Ánh Dương
Một người đàn ông ở Việt Nam đã bị nhiễm căn bệnh lạ bởi một loài không xác định có liên quan đến giun Guinea (giun Rồng), một loài gần đây có thể đã lây truyền từ động vật giáp xác, bọ chét nước sang người. Kết quả xét nghiệm đã được xác định, tuy nhiên điều này cũng đã làm nảy sinh thêm một vấn đề khác.
Những con giun bên trong người đàn ông không phải là giun Guinea (Dracunculus medinensis), một loại ký sinh trùng hiếm gặp hiện nay đang trên bờ vực bị diệt trừ, như suy nghĩ ban đầu. Thay vào đó, chúng là một loài Dracunculus chưa được biết đến, có thể có nguồn gốc từ khu vực của người đàn ông bị mắc bệnh này. Liệu loài giun khác này có gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho hiện tại hay tương lai đối với con người hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa rõ ràng.
Vào tháng 6 năm 2020, các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đã đưa tin về trường hợp kỳ lạ của một người đàn ông 23 tuổi đến bệnh viện khám với áp xe dọc tay chân và cổ. Các bác sĩ cuối cùng đã phát hiện và lấy ra 5 con giun trưởng thành, mỗi con dài khoảng 30cm đến 60cm và các con ấu trùng, từ vết thương của người đàn ông này. Người đàn ông đã được cho uống thuốc chống ký sinh trùng và không có thêm sự lây nhiễm nào được báo cáo.
Đầu tháng 3 năm nay, các bác sĩ có liên quan đến trường hợp bệnh này đã công bố báo cáo của họ trên Tạp chí Quốc tế về Bệnh Truyền nhiễm. Sau khi điều trị cho người đàn ông, họ đã gửi mẫu giun đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ để xét nghiệm di truyền, nơi xác nhận rằng đó không phải là loài giun Dracunculus medinensis. Tuy nhiên, bí ẩn ngày càng sâu sắc hơn, bởi vì họ cũng không thể xác định được đây là loài giun nào.
Vào thời điểm đó, một bác sĩ điều trị căn bệnh này nói rằng người đàn ông bị mắc bệnh giun Guinea. Trong những năm 1980, hàng triệu người trên khắp châu Á và châu Phi mắc bệnh nhiễm trùng nặng loài giun này mỗi năm và đôi khi suy nhược vĩnh viễn.
Nhưng qua hàng thập kỷ làm việc mệt mỏi cho sức khỏe cộng đồng của các thế hệ bác sĩ đã khiến loài giun này gần như bị tuyệt chủng. Năm 2020, chỉ có 27 trường hợp được báo cáo tổng cộng trên thế giới. Người ta hy vọng rằng vào năm 2030, giun Guinea sẽ là mầm bệnh thứ hai ở người bị xóa sổ hoàn toàn, sau bệnh đậu mùa. Vì vậy, để tìm ra loài giun Guinea tại Việt Nam, nơi cách xa dấu tích được biết đến cuối cùng của nó (châu Phi và Trung Á) hàng nghìn dặm và ở một khu vực chưa từng được phát hiện, sẽ làm dấy lên một số lo ngại nghiêm trọng.
Các chuyên gia đã nói với Gizmodo vào thời điểm đó rằng họ đã hoài nghi đây thực sự là giun Guinea. Adam Weiss, giám đốc Chương trình Xóa bỏ Giun Guinea tại Trung tâm Carter, một tổ chức nhân quyền do cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter thành lập, thậm chí còn đề cập đến khả năng khác biệt rằng có thể đó là do một loài Dracunculus khác gây ra. Và về lý thuyết, điều đó đã đúng.
Giống như nhiều loài ký sinh khác, các loài Dracunculus khác nhau sẽ gây ra sự lây nhiễm theo các cách khác nhau. Ví dụ: Dracunculus medinensis là loài giun duy nhất được biết đến đặc biệt đối với vật chủ là con người, và có những loài khác sinh sống trên các vật chủ là động vật có vú và bò sát.
Các bác sĩ kết luận rằng giun của người đàn ông này có hình thể gần giống với loài giun bò sát hơn là bất kỳ loài giun nào ở người và động vật có vú. Nhưng chỉ có một số loài Dracunculus được nghiên cứu kỹ về gen của chúng và loài giun từ người đàn ông này được phân tích không khớp với bất kỳ loài nào trong số này. Có thể loài giun này thuộc về một loài đã được phát hiện nhưng chưa được xác định trình tự gen, nhưng hiện tại, danh tính của nó vẫn còn là một dấu hỏi.
Một vấn đề còn tồn tại khác cần được giải quyết là liệu sự cố này chỉ là một sự kiện xảy ra một lần hay là những dấu hiệu đầu tiên của một căn bệnh mới nổi trong khu vực.
Giun Dracunculus có sở thích của chúng, nhưng chúng thỉnh thoảng lây truyền từ loài này sang loài khác — một khả năng đã thực sự cản trở nỗ lực diệt trừ giun Guinea trong những năm gần đây, vì giun bắt đầu lây nhiễm cho chó ở một số khu vực nhất định. Và đã có những trường hợp nghi ngờ là các loài giun khác không phải Guinea mà là do Dracunculus lây nhiễm ở người được báo cáo không thường xuyên ở các vùng của châu Á trong những năm qua.
Vì vậy, chỉ vì loài giun chưa biết này có thể không thường tấn công con người, điều đó không loại trừ khả năng một ngày nào đó nó có thể xảy ra. Chúng ta cũng không biết làm thế nào mà những con giun này đã được lây truyền vào trong cơ thể người đàn ông, mặc dù các giả thuyết hàng đầu cho rằng anh ta đã uống nước bị nhiễm loại động vật giáp xác nhỏ có nhiễm trứng giun hoặc ăn cá sống bị nhiễm giun.
Các tác giả viết: “Các vật chủ tự nhiên và con đường tiếp xúc của [loài] Dracunculus truyền từ động vật này vẫn chưa được giải quyết, cần phải có các cuộc điều tra và giám sát thêm đối với các trường hợp tương tự ở người và động vật trong khu vực”.
Ghi chú:
Bệnh giun Guinea (giun rồng) là gì? Bệnh giun rồng là bệnh nhiễm giun Dracunculus medinensis ở các tổ chức dưới da và mô đệm. Các địa phương từng là vùng lưu hành của bệnh là Ấn Độ, Tây và Trung Phi, Trung Á. Tất cả các lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh, tỷ lệ mắc có thể lên đến 60%. Người sẽ bị nhiễm bệnh nếu uống nước có các vật chủ trung gian truyền bệnh như các động vật giáp xác, bọ chét nước có nhiễm trứng giun.