập. Vậy trong 10 năm đó, tính cả tiền ăn, tiền ở, đi lại, không tụ tập bạn bè, không đau ốm, chỉ chăm chăm ăn ngủ học thì ra trường sẽ mất tầm một tỷ đồng, gia cảnh khó khăn thì sẽ phải nợ ngân hàng. Còn học trường quân sự bốn năm, học phí nhà nước lo, lương ra trường gần gấp đôi… Mà thôi, có quân đội thì đất nước mới yên ổn được, không nên so đo.

Quý vị muốn thu hồi CCHN nếu nghỉ việc à? Không biết là dựa trên điều nào của luật pháp hiện hành ở Việt Nam. Theo như mình biết thì chỉ còn hai điều có thể tước CCHN: 1/ Không đủ sức khỏe để hành nghề – cũng đúng, làm như con thiêu thân, đốt sức khỏe lẫn tuổi thọ để cứu bệnh nhân. Làm một tháng mà chả khác gì vài năm. Ừm, đã thế còn bị trầm cảm, loạn thần thì thu hồi CCHN quả là không sai. Chanh hết nước rồi, bỏ vỏ thôi. 2/ Đang bị truy cứu hình sự – Chà, nếu chiếu theo điều này thì nghe cũng ghê đấy. Nhưng mình thấy còn tốt hơn hiện tại. Đi tù nhà nước lo cơm ngày ba bữa, không phải nghĩ ngợi nhiều, đâu có phải chứng kiến bệnh nhân thở ngáp. Không còn phải thấy ai tử vong trước mặt mình. Nhiều khi đó mới là hạnh phúc.

Thôi, nói vậy là nhiều rồi, chỉ muốn nhắn nhủ: Em nào muốn học Y, hay bậc cha mẹ nào muốn con mình trở thành bác sĩ Việt Nam, hãy tìm hiểu và suy nghĩ kỹ càng trước khi quá muộn. Giờ thì ngủ thôi, rồi còn dậy để đọc và dịch sách, nghiên cứu để tiếp tục điều trị nhiều bệnh nhân khác, không thì ngọn lửa trong tâm mình bị quý vị dập tắt mất (4).

Người sử dụng mạng xã hội còn giới thiệu với nhau tâm sự của một bác sĩ khác: Bác sĩ Hoàng Mai Anh – viết về những… thiên thần – kèm cảnh báo: Các chiến sĩ tuyến đầu đã kiệt sức rồi! Không thể tiếp tục đối xử như thế nữa (5)!..

Tôi – bác sĩ – và cũng như hàng vạn bác sĩ, NVYT – Thiên thần áo trắng khác – trải qua nhiều năm đèn sách, ngày học, đêm nằm hành lang bệnh viện trực gác mong được phụ việc thầy, bác sĩ đàn anh để học nghề, học kinh nghiệm cứu người. Nhiều nhiều năm như thế, làm như thế mới có được “Chứng chỉ hành nghề” để chính thức bước vào “nghề khám chữa bệnh con người”.

Nhiều người tử tế gọi “bác” như cách thể hiện sự trân trọng cho cái nghề “cao quý, thiêng liêng”. Người kém tử tế thì bảo “có sức chơi, có sức chịu”, “ờ thì cũng ngang bằng cử nhân”. Chúng tôi đâu hơn thua cái bằng cấp, các sinh viên y khoa, bác sĩ đều ít nhiều có trái tim, trí tuệ mách bảo để lao vào sứ mệnh “thiên thần”.

Thiên thần trần gian này cũng có cha có mẹ, có anh, có em, có vợ, có chồng, có con đã lớn, có con còn nhỏ dại… Thiên thần vẫn ngày ngày học hỏi trau dồi kiến thức, làm việc trong giờ, ngoài giờ tận tối mịt để mưu sinh… Thiên thần vẫn cần ăn, cần uống, trả tiền nhà, tiền điện nước, sinh hoạt… Thiên thần vẫn có bộ não, trái tim, dạ dày như bao người khác, não vẫn bị sang chấn tâm thần kinh khi chứng kiến ba đến năm người ra đi trước mắt mỗi ngày, não vẫn đổ gục sau nhiều đêm thức trắng bên máy thở, máy bơm, máy lọc, monitoring… Trái tim dù đã quen với mất mát, đau thương nơi phòng cấp cứu, ICU vẫn tan nát chứng kiến người ra đi hàng loạt và tự trách mình sức người có hạn, bàn tay bác sĩ không phải là bàn tay Chúa!

Đã có những người sử dụng mạng xã hội tự hỏi mình và hỏi nhau: Thử nghĩ Thiên thần có gãy cánh khi làm việc xuyên đêm ngày này qua ngày khác… Khi ăn mì gói, cơm cho từ Mạnh Thường Quân hàng tháng… Khi kiệt sức, trầm cảm… Tôi học được từ tư bản, các tập đoàn đa quốc gia khi làm thuê cho họ. Ở vị trí Giám đốc, tôi phỏng vấn, tuyển dụng, quản lý nhiều người để nghiệm ra chân lý đơn giản: Trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi phải “win-win”, công bằng, tiền nào, của đó. Tư bản rất rõ ràng khi chi trả tiền lương cho người lao động qua công thức 3P: P1 (Pay for Position) – trả lương cho vị trí công việc. P2 (Pay for Person) – trả lương cho năng lực của người giữ vị trí công việc. P3 (Pay for Performance) – trả lương cho kết quả đạt được của người giữ vị trí công việc. Với lương Bác sĩ hơn 3 triệu/tháng. Với phụ cấp chống dịch 1 triệu/ tháng. Thử nghĩ Thiên thần có gãy cánh?

***

Những sự kiện trong tuần liên quan đến nhân viên y tế cũng là lý do để một số facebooker như Lê Đức Dục viết thế này: Rồi Trung ương sẽ tặng đủ huân chương cho hết thảy y bác sĩ, rồi dịch xong ta dựng tượng đài thầy thuốc của nhân dân nhưng bây chừ thì hãy lo cho họ những bữa ăn tươm tất, sau ca trực có một nơi chợp mắt… Cũng không nhất thiết đem hàng xe tải ngôn từ lấp lánh lanh canh ngợi ca bày tỏ, chỉ mong đừng dọa họ bằng công văn và mộc đỏ và tha thiết mang ơn và trân trọng thật lòng (6)…

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/bo-y-te-lo-y-bac-si-bo-viec-4352043.html

(2) https://www.youtube.com/watch?v=CCSVLv6_v8U&ab_channel=VTVcabTintức

(3) https://zingnews.vn/nhan-vien-y-te-tai-benh-vien-da-chien-tphcm-can-ho-tro-khan-cap-post1260409.html

(4) https://www.facebook.com/hoangthien.pham.33/posts/4247406858682072

(5) https://www.facebook.com/nhavandoclap/posts/1220809425098595

(6) https://www.facebook.com/1146679112/posts/10218487062904967/

Related posts