Phụng Minh
Theo một Viện Nghiên cứu có liên kết với chính phủ Pháp cho biết, bất chấp những nỗ lực sâu rộng của chính quyền Bắc Kinh nhằm áp đặt mô hình độc tài của họ lên thế giới tự do, kẻ thù lớn nhất của họ vẫn là chính họ, trang NTD cho hay.
Phát hiện này đến từ một báo cáo tiếng Pháp dài gần 650 trang có tiêu đề “Hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc” của Viện Nghiên cứu Chiến lược của các Trường Quân sự (IRSEM), một cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp.
Báo cáo đưa ra hồi đầu tuần cho biết chính quyền Bắc Kinh đang tự cô lập chính mình trên trường quốc tế, sau nhiều nỗ lực hành động tích cực trên mặt trận ngoại giao trong những năm gần đây. Hành vi áp đặt mô hình độc tài này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều, ngay cả đối với các quốc gia có mối quan hệ ngoại giao thân thiện với Trung Quốc.
Báo cáo cho biết quan hệ của chính quyền Trung Quốc với phương Tây đã xấu đi rõ rệt vào khoảng năm 2017.
Một ví dụ đáng chú ý là mối quan hệ xấu đi với Thụy Điển, quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền nước này sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền kiểm soát Trung Quốc.
Khi chính quyền Bắc Kinh có được khá nhiều sự ủng hộ từ dư luận Thụy Điển, bước ngoặt bắt đầu với việc họ bổ nhiệm một đại sứ mới, ông Quế Tòng Hữu, vào năm 2017, theo báo cáo.
Luận điệu khiêu khích của ông Quế bao gồm việc: đe dọa các quan chức Thụy Điển không tham dự lễ trao giải cho nhà bất đồng chính kiến với ĐCSTQ, ông này cũng chỉ trích truyền những kênh thông địa phương Thụy Điển đưa tin chỉ trích về ĐCSTQ và gây sức ép buộc một khách sạn ở Stockholm hủy bỏ lễ kỷ niệm Quốc khánh Đài Loan – đã gây ra “thảm họa ngoại giao”, theo báo cáo viết.
Bộ ngoại giao Thụy Điển đã triệu tập ông này khoảng 40 lần kể từ khi ông đến vào năm 2017. Các nghị sĩ nước này đã yêu cầu trục xuất ông ta hai lần. Đánh giá công khai của Trung Quốc cũng giảm mạnh với 80% người Thụy Điển hiện có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.
Tại Úc, nơi Trung Quốc chiếm gần một phần ba kim ngạch xuất khẩu, động thái của chính quyền cũng đang chuyển sang trạng thái phản đối Trung Quốc.
Các biện pháp trừng phạt thương mại trả đũa của chính quyền Bắc Kinh được tung ra nhắm vào Canberra, vì chính quyền nước này kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 độc lập vào năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt này đã vấp phải sự phản đối rất lớn và tạo nên chủ trương chống lại ảnh hưởng của ĐCSTQ, bao gồm cả trong giới học thuật.
Ngoài ra, chính phủ Úc đã thông qua luật vào tháng 12/2020 để đặt thêm rào cản cho các công ty liên kết với Trung Quốc muốn mua tài sản của nước này.
Những cảnh tương tự đã diễn ra ở những nơi khác: Nhiều nước Châu Phi đã phản đối dự án Vành đai và Con đường khổng lồ của Trung Quốc, chỉ trích sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm đất đai và lạm dụng công nhân.
Canada đã chỉ trích việc Bắc Kinh bắt giữ tùy tiện công dân của họ sau vụ bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Châu, một động thái mà các nhà phê bình cho là ngoại giao con tin. Việc chế độ này bóp nghẹt các quyền tự do ở Hồng Kông đã khiến Vương quốc Anh tức giận, và tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương đã khiến hình ảnh của Bắc Kinh ngày càng thấp hơn trong các nền dân chủ phương Tây.
Báo cáo lưu ý rằng vào tháng 2, sáu quốc gia Trung và Đông Âu trong hội nghị thượng đỉnh “17 + 1” với ĐCS Trung Quốc đã chọn giải pháp cử một đại diện cấp thấp hơn thay vì những nguyên thủ quốc gia tham gia hội nghị, điều này cho thấy sự “không hứng thú” của các quốc gia này trong việc tham gia cuộc họp. Theo báo cáo, chính quyền Bắc Kinh có thể phải làm quen với hình ảnh bị hoen ố trên trường quốc tế. Khối 17+1 này tiếp tục thu hẹp vào tháng 5, sau khi chính phủ Litva rút khỏi nhóm.
Các tác giả cho biết họ hy vọng báo cáo có thể gửi một lời cảnh tỉnh tới các nhà lãnh đạo chính quyền Bắc Kinh về hậu quả của hành động sai trái của họ.