Thanh Đoàn – Đông Phương
CEO Hứa Gia Ấn của Evergrande sở hữu 70% cổ phần của tập đoàn, ông ta thực hiện chia cổ tức mạnh tay ngay cả khi tập đoàn phải viết thư cầu cứu tỉnh Quảng Đông năm 2020. Điều này dễ hiểu khi Evergrande là công cụ nợ của chính quyền địa phương và bành trướng nhờ chiếm tài nguyên đất giá rẻ. Chưa kể đằng sau Evergrande còn được hậu thuẫn bởi thế lực chính trị đối thủ của ông Tập là Giang Trạch Dân. Việc vội vã sâu xé cổ tức là tất yếu, có lẽ Hứa Gia Ấn chỉ là người ‘đại diện’ mà thôi…
Cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đang là tâm điểm chú ý của thị trường. Khoản nợ hiện tại của Evergrande là 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ (hơn 300 tỷ USD). Ông Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), cổ đông lớn nhất của Evergrande và nắm giữ hơn 70% cổ phiếu, bị tiết lộ đã nhận gần 50 tỷ NDT (khoảng 7,7 tỷ USD) cổ tức của Evergrande trong 10 năm từ năm 2011 đến 2020, The Epoch Times dẫn nguồn truyền thông Trung Quốc cho biết.
Vội vã chia cổ tức khủng
Trong 10 năm qua, Tập đoàn Evergrande nổi tiếng vì những khoản phân chia cổ tức. Chuyên mục “Mắt Bão” thuộc kênh truyền thông Tài chính Phượng Hoàng (finance.ifeng.com) cho biết vào ngày 22/9 rằng, Tập đoàn Evergrande đã tích lũy được lợi nhuận ròng 173,388 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương với gần 27 tỷ USD kể từ năm 2009 tới nay. Hầu như hàng năm, Evergrande đều chia lượng lớn cổ tức, tổng cộng đã chia khoảng 70 tỷ NDT (gần 11 tỷ USD).
Chuyên mục trên nói rằng, từ tỷ lệ nắm giữ cổ phần có thể thấy, phần lớn cổ tức đã bị Hứa Gia Ấn và các cổ đông quan trọng là “bạn bè” của ông ta bỏ túi, số tiền lên tới gần 54 tỷ NDT (hơn 8 tỷ USD). Chỉ tính riêng từ năm 2011, Hứa Gia Ấn đã kiếm được 49,981 tỷ NDT (khoảng 7,7 tỷ USD) tiền mặt thông qua cổ tức. Khó khăn tài chính của Evergrande cũng không thể ngăn cản Hứa Gia Ấn thu về số tiền này. CEO Hứa Gia Ấn của Evergrande. (Etienne Oliveau/Getty Images)
Nhà bình luận tài chính Vương Kiếm (Wang Jian) nói trong kênh truyền thông cá nhân trên YouTube rằng, ông Hứa coi Evergrande là một nền tảng để kiếm tiền, tiền kiếm được liền chia nhau, ông ta không coi Evergrande là công ty của bản thân, nếu không vợ của ông Hứa – bà Đinh Ngọc Mai (Ding Yumei) sao lại đi mua sản phẩm tài chính của chính nhà mình chứ. Do đó, Hứa Gia Ấn và Mã Vân (Jack Ma) không giống nhau, kể cả khi Evergrande sụp đổ thì Hứa Gia Ấn cũng đã nắm trong tay hàng tỷ USD rồi.
Ngay cả vào năm 2020, Evergrande đã trải qua một cuộc khủng hoảng nợ và phải viết thư cầu cứu tỉnh Quảng Đông, hy vọng rằng tỉnh sẽ đứng ra giải quyết món nợ hơn 10 tỷ NDT (khoảng 1,55 tỷ USD) cho tập đoàn, nhưng trong nửa cuối năm đó, nó vẫn tiếp tục kế hoạch chia cổ tức và còn chia nhau tận 57,779 tỷ NDT (khoảng 8,95 tỷ USD). Evergrande giải thích rằng, số tiền dư hiện tại của công ty hoàn toàn có khả năng thực hiện đợt chia cổ tức này, và sẽ không ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty cũng như là hoạt động của công ty trong tương lai.
Vào ngày 15/7/2021, China Evergrande thông báo rằng họ sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng quản trị vào ngày 27/7 để thảo luận về kế hoạch cổ tức đặc biệt, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch chia cổ tức trước áp lực bên ngoài.
Dữ liệu cho thấy nợ nội bảng của Evergrande cao tới 1,97 nghìn tỷ NDT (hơn 300 tỷ USD), còn các khoản nợ ngoại bảng thì rất khó thống kê. Chỉ riêng khoản nợ nội bảng đã tương đương với doanh thu tài chính cả năm của bốn thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Tô Châu; hoặc bằng tổng GDP của tỉnh Hải Nam trong ba năm.
Cổ tức và sự ‘trả ơn’?
Khác với các nền kinh tế thị trường minh bạch khác, rất nhiều tập đoàn bất động sản của Trung Quốc không giàu có nhờ tài kinh doanh hay sức sáng tạo mà là nhờ thân hữu với quan chức chính quyền từ trung ương xuống địa phương.
Vì sao? Vì đất đai của Trung Quốc là nguồn lực lớn nhất cho phát triển nhưng đất đai lại không hề thuộc sở hữu cá nhân. Thực tế, trong chế độ CNCS như Trung Quốc, tài sản toàn quốc thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); mà chính các quan chức là người đại diện ĐCSTQ để toàn quyền chia chác, khai thác, sử dụng các tài nguyên của đất nước. Đất đai, nguồn lực quan trọng bậc nhất của nền kinh tế, nguồn tài nguyên tạo ra tiền và tăng trưởng lớn nhất trong chính quyền địa phương và trung ương, lại càng không thể nằm ngoài sự khống chế này.
Với lý do như vậy, việc thay đổi quyền sử dụng đất, thu hồi đất của dân chúng, giao nó cho một doanh nghiệp mà các chính trị gia tin tưởng là rất phổ biến. Các doanh nghiệp thân hữu này sẽ trả một khoản tiền cho địa phương, vay vốn từ các ngân hàng thương mại địa phương rồi thực thi các công trình xây dựng đô thị, đầu tư công,… Điều này giúp địa phương có ngân sách, tăng GDP, tạo việc làm. Đây là lý do mà các doanh nghiệp nhà nước địa phương, doanh nghiệp BĐS hoạt động tại địa phương, còn được gọi là các phương tiện nợ địa phương.
Sự ưu ái của quan chức địa phương với các doanh nghiệp BĐS địa phương còn lớn đến mức khi chính quyền trung ương ra chính sách về ‘ba lằn ranh đỏ’ hạn chế nợ của doanh nghiệp BĐS, thì có chính quyền địa phương Trung Quốc còn chuyển giao tài sản công cho doanh nghiệp BĐS này. Việc chuyển giao tài sản công cho doanh nghiệp giúp tài sản của doanh nghiệp mở rộng ra, làm đẹp các chỉ số về nợ, giúp các phương tiện nợ địa phương này có thể tiếp tục vay nợ, kinh doanh, sinh lời và chia cổ tức…
Evergrande ở Trung Quốc là điển hình của một phương tiện nợ địa phương. Trong số 800 dự án xây dựng dở dang không thể hoàn thành vì hết tiền, có tới 500-600 dự án hiện đang nằm rải rác tại các thành phố cấp 3, cấp 4 khắp Trung Quốc. Các dự án đô thị tại thành phố cấp 3, cấp 4 (thậm chí ở cả thành phố cấp 2) đang rất ế ẩm. Từ năm 2018, theo số liệu của Bloomberg, khắp Trung Quốc có tới 50 thành phố ma, 64,5 triệu căn hộ ma – tức là các BĐS được xây dựng ở các thành phố cấp 3, cấp 4 như vậy nhưng không có ai mua. Cho tới nay, tình trạng BĐS tại các thành phố này càng trở nên tồi tệ hơn. Một công trình ở thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc của Evergrande chụp ngày 17/9/2021. (VIVIAN LIN/AFP qua Getty Images)
Vậy tại sao chính quyền địa phương tại các thành phố này và các công ty BĐS như Evergrande lại đánh giá sai xu hướng thị trường để xây dựng ồ ạt như vậy?
Họ không ngốc, chính quyền địa phương cần kết quả tăng trưởng. Đào đất lên lấp lại cũng tạo ra chi tiêu ngân sách và cũng tăng trưởng. Bán đất cho Evergrande cũng tạo thu ngân sách và tăng trưởng. Còn Evergrande mua đất giá rẻ, lại vay được bộn tiền nhờ bảo lãnh từ chính quyền địa phương. Nếu không trả được nợ thì lại cầu cứu chính quyền địa phương. Các chính quyền rất không muốn con cưng của họ, công cụ tăng trưởng và nợ của họ như Evergrande sụp đổ.
Evergrande không tự dưng lấy được ưu ái và tin tưởng của các quan chức địa phương. Đổi lại, các khoản cổ tức mà Hứa Gia Ấn nhận được sẽ chuyển thành quà, thành các chi phí bí mật nuôi dưỡng các mối quan hệ như vậy. Trong câu chuyện này, tài nguyên quốc gia bị lạm dụng, người dân mất ruộng cày, nhà mua thì mất tiền, nhưng Hứa Gia Ấn và quan chức địa phương có lẽ còn được nhiều hơn mất.
Chưa kể, mối quan hệ mật thiết của Evergrande với tập đoàn chính trị quyền lực Giang Trạch Dân là hết sức rõ ràng. Các tập đoàn chính trị như vậy sẽ để cho Hứa Gia Ấn dựa hơi, chống lưng khi nào? Mọi quyền lợi không tự nhiên mà có; nó phải được chia sẻ quyền lợi hoặc quyền lực. Ở đây, trong quan hệ kinh tế, đó là tiền. Chắc chắn là vậy.
Đó là lý do, dù Evergrande có sụp đổ, có suy yếu thì Hứa Gia Ấn cũng vội vã chia cổ tức. Cổ tức chia càng nhiều thì các mối quan hệ càng bền chặt và hy vọng được ‘giải cứu’ càng mạnh mẽ hơn.
Thị trường náo loạn
Hiện tại, cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande đã kéo dài trong vài tháng. Sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu và một số sản phẩm kim loại như quặng sắt giảm mạnh vào thứ Hai tuần này (ngày 20/9), nỗi lo của mọi người về các khoản vỡ nợ lớn hơn đã lan rộng trên toàn cầu. Các nhà đầu tư ùn ùn đổ vào trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ và các kênh đầu tư an toàn khác để tránh nguy. Việc này khiến tỷ lệ lợi nhuận trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần và chênh lệch hoán đổi kỳ hạn 10 năm của Mỹ đạt mức lớn nhất trong gần 6 tháng.
Thời báo Kinh tế Hong Kong (Hong Kong Economic Times) dẫn lời ông Hui Shan, một nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs, nói rằng trong những tuần gần đây, các dấu hiệu cho thấy phản ứng dây chuyền tiêu cực do Evergrande vi phạm hợp đồng gây ra là rất lớn, điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ ngành tài chính và nền kinh tế Trung Quốc, còn liên lụy đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Một số công ty có nợ cao tại các thị trường mới nổi đã phải chứng kiến giá cổ phiếu của họ liên tục giảm trong thời gian gần đây. Nó phản ánh một thực tế rằng cuộc khủng hoảng Evergrande đang lan sang các thị trường chứng khoán mới nổi khác.
Ông Hui Shan dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại do cuộc khủng hoảng Evergrande, ước tính một cách thận trọng thì sẽ giảm 1,4 điểm phần trăm. Trong trường hợp xấu hơn nữa, tác động tiêu cực có thể lên tới 2,5 điểm phần trăm và trong trường hợp xấu nhất là 4,1 điểm phần trăm.
Một số nhà phân tích còn cho rằng nếu Evergrande phá sản, nó sẽ trở thành Lehman Brothers phiên bản Trung Quốc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tổ chức tài chính cho rằng Evergrande chỉ là vấn đề ở Trung Quốc đại lục và sẽ không có tác động lớn đến thị trường tài chính thế giới.
Tin tức của Reuters cho thấy, trên thị trường quyền chọn chứng khoán Hoa Kỳ, các nhà giao dịch dường như có xu hướng kiếm lợi từ các quỹ phòng hộ. Tức là các nhà đầu tư mua các sản phẩm tài chính phái sinh đánh cược vào sự lao dốc của cổ phiếu, trái phiếu hoặc một sản phẩm tài chính nào đó từ các quỹ phòng hộ. Họ sẽ kiếm lời khi các sản phẩm tài chính này mất giá. Do đó các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính lớn có thể còn ưa thích tình trạng bán tháo ồ ạt, kích động tình trạng đó xảy ra mạnh hơn để kiếm lời thay vì thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn nó.
Ông Andrew Left, người sáng lập Citron Research, cũng dự đoán rằng sẽ không có tác động lan rộng: “Tôi không nghĩ đây sẽ là cọng rơm cuối cùng đè bẹp nền kinh tế toàn cầu”.
Citigroup cũng cho rằng, các cơ quan quản lý của chính quyền Trung Quốc có thể sẽ “câu giờ” để giải quyết vấn đề nợ xấu của Evergrande. Chẳng hạn như chỉ đạo các ngân hàng không thu hồi tín dụng và kéo dài thời gian trả lãi; trong thời gian ân hạn, Evergrande sẽ đổi tài sản ra tiền mặt, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, và tìm cách cơ cấu lại nợ, để cuối cùng tổn thất sẽ được chia cho toàn hệ thống cùng đảm nhận, các tổ chức tài chính và nhà đầu tư có thể phải cắt giảm một phần vốn. Người dân tập trung trước trụ sở của Evergrande đòi quyền lợi, ảnh chụp hôm 16/9/2021. (NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)
Tập đoàn bất động sản Evergrande thông báo vào ngày 22/9 rằng, vào ngày 23/9 họ sẽ trả 232 triệu NDT (gần 36 triệu USD) tiền lãi trái phiếu “20 Evergrande 04” của công ty theo lịch trình. Thị trường phân tích rằng, điều này đã tạm thời xoa dịu những lo lắng về việc công ty này có thể sẽ không trả lãi trái phiếu theo hợp đồng.
Vào ngày 29/9 tới đây, Evergrande còn phải thanh toán 47,5 triệu USD tiền lãi liên quan đến trái phiếu “VG158786753” – loại có kỳ hạn đến 3/2024. Sau khi bước sang tháng 10, Evergrande sẽ phải đối mặt với áp lực trả lãi lớn hơn. Một loại trái phiếu trong nước và 4 loại trái phiếu nước ngoài cũng đến hạn trả lãi, trong đó lãi trái phiếu trong nước là 122 triệu NDT (khoảng 18,9 triệu USD) và lãi trái phiếu nước ngoài là 311 triệu USD.
Tính đến ngày 21/9, so với mức đỉnh thì giá cổ phiếu của China Evergrande đã giảm hơn 92%, Evergrande Motor giảm hơn 96%, Evergrande Property giảm gần 80% và Hengten Networks giảm gần 90%. Evergrande, với 4 công ty niêm yết, có giá trị thị trường khi ở mức đỉnh là 1,32 nghìn tỷ đô-la Hong Kong (khoảng 169,6 tỷ USD), tới nay chỉ còn 122,6 tỷ đô-la Hong Kong (khoảng 15,7 tỷ USD), đã bốc hơi 1,2 nghìn tỷ đô-la Hong Kong.
Thanh Đoàn – Đông Phương