‘Đại dịch ẩn’: Những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19

‘Đại dịch ẩn’: Những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19. (Ảnh: Pixabay)

Dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới khiến kinh tế đình trệ, gây thiệt hại về người và mọi thứ như đang tê liệt. Nhưng một “Đại dịch ẩn” khác cũng đang âm ỉ diễn ra tại Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới để lại rất nhiều đau thương, đó là những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19. Tính đến nay, chỉ riêng TP. HCM đã có hơn 1.500 trẻ em mồ côi, cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ.

Khánh Như, 13 tuổi, và em trai Đặng Huy, 7 tuổi, không bao giờ nghĩ làn sóng Covid-19 quét qua Sài Gòn có thể mang đi cả bố, mẹ và ông nội của hai chị em.

Khánh Như và Đăng Huy đang làm quen cuộc sống mới tại nhà của ông bà ngoại ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom. (Ảnh: Nguyễn Hường)

Vài tháng trước, hai chị em vẫn còn đủ ba mẹ và ông nội sống cùng nhau trong căn chung cư trên đường Giai Việt, quận 8. Đại dịch đến, ba và mẹ lần lượt nhiễm bệnh. Sáng 20/7, mẹ Như trở nặng được đưa vào bệnh viện, đến tối hôm đó ba cũng không qua khỏi. Sáng hôm sau, lại nhận tin mẹ mất. Người thân gần gũi còn lại của Như là ông nội nhưng ba ngày sau ông cũng bỏ chị em Như mà đi. Hai chị em Như chuyển về sống với ông bà ngoại ở Trảng Bom, Đồng Nai. Mọi thứ từ quần áo, sách vở, bạn bè đều mới nhưng Như chưa thể thích nghi ngay với mọi thứ.

“Tất cả những thứ quen thuộc với con đều ở Sài Gòn. Ngay cả tro cốt của ba mẹ và ông nội con cũng vậy”, cô bé nói.

Bé Đan Thanh, 11 tuổi và Nhật Hào, 18 tuổi đến nay đã rời xa bố tròn một tháng. Cô bé Thanh vẫn nhớ như in cảm xúc vào ngày nhận tro cốt ba,. đôi tay bé nhỏ cầm di ảnh bố mà run cầm cập, muốn khóc mà khóc không nổi.

Ba của hai đứa là một cán bộ của tổ dân phố, khi Covid-19 bùng phát, ông tham gia mọi hoạt động phòng chống dịch và nhiễm nCoV đầu tháng 8. Sau khoảng chục ngày điều trị tại nhà, ông qua đời.

Anh em cậu bé, Nguyễn Đại Hưng (8 tuổi) và Nguyễn Bảo Hân (3 tuổi) mấy năm nay đã thiếu tình cảm của cha, nay lại rơi vào cảnh mồ côi mẹ, khiến nhiều người không khỏi xót xa. 

Được biết ba mẹ 2 em ly hôn từ năm 2018, chị Trâm mẹ của Hưng và Hân vào TPHCM mưu sinh bằng nghề may, gửi lại 2 con nhỏ nhờ ông bà ngoại chăm sóc. 

Thế rồi, những ngày cuối tháng 8 vừa qua, chị Trâm bị mắc Covid-19. Vào ngày 21/8, chị Trâm được nhập viện tại Bệnh viện Thủ Đức. Sau hơn 9 ngày nằm viện, dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, chị Trâm đã không qua khỏi. 

Chị Trâm ra đi để lại 2 con thơ cho ông bà ngoại tuổi cao, sức yếu. (Ảnh: Tổng hợp)

Người nhà đau đớn kể lại: “Mấy đêm nay, đêm nào thằng Hưng cũng thắp hương cho mẹ, rồi đi vào nằm trong lòng tôi mà khóc. Trong tiếng nấc nó hỏi, mẹ bỏ con đi thật rồi sao ngoại ơi, sau này làm sao con có thể gặp lại mẹ. Không có mẹ rồi ai sẽ thương con!?”. 

Trường hợp khác, một bé gái 7 tuổi, mồ côi từ lâu vì mẹ mất do đột quỵ, không biết mặt ba. Em sống với ông bà trong căn nhà trọ quận 8. Dịch cướp mất người bà, còn ông vẫn nằm viện điều trị Covid-19. Cô bé đành phải về nhà người quen ở Long An.

Những đứa trẻ mồ côi này chỉ là số ít trong hàng nghìn trẻ em mồ côi khác khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát ở Việt Nam từ cuối tháng 4. Riêng tại TP HCM, khoảng 1.500 học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT mồ côi, khi Covid-19 khiến hơn 620.000 người nhiễm, hơn 15.000 người chết.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet tháng 7/2021, thế giới có hơn 1,5 triệu trẻ mồ côi vì đại dịch. Các chuyên gia nhấn mạnh, có một thực tế là thế giới chú tâm vào dịch bệnh mà quên rằng, những trẻ em mồ côi bởi Covid-19 cũng là một “Đại dịch ẩn“, đầy đau đớn và nhức nhối.

Khi những đứa trẻ đột ngột mất người thân, nhất là cha mẹ, chúng sẽ phải trải qua nỗi đau rất to lớn, cảm giác hụt hẫng vì chia cắt, mất mát vì không còn điểm tựa; cảm giác hối hận và bất lực khi không thể làm gì giúp người thân… Những điều này rất dễ gây  ra khủng hoảng tâm lý ở con trẻ.

Những câu chuyện trên chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp trẻ em mồ côi vì đại dịch. Khi những đứa trẻ thiếu vắng sự giáo dục, tình yêu thương của người thân, cùng với việc tổn thương tinh thần từ khi còn nhỏ sẽ là một khiếm khuyết rất lớn, một khoảng trống khó có thể lấp đầy trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

Đông Phong

Related posts