Bầu cử Quốc hội Đức: Đảng Xã Hội Dân Chủ SPD dẫn đầu nhưng không đủ đa số để thành lập chính phủ

Bầu cử Quốc Hội Đức, một sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Berlin

Thanh Hà

Ứng viên thủ tướng Đức Armin Laschet (T) lãnh đạo đảng CDU và thủ tướng Đức mãn nhiệm Angela Merkel đến tổng hành dinh đảng CDU tại Berlin (Đức) ngày 26/09/2021. John MACDOUGALL AFP

Một ngày sau bầu cử, Đức chưa có thủ tướng mới thay thế Angela Merkel. Berlin sẽ phải mất nhiều tháng để thành lập một chính phủ liên minh. Truyền thông quốc tế nói nhiều đến “ẩn số” trong thời kỳ hậu Merkel. Nhưng chưa chắc những thay đổi trên chính trường Đức sẽ làm đảo lộn chính sách đối ngoại của Berlin.

Kết quả sơ khởi cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật cho thấy cánh tả, đảng Xã Hội Dân Chủ SPD, về đầu nhưng không có gì bảo đảm là chủ tịch đảng này, Olaf Scholz, sẽ ngồi vào chiếc ghế thủ tướng mà bà Angela Merkel để lại sau bốn nhiệm kỳ. Đảng CDU cánh bảo thủ về thứ nhì nhưng vẫn có thể điều hành chính phủ liên minh nếu đủ sức thuyết phục được đảng Xanh và đảng FDP có đường lối tự do. Và đây là một kịch bản vẫn còn tính thời sự.  

Là đầu tàu kinh tế trong Liên Hiệp Châu Âu, một đối tác quan trọng của cả từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ và Nga, viễn cảnh Berlin sẽ phải mất nhiều tháng mới công bố thành phần chính phủ mới, liệu có gây lo ngại cho các đối tác quốc tế của Đức hay không ?  

Đức là đối tác quan trọng nhất trong số 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Trong mọi lĩnh vực, từ kinh tế, tài chính, đến nhập cư hay môi trường Berlin luôn có tiếng nói sau cùng. Do vậy Paul Maurice, thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI được báo Le Figaro trích dẫn lo ngại rằng châu Âu phần nào bị tê liệt vì những đàm phán kéo dài tìm kiếm liên minh trên chính trường Đức. Trong lúc mà Bruxelles cần nhanh chóng có những quyết định cụ thể, như trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, nâng cao mức tự chủ về công nghệ số …  

Trong quan hệ giữa Đức với Nga, Angela Merkel từ 16 năm qua luôn có một kênh đối thoại “đặc biệt” với điện Kremlin mà những quốc gia khác trong Liên Âu như Pháp, hay Ý không có được. Liệu người kế thừa sự nghiệp của bà Merkel có duy trì mối quan hệ “đặc biệt” hay không ?  

Với Trung Quốc, thương mại là ngôn ngữ chung của Berlin và Bắc Kinh: trao đổi mậu dịch giữa Đức với Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn khối châu Âu với ông khổng lồ châu Á này. Cũng chính dưới sức ép của Berlin, Liên Âu và Trung Quốc đã thông qua hiệp định đầu tư toàn diện cuối 2020, cho phép Bắc Kinh tạm thời ghi một bàn thắng mang tính tượng trưng trong cuộc đọ sức với Washington.  

Còn nhìn về quan hệ Đức – Mỹ, đành rằng bang giao đã xấu đi dưới thời tổng thống Donald Trump và do hợp tác giữa Berlin và Matxcơva về dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nhưng giáo sư Hans Stark, đại học Sorbonne và cố vấn của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp ghi nhận (trong bài tham luận trên tạp chí Politique Etrangère, số 3-2021) Đức vẫn là cột trụ chính trong đối thoại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Một lần nữa câu hỏi vẫn là bang giao giữa tân thủ tướng Đức với chính quyền Biden ở Nhà Trắng trong tương lai sẽ ra sao.  

Trước mắt, giới quan sát gần như đồng thanh cho rằng chuyển biến trên chính trường Đức sẽ là “một thay đổi trong một sự tiếp nối” : đảng SPD cánh tả có lên cầm quyền đi chăng nữa thì chính sách của Berlin với các đối tác quốc tế cũng sẽ tiếp tục con đường mà bà Merkel đã vạch ra. Có nhiều yếu tố giải thích báo trước điều này.  

Thứ nhất, bản thân chủ tịch đảng SPD cánh tả, Olaf Scholz, nếu thành lập được một chính phủ liên minh và trở thành thủ tướng, sẽ tiếp tục con đường của người tiền nhiệm, vì hiện tại ông này đã là phó thủ tướng Đức và cũng là bộ trưởng Tài Chính trong chính phủ mãn nhiệm của Angela Merkel. Ngoài ra như chính đương sự đã hóm hỉnh diễu cợt rằng, ông sẽ là một “vị nữ thủ tướng tốt” của nước Đức. Nói cách khác, Đức có thể “sang trang thời đại Merkel nhưng không đoạn tuyệt với quá khứ.  

Dấu hiệu thứ nhì cho thấy không cần thiết phải lo ngại về “ẩn số” cho thời kỳ hậu Merkel, bởi như nhà bình luận Pierre Haski của đài France Inter phân tích : hai đảng truyền thống vẫn dẫn đầu cuộc bầu cử chứ không hoàn toàn bị “sụp đổ” và bị loại hẳn khỏi cuộc đua như ở Pháp chẳng hạn, và đó là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy cử tri Đức không sẵn sàng “dẹp bỏ tất cả để làm lại từ đầu”. Do vậy liên minh chính phủ sắp tới đây, dù trong tay cánh tả hay phe bảo thủ, cũng sẽ là “một sự tiếp nối” từ những năm tháng Merkel, với một vài thay đổi “rất nhỏ” trong cách tiếp cận của chính quyền Berlin về Liên Âu, Mỹ, Trung Quốc hay Nga trong bốn năm sắp tới.  

Cuối cùng về lo ngại đảng SPD sẽ dễ dãi hơn trong các khoản chi tiêu với bản thân nước Đức cũng như là với khối Liên Âu, giới quan sát cũng cho rằng đây là một mối lo không có cơ sở. Đành rằng Olaf Scholz có hứa tăng lương tối thiểu, tăng trợ cấp thất nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công cộng… đúng theo chủ trương “xã hội” của đảng này, nhưng để thực hiện những cam kết đó, đảng này phải có sự ủng hộ của một đối tác thứ ba ngoài đảng Xanh. Hiện thời cánh cực tả đang quá yếu để giúp ông Scholz một cách đắc lực.  

Trong bối cảnh đó, có lẽ lý do duy nhất bắt công luận quốc tế chú ý đến việc Đức sang trang 16 năm thời đại Merkel đó là câu hỏi liệu rằng người kế nhiệm bà có đủ “uy tín với tất cả các quốc gia, bất luận lớn hay bé” như ghi nhận của cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker.

Merkel tới nay là một lá chủ bài của Đức mà “từ tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đến thủ tướng Hà Lan Mark Rutter và thậm chí thủ tướng Ý, cựu thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, Mario Draghi cũng chưa chắc đủ sức đảm nhiệm”, như phân tích của chuyên gia Paul Maurice, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI.  

Bầu cử Quốc Hội Đức: Cuộc chạy đua dài hơi tìm liên minh cầm quyền

Thanh Hà| Anh Vũ

Những người ủng hộ đảng CDU theo dõi kết quả bầu cử được công bố trên màn ảnh truyền hình tại tổng hành dinh của đảng ở Berlin (Đức) tối 26/09/2021. John MACDOUGALL AFP

Trong cuộc bầu cử hôm 26/09/2021, theo kết quả tạm thời, đảng Xã Hội Dân Chủ về đầu và bị đảng CDU của thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm theo sát nút. Đảng Xanh không đủ sức đem lại số ghế cần thiết cho hai đảng tả, hữu truyền thống. Đảng Xanh và cánh tự do đảng FDP sẽ có tiếng nói quyết định trong liên minh chính phủ mới tại Berlin.  

Theo đặc phái viên Oriane Verdier từ Berlin kết quả sơ khởi cuộc bầu cử Quốc Hội hôm qua mở ra viễn cảnh cả hai đảng Xã Hội Dân Chủ SPD và Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU cùng lao vào một cuộc chạy đua tìm kiếm liên minh.  

“Đảng Xã Hội Dân Chủ về đầu sau cuộc bầu cử lần này với 25,7% số phiếu, căn cứ vào những kết quả tạm thời. Cánh bảo thủ, đảng CDU, theo sát nút với 24,1% cử tri ủng hộ. Như vậy là cả hai đảng tả và hữu cùng có cơ hội liên kết với các đảng khác.

Tương tự như những đợt bầu cử trước đây, mỗi bên đều tuyên bố ý định thành lập một chính phủ liên minh. Thế nhưng không một đối tác nào có đủ số ghế để cho phép thành lập một liên minh tay đôi với đảng SPD hay CDU. Đảng Xanh về thứ ba với 14,8% số phiếu. Trong nội bộ đảng này có nhiều thành phần muốn liên kết với bên cánh tả SPD và một đảng cực tả. Hiềm nỗi phe cực tả này quá yếu sau kết quả bầu cử hôm qua. Trong hoàn cảnh đó, các bên bắt buộc phải quan tâm đến tối tác thứ tư là đảng FDP theo đường lối tự do. Đảng này được 11,5% cử tri ủng hộ.  

Do vậy, đảng CDU hay SPD đều cần phải cộng tác với đảng Xanh và FDP để thành lập liên minh chính phủ. Các cuộc thương lượng sẽ gay go và có nguy cơ kéo dài trong nhiều tháng”.    

Cuộc đua mới đi tìm một liên minh  
Chiến thắng sít sao của đảng Xã Hội Dân Chủ trước phe Dân Chủ Thiên Chúa Giáo trong kỳ bầu cử Quốc Hội, đã dẫn đến cơ hội giành quyền lãnh đạo chính phủ của hai đối thủ về đầu lần này ngang nhau. Tất cả phụ thuộc vào khả năng lôi kéo liên minh của mỗi bên. Giờ là lúc hai đảng lao vào cuộc chạy đua thương lượng mặc cả, dự báo sẽ lâu và vất vả.

Thông tín viên Pascal Thibault tại Berlin phân tích :

“Đây là kết quả cho mọi khả năng. Đảng Xã Hội Dân Chủ (SPD)  đã về đầu sau khi những tuần cuối cùng đã tăng 10 điểm trong các cuộc thăm dò.  

Olaf Scholz, ứng viên của SPD ngay lập tức tỏ vẻ cho thấy mình là « thủ tướng tương lai » của Đức. Phe Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) hứng chịu một thất bại lịch sử, mất hơn 8% phiếu so với tỷ lệ của năm 2017, khi đó cũng thuộc loại xoàng.

« Chúng ta không thể hài lòng với kết quả này », ứng cử viên của đảng bảo thủ, ông Armin Laschet đứng bên cạnh bà Angela Merkel nhận định. Tuy nhiên ông vẫn tỏ cho biết sẽ làm tất cả để lãnh đạo đất nước.

Đảng Xã Hội và Dân Chủ Thiên Chúa Giáo có thể tìm kiếm liên minh với đảng Xanh và phe tự do. Các cuộc thương lượng sẽ nhanh chóng bắt đầu nhưng có thể sẽ phải kéo dài.

Phe bảo vệ môi sinh đạt được tỷ lệ kỷ lục trong một kỳ bầu cử cấp quốc gia nhưng chưa được như kỳ vọng của họ hồi mùa xuân. « Chúng ta đã muốn giành chức thủ tướng. Nhưng không may, việc này đã không thể », lãnh đạo đảng Xanh, bà Annalena Baerbock tuyên bố.  

Nhưng đảng Xanh cũng như các phe tự do vẫn có cơ hội tham gia vào chính phủ tương lai. Các đảng phái cựu hữu, cực tả đều thất vọng trong cuộc bầu cử này. Đảng dân tộc chủ nghĩa AfD bị tụt hậu. Phong trào cánh tả cực đoan Die Linke bị mất gần phân nửa cử tri.” 

Bầu Hạ Viện Đức: Một thể thức bầu cử phức tạp

Thùy Dương

Nhà Quốc Hội Đức, thủ đô Berlin. © Wikipedia

Ngày hôm 26/09/2021, nước Đức với hơn 60 triệu cử tri bầu Hạ Viện mới. Hạ Viện (Bundestag) được bầu sau đó sẽ lựa chọn thủ tướng kế nhiệm bà Angela Merkel. Kỳ bầu cử lập pháp tại Đức diễn ra 4 năm 1 lần và được coi là khá phức tạp, khó đoán định.

Các cử tri đi bầu nhận được lá phiếu gồm hai phần, tương ứng với hai nội dung bầu chọn. Nôi dung thứ nhất : Phần bên trái lá phiếu là để chọn ra 1 dân biểu đại diện cho khu vực bầu cử tại Hạ Viện. Người được nhiều phiếu bầu nhất tại một đơn vị bầu cử là người thắng cuộc. Theo phương thức bỏ phiếu « đơn danh theo đa số », ứng với 299 đơn vị bầu cử, sẽ có 299 dân biểu được bầu trực tiếp.  

Nội dung thứ hai : Phần bên phải lá phiếu là để « bầu cho một đảng phái chính trị ». Kết quả phần bỏ phiếu này sẽ quyết định « tỉ lệ phần trăm số ghế » mà một đảng có được tại Hạ Viện. Chẳng hạn, nếu một đảng giành được 35% số phiếu bầu của cử tri thì sẽ được 35% tổng số 598 ghế tại Bundestag. Để được vào Hạ Viện, một đảng phái chính trị phải đạt ít nhất 5% tổng số phiếu bầu trên toàn quốc.

Theo France Info, hiện tại Hạ Viện Đức có 7 đảng : đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của thủ tướng Angela Merkel, đảng Liên minh Xã hội – Thiên chúa giáo Bayern (CSU), đảng Xã hội – Dân chủ Đức (SPD), đảng cực hữu AfD, đảng Tự do Dân chủ (FDP), đảng cánh tả Die Linke và đảng Xanh. Về tổng thể, số ghế mà một đảng có được tại Hạ Viện được tính dựa vào số ghế được phân bổ, nhờ phương thức bỏ phiếu thứ 2, cộng thêm với số dân biểu của đảng được bầu trực tiếp ở phần 1.

Việc kết hợp của hai phương thức bỏ phiếu (phương thức bầu trực tiếp « đơn danh theo đa số » và phương thức « bầu cho một đảng phái chính trị » để quyết định « tỉ lệ phần trăm số ghế » mà mỗi đảng có được tại Hạ Viện) khiến bầu cử Hạ Viện Đức có thêm một điểm đặc biệt khác : Số lượng dân biểu tại Bundestag không cố định. Nếu như với phương thức bỏ phiếu « đơn danh theo đa số », số dân biểu được bầu luôn cố định là 299, thì với phương thức thứ hai, Hạ Viện có thể phải bổ sung thêm dân biểu để bảo đảm tôn trọng nguyên tắc tỉ lệ mang tính đại diện toàn quốc. Ví dụ, năm 2013, Hạ Viện Đức có 622 ghế dân biểu, tăng 24 ghế so với 598 ghế dự kiến. Kỳ bầu cử năm 2017, có đến 709 dân biểu, tăng 111 ghế. Để giới hạn khả năng tăng số ghế dân biểu tại Hạ Viện, năm 2020, nước Đức đã thông qua một luật về cải cách bầu cử.

Dự kiến ba đảng liên minh mới đủ lập chính phủ

Sau khi Hạ Viện được bầu, nếu không đạt được đa số tuyệt đối, các đảng phải tìm liên minh để lập chính phủ. Trên thực tế, tại Đức từ năm 1957 đến nay, các đảng đều phải liên minh lập chính phủ, vì không đảng nào đạt đa số tuyệt đối. Chính vì thế, các ứng viên thường thông báo mong muốn lập liên minh với phe nào từ trước kỳ bầu cử để truyền thông và giới quan sát đánh giá, từ đó thu hút phiếu bầu của cử tri.

Theo thăm dò mới đây cho kỳ bầu cử lập pháp ngày 26/09/2021, chưa có đảng nào đạt được 30% ý định bỏ phiếu của cử tri Đức, để ngỏ khả năng phải có đến 3 đảng liên minh với nhau mới đủ để thành lập chính phủ. Việc thương lượng giữa các đảng phái thường kéo dài. Chẳng hạn trong kỳ bầu cử hồi năm 2017, phải mất 6 tháng các đảng mới đạt thỏa thuận thành lập nội các. Chính vì thế, giới quan sát dự báo sau hôm nay, bà Angela Merkel sẽ còn nắm quyền thêm nhiều tuần, có thể là nhiều tháng trước khi nội các mới được công bố và Đức chính thức có thủ tướng mới, sang trang “thời đại Merkel”.

Related posts