Tiền nhiều để làm gì?

Những người hỏi “làm gì để nhiều tiền?” – Nguồn: Facebook

Hôm nay, tôi xin trả lời câu hỏi ‘’tiền nhiều để làm gì?”, mong sau khi đọc xong những câu trả lời của tôi, những người có nhiều tiền, đang đau đầu vì không biết ‘’tiền nhiều để làm gì?” có thể cho tôi bớt một chút tiền của họ, hoặc là trả lời cho tôi biết “làm gì để nhiều tiền?” Mong lắm một lần đau đớn ngồi khóc trên đống hột xoàn, day dứt hỏi lòng ‘’tiền nhiều để làm gì?”

  1. Để sống và sống tốt hơn

Học hành cần tiền, ăn uống cần tiền, mua nhà cần tiền, đi lại cần tiền, nuôi con/chăm sóc gia đình/chăm sóc bản thân, mua quần áo, mỹ phẩm, làm đẹp cần tiền, dụng cụ làm việc cũng cần tiền, mua VPN để vượt tường lửa đọc báo, xem phim, tìm tài liệu đa chiều cũng cần tiền… chẳng thứ gì miễn phí, dầu bạn đang ngồi trong cái bẫy chuột hoa lệ. Ngay cả trong chuyện tình cảm (không những là trai gái mà còn tình bạn, tình thân, tình đồng nghiệp, tình đồng chí…), chuyện kinh tế cũng bị lôi ra làm thước đo, đa số các cuộc hôn nhân/tình bạn/tình thân… đổ vỡ có lý do sâu xa là kinh tế, dầu ít ai chịu thừa nhận. Hơn nữa, sống trong mùa dịch cúm Vũ Hán ở Việt Nam, người càng ít tiền sẽ càng có nhiều câu trả lời cho câu hỏi “tiền nhiều để làm gì!”.

Trước hết, để tồn tại!

Vì rõ ràng, tiền ít sẽ khó tồn tại trong mùa dịch hơn. Ví dụ như, bình thường một ký rau 10 ngàn VNÐ, dịch đến, rau 40 ngàn VNÐ/ký, phải mua từ 5 ký đủ loại rau (đều lên giá) thì người ta mới chịu giao, vì book tài xế khó khăn, phí tổn ship cũng lên gấp bốn-năm lần bình thường… Vậy là, trước dịch, một nồi canh 50 ngàn, trong dịch, một nồi canh 150 ngàn (đôi khi thiếu hành vì mua không được). Tất cả chi phí “đội sổ”, người gánh chịu và khổ sở nhất là những người chưa được ra đường hơn 4 tháng trời, chưa được hỗ trợ từ nhà nước… tivi cũng không có để đón xem lời hứa hẹn từ người của chính quyền! Bởi vậy, khi lướt báo trong nước mùa dịch, bạn sẽ thấy không ít bản tin như:

“Hàng chục người ròng rã đi bộ hàng trăm km về quê”

“Con 4 tháng tuổi của công nhân xe buýt uống nước cơm thay sữa”

“15 người nhồi nhét trong xe đông lạnh để qua chốt kiểm soát dịch”

Trên mạng xã hội càng bi đát hơn, không hiếm cảnh người bệnh nghèo kêu cứu vì không gọi được y tế, hình ảnh người già, trẻ em, xóm trọ đói, người nước ngoài ở Việt Nam cũng cầm bảng xin tiền… Hình ảnh những người già, bất chấp lệnh cấm ra đường, ráng đi mót rác kiếm ăn, những người vô gia cư, không còn tiền đóng tiền thuê nhà vạ vật bên đường…

Hoặc những “bản tin” tố cáo lừa đảo, trộm, cắp… gia tăng trong mùa dịch, bần cùng sanh đạo tặc, dịch bệnh đói khổ là “đất lành” cho lòng tham neo đậu. Tuy nhiên, có nhiều vụ, đọc mà thấy thương cho… kẻ gây tội. Như đoạn tin này, từ Facebooker Hoàng Thu Ðiểm ở Ðà Nẵng:

“Vào lúc 20h20 ngày 16-9 có 1 người phụ nữ trung niên 30-40 tuổi, vào Nhà sách Quân Trí (tại 63 Phan Ðăng Lưu , phường Hoà Cường Nam, quận Hải Châu) để mua sách giáo khoa và cặp cho con gái học lớp 4, tổng trị giá 600 ngàn VNÐ (chưa đến $30 USD). Sau khi lấy hàng xong, người phụ nữ này liền bỏ chạy và không thanh toán tiền. Nhà sách mong chị ngày mai đến trả lại tiền hoặc hàng (nếu chị không có tiền). Không thì buộc lòng nhà sách phải đưa video và biển số xe của chị lên Công an để làm việc với chị.”

“Làm gì để nhiều tiền?” – chắc hẳn người mẹ của em học sinh lớp 4 này cũng từng suy nghĩ trước khi đi «tìm» sách cho con kịp bước vào năm học mới.

  1. Kiến thiết quốc gia

Có tiền rồi, không chỉ riêng bạn tồn tại mà sẽ có nhiều người khác cùng tồn tại với bạn, thông qua những lần bạn tiêu tiền. Ví dụ như bạn đi chợ, trả tiền cho bà bán rau, bà bán rau sẽ trả tiền cho thương lái, thương lái sẽ trả tiền cho người vận chuyển, người nông dân, người nông dân mua thuốc trừ sâu, mua đồ làm vườn, mua đất trồng rau… Ngoài tạo ra vòng xoay kinh tế, chính bạn, bà bán rau, thương lái, người vận chuyển, người nông dân… và tất cả mọi người dân khác ở đất nước này còn phải đóng thuế thông qua những lần tiêu tiền. Một trong những “cha già dân tộc” đã góp phần xây dựng nên nước Mỹ – ông Benjamin Franklin, từng nói: “Trên thế giới này không gì có thể nói chắc, trừ cái chết và thuế.” Ðiều đó không ngoại lệ ở Việt Nam như nhiều người lầm tưởng. Việt Nam từng có nhiều bài báo chỉ ra thực tế: mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1.4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Cao nhất ASEAN

Người dân đóng thuế để làm gì? Thuế là thứ để kiến thiết quốc gia và nuôi bộ máy nhà nước cồng kềnh, trả tiền nợ công mà chính phủ đi vay… Theo như thông lệ của một đất nước hoàn hảo, thuế còn là thứ giúp người dân nghèo tồn tại qua những lúc khốn cùng, như cơn dịch cúm Vũ Hán đang hoành hành. Ðây không phải là «lòng hảo tâm» của những người cầm quyền mà đó là nhiệm vụ của họ, phúc lợi của những người dân, vì đó là tiền của chính chúng ta.
Rất tiếc, Việt Nam có nhiều tượng đài ngàn tỷ, có nhiều trạm mãi lộ xây sai chỗ, có nhiều công trình đội vốn – tiêu tốn tiền thuế dân hàng chục lần ước tính, có nhiều con đường cao tốc đắt giá nhất thế giới (giá cao gấp 3 – 4 lần đường ở Mỹ)… Nhưng an sinh xã hội cho dân thì ì à ì ạch, những gói cứu trợ đa phần chỉ thấy trên tivi, rất ít người dân được hưởng. Giáo dục miễn phí? Không! Trợ cấp thất nghiệp? Không! Trợ cấp nhà ở cho người nghèo? Không! Nghịch lý là, khi được hỏi về các vấn đề trên, đa số cán bộ ÐCS cho là “đất nước mình còn nghèo”. Trong khi họ thì sao? Thì xui lắm mới thấy có một vị cán bộ nhà nước, cán bộ cấp cao là người nghèo, xui lắm mới thấy có một ông trả lời phát biểu xuôi tai (chưa nói đến làm), xui lắm mới biết được một ông không có nhà ở nước ngoài, không có cho con cái du học, không có người thân song quốc tịch… trong khi tiền lương công khai của họ rất là thấp, thua xa một người dân tối ngày chống cằm nhìn trời hỏi “làm gì có nhiều tiền?” như tôi!

Vậy ai lo cho dân? Xin thưa, câu trả lời là “lấy sức dân chăm lo cho dân”!

Người ta đi nước ngoài, đôi khi chỉ để được tôn trọng hơn – Nguồn: Facebook

  1. Lo cho nhau

Tồn tại xong, đóng thuế xong, tiền nhiều để làm gì? Ðể lo cho người khác! Không chỉ là cha/mẹ, vợ/chồng, con/cháu, anh/em… mà còn là đồng bào, cộng đoàn. Như mới đây, khi đọc báo về việc có hơn 1,500 trẻ em mồ côi vì cha mẹ ra đi bởi mắc cúm Vũ Hán, không ít người đã đứng ra nhận nuôi hoặc đưa giải pháp/tiền bạc để giúp những đứa trẻ này lớn lên đầy đủ hơn.

Nhiều người cứ ngỡ câu “Lấy sức dân chăm lo cho dân” mới được các vị lãnh đạo thiên tài đảng ta “sáng tác” trong mùa dịch này. Nhưng không, sau khi phỏng vấn anh Nguyễn Văn Google, tôi biết được là nó có từ rất, rất lâu rồi, không biết gốc gác nó ở đâu, nhưng nó đã tồn tại hơn chục năm nay. Như bài viết về việc “huy động nguồn lực của dân để xây dựng nông thôn mới” năm 2012, hay “cuộc vận động vì người nghèo” năm 2017, hay các cuộc “vận động” người dân giúp nhau sau các cơn bão-lũ lớn hàng năm…

Tuy không ít lần người dân phản ứng với cách kêu gọi này của chính quyền VN, vì ai cũng biết trách nhiệm gánh vác thiên tai, xóa đói giảm nghèo là của chính phủ, không ai có quyền đổ gánh nặng này lên vai nhân dân, để họ tự cứu nhau. Nhưng cũng bấy nhiêu lần người dân vừa lầm bầm phản đối vừa rút hết hầu bao để giúp nhau. Mùa dịch này, nếu dân không giúp dân, có lẽ số người chết sẽ nhiều hơn, không chỉ do cúm Vũ Hán mà còn là chết đói, chết vì bệnh khác… Không ai nỡ ngồi nhìn đồng bào mình khổ nạn, ngay cả những người đã bị chính quyền trục xuất khỏi Việt Nam, rất là ghét chế độ, vẫn quyên góp không ngừng để giúp dân trong nước qua những lần khốn khổ. Và từ những lần “giúp nhau” lại sanh ra các “bi kịch” khác. Vì ở Việt Nam, có nhiều người có tiền rồi mới đi làm từ thiện nhưng càng có nhiều người đi “làm từ thiện” rồi mới… có tiền, đó là những người làm “nghề từ thiện”. Vì sao? Nói ra thì lại bảo tôi “phản động”, chứ quả tình, tôi cho là chính quyền có phần lớn lỗi trong việc này.

Việt Nam không như ở các nước phát triển, có những quỹ từ thiện công khai và chuyên nghiệp, bất cứ mạnh thường quân nào cũng có quyền kiểm tra dòng tiền ra-vào. Mà lòng tin vào chính quyền của người dân ngày càng ít, vì vậy, khi nhà nước kêu gọi “Lấy sức dân chăm lo cho dân”, thì đa số người dân sẽ đi tìm các nơi họ tin tưởng để gửi tiền, mong người đó đem đến tay người nghèo giùm họ. Mà trong những người có vẻ đáng tin đó, không ít người giỏi ngụy trang bản thân, ngụy tạo vẻ ngoài và công việc họ làm. Vì vậy, qua mỗi đợt thiên tai/dịch bệnh thì người dân nghèo ngày càng khổ, nhưng những người mang danh “giúp người nghèo” lại càng giàu…

“Tiền chính là hạnh phúc rồi” – Nguồn: Facebook

4. Tương lai khác

Không phải khi không mà người ta hay chúc nhau “năm mới quốc tịch mới” mỗi dịp Xuân về.

“Tiền không phải tất cả nhưng không có tiền thì vất vả thế thôi” không chỉ với cá nhân mà với cả một đất nước, một dân tộc. Không ai muốn sanh ra đã là người nghèo, lại còn là người nghèo trong một đất nước nghèo, ít ra làm người nghèo trong một đất nước giàu thì đời cũng đỡ khốn cùng hơn, dầu ở đâu cũng có những nỗi niềm riêng. Ðó cũng là lý do mỗi năm có rất, rất nhiều người tìm cách bỏ chạy khỏi VN đến các nước giàu, trong đó có rất nhiều con/cháu/thân nhân của cán bộ CSVN. Dầu ở VN họ có mọi thứ nhưng vẫn tình nguyện qua Mỹ, qua Châu Âu làm “công dân hạng 2”… Tôi tin, qua mùa dịch này, làn sóng ra đi sẽ càng nhiều hơn nữa, vì người ta nhìn thấy tiền thuế của họ được dùng ra sao.

Mà muốn ra đi, tìm một tương lai mới, cho dầu là đi chui trong những chiếc xe đông lạnh, thì sao? Thì phải có tiền. Bởi vậy, trong khi nhiều tỷ phú khóc than “tiền không mua được hạnh phúc”, thì rất nhiều người cảm thấy “tiền chính là hạnh phúc rồi”.

Related posts