Thanh Hải
Hoa Kỳ, Anh và Úc chính thức thành lập một liên minh mới AUKUS, đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Theo đó Washington và London sẽ hỗ trợ Canberra đóng 8 tàu ngầm hạt nhân và nâng cấp sức mạnh quân sự của Úc. Động thái này đã gây ra sự bất mãn cao độ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tại sao Hoa Kỳ, Anh và Úc muốn thành lập một liên minh mới và giúp Úc xây dựng một đội tàu ngầm hạt nhân? Tại sao Bắc Kinh bất mãn? Hoa Kỳ thường xuyên có những động thái đối với ĐCSTQ. Liệu họ có thực sự muốn lật đổ chế độ này? Xin mời quý vị đến với góc nhìn của học giả Đường Hạo.
Hoa Kỳ, Anh và Úc thành lập một liên minh mới
Vào ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới với Vương quốc Anh và Australia, được gọi là “Liên minh Mỹ-Anh-Australia ( viết tắt là AUKUS )”. Hỗ trợ Australia đóng 8 tàu ngầm hạt nhân và xuất khẩu các công nghệ liên quan sang Australia.
Tin tức này ngay lập tức gây chấn động cộng đồng quốc tế. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm hạt nhân ra nước ngoài trong vòng 50 năm. Thứ hai, mặc dù trong cuộc họp báo lãnh đạo ba nước không đề cập đến việc họ thành lập liên minh chống lại ai, nhưng mọi người đều ngầm hiểu rằng đây là một liên minh chiến lược nhằm đối chọi lại ĐCSTQ.
Tàu ngầm hạt nhân là loại tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân, giống như sản xuất điện hạt nhân, do đó, có tàu ngầm hạt nhân không có nghĩa là sở hữu vũ khí hạt nhân; Chính phủ Úc cũng đã tuyên bố rằng họ chỉ muốn đóng tàu ngầm hạt nhân và sẽ không phát triển bom hạt nhân. Vậy tại sao phải phát triển tàu ngầm hạt nhân?
So với tàu ngầm chạy bằng diesel-điện truyền thống, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có sức bền tốt hơn và có thể ở dưới nước lâu hơn.
Ngoài ra, hệ thống phát điện của tàu ngầm hạt nhân cũng tương đối “yên tĩnh”, đối phương sẽ khó phát hiện, đồng thời độ an toàn và khả năng gây đe dọa sẽ cao hơn. Vì vậy, tàu ngầm hạt nhân được coi là một trong những biểu tượng của sức mạnh hải quân hàng đầu hiện nay, hiện nay trên thế giới chỉ có 6 quốc gia có tàu ngầm hạt nhân là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Ấn Độ. Trong số đó, Hoa Kỳ có 14 tàu, đứng thứ nhất, còn Trung Quốc có 6 tàu, đứng thứ ba.
Giờ đây, Hoa Kỳ và Anh muốn giúp Úc đóng 8 tàu ngầm hạt nhân để nâng cấp sức mạnh hải quân của Úc. Ngay sau động thái này, Thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận diều hâu của ĐCSTQ đã ngay lập tức đăng bài xã luận đe dọa Úc có thể trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân, thể hiện rõ bản chất đây là một phương tiện truyền thông côn đồ.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ hoàn toàn không để ý đến những lời dị nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay vào đó, ngay hôm sau Washington tuyên bố sẽ đưa nhiều máy bay chiến đấu đến Úc để tăng cường mối quan hệ hợp tác không quân giữa hai bên trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Rõ ràng, sau khi Hoa Kỳ sử dụng “quân bài Đài Loan” chống lại ĐCSTQ một thời gian trước, bây giờ họ đang sử dụng “quân bài Úc” nhắm đến Bắc Kinh, và lá bài Úc này đe dọa đối với ĐCSTQ. Tại sao?
Bởi nếu tàu ngầm của Úc có thể đi vào Biển Đông, cùng với tên lửa Tomahawk hoặc các tên lửa khác do Hoa Kỳ cung cấp, và trong bối cảnh tầm phóng dưới nước của tên lửa Tomahawk thế hệ mới là khoảng 1.600 km, thì các tàu trên Biển Đông của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lọt vào tầm bắn của tàu ngầm Úc, và nó sẽ gây ra mối đe dọa cho Hải quân Trung Quốc. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ đã nổi giận.
Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc ban đầu là đối tác chiến lược của “Liên minh tình báo Ngũ Nhãn.” Tại sao bây giờ họ cần thành lập một liên minh chiến lược mới?
Theo học giả Đường Hạo có 6 lý do chính:
1, Mỹ cần phản ứng sau cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan
Như các bạn đã biết, việc Mỹ rút quân ở Afghanistan đã gây ra tình trạng lộn xộn. Vào thời điểm đó, khi Tổng thống Biden bảo vệ việc rút lui, ông nhấn mạnh rằng lý do là để đáp ứng lại thách thức của ĐCSTQ.
Vì vậy, một vài ngày trước, Hoa Kỳ lần đầu tiên công bố kế hoạch đổi tên Văn phòng của Đài Loan tại Hoa Kỳ thành “Văn phòng Đại diện Đài Loan”. Cộng với Liên minh mới với Úc và Anh, điều đó cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc đối phó với Trung Quốc.
2, Củng cố phòng thủ chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai
Chúng ta đã nói về chuỗi đảo đầu tiên nhiều lần. Đây là tiền tuyến được các nước tự do sử dụng ngăn cản ĐCSTQ bành trướng ra Thái Bình Dương. Chuỗi đảo này bắt đầu từ Nhật Bản ở phía bắc, đi qua Đài Loan và Philippines, rồi đi xuống phía nam đến Indonesia, và Australia nằm dưới Indonesia. Mặc dù Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Nhật Bản và Đài Loan, nhưng thực lực quân sự hiện tại của ĐCSTQ thực sự có khả năng đột phá tuyến phòng thủ đầu tiên, và Hoa Kỳ không dám bất cẩn.
Vì vậy, hiện nay Mỹ đang giúp Australia tăng cường sức mạnh quân sự, thực chất là đang đưa sức mạnh hải quân của Australia vào vùng biển thuộc chuỗi đảo thứ nhất, đó là Biển Đông và eo biển Đài Loan, thông qua việc Australia gia nhập sẽ củng cố tuyến phòng thủ đầu tiên của chuỗi đảo và gia tăng áp lực lên các vùng biển của ĐCSTQ.
Không chỉ vậy, phần phía bắc của Australia là chuỗi đảo thứ hai bao gồm cả đảo Guam, nhưng nhiều hòn đảo trên chuỗi đảo thứ hai thuộc về các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương và có sức mạnh quân sự tương đối yếu, nên Mỹ cũng đang có ý định xuất khẩu công nghệ và nâng cấp sức mạnh quân sự đến Úc lần này. Mục đích nhằm tăng cường sức mạnh phòng thủ của chuỗi đảo thứ hai. Bởi vì hải quân và không quân Úc có thể nhanh chóng tiến vào chuỗi đảo thứ hai, để quân đội Mỹ có thể khai triển linh hoạt hơn ngăn chặn ĐCSTQ.
3, Nâng cao khả năng quân sự của Úc để giúp bảo vệ Biển Đông và Đài Loan
Như đề cập ở trên, sức bền và độ an toàn của tàu ngầm hạt nhân mạnh hơn, vì vậy một khi Úc có tàu ngầm hạt nhân, nước này có thể xuất phát từ bờ biển phía tây hoặc phía bắc của Úc và đi thẳng vào Biển Đông, để có thể hợp tác với quân đội Hoa Kỳ bảo vệ Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Có thể thấy, sau khi Australia có tàu ngầm hạt nhân, bản đồ sức mạnh quân sự của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ thay đổi, trong tương lai, nếu ĐCSTQ muốn đưa quân đến Đài Loan hoặc tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông, họ sẽ phải đánh giá lại các lực lượng đối đầu và những rủi ro sẽ gặp phải.
4, Rút ngắn thời gian khai triển quân đội nếu xảy ra xung đột
Chúng ta đều biết rằng mặc dù ĐCSTQ hiện là mối đe dọa lớn nhất của thế giới, nhưng xét cho cùng, Hoa Kỳ và Trung Quốc bị ngăn cách bởi toàn bộ Thái Bình Dương, nếu một ngày Mỹ thực sự phải đối phó với các hành động quân sự của ĐCSTQ thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt khoảng cách và thời gian. Do đó, Mỹ hiện đang giúp Australia nâng cấp lực lượng hải quân và không quân, thực tế tương đương với việc đưa “Quân đội miền Nam Hoa Kỳ” nhanh chóng tiến tới Biển Đông và eo biển Đài Loan, rút ngắn đáng kể thời gian phản ứng.
Ngoài ra, nếu ĐCSTQ thực sự phát động xung đột quân sự ở Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan hay Biển Đông, thì thông qua sức mạnh quân sự của đồng minh Hoa Kỳ và quân đội Hoa Kỳ đóng ở Tây Thái Bình Dương, cơ hội bao vây sẽ cao hơn.
5, Anh rời EU và tuyên bố quay trở lại hệ thống thế giới
Ai cũng biết Vương quốc Anh vừa chính thức rời khỏi Liên minh Châu Âu vào đầu năm nay, trước đây Vương quốc Anh khá mạnh và có danh hiệu “Mặt trời không bao giờ lặn.” Bây giờ, qua cơ hội này, Vương Quốc Anh đã thành lập một liên minh mới với Hoa Kỳ và Úc, qua đó từng bước xây dựng lại ảnh hưởng trên trường quốc tế.
6, Gây áp lực, buộc Bắc Kinh bước vào bàn đối thoại
Gần đây, Hoa Kỳ tiếp xúc chặt chẽ với Nhật Bản và ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan, đề cập đến sự ổn định ở eo biển Đài Loan.
Sau đó, Mỹ liên lạc lại với Singapore, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh khu vực và chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Rõ ràng, Mỹ gần như đã xem xét động thái của các nước láng giềng của ĐCSTQ ở Thái Bình Dương một vòng? Giờ đây, Liên minh Mỹ-Anh-Úc được thành lập, tương đương với việc leo thang ngoại giao và quân sự, gây áp lực đối với ĐCSTQ. Tuy nhiên, áp lực không phải là chiến tranh, mà là đối thoại để giải quyết các vấn đề khác nhau, bởi vì Mỹ có nhiều chủ đề trong tay và muốn đàm phán, hợp tác với ĐCSTQ.
Học giả Đường Hạo cho rằng Hoa Kỳ muốn nói chuyện với Trung Nam Hải không có nghĩa là Mỹ muốn hạ giọng “năn nỉ” ĐCSTQ. Do đó, làm thế nào để xử lý các vấn đề này một cách hợp lý để lợi ích của cả hai bên không bị tổn hại, điều này đòi hỏi cả hai bên phải ngồi lại và nói chuyện.
Do đó, trong cuộc điện đàm mới đây giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình , Mỹ nhấn mạnh rằng họ hy vọng mối quan hệ cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ không vượt ra khỏi tầm kiểm soát và biến thành xung đột. Điều đó cho thấy Hoa Kỳ hiện đang leo thang gây áp lực lên ĐCSTQ, và nhiều khả năng không phải để tiêu diệt ĐCSTQ, mà Washington muốn buộc Bắc Kinh phải ra mặt để “giao tiếp với sự chân thành”, thay vì cưỡng chế yêu cầu Bắc Kinh hợp tác với Washington.