Tuấn Thảo
Theo yêu cầu của tạp chí Rolling Stone, 250 chuyên gia có uy tín trong ngành âm nhạc (nhạc sĩ, tác giả, nhà phê bình, kỹ sư âm thanh …) đã bình chọn bài hát mà họ cho là hay nhất mọi thời đại. Kết quả là nhạc phẩm ”Respect” qua lối trình bày của Aretha Franklin đã giành lấy ngôi vị quán quân trên danh sách 500 ca khúc xuất sắc nhất, vừa được công bố trong tuần qua.
Sự kiện ‘‘Respect’‘ về đầu bảng xếp hạng các ca khúc, trùng hợp với thời điểm ra mắt khán giả Pháp bộ phim tiểu sử của hãng MGM nói về cuộc đời và sự nghiệp của Aretha Franklin do Liesl Tommy thực hiện với Jennifer Hudson trong vai chính. Trong phim này, có một đoạn cho thấy ngày Aretha Franklin lên ngôi Nữ hoàng nhạc soul. Thành công vượt bực ấy phần lớn là nhờ cái tài thể hiện xuất thần của bà trong ca khúc ”Respect” (Tôn trọng). Bản nhạc này do nam danh ca quá cố Otis Redding sáng tác và thu thanh vào năm 1965. Hai năm sau, đến phiên Aretha Franklin ghi âm lại ca khúc này với vài ca từ được chỉnh sửa trong phần điệp khúc, lối diễn đạt hớp hồn cộng thêm cái tài hát acapella nhạy bén sắc sảo của Aretha, tách nguyên ca từ R-E-S-P-E-C-T theo lối đánh vần thành 7 chữ. Đó không còn đơn thuần là một thông điệp, mà là một bản tuyên ngôn về nữ quyền, khi người phụ nữ không đòi hỏi gì khác ngoài sự ”Tôn trọng” của người chồng.
Khi chấp bút sáng tác bài hát này, tác giả Otis Redding dĩ nhiên nhắc tới sự tôn trọng như nền tảng trong quan hệ vợ chồng (cách nhìn ấy vẫn còn theo quan niệm của thời trước). Nhưng đến khi đảo ngược lập trường và góc nhìn : trong gia đình chồng cũng nên kính trọng vợ, Aretha Franklin đã tạo ra một tiếng vang lớn hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà bài hát này đã được ghi âm vào Ngày lễ Tình yêu ”Valentine’s Day” năm 1967, để rồi nhanh chóng trở thành một biểu tượng trong thời gian đầu của phong trào đòi bình quyền nam nữ, sau đó là cuộc đấu tranh đòi quyền công dân bình đẳng cho cộng đồng người Mỹ đa đen, vào cuối những năm 1960.
Trong quyển tiểu sử mang tựa đề ”Respect : the Life of Aretha Franklin” phát hành vào năm 2014, nhà văn David Ritz ghi nhận Aretha đã đi xa hơn tất cả những gì Otis Redding đã viết trong bài hát, bà đã biến ca từ R-E-S-P-E-C-T thành một câu thần chú, một lá bùa hộ mệnh thiêng liêng cho phong trào đòi nữ quyền. Còn theo cô Victoria Malawey, giáo sư chuyên ngành âm nhạc học tại trường cao đẳng nghệ thuật Macalester ở thành phố Minneapolis, Aretha Franklin đã thả trọn tâm hồn vào trong bài hát, khiến cho nhiều người nghe có cảm tưởng là bản nhạc này đã được viết riêng cho Aretha, hoặc chính bà mới là tác giả của ca khúc. Dù gì đi nữa, khi ghi âm bài này vào năm 1967, Aretha đã có hơn 10 năm tay nghề (bà ghi âm đĩa nhạc đầu tiên vào năm 1956). Có lẽ cũng vì thế mà Aretha đã chuyển tải vào bài ”Respect” tất cả thần thái và kinh nghiệm từng trải, làn hơi thật dài biết vuốt câu mềm mại, mỗi chữ đều tròn vành nhờ nội lực hùng mạnh, vibrato linh hoạt mà vẫn mượt mà dây thanh, đến khi swing lúc nào cũng dũng mãnh. Tất cả những ưu thế đó, một khi được kết hợp lại giúp cho ca khúc ”Respect” trở nên kinh điển, với thời gian trở thành ”bất tử”.
Được phát hành trên album mang tựa đề “I Never Loved A Man The Way I Loved You” (Chưa hề yêu ai như yêu anh), bản nhạc ”Respect” giúp cho Aretha đoạt hai giải thưởng quan trọng đầu tiên trong số 18 giải Grammys trong suốt sự nghiệp. Bài hát mở đầu cho sự nghiệp quốc tế của Aretha, ngự trị trên thị trường đĩa hát trong nhiều thập niên liền. Bài hát tiêu biểu cho xã hội Mỹ thập niên 1960 từng được sử dụng trong hơn 30 bộ phim kể cả “Platoon”, “The Blues Brothers” hay “Forrest Gump”. Bài hát cũng có hàng trăm phiên bản, từng được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ghi âm lại kể cả Stevie Wonder, Diana Ross, Tina Turner hay Kelly Clarkson ….. Còn trong các ngôn ngữ khác, ”Respect” có thêm các phiên bản tiếng Đức, Ý hay Hà Lan. Trong tiếng Pháp bài này từng được Johnny Hallyday ghi âm lại vào năm 1966 với tựa đề ”Du Respect”.
Vào năm 2004, trên bảng xếp hạng đầu tiên của “500 ca khúc hay nhất mọi thời đại” theo tạp chí Rolling Stone, bản nhạc ”Respect” từng đứng hạng 5 sau Bob Dylan, ban nhạc rock The Rolling Stones, John Lennon và Marvin Gaye. Mãi đến 17 năm sau, nhân dịp cập nhật lại bảng xếp hạng này theo bình chọn của nhiều chuyên gia mới, Aretha Franklin đã giành lấy ngôi vị quán quân. Hạng nhì là nhóm Public Ennemy (Fight the Power), hạng ba là Sam Cooke (A change is gonna come), Bob Dylan từ hạng nhất trước kia nay xuống hạng tư (Like a Rolling Stone), hạng năm là biểu tượng của phong trào grunge với ban nhạc Nirvana (Smells like Teen Spirit). Trên bảng xếp hạng lần này, có tới 254 bài tức hơn một nửa, lần đầu tiên xuất hiện trên danh sách, cho thấy là các tác giả và nhà phê bình đã dành một vị trí xứng đáng hơn cho các gương mặt nữ (sau phong trào Me Too) cũng như cho các dòng nhạc trẻ ở Anh Mỹ thời nay trong đó có Lorde (Royals, hạng 30), Adele (Rolling in the Deep, hạng 82) hay Billie Ellish (Bad Guy, hạng 178).
Ba năm sau ngày qua đời, Aretha Franklin cuối cùng cũng được tạp chí Rolling Stone vinh danh, nâng lên hàng các thần tượng lẫy lừng nhất mọi thời đại. Giọng ca của bà là sự tích tụ của nhạc soul, nhạc rock, blues hay gospel, khi tất cả các nhánh đổ chung về cùng một dòng mênh mông, vượt lên trên những rào cản hay khuôn khổ hạn hẹp và có lẽ cũng vì thế mà giọng ca này vẫn gợi hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ đi sau.
Riêng về nhạc phẩm ”Respect”, nhờ vào cái tài diễn đạt hiếm thấy của Aretha Franklin mà bài hát này có thêm chiều sâu, được nâng lên một tầm cao hơn, để rồi trở nên tiêu biểu cho hiện tượng : phiên bản sau lại vượt trội nguyên tác. Một cột mốc quan trọng trong làng âm nhạc nói chung, trường phái Soul nói riêng : thời điểm đăng quang của một nữ hoàng.