Tin thế giới tối thứ Ba: Trận mưa lớn nhất 80 năm tại Nam Hàn gây nhiều thiệt hại

Ngũ Giác Đài chính thức xác nhận gửi cho Ukraina tên lửa chống radar, ‘rồng lửa’ S-300/S400 của Nga có thể sẽ gặp nguy

AGM-88 HARM (HARM: High-speed Anti Radiation Missile – Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ) là loại tên lửa không đối đất chiến thuật được thiết kế để phá hủy radar của đối phương.

Hôm thứ Hai, Ngũ Giác Đài chính thức xác nhận rằng Mỹ đã gửi tên lửa chống radar mà chưa được tiết lộ trước đó cho Ukraina.

Ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng về Chính sách, cho biết tại một cuộc họp báo rằng Mỹ đã gửi “một số lượng” tên lửa cho Ukraina. Tuy nhiên, ông không nói rõ Mỹ đã viện trợ bao nhiêu tên lửa hay thời điểm mà Kyiv nhận được loại vũ khí này. Tên cụ thể của tên lửa cũng không được tiết lộ

Tuy nhiên, Một quan chức quốc phòng nói với CNN rằng loại tên lửa được gửi cho Ukraina là Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 (HARM).

Trước đó, truyền thông Nga ngày 7/8 đã đăng tải một số hình ảnh về một mảnh vỡ được cho là thuộc về tên lửa AGM-88 xuất hiện ở khu vực mà lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đang kiểm soát.

Theo Không quân Mỹ, tên lửa AGM-88 có tầm bắn hơn 48 km. Nó có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar phòng không của Nga, chẳng hạn như S-400. Tên lửa này cũng có thể nhắm mục tiêu vào các radar đối kháng mà Nga sử dụng để tấn công vào pháo binh Ukraine. Nếu quả thực Mỹ đã cung cấp tên lửa chống radar AGM-88 cho Ukraine, điều này sẽ đặt các hệ thống tên lửa phòng thủ của Nga bao gồm cả S-300 và S-400 tại chiến trường này vào thế bất lợi.

Ông Kahl cho biết các tên lửa chống radar nằm “trong các gói viện trợ gần đây của [Cơ quan thu hồi vốn của Tổng thống],”. Tuy nhiên, năm gói hỗ trợ gần đây nhất, tính từ ngày 1 tháng 7, không đề cập đến Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88 HARM

Thứ trưởng Kahl nói thêm trong thời gian tới, Ngũ giác đài sẽ làm rất nhiều việc để hỗ trợ cho lực lượng không quân của Ukraine

Ukraine đã không công khai lên tiếng về việc tiếp nhận hoặc sử dụng tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88.

Trần Phong

Nam Hàn: Trận mưa lớn nhất 80 năm khiến 8 người thiệt mạng, 6 người mất tích

Ô tô bị ngập nước không thể di chuyển được tại quận Gangnam vào hôm 8/8. (Ảnh: Chụp màn hình/Yonhap)

Trận mưa lớn nhất trong lịch sử 80 năm đã gây thiệt hại nặng cho thủ đô Seoul của Hàn Quốc và khu vực xung quanh, khiến 8 người thiệt mạng và 6 người khác mất tích, theo hãng tin Yonhap.

Giới chức Hàn Quốc cho biết trong đêm 7/8, nhiều khu vực của Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi đã hứng chịu những trận mưa lớn hơn 100 mm mỗi giờ. Lượng mưa mỗi giờ tại quận Dongjak của Seoul có thời điểm đã vượt qua 141,5 mm, trở thành trận mưa lớn nhất kể từ năm 1942.

Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc cho biết ở khu vực thủ đô sẽ tiếp tục mưa cho đến hết ngày 9/8 và tỉnh Gyeonggi có khả năng hứng chịu lượng mưa trên 350 mm.

Nhiều hình ảnh, video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy những con phố và ga tàu điện ngầm ở thủ đô của Hàn Quốc bị chìm trong biển nước.

Các nhà chức trách địa phương đã đặt các dịch vụ khẩn cấp trong tình trạng báo động khi lượng mưa kỷ lục gây ra lũ lụt ở Seoul.

Mưa lớn cũng đã gây ra tình trạng mất điện ở một số khu vực của Seoul và buộc người dân ở các khu vực có độ cao thấp phải sơ tán. Nhiều ga tàu điện ngầm cũng đóng cửa. Các phương tiện bị người dân bỏ lại trên đường do giao thông ùn tắc.

Các khu vực phía Nam của thủ đô bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là quận Gangnam và quận Gwanak, nơi dòng suối Dorimcheon đang tiếp tục dâng cao, trong khi đó, mặt đường bị hư hại nặng sau trận mưa lớn.

Phan Anh

Google bỗng “sập” trên toàn cầu

Google gặp sự cố khiến nhiều người không thể truy cập được. (Ảnh: Chụp màn hình)

Sáng 9/8 (khoảng 11h30 theo giờ Sydney Úc), nhiều dịch vụ và trang web của Google đã gặp phải tình trạng ngừng hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Hàng nghìn người trên thế giới đã báo cáo việc gặp lỗi truy cập và không thể sử dụng được Google Search, theo DownDetector.

Cụ thể, một vài dịch vụ Google như Tìm kiếm (Search) và Bản đồ (Maps) đã sập trên toàn cầu. Kết quả là, Google không thể hiển thị các kết quả khi người dùng tìm kiếm từ khóa. Công cụ này sẽ hiển thị lỗi “502” hoặc “500” khi người dùng tìm kiếm và yêu cầu người dùng đợi 30 giây để tải lại trang.

Trong khi đó, Google Maps lại tải chậm và báo lỗi không thể định vị và chỉ đường. Nhiều người dùng cho biết Gmail và Google Hình ảnh (Images) cũng gặp phải sự cố tương tự do hoạt động phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm. Dữ liệu trên DownDetector cũng chỉ ra rằng lượng người báo lỗi tăng vọt từ khoảng 8h20 và kéo dài đến 9h cùng ngày.

Theo DownDetector, hơn 40.000 người trên toàn thế giới đã báo cáo sự cố không thể truy cập vào công cụ tìm kiếm. Người dùng tại quốc gia như Anh, Úc, Việt Nam đã báo cáo về tình trạng này với Google.

Theo công ty mạng thông minh ThousandEyes, sự cố Google Tìm kiếm sập đã ảnh hưởng ít nhất 1.338 máy chủ ở 40 quốc gia trên toàn thế giới như Mỹ, các nước châu Âu và châu Á. Bên cạnh đó, chủ đề Google, Google Maps bị lỗi nhanh chóng được người dùng Twitter quan tâm và chia sẻ trên Twitter.

Cũng theo DownDetector, đến 9h sáng, số báo cáo liên quan tới lỗi truy cập Google từ các khu vực trên thế giới đã giảm. Tại Việt Nam, người dùng cũng đã truy cập được Google Bản đồ và Tìm kiếm như bình thường. Hiện tại, Google chưa đưa ra bình luận về sự cố này.

Hồi tháng 3 năm nay, ứng dụng Google Maps cũng từng gặp lỗi khiến bản đồ không hiển thị đầy đủ trên cả phiên bản mobile lẫn máy tính, phạm vi ảnh hưởng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Phan Anh

Bộ Quốc phòng Đài Loan: Phát hiện 39 lần máy bay ĐCSTQ gây rối Đài Loan

Ảnh máy bay chiến đấu J-16. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc cung cấp).

Ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) thông báo, tính đến 5:00 chiều, đã phát hiện tổng cộng 39 lần máy bay xuất kích và 13 lần tàu quấy rối Đài Loan. Chúng đã bị quân đội quốc gia trục xuất, không quân và hải quân đều ứng phó kịp thời.

Sau khi nhóm nghị sĩ của Đảng Dân chủ do Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi dẫn đầu rời khỏi Đài Loan, quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu cuộc tập trận quanh Đài Loan vào ngày 4/8, và tổ chức bắn đạn thật, dự kiến sẽ ​​kết thúc vào ngày 7/8.

Ngày 8/8, ĐCSTQ thông báo, quân đội ĐCSTQ sẽ tiếp tục tiến hành huấn luyện chung thực chiến trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan.

Chiều ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã tổ chức một cuộc họp báo, giải thích các vấn đề liên quan đến các cuộc tập trận của ĐCSTQ. Trung tướng Diệp Quốc Huy, Thứ trưởng Văn phòng Kế hoạch của Bộ Quốc phòng, nói rằng ĐCSTQ đã thực hiện các hoạt động nhận thức chống lại Đài Loan trong cuộc tập trận và phát tán thông tin sai lệch.

Hải quân Đài Loan vẫn theo dõi động thái của các tàu Trung Quốc trong suốt quá trình này, nhưng các máy bay và tàu của Trung Quốc chưa bao giờ đi vào không phận và lãnh hải của Đài Loan. Đối mặt với tình hình của kẻ thù, quân đội quốc gia Đài Loan sẽ điều động máy bay và tàu chiến để ứng phó.

Vào lúc 8:25 ngày 8/8, Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đã đưa ra một thông cáo báo chí cho hay, tính đến 5:00 chiều, tổng cộng có 39 lần bay (gồm 21 lần bay vượt qua đường trung tuyến eo biển, mở rộng và đi vào vùng trời Tây Nam) và 13 lần tàu gây rối bị phát hiện vẫn đang tiếp tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan, và tiến hành các hoạt động chung trên không và trên biển.

Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh, quân đội quốc gia sử dụng hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát tổng hợp, nhằm theo dõi chặt chẽ tình hình của đối phương. Ngoài việc phát cảnh báo, họ còn sử dụng lực lượng tuần tra trinh sát đường không, tàu hải quân, và tên lửa phòng thủ bờ biển để ứng phó.

Theo “Tình hình trên không trong vùng trời xung quanh eo biển Đài Loan” do Bộ Tư lệnh Lực lượng Phòng không, thuộc Bộ Quốc phòng công bố vào tối ngày 8/8, Bộ Quốc phòng đã công bố 21 lần xuất kích, trong đó có 8 lần xuất kích của máy bay chiến đấu Su-30, 6 lần xuất kích máy bay chiến đấu J-11, 2 lần xuất kích JH-7, 4 lần xuất kích máy bay chiến đấu J-16 và 1 lần xuất kích trực thăng chống ngầm Ka-28.

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Kim Môn của Quân đội Trung Hoa Dân Quốc còn thông báo, tối ngày 8/8, một loạt máy bay không người lái đã được phát hiện đang đi vào vùng biển hạn chế của khu vực Kim Môn.

Các binh sĩ đồn trú đã bắn bom tín hiệu để cảnh báo theo quy trình vận hành tiêu chuẩn, đồng thời trong tương lai sẽ tiếp tục duy trì giám sát và cảnh báo cao độ.

Bộ Tư lệnh Quân đội Phòng thủ Kim Môn chỉ ra, việc sử dụng các phương pháp tình báo, giám sát và trinh sát liên hợp trong khu vực phòng thủ sẽ có thể nắm bắt đầy đủ các động thái xung quanh. Hơn nữa, các doanh trại, cơ sở và vị trí ngụy trang đều được thực hiện theo đúng quy định, có khả năng ứng phó ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp.

Chung Nguyên

Các đường bay quanh Đài Loan trở lại bình thường bất chấp TQ tập trận mới

Giao thông hàng không xung quanh Đài Loan đang dần trở lại bình thường sau khi không phận xung quanh hòn đảo mở cửa trở lại, Bộ Giao thông và Truyền thông Đài Loan cho biết hôm thứ Hai (8/8), mặc dù Trung Quốc sau đó đã thông báo về các cuộc tập trận quân sự mới trong khu vực.

Tuần trước, Trung Quốc đã triển khai nhiều máy bay và bắn tên lửa trong các cuộc tập trận quân sự để phản ứng lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan.

Các cuộc tập trận này đã khiến một số hãng hàng không phải hủy các chuyến bay đến Đài Bắc và thay đổi đường bay giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á để tránh khu vực tập trận.

Quân đội Trung Quốc đã công bố các cuộc tập trận mới trên các vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan vào thứ Hai, nhưng không có địa điểm cụ thể nào được cung cấp, và không có dấu hiệu nào trên dịch vụ theo dõi chuyến bay FlightRadar24 về việc các hãng hàng không phải điều chỉnh lộ trình.

Bộ Giao thông vận tải Đài Loan cho biết hầu hết các chuyến bay theo lịch trình đến và đi từ hòn đảo đã tiếp tục hoạt động, với trung bình khoảng 150 chuyến khởi hành và đến mỗi ngày.

Số lượng các chuyến bay quá cảnh qua vùng trời mà bộ kiểm soát của họ quản lý đang dần trở lại bình thường, Bộ cho biết thêm trong tuyên bố trên trang web của mình.

Bộ cho biết tuần trước, một số hãng hàng không nước ngoài thường sử dụng không phận Đài Loan đã phải bay các tuyến đường thay thế qua các khu vực do Nhật Bản và Philippines quản lý trong thời gin cuộc tập trận diễn ra.

Hãng hàng không Korean Air, vốn đã hủy các chuyến bay đến Đài Bắc vào thứ Sáu và thứ Bảy và định hướng lại các chuyến bay khác để tránh khu vực bị ảnh hưởng, cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã nối lại hoạt động bay bình thường.

Hãng hàng không Philippine Airlines cho biết họ sẽ đưa các chuyến bay đến và đi từ Đài Bắc trở lại lộ trình bình thường sau khi sử dụng các đường bay thay thế trong bốn ngày Trung Quốc diễn tập vừa qua.

Việc đóng cửa không phận tạm thời và thay đổi lộ trình trong các cuộc tập trận quân sự lớn diễn ra thường xuyên trên khắp thế giới.

Tuy vậy, tình huống này là không bình thường khi các cuộc tập trận của Trung Quốc chia cắt vùng lãnh hải 12 hải lý mà Đài Loan tuyên bố quản lý, điều mà các quan chức Đài Loan cho rằng thách thức trật tự quốc tế và tương đương với việc áp đặt phong tỏa vùng biển và không phận của nước này.

Nhật Minh (theo Reuters)

Related posts