Liệu Anh Quốc có đủ phương tiện để chuyển trục qua Ấn Độ-Thái Bình Dương ?

Minh Anh

Hàng không mẫu hạm Anh, HMS Queen Elizabeth, trong đợt tập trận Hải quân “cuộc tấn công Gallic”, ngoài khơi Toulon, đông nam Pháp, ngày 03/06/2021. AFP – CHRISTOPHE SIMON

Ngày 04/09/2021, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải Quân Hoàng Gia Anh ghé thăm cảng quân sự Yokosuka của Nhật Bản. Đây cũng là chặng dừng cuối cùng trước khi tham gia cuộc tập trận đầu tiên với các đồng minh trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Với những chiến dịch này, phải chăng Anh Quốc đang định hình những mục tiêu chiến lược mới cho tầm nhìn « Global Britain » được công bố hồi tháng 3/2021 ?

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/09/2021 cho rằng sự kiện hàng không mẫu hạm Anh lần đầu tiên cập cảng quân sự Nhật Bản sau một thập niên « đánh dấu bước khởi đầu một sự hiện diện quân sự thường trực tại một vùng đang nỗ lực kềm hãm đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc. »

« Global Britain » : Tham vọng cường quốc của Luân Đôn

Đương nhiên, trước những thông tin này, Bắc Kinh đã nhanh chóng có phản ứng. Phiên bản tiếng Anh của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã có lời mỉa mai cho rằng Luân Đôn đã có những tuyên bố « phóng đại », « cường điệu ». Bởi vì « sự hiện diện thường trực quân sự » đó của Hải Quân Anh chỉ là để lại hai chiếc tầu tuần tra « khả năng chiến đấu thấp », không được trang bị tên lửa, sau khi hàng không mẫu hạm rời khu vực.

Vẫn theo trang mạng này, « Vương Quốc Anh thời kỳ hậu Brexit có tham vọng « Global Britain » (tạm dịch là Nước Anh toàn cầu) và đang nỗ lực thực hiện giấc mơ này. Đó chẳng qua là vì Anh Quốc xem Ấn Độ – Thái Bình Dương như là một trung tâm kinh tế và tâm điểm của trò chơi quyền lực lớn. Chính vì điều này mà Anh Quốc quyết tâm chứng tỏ sự tồn tại và vai trò của mình trong khu vực. »

Câu hỏi đặt ra : Anh Quốc thật sự muốn gì khi gởi hàng không mẫu hạm đến Ấn Độ – Thái Bình Dương ? Liệu nước Anh có đủ phương tiện để thực hiện những tham vọng như Trung Quốc chỉ trích ?

Đối với nhà nghiên cứu Georgina Wright, phụ trách chương trình châu Âu, Viện Montaigne, trước hết việc HMS Queen Elizabeth đến thăm Nhật Bản và tham gia tập trận với các đồng minh Mỹ, Nhật, Hàn và Úc là không chỉ mang tính biểu tượng cao, mà còn xác định mối quan tâm của Luân Đôn đối với khu vực.

Hồi tháng Ba năm 2021, chính phủ Anh Quốc đã cho công bố một tập tài liệu dài 114 trang, có tựa đề « Global Britain in a Competitive Age ». Bản « tầm soát tổng thể về an ninh, quốc phòng, phát triển và đối ngoại » này, lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tầm nhìn « Global Britain » (Nước Anh trên toàn cầu), nhằm khẳng định tham vọng cường quốc thế giới của Luân Đôn.

« Sách Trắng » quốc phòng này của Anh, như cách gọi của nhiều chuyên gia, ấn định những ưu tiên địa lý mới, khi cho chuyển trục sang vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chính phủ thủ tướng Boris Johnson đánh giá khu vực này sẽ là « tâm điểm địa chính trị mới của thế giới ».

Nếu như mối quan tâm này của nước Anh đối với khu vực được thể hiện rõ qua việc cụm từ « Ấn Độ – Thái Bình Dương » được đề cập đến hơn 30 lần trong Sách Trắng và được nhắc rất nhiều trong nghị trường Anh, thì chuyên gia về châu Âu, bà Georgina Wright, trên đài France Culture, nhận thấy rằng Anh Quốc hiện vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng trong khu vực này.

« Thật ra điều này chẳng có gì là ngạc nhiên cả. Đây là một khu vực mà đối với Luân Đôn có một vị trí mỗi lúc một lớn trên phương diện kinh tế và an ninh, nhất là do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thế nên, người ta mới thấy chiếc HMS Queen Elizabeth trong vùng. Dù sao đi nữa, tôi cũng cho rằng Anh Quốc vẫn còn lâu mới có một chiến lược cụ thể đối với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vẫn còn một câu hỏi lớn được đặt ra trong nội bộ Nghị Viện Anh: Một cách cụ thể, việc có một sức mạnh, một sự hiện diện trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương có ý nghĩa gì ? Và ngoài việc gởi chiếc hàng không mẫu hạm đến đó, quý vị sẽ phải làm gì nữa ? »

« Global Britain » và chiến lược tái bố trí ngân sách

Trở lại với những mỉa mai của tờ Global Times, bài viết còn cho rằng chính sách « hiện diện quân sự thường trực ở Ấn Độ – Thái Bình Dương » của Anh khó mà trụ được lâu dài do nguồn ngân sách và công nghệ hạn hẹp. Hải Quân Anh không thể triển khai dài hạn bất kỳ tầu sân bay nào trong số hai chiếc đang có ở nước ngoài.

Về điểm này, tờ Le Figaro của Pháp có nhắc lại, hồi tháng 11/2020, thủ tướng Anh đã thông báo tăng thêm 16,5 tỷ bảng Anh (22 tỷ đô la) trong bốn năm tới cho ngân sách quốc phòng. Đây là mức tăng cao nhất kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc. Thế nhưng, trong ngắn hạn, bộ Quốc Phòng Anh sẽ cắt giảm một tỷ bảng Anh vào năm 2022. Điều đó có nghĩa là quân đội Anh sẽ giảm bớt 10 ngàn binh sĩ, từ 80 xuống còn 70 ngàn quân nhân.

Ngược lại, nhiều phương tiện bổ sung sẽ cho phép hiện đại hóa Royal Air Force, đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển và như vậy trả lại cho nước Anh vị thế cường quốc hải quân hàng đầu ở châu Âu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc « không còn gởi binh sĩ thi hành nhiệm vụ ở nước ngoài thường xuyên và lâu hơn ». Một hình thức tái triển khai các phương tiện quân sự, theo như quan điểm của bà Georgina Wright.

« Ở đây cho thấy có một chiếc lược mới trong chi tiêu quốc phòng của Nghị Viện Anh. Đúng là có một khoản cắt giảm lớn trong quân đội nhưng lại đầu tư nhiều trong công nghệ mới, mạng tin học. Trở lại với vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương, chúng ta phải chờ xem để có thể biết được những tham vọng cụ thể cho khu vực này. Nhưng tôi tin rằng các đồng minh và các đối tác châu Âu trong khu vực sẽ tự hỏi : Điều đó có nghĩa là gì ? Đâu là các khả năng để thực thi các chiến lược đó ? Do vậy tôi cho là còn quá sớm để mà đưa ra các đánh giá ! »

Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh nên « dàn xếp »

Vậy, trong tầm nhìn mới này, Anh Quốc có cái nhìn như thế nào về Trung Quốc ? Trái với Nga, vẫn bị xem như là kẻ thù chính yếu, thậm chí còn bị xếp vào diện « mối đe dọa tích cực », nước Anh của thủ tướng « Bojo » tỏ ra dè dặt hơn với Bắc Kinh. Trong báo cáo, Trung Quốc được mô tả như là một « thách thức hệ thống » hơn là một « kẻ thù truyền kiếp », bất chấp những căng thẳng giữa hai nước trong các hồ sơ Hồng Kông, người Duy Nghô Nhĩ, hay mạng 5G. Vì sao Anh Quốc có thái độ « hòa dịu » như vậy với Trung Quốc ? Chuyên gia về châu Âu, Viện Montaigne giải thích :

« Điểm đáng ngạc nhiên ở đây là Luân Đôn có một lập trường về Trung Quốc rất gần gũi với Liên Hiệp Châu Âu hay nhiều nước châu Âu khác. Nhất là người ta có thể hợp tác với Trung Quốc để đối phó với những vấn đề lớn của thế giới như biến đổi khí hậu. Người ta khó thể phớt lờ và phải phối hợp với Bắc Kinh. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải có một sự cứng rắn, mạnh mẽ về tất cả những gì có liên quan đến nhân quyền. Do vậy, tôi cho rằng Anh Quốc có một lập trường về Trung Quốc hòa dịu hơn so với Hoa Kỳ. »

Nói một cách khác, nước Anh xem Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh, nên biết « dàn xếp, điều đình ». Trước Quốc Hội, khi công bố chiến lược mới, ông Boris Johnson cảnh báo : « Những ai kêu gọi một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc hay tách biệt hoàn toàn nền kinh tế chúng ta ra khỏi Trung Quốc là đã bị nhầm : Chúng ta phải tìm kiếm một thế cân bằng và có một mối quan hệ sáng suốt với quốc gia này ».

Anh chuyển trục từ Âu sang Á ?

Nếu như trong báo cáo « Global Britain in a Competitive Age » vẫn nhấn mạnh đến vai trò « sáng lập » của NATO đối với chính sách quốc phòng và an ninh đất nước, Vương Quốc Anh dự tính triệt thoái các đội quân ra khỏi một số nước Bắc Âu, do việc chính quyền Luân Đôn đánh giá rằng nhiều nước khác, như Đức chẳng hạn, giờ đã có thể thay thế Anh Quốc.

Câu hỏi đặt ra : Phải chăng với ý định này, Anh Quốc đang thật sự chuyển trục từ Âu sang Á ? Nhà nghiên cứu Georgina Wright tin rằng là chưa phải là lúc.

« Khi đọc kỹ tài liệu này, đúng là Anh Quốc có tham vọng trở thành một cường quốc thế giới, nhưng trước hết đó phải là cường quốc châu Âu. Việc bảo đảm an ninh tại châu lục này vẫn là rất quan trọng. Chúng ta còn nhớ là Pháp đã 11 lần, Đức 7 lần nhắc đến việc xích lại gần hơn giữa NATO và Liên Hiệp Châu Âu, về sự hiện diện quân sự ở Sahel nữa.

Khi nhìn thấy những gì diễn ra ở Afghanistan, người ta nghĩ là Anh Quốc sẽ hiện diện thường xuyên hơn, một cách tích cực hơn và sẽ tìm cách nói chuyện nhiều hơn với các đối tác châu Âu. Do vậy, tôi cho là đây chưa hẳn là một sự chuyển trục hoàn toàn sang Ấn Độ – Thái Bình Dương, đó mới chỉ là chuyện phát biểu mà thôi, còn phải chờ những việc được thực hiện trong những tháng, những năm sắp tới, để biết xem có những thay đổi quan trọng thực sự từ châu Âu sang châu Á hay không ? Riêng tôi, tôi cho rằng Anh Quốc vẫn cần châu Âu nhiều hơn là châu Á ».

Trước những động thái này của Anh Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo một mặt chế nhạo Luân Đôn vẫn còn bị giam hãm trong nỗi tiếc nuối về một thời kỳ ngoại giao bằng « họng súng », một thời kỳ đã qua. Mặt khác, Bắc Kinh cảnh cáo, Trung Quốc ngày nay không phải của 100 năm về trước và dọa rằng nếu Vương Quốc Anh dám có những hành động khiêu khích nào ở Biển Đông, những biện pháp đáp trả của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải rút lấy kinh nghiệm về hậu quả của những hành động hấp tấp.

Trước những thách thức to lớn như vậy, nhà nghiên cứu Georgina Wright tự hỏi, trên phương diện thực hành, đâu là những năng lực, nguồn lực để Vương Quốc Anh thực thi những chiến lược được vạch ra ? Đồng minh của nước Anh là ai ? Bởi vì ngay chính bản thân các nước đồng minh của Anh, do những hạn chế về khả năng và nguồn lực, cũng đang gặp khó khăn khi đưa ra các chọn lựa và những ưu tiên cụ thể !

Related posts