Vì sao 2.1 triệu cử tri muốn bãi nhiệm Thống đốc California Gavin Newsom?

Mộc Lan

Mặc dù nỗ lực bãi nhiệm Thống đốc California Gavin Newsom có khả năng thất bại rất cao, nhưng điều gì đã khiến cuộc bầu cử đặc biệt để bãi nhiệm thống đốc này thu hút được hơn 2,1 triệu chữ ký, vượt xa so với ngưỡng 1,5 triệu phiếu được kiến ​​nghị?

Cái nắng ở California vào tháng Chín vẫn còn nóng như thiêu như đốt. Nhưng chỉ vào cuối tuần qua, người dân ở nhiều thành phố miền nam California vẫn tự phát tổ chức các cuộc biểu tình với các biểu ngữ “Ngày 14/9, bỏ phiếu bãi nhiệm Gavin Newsom”, nhằm kêu gọi tất cả người dân California bỏ phiếu loại bỏ Thống đốc đương nhiệm Gavin Newsom. Họ nói rằng rất khó để có được cơ hội bầu cử bãi nhiệm như lần này, người dân California cuối cùng cũng có cơ hội để thay đổi tình trạng khó khăn hiện tại. Do đó, họ không muốn bỏ lỡ phiên bỏ phiếu cuối cùng, họ đã từng hy vọng những nỗ lực trước đó không trở thành vô ích.

Ngày 17/3 năm nay, phong trào “Bãi nhiệm Gavin 2020” (Recall Gavin 2020) đã thu thập được hơn 2,1 triệu chữ ký, vượt xa so với ngưỡng 1,5 triệu phiếu được kiến ​​nghị. Ông Kevin Kiley, tác giả cuốn sách “Bãi nhiệm Gavin”, cho biết số lượng chữ ký thu thập được lần này nhiều hơn bất kỳ bản kiến ​​nghị nào trong lịch sử nước Mỹ.

Vào thời điểm đó, Thống đốc Gavin đã gán nhãn cho những người ký tên vào bản kiến nghị là “một nhóm những người Cộng hòa, những người theo thuyết âm mưu và những người ủng hộ Trump chống nhập cư”. Một cử tri là tình nguyện viên tham gia chiến dịch thu thập chữ ký đã phản ứng lại rằng: Ông Newsom đang cố bôi nhọ dư luận, mà sự thật của cuộc bãi nhiệm này là: “Chúng ta là nền dân chủ. Những người dân chúng tôi muốn giành lại bang của mình. Được biết, 38% chữ ký thu thập được là từ các thành viên Đảng Dân chủ…”

Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cùng dàn minh tinh Hollywood, tính đến tối thứ Ba (14/9 giờ Mỹ), trong số 61% phiếu bầu đã được kiểm, có tới 66,8% trong số này trả lời “không” cho câu hỏi liệu có nên bãi nhiệm ông Newsom hay không, trong khi phản hồi “có” chỉ là 33,2%. Dù chưa kiểm hết phiếu, nhưng kết quả này đủ để cho thấy rất khó có thể lật đổ được Thống đốc California đương nhiệm.

Vì sao lại có một lượng lớn người dân mong muốn bãi nhiệm ông Newsom đến vậy?

Một bức ảnh làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2018, ông Newsom đã nhiều lần bị người dân phát động bãi nhiệm, nhưng vì nhiều lý do đã không thu thập đủ chữ ký để kích hoạt cuộc bầu cử đặc biệt này. Vào ngày 10/6/2020, cảnh sát quận Yolo Orrin Heatlie đã dẫn đầu việc phát động chiến dịch “Bãi nhiệm Gavin”. Mặc dù thời gian này đã có không ít trắc trở, nhưng càng về cuối càng có nhiều cử tri tham gia ký tên.

Ngày 6/11, ông Newsom bị chụp ảnh đang ngồi ăn uống cùng một nhóm người trong một nhà hàng Pháp sang trọng ở thung lũng trồng nho làm rượu Napa nổi tiếng của California. Trong ảnh, khoảng 10 người, bao gồm cả vợ chồng ông Newsom, không đeo khẩu trang và cũng không duy trì “khoảng cách xã hội 6 feet” mà người dân California đang phải tuân thủ.

Trong khi chỉ một tháng trước đó, văn phòng của ông Newsom đã đăng Twitter một khuyến nghị về các bữa cơm trong thời gian dịch bệnh, yêu cầu người dân California dùng bữa với người thân và bạn bè của họ, “nên đeo khẩu trang trong bữa ăn giữa các lần mở miệng”. Vào thời điểm đó, nhiều người dân California đã phàn nàn về đề xuất này là vô lý.

Và khi những bức ảnh ông Newsom thưởng thức bữa tiệc với người thân, bạn bè mà không đeo khẩu trang bị lộ ra ngoài, đã càng làm dấy lên sự tức giận của những người dân California, vốn đã chán ngán cảnh sống khép kín ở nhà. Mặc dù ông Newsom sau đó đã công khai xin lỗi về hành động của mình, nhưng số lượng người ký tên để bãi nhiệm ông đã tăng lên đáng kể, vượt quá 1,5 triệu trước thời hạn một tháng.

Ông Newsom mất đi sự tín nhiệm của người dân vì các tệ nạn ngày càng trở nên nghiêm trọng ở California

Thống đốc tiểu bang California Gavin Newsom (Ảnh: Gage Skidmore/ Wikimedia)

Ảnh chụp màn hình của một biểu mẫu khảo sát được công bố trên trang web Weasel Zippers vào ngày 16/3 cho thấy, có tới 52,45% chữ ký từ Quận Los Angeles ủng hộ việc bãi nhiệm ông Newsom đến từ các cử tri Dân chủ và 24,95% từ các cử tri không đảng phái, và chỉ 17,15% là từ các cử tri Đảng Cộng hòa.

Cô Lu, một tình nguyện viên thu thập chữ ký ở Los Angeles, cho biết trong thời gian mấy tháng thu thập chữ ký, cô phát hiện rằng những cử tri ký tên và ủng hộ việc bãi nhiệm ông Newsom không còn bị phân chia theo đảng phái, sắc tộc hay tuổi tác. “Tôi đã từng gặp nhiều người sau khi ký tên đã nói ‘Thực ra, tôi là đảng viên Đảng Dân chủ’, ông Newsom thực sự đã mất đi sự tín nhiệm từ người dân”, cô nói.

Vào tháng 9 năm nay, cử tri Cynthia cho biết: “Dưới sự quản lý của ông Newsom, California nợ nần chồng chất, giá dầu đắt nhất Hoa Kỳ, trình độ học vấn thấp nhất Hoa Kỳ; vấn đề vô gia cư và tội phạm có ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn; các lệnh cấm của ông ta đã bóp nghẹt các doanh nghiệp và nền kinh tế. Ông ta kiểm soát chúng ta, tước bỏ tự do và quyền lợi của chúng ta, nhưng bản thân lại ra ngoài tụ tập với những người khác, do đó chúng ta cần loại bỏ ông ta.”

Cuốn sách “Bãi nhiệm Gavin” viết rằng, California là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, nhưng “tỷ lệ nghèo của chúng tôi là cao nhất, giá nhà ở cao nhất, cầu đường kém nhất, và học sinh nghèo có nền giáo dục kém nhất.” Gần một nửa số người vô gia cư trên cả nước đang ở California, và có tới 53% cư dân muốn rời khỏi California. Dữ liệu nhân khẩu học của tháng 12 năm ngoái cho thấy California đã trải qua một đợt sụt giảm dân số lần đầu tiên trong hơn 100 năm lịch sử. Giấc mơ Mỹ của người dân California đã chết, trong cuộc thăm dò mới nhất, gần 2/3 số người nói rằng những đứa trẻ lớn lên ở California ngày nay sẽ sống hư hỏng hơn so với thế hệ cha mẹ của chúng.

Vào tháng 6 năm nay, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Brandon Ristoff, một nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách California, cho biết: “Trước đây, California là nơi mọi người muốn đến sống, nhưng giờ đây California đã trở thành nơi mà mọi người muốn rời đi”.

Hàng chục ngàn doanh nghiệp bị đóng cửa và hàng triệu người dân California mất việc làm

Chủ tịch Đảng Cộng hòa California, bà Jessica Millan Patterson cho biết vào tháng Ba rằng kể từ khi bùng phát dịch bệnh, hơn 19.000 doanh nghiệp đã bị đóng cửa và hàng triệu người dân California mất việc làm.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, một số chủ doanh nghiệp nhỏ đã chống lại lệnh cấm đóng cửa kinh tế của chính phủ. Vào tháng 4 năm nay, một nhà hàng Tinhorn Flats ở Hạt Los Angeles đã bị buộc đóng cửa vì vẫn tiếp tục cung cấp dịch vụ ăn uống ngoài trời cho khách hàng trong thời gian xảy ra dịch bệnh. Anh Lucas Lepejian, con trai của chủ nhà hàng, đã bị bắt 3 lần liên tiếp trong vòng 6 ngày.

Sau khi anh Lepejian được trả tự do, nhà hàng đã tung ra một bức ảnh có cảnh tù nhân vui vẻ bước ra khỏi nhà tù và cảm ơn Thống đốc Newsom (ám chỉ chính sách thả tù nhân sớm của ông Newsom), trong khi chủ doanh nghiệp nhỏ bị còng tay và bỏ tù.

Nội dung chú thích của bức ảnh như sau: “Chính phủ California đã tuyên chiến với các doanh nghiệp nhỏ và các công dân bình thường trong tiểu bang. Trong khi họ (chính quyền tiểu bang) thả hơn 17.000 tội phạm, họ cũng gọi đội đặc nhiệm chỉ để ngăn chặn gia đình tôi bán bánh mì kẹp thịt và bia. Rốt cuộc, tất cả những điều này không liên quan gì đến an toàn công cộng, đều là do (chính phủ đang tạo ra) sự sợ hãi và kiểm soát (người dân).”

Nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân trong nhiều ngày liên tiếp, nhà hàng đã tiến hành kháng nghị, vào ngày 10/4, chính quyền thành phố Burbank đã dựng hàng rào xích sắt xung quanh nhà hàng Tinhorn Flats.

Giáo dục cấp tiến khủng khiếp

Ngoài ra, chương trình giáo dục giới tính triệt để của California cũng gây ra nhiều tranh cãi. Sau khi trường mở cửa vào tháng 8/2019, chính quyền California đã ban hành 6 phiên bản mới của sách giáo khoa giáo dục giới tính phù hợp với Đạo luật Thanh niên Khỏe mạnh của California (AB329) có hiệu lực vào năm 2015, đã được nhiều khu học chánh áp dụng.

Đạo luật AB329 yêu cầu các trường công lập từ mẫu giáo đến K12 giới thiệu các khóa học giáo dục giới tính, và bắt buộc học sinh California phải tham gia các khóa học “giáo dục giới tính toàn diện” 2 lần ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo AB329, nam và nữ phải dạy trong cùng một lớp học. Trong sách giáo khoa “Trò chuyện tuổi dậy thì” (Puberty Talk) mới được cung cấp cho học sinh lớp 5 tiểu học, có phần giới thiệu về các hình dạng khác nhau của cơ quan sinh sản nam và nữ.

Tiella, một thành viên của Tổ chức phi lợi nhuận Golden Orange Foundation ở Nam California cho biết, việc gây sốc thị giác của loại hình ảnh này sẽ gây ra những mức độ ảnh hưởng khác nhau đến trẻ đang trong giai đoạn dậy thì. Một số nội dung không được trẻ chấp nhận sẽ gây chấn thương tâm lý, một số nội dung có thể kích hoạt trẻ khám phá “hứng thú tình dục” ở cơ quan sinh sản của người cùng giới hoặc khác giới. Ấn bản mới của sách giáo khoa cũng chủ trương rằng giới tính không được xác định bởi giới tính vật lý, mà là cảm xúc của chính trẻ. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với những người bình thường.

Trong số 6 bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục California cung cấp, hai bộ sách giáo khoa cấp miễn phí cho học sinh trung học gây tranh cãi nhiều nhất. Một trong số đó là “Hãy thực sự sẵn sàng” (Be Real Be Ready), có thể tải xuống trực tuyến. Tiella cho biết: “Tôi đã xem trước nội dung kiến ​​thức về phòng tránh thai ở trường trung học, trong đó có nói đến ảnh hưởng của việc phá thai, cho rằng phá thai an toàn hơn sinh con, sẽ không gây tổn hại về thể chất. Tôi nghĩ cách nói này sẽ gây ra nhiều tranh cãi.”

Vào tháng 8/2020, California đã thông qua dự luật AB2218 để thành lập quỹ trị giá 15 triệu USD cho người chuyển giới, tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận, bệnh viện và phòng khám sức khỏe, đồng thời cung cấp cho trẻ vị thành niên thuốc ức chế dậy thì, hormone giới tính và phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

Tội phạm gia tăng

Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 đã diễn ra một cuộc trưng cầu dân ý ở California được hỗ trợ bởi Hiệp hội Cảnh sát trưởng California (CPCA), đại diện cho 332 cảnh sát trưởng trên toàn tiểu bang. Cuộc trưng cầu dân ý muốn sửa đổi Đạo luật số 47, năm 2014 “thả hổ về rừng” của California, nhưng cuối cùng đã thất bại.

Đạo luật số 47 quy định hành vi trộm cắp dưới 950 USD chỉ là một tội nhẹ, và mức án tối đa chỉ có thể là dưới một năm tù, bởi vì nhà tù đã quá đông, hầu hết tội phạm sẽ được giảm nhẹ. Ông Ronald Lawrence, Chủ tịch CPCA cho biết, các băng nhóm trộm cắp có tổ chức đi lang thang khắp nơi để trộm cắp. Thậm chí còn có tin tức rằng những tên trộm mang cả máy tính vào cửa hàng để tính giá hàng hóa, chỉ cần không vượt quá 950 USD, thì dù có bị tóm, chúng cũng chỉ có thể bị coi là tội nhẹ và sẽ không bị đi tù. Quy định này không chỉ cho phép kẻ trộm lợi dụng sơ hở mà còn dẫn đến thiếu động lực cho các cơ quan thực thi pháp luật để xử lý các vụ trộm cắp vặt.

Vào năm 2014, trước khi Đạo luật 47 được đưa ra, các vụ đập vỡ cửa sổ ô tô để trộm cắp ở California đã được giảm bớt trong mấy năm liên tiếp. Tuy nhiên, đến năm 2015, chúng đã tăng 15% so với năm 2014. Tính đến năm 2017, đã có 30.000 vụ trộm đồ trong xe hơi ở San Francisco, tăng 24% so với năm trước. Quan chức đề xuất cải cách Đạo luật 47 cho biết, kể từ năm 2014, tốc độ gia tăng tội phạm bạo lực của California cũng cao hơn so với các khu vực khác của Hoa Kỳ.

Ông Lawrence cho biết, đối với các nạn nhân, việc những tên trộm xâm nhập xe hơi, nhà dân để lấy trộm đồ đạc cá nhân, máy tính, TV, gậy đánh gôn … là một trải nghiệm rất buồn bã. Nhưng ở California, thật không may, họ phải đối mặt với những điều này.


Người vô gia cư phá hỏng điểm du lịch lớn thứ hai của Nam California

Vào tháng 5 năm nay, ông Newsom đã đưa ra một kế hoạch “phục hồi kinh tế” mới trị giá 100 tỷ USD, trong đó 12 tỷ USD dự kiến ​​được phân bổ để tái thiết các tòa nhà hiện có và tái định cư cho những người vô gia cư.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, ông Newsom đã phát động các chương trình hỗ trợ nhà ở được gọi là “Roomkey” và “Homekey”, sử dụng quỹ liên bang để đưa những người vô gia cư vào các khách sạn và motel. Các dự án này cũng giúp các quận, thành phố và các tổ chức địa phương khác trong tiểu bang mua lại các motel và các ngôi nhà, sau đó chuyển đổi chúng thành nhà ở.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người vô gia cư ở California. Theo một báo cáo do Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Hoa Kỳ (HUD) công bố vào tháng 3 năm nay, cho thấy vào năm 2020, số người vô gia cư của California đã vượt quá 160.000 người, tăng 7% so với năm 2019.

Bãi biển Venice ở Los Angeles từng là một địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, nơi từng có 30.000 du khách mỗi ngày, nhưng bây giờ nơi đây đầy rẫy tội phạm, ma túy, hỏa hoạn và một số lượng lớn lều của người vô gia cư. Nhiều lều dành cho người vô gia cư có bình chứa khí propane và bếp cắm trại, được sử dụng để nấu ăn hoặc sưởi ấm. Bơm kim tiêm ma túy, phân và các vật dụng nguy hiểm khác thường được tìm thấy trên các bãi biển gần đó.

Sự suy thoái của môi trường cộng đồng đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp địa phương. Ông George Francisco, Chủ tịch Phòng Thương mại Venice, nói rằng thông tin thu thập trực tiếp cho thấy, khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đang hủy đặt phòng khách sạn tại địa phương. Ông nói rằng khách hàng đã xem báo cáo về khu vực địa phương và sau đó đã hủy đặt phòng.

Theo số liệu của Phòng Thương mại Venice, bãi biển Venice từng là điểm thu hút khách du lịch lớn thứ hai ở Nam California, chỉ đứng sau Disneyland với 62% khách du lịch của địa phương có thu nhập trung bình hơn 50.000 USD. Trong đợt bùng phát virus Trung Cộng (COVID-19), Nghị viên thành phố Los Angeles Mike Bonin đã tuyên bố rằng con đường Lót ván (con phố thương mại và giải trí dài một dặm rưỡi) được làm thành một khu bảo hộ người vô gia cư.

Ông Luis Perez, quản lý của một quán bar trên con đường Lót ván cho biết: “Kết quả là, rất nhiều người vô gia cư từ các thành phố khác đã được gửi đến. Tôi cảm thấy rằng chúng ta nên tìm một nơi thích hợp để làm nơi cư trú cho những người này, nhưng công viên tiểu bang xinh đẹp nằm trong khu thương mại, theo cá nhân tôi, chắc chắn không phải là nơi thích hợp để trú ngụ.”

Trước khi xảy ra đại dịch virus, cứ 10 đến 15 phút lại có cảnh sát đi trên con đường Lót ván. Bây giờ, cả ngày không có bất kỳ cảnh sát nào tuần tra đi qua. “Chúng tôi có một nhóm người liên tục gửi video và yêu cầu giúp đỡ, nhưng không có cảnh sát nào đến vì sở cảnh sát đã bị rút đi.” Klaus Moeller, một chủ doanh nghiệp nhỏ trên con đường Lót ván, cho biết. Ông viết trong một email: Để có thể chứa khoảng 200 người vô gia cư (ông cho rằng chỉ có 30 người có thể là người vô gia cư thực sự ở Venice), điểm thu hút khách du lịch lớn thứ hai ở Nam California đã bị phá hủy. Điều này liệu có công bằng cho các doanh nghiệp địa phương và người dân đóng thuế không?

“Giờ đây, chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ cháy nổ, xả súng, đâm chém và cướp giật. Mọi thứ đều quá kinh khủng!”, ông Moeller cho biết, khu vực này hiện đang bị chiếm đóng bởi hai băng nhóm cạnh tranh bán ma túy cho người vô gia cư. “Để giải quyết vấn đề từ trên căn bản, hãy ngừng mời những người vô gia cư từ khắp nơi trên thế giới đến đây. Hoạt động từ thiện nên bắt đầu từ những người thân, xin hãy quan tâm đến những cư dân của Venice.”

California trở thành cơ sở trồng cần sa bất hợp pháp của quốc gia

Sau khi California hợp pháp hóa hoàn toàn cần sa, không những không kiềm chế được việc trồng và buôn bán cần sa bất hợp pháp, nó còn tạo ra vỏ bọc cho cần sa trái phép. California đã trở thành cơ sở trồng cần sa bất hợp pháp của quốc gia.

California chính thức công bố dữ liệu vào tháng 10/2020. Trong 3 tháng hành động cưỡng chế cần sa, hơn 1,1 triệu cây cần sa và 20,5 tấn sản phẩm cần sa đã bị tịch thu tại 455 địa điểm trồng.

Kiểm lại kết quả của hoạt động, các nhân viên thực thi pháp luật có 2 điều bất ngờ: Một là khu vực mà số lượng cần sa bất hợp pháp bị tịch thu nhiều nhất không phải ở khu vực cần sa nổi tiếng của California – Tam giác Ngọc lục bảo (Emerald Triangle, bao gồm các quận Trinity, Mendocino và Humboldt của Bắc California), mà là ở quận Riverside ở Đế quốc Nội địa Nam California.

Điều ngạc nhiên thứ hai là mặc dù các hoạt động thực thi pháp luật năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cháy rừng, nhưng kết quả vẫn vượt quá năm ngoái. Số cây cần sa đã bị tịch thu trong hoạt động năm ngoái còn chưa đến 1 triệu cây.

Khi có thông tin rằng cần sa giải trí sắp được hợp pháp hóa ở California vào năm 2016, nhiều người đã đến quận Riverside để mua đất. Theo người dân địa phương, vào thời điểm đó, ở những khu vực như Thung lũng Anza, đất rất rẻ, 20.000 USD là đã có thể mua được 10 mẫu Anh. Sau khi hợp pháp hóa cần sa, ngày càng có nhiều người đổ về khu vực địa phương để trồng cần sa, nhiều người trong số họ là hoạt động trồng cần sa trái phép.

Trong khu vực Aguanga của quận Riverside, hầu hết cư dân ban đầu chuyển đến để tìm kiếm sự yên tĩnh. Tuy nhiên, môi trường biệt lập cũng khiến Aguanga trở thành nơi ẩn náu lý tưởng cho các trang trại trồng cần sa trái phép. Người dân địa phương nói rằng tại nhiều cộng đồng trên núi, hầu như tất cả các cơ sở kinh doanh cần sa đều là bất hợp pháp. Vào tháng 2/2020, các thám tử đã thu giữ hơn 9900 cây cần sa, 411 pound cần sa đã qua chế biến và vũ khí từ các trang trại trồng cần sa bất hợp pháp đáng ngờ ở địa phương, bắt giữ 4 người.


Các chính sách xã hội chủ nghĩa khiến nhiều công ty bỏ chạy khỏi California

Các chính sách xã hội chủ nghĩa của California như thuế cao, giám sát cao và phúc lợi cao đang khiến nhiều công ty bỏ đi hơn.

Vào tháng 12/2020, tỷ phú Elon Musk, người sáng lập Tesla và Space X, nói với giới truyền thông rằng ông đã quyết định rời California đến Texas. Vào tháng 5/2020, quận Alameda, California, nơi đặt nhà máy Tesla, đã từ chối cho phép nhà máy này mở cửa trở lại. Ông Musk đã chỉ trích chính sách đóng cửa của California là chủ nghĩa phát xít, do đó ông dự định chuyển trụ sở và các dự án trong tương lai của Tesla đến Texas hoặc Nevada.

Vào cuối năm 2020, ông Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal rằng California có quá nhiều ảnh hưởng trên thế giới, nhưng sức mạnh của California đang suy yếu. Ông ví California như một đội thể thao thành công, “có chút tự mãn, có chút làm quyền, do đó không thể tiếp tục giành chức vô địch.” Ông nói rằng California đã “chiến thắng quá lâu”, họ coi việc các công ty này (ở lại California) là điều hiển nhiên.

Công ty Hewlett-Packard, công ty đầu tiên ở Thung lũng Silicon, cũng đã thông báo rằng họ sẽ chuyển trụ sở chính của mình đến Houston, Texas. Công ty dữ liệu công nghệ hàng đầu Palantir đã chuyển trụ sở chính của mình ra khỏi Thung lũng Silicon đến Denver, Colorado.


Đạo luật AB5 xóa bỏ sinh kế của người dân

Đạo luật AB5 được thông qua tại California vào năm 2019 hạn chế nghiêm ngặt định nghĩa về lao động hợp đồng, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ ở California không thể tiếp tục thuê lao động hợp đồng và cũng khiến nhiều cư dân California cần có công việc linh hoạt không còn tiếp tục được thuê làm việc theo hợp đồng.

Cuốn sách “Bãi nhiệm Newsom” nói rằng chỉ một nét ký của ông Newsom, luật AB5 khiến vô số người dân California từ hàng trăm ngành nghề, từ nhà văn, nhạc sĩ, dịch giả và thông dịch viên, đến các nhà giáo dục và chuyên gia chăm sóc sức khỏe, thậm chí những người như ảo thuật gia sinh nhật và ông già Noel trong trung tâm mua sắm đều không thể kiếm sống ở California. Nhiều công ty quốc gia tuyên bố rõ ràng không thể làm việc với những người làm nghề tự do ở California.

Vào đầu năm 2020, ông Kevin Kiley đã tập hợp các trải nghiệm của những người California bị phá hủy sự nghiệp bởi Đạo luật AB5 thành một cuốn sách và gửi các bản sao cho Thống đốc Newsom và tất cả các nhà lập pháp trong Hội đồng Lập pháp. Ông Kiley nói: “Tôi đã tổ chức một cuộc mít-tinh vào ngày 29/1. Hàng trăm nhà thầu độc lập đã đến Tòa nhà Đại hội Bang California từ khắp tiểu bang. Tôi không lên án thống đốc, mà kêu gọi lương tâm của ông ấy.”

Ông Kiley nói, “Trong lịch sử của chúng ta, chưa từng có đạo luật nào làm tan nát cuộc sống của nhiều người và làm lung lay nền tảng của xã hội đa nguyên của chúng ta như vậy.” Giờ đây, hầu như không có ngành nào không bị ảnh hưởng gì. Nhóm dễ bị tổn thương nhất và bị thiệt hại nhiều nhất đó là: người già, người chăm sóc, sinh viên, bà mẹ đơn thân, người tàn tật, người có vấn đề về sức khỏe v.v., tất cả họ đều sống dựa vào công việc tự do.

Ông Kiley nói rằng Đạo luật AB5 được viết bởi các nhóm lợi ích đặc biệt, mục đích là để loại bỏ một khu vực phi thu nhập lớn trong lực lượng lao động: những người lao động độc lập mà tiền lương của họ không bị ảnh hưởng bởi phí công đoàn.

Ông Kiley cũng cho biết: “Một khi những công nhân này trở thành nhân viên bình thường thay vì các nhà thầu độc lập, tổ chức công đoàn sẽ được cung cấp công việc bởi hàng trăm nghìn công nhân mới.” Nhà nghiên cứu cấp cao Lee Ohanian của Viện Hoover gọi đó là “một món lợi ích chính trị to lớn.”

Vào ngày 6/9 năm nay, ông Mike Netter người phát động phong trào “Recall Gavin 2020” cho biết tại một sự kiện rằng, phong trào này đại diện cho dư luận và chỉ khi ông Newsom bị bãi nhiệm thì người dân California mới có thể khôi phục cuộc sống yên bình, an toàn và chất lượng cao.

Mộc Lan, theo Epoch Times

Related posts