Nguyễn Thơ Sinh
Gần đây Mỹ rút quân khỏi Afghanistan khiến nhiều người liên tưởng đến một Vietnam War cách đây nửa thế kỷ. Tất nhiên họ có quyền đó, đặc biệt nếu ta tạm kết luận mọi đường thẳng cần hai điểm A, B (cùng nằm trên một mặt phẳng) mới vẽ được. Hiển nhiên không có Afghanistan làm sao người ta hiểu rõ hơn những gì xảy ra tại Việt Nam cách đây gần 50 năm, cũng như không có Sài Gòn câu chuyện Kabul hôm nay gẫm lại không gay cấn nóng hổi như trong mấy tuần qua.
(Kiểu gì thì kiểu) chúng ta không thể hờ hững trước thân phận và vận mệnh của hai dân tộc Afghanistan và Việt Nam. Tất nhiên so sánh tình hình diễn biến cụ thể giữa hai đất nước này trong bối cảnh chiến tranh tàn phá có khác nào so sánh giữa me và khế, vốn rất khó so sánh. Nhưng nếu tạm lấy vị chua để đối chiếu, có lẽ không quá quắt lắm khi đưa ra nhận định lần này cả hai cùng chia chung thân phận của vị chua nhớ đời?
Lý sự chút đỉnh cho bớt phần bẽ bàng bởi càng gẫm càng thấy xót xa cho người Việt chỉ vì một cuộc tương tàn mà đất nước rơi cảnh tụt hậu so với các quốc gia trong vùng hàng mấy thập niên. Trên thực tế người Việt mình rất giỏi. Nòi giống Lạc Hồng. Đi đâu, ở đâu đều bật lên sức mạnh tiềm ẩn từ dòng máu Mẹ Âu Cơ và tinh hoa Cha Lạc Long Quân truyền lại.
Rồi tự an ủi mình thuở xa xưa, những ngày lập quốc của tổ tiên, rồi Nam tiến, sau đó nòi Giao Chỉ xuất hiện khắp nơi, ai được, ai mất; nhìn từ xa phải chăng nhân duyên được làm người Việt và lịch sử thời cuộc ngẫu nhiên mỗi giai đoạn đã tạo nên những kỳ tích (chung, riêng) càng gẫm càng thấy đúng với cách người Mỹ vẫn nói (nguyên văn): Everything happens for a reason. – Mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó.
Tất nhiên vì là người Việt nên chúng ta thấm thía hơn những gì đã xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ tại Saigon. Hẳn nhiên người còn nhớ nhiều về biến cố Saigon thất thủ càng ngày càng thưa vợi. Bọn trẻ oa oa cất tiếng khóc chào đời sau cột mốc 30-04-1975 nay mai bước vào tuổi ngũ tuần. Đời người tưởng dài nhưng không phải thế.
Nay nhìn lại Kabul và thân phận của những đồng minh sát cánh với Uncle Sam, một cuộc chiến được coi là dài nhất trong số những cuộc chiến trong lịch sử trận mạc của Uncle Sam, người Việt mình có thể cảm nghiệm được những cảm xúc liên hệ không mấy khó khăn vì đã từng nếm trải những nghẹn ngào cay cực. Vâng. Táo me chua có thể khác khế chua, nhưng hai cái chua ấy đều tạo ra ấn tượng không tốt lành gì, dễ khiến người ta nhăn mặt.
Đi thẳng vào vấn đề, đa số thiên hạ biết lờ mờ về cuộc chiến tại Afghanistan rằng Mỹ đã đổ vào đây rất nhiều tiền của. Tất nhiên ý tưởng Mỹ đổ bộ lên Afghanistan nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh vì Saigon trước đó hiển hiện như biểu tượng một chén đắng thất bại Uncle Sam đã một lần nếm trải. Người ta lo lắng bài học 30-04-1975 sẽ lập lại. Cuối cùng những tiên đoán lịch sử ấy đã không thất bại trong việc góp phần viết lên một trang mới với những nhận định tiên tri được coi là khá chuẩn xác.
Tờ The New York Times cho chạy một bài báo có tên (nguyên văn): The U.S. War in Afghanistan: How It Started, and How It Ended. Đọc kỹ, càng thấm thía hơn cho những gì xảy ra nơi đây. Quân đội Mỹ rút hết quân ra khỏi Afghanistan ngày 30 tháng 08 – Một ngày sớm hơn lịch ấn định, lập tức để lại một di sản “20 năm can thiệp của Mỹ”, bao cố gắng vun bồi gầy dựng cuối cùng chỉ là một Afghanistan rơi vào tay Taliban với bao ngổn ngang nghịch lý, nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.
Tác giả bài báo David Zucchino mở đầu bài báo bằng một câu khá ấn tượng (nguyên văn): The American mission in Afghanistan has come to a tragic and chaotic end. Vâng. Thông thường chữ “mission” có một ý nghĩa rất riêng, rất cao thượng, rất nhân bản. “Mission” có nghĩa là mục tiêu song nó mang nghĩa sứ mạng. Vậy sứ mạng của Mỹ tại Afghanistan là gì? Nếu không quá quắt lắm, liệu sứ mạng của Mỹ tại đây sẽ được chốt lại: Đem văn minh tự do dân chủ đến đây(?) hay sứ mạng của Mỹ là sử dụng sức mạnh quân sự tại Afghanistan với tham vọng chặn đứng từ trứng nước các mục tiêu khủng bố?
Cảm thương thay khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, bao nhiêu người trong số các thành phần đồng minh Afghanistan ủng hộ Mỹ rơi vào cảnh điêu đứng? Tất nhiên sẽ có nhiều. Theo tác giả David Zucchino, ít nhất 100.000 người ước tính hội đủ tiêu chuẩn được nhận visa nhập cảnh Mỹ (eligible for expedited U.S. visas). Song trên thực tế con số may mắn di tản thoát khỏi Kabul được mấy người? Thân phận những người bị kẹt lại rồi sẽ ra sao?
Trước đó ngày 15 tháng 08, chỉ sau vài giờ Tổng thống Ashraf Ghani của Afghanistan rời nước, lập tức đó là một chiến thắng (gần như cho không) đối với Taliban. Hội chứng “rắn mất đầu” đã diễn ra khi Mr. Ghani bỏ Afghanistan. Tất nhiên người ta không thể (và không nỡ) trách ông. Bởi nằm trong tình cảnh của ông, liệu mấy người có đủ dũng lực ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng với Taliban khi Mỹ buông tay?
Sự kiện Mr. Ashraf Ghani rời Afghanistan được coi là hành động mở toang cửa cho các thủ lãnh Taliban tiến vào phủ tổng thống cũng như các văn phòng bộ, sở. Lập tức hàng chục ngàn dân Afghanistan vội vã rời bỏ nhà cửa, hối hả chạy loạn đến các cửa khẩu. Một lượng khổng lồ dồn về Phi trường tại Kabul với hy vọng được di tản. Họ hy vọng vào các nỗ lực cuối của Uncle Sam và các nước đồng minh nhưng thực tế một số rất ít người may mắn di tản được.
Ấn tượng nhất là biến cố khủng bố xảy ra ngày 26 tháng 08, một vụ nổ bom do cảm tử quân Taliban tự sát khiến 180 người thiệt mạng trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Đây được coi là một trong số những vụ tấn công lớn (one of the deadliest attacks of the war) tại đây, đồng thời đây là vụ tấn công với số quân nhân Mỹ thiệt mạng lớn nhất tính từ tháng 02 năm ngoái.
Hàng tỷ Mỹ kim đã đổ vào đây có uổng phí không? Lực lượng an ninh Afghanistan (Afghan security forces) được Mỹ tiếp sức nhiều năm cuối cùng vẫn bị đè bẹp nhanh chóng. Sứ mạng của người hùng Uncle Sam tại đây đã trở thành phiên bản thứ II của Sài Gòn, khá ê chề. Hình ảnh nhiều người tháo thân, bỏ của chạy lấy người, hỗn mang, hoảng loạn đến tột độ vì sợ Taliban báo thù (khiến nhiều người nhớ lại Saigon của gần 50 năm trước) vốn hết sức xốn xang, nhức mắt.
Bốn đời tổng thống Mỹ đã ngao ngán nhìn Uncle Sam sa lầy tại Afghanistan. Nhiều lính Mỹ đã hy sinh trên mảnh đất xa lạ này. Pakistan cũng đã bị lôi kéo vào xung đột tại đây (tuy nhiên thiện chí của Pakistan trong việc cộng tác với Mỹ thực tâm hay không xin miễn bàn, chỉ biết trong một thời gian dài trùm khủng bố Osama bin Laden của Al Qaeda rung đùi điều khiển từ xa các hoạt động chống Uncle Sam cho đến lúc bị ám sát ngày 02 tháng 05, 2011).
Tại sao Mỹ tấn công Afghanistan?
Nhắc lại chuyện cũ, ngày 11/09/2001, Mỹ bị khủng bố Al-Qaeda tấn công ngay trên lãnh thổ của mình. Sau đó vài tuần, Cựu tổng thống George W. Bush (Bush Con) đã tuyên bố Quân lực Mỹ sẽ tấn công trả đũa các nhóm khủng bố và các mục tiêu quân sự của Taliban tại Afghanistan.
Lúc đó Taliban đang kiểm soát một phần rất lớn Afghanistan. Cựu tổng thống Bush Con đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Taliban phải dẫn độ các thủ lãnh của Al-Qaeda đang hoạt động tại Afghanistan. Nhắc thêm, mục đích hiện diện tồn tại của Al-Qaeda tập trung vào các mục tiêu thiết kế các vụ khủng bố khắp thế giới dưới sự điều khiển của các thủ lãnh Al-Qaeda. Theo Mr. Bush Con nếu Taliban không giao nộp các thủ lãnh Al-Qaeda họ sẽ phải trả một giá đắt (nguyên văn): Now the Taliban will pay a price. Vẫn theo lời Cựu tổng thống Bush Con mục tiêu tấn công Afghanistan nhằm phá vỡ sào huyệt của các nhóm khủng bố, nguyên văn: These carefully targeted actions are designed to disrupt the use of Afghanistan as a terrorist base of operations, and to attack the military capability of the Taliban regime.
Nói khác đi sự bất hợp tác của Taliban (nếu không nói đó là thái độ chống đối Mỹ bằng cách dung túng cho các nhóm khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan) chính là ngòi nổ quả bom cuộc chiến Afghanistan War do Mỹ thực hiện năm 2001. Theo Wikipedia, Cuộc chiến Afghanistan bắt đầu từ mùng 07 tháng 10 năm 2001 và kết thúc ngày 15 tháng 08 năm 2021.
Tên chính thức của cuộc chiến do Mỹ can thiệp vào Afghanistan có tên: Operation Enduring Freedom (OEF). Nó là một phần của các chính sách chống khủng bố của Mỹ được biết qua tên gọi Global War on Terrorism. Theo lời Cựu tổng thống Bush Con Mỹ sẽ làm tất cả những gì có thể, thậm chí sẽ thực hiện đến cùng chiến dịch OEF, nguyên văn lời ông: [Operation Enduring Freedom would entail] a lengthy campaign unlike any other we have ever seen. Không ai hiểu Mr. Bush Con đã nghĩ gì khi đưa ra nhận định này, chỉ biết với một cuộc chiến dài gần 20 năm, nước Mỹ đã nếm trải nhiều dằn vặt nhức nhối dù so với Vietnam War con số lính Mỹ thiệt mạng ít hơn rất nhiều.
Nhắc lại, mục tiêu của Mỹ đối với Vietnam War là chặn đứng làn sóng Cộng sản đỏ loang ra từ Liên Xô cũ, sau đó thấm qua Trung Quốc tràn về phía nam. Vĩ tuyến 17 và Việt Nam Cộng hòa trở thành lý do chính đáng để sự can thiệp của Mỹ có điểm tựa. Còn mục tiêu của Afghanistan War nằm ở chỗ Mỹ trả đũa một chính phủ đã trực tiếp hà hơi tiếp sức cho các tổ chức khủng bố, trong đó có Al-Qaeda, một tổ chức nguy hiểm cả gan tấn công Mỹ ngay trên đất Mỹ.
Nói khác đi, với Vietnam War mục tiêu của Mỹ là nỗ lực duy trì ảnh hưởng của tự do tư bản chống lại sự bành trướng của tư tưởng Cộng sản. Với Afghanistan War, mục tiêu của Mỹ vừa (a) trả thù kẻ dám tấn công Mỹ cũng như (b) giúp xây dựng một phòng tuyến chống các nhóm khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan.
Nhìn lại hai cuộc chiến, bạn đọc có thể liên hệ với quan điểm riêng của mình (trong việc đánh giá hành động của Uncle Sam khi can thiệp vào một quốc gia khác). Tất nhiên phân tích đúng sai về hành động mục tiêu của Uncle Sam là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Không luận chuyện Mỹ đổ bộ vào Afghanistan, rót hàng núi tiền vào những mục tiêu chiến lược quân sự (như đã thấy tại Việt Nam) có lãng phí, vô nghĩa? Hẳn nhiều người đã cảm thấy lấn cấn, tiền dân Mỹ đóng thuế có lãng phí? Hay thiên hạ không bận tâm lắm? Hình ảnh của Mỹ có bị xấu đi trên trường quốc tế? Hay thảm hại hơn cả vẫn là kẻ quá tin tưởng vào Mỹ cuối cùng trở thành bẽ bàng chua xót.
Hai cuộc chiến. Hai kết thúc. Đâu là điểm chung khác biệt?
Chợt thấy thương hai mảnh đất miễn cưỡng nếm trải những đổ nát tàn phá.
Nguyễn Thơ Sinh