Thanh Đoàn
Bề ngoài, Bắc Kinh dường như đang ráo riết hành động vì môi trường khi ép các doanh nghiệp cắt giảm hoặc ngừng sản xuất để giảm tiêu thụ điện. Là một quốc gia nổi tiếng về thái độ ‘tàn bạo’ với môi trường, lý do mà Bắc Kinh giải thích cho hành vi ‘lấy đá ghè chân mình’ khiến cả thế giới đặt dấu hỏi lớn. Trung Quốc đang gặp khủng hoảng điện năng thực sự và có đang lợi dụng cuộc khủng hoảng này để thâu tóm thêm một bước nữa nền kinh tế tư nhân?
Vào tháng 8, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành “Phong vũ biểu về việc hoàn thành các mục tiêu kiểm soát kép mức tiêu thụ năng lượng ở các khu vực khác nhau trong nửa đầu năm 2021”, trong đó nêu rõ cường độ sử dụng năng lượng của 9 tỉnh (khu vực) bao gồm cả Giang Tô và Quảng Đông không giảm như cam kết theo kế hoạch mà thậm chí còn tăng quá hạn mức tiêu thụ điện cho phép.
Bắt đầu từ đầu tháng 9, chính sách “kiểm soát tiêu thụ năng lượng kép” của ĐCSTQ đã bất ngờ được nâng cấp. Các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh và khu vực đã liên tiếp nhận được thông báo về việc cắt điện cưỡng chế, hạn chế sản xuất hoặc phải tạm ngừng sản xuất.
Có vẻ như chính sách này đang được thực thi đặc biệt nghiêm khắc, có thể kéo dài tới hết quý 4, quý quan trọng trọng nhất với ngành sản xuất trong năm.
Kỹ sư Hai (bút danh), hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân ở Quảng Đông nói Epoch Times vào ngày 26/9 vừa qua rằng “tình trạng mất điện nghiêm trọng diễn ra tại Đông Quan, Trung Sơn, Huệ Châu và Phật Sơn. Rất nhiều nhà máy buộc phải hạn chế sản xuất, thậm chí phải ngừng sản xuất”.
Tình trạng sản xuất ‘tối thui’ theo đúng nghĩa đen đang ngày một trầm trọng vào thời điểm này. Ông Hai chia sẻ “bạn tôi ở Trung Sơn cho biết nhà máy của họ đã mất điện 9 ngày liên tục, không kể chủ nhật, khu công nghiệp cũng bị mất điện, khu vực sinh sống gần đó cũng bị mất điện.” Ảnh chụp màn hình video của người dân chia sẻ trên mạng xã hội phàn nàn về tình trạng mất điện trên diện rộng tại Trung Quốc (Ảnh: Secret China)
Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Quảng Đông đã ban hành một văn bản, có đăng trên tài khoản chính thức của Ủy ban này trên nền tảng WeChat vào ngày 25/9, rằng tất cả các thành phố trong tỉnh đã đưa ra kế hoạch “sử dụng điện có trật tự”, tức là “lệnh cắt điện luân phiên”. Nhiều công ty buộc phải áp dụng “mở ba, dừng bốn” hoặc “mở hai dừng năm”.
Một doanh nhân Hồ Nam là Li Wen (bút danh) nói với Epoch Times vào ngày 23/9 rằng tình trạng mất điện tại địa phương của họ bắt đầu từ tháng 8, nhưng không thông báo công khai: “Vì quy mô không lớn nên không rõ có mấy khu công nghiệp công nghệ cao mất điện. Chúng tôi cũng hiểu là các tỉnh công nghiệp lớn sử dụng nhiều điện hơn. Chính quyền nói rằng họ muốn tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Nếu không có cách nào có lẽ Hồ Nam phải ra văn bản khẳng định rằng Hồ Nam là tỉnh nông nghiệp”.
Sản xuất tư nhân điêu đứng
Theo Secret China, có 16 tỉnh của Trung Quốc đang chịu đựng tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Điều này khiến các ngành sản xuất xi măng và thép, chất bán dẫn và thậm chí cả ngành công nghiệp điện tử trên địa phương đều bị ảnh hưởng trầm trọng.
Theo giới quan sát, những lý do đằng sau việc Bắc Kinh siết chặt việc phân bổ nguồn năng lượng điện khiến sản xuất địa phương bị gián đoạn rất phức tạp. Một số nhà phân tích cũng cho rằng siết chặt phân bổ nguồn năng lượng điện trên quy mô lớn không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc mà còn tác động đến thị trường toàn cầu.
Bloomberg đưa tin, do nhu cầu điện tăng trong khi giá than và khí đốt tự nhiên tăng cao, đồng thời các mục tiêu giảm phát thải nghiêm ngặt do Bắc Kinh đặt ra đã khiến các chính quyền địa phương buộc phải áp dụng các biện pháp cắt giảm điện.
Cũng theo Bloomberg, thiếu điện năng và giới hạn tiếp cận điện tại Trung Quốc đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các ngành công nghiệp sản xuất như luyện nhôm, dệt may và các nhà máy chế biến đậu tương là những ngành đầu tiên phải chịu tổn thất từ việc mất điện, danh sách các ngành sản xuất, dịch vụ, truyền thông bị ảnh hưởng tiêu cực đang mở rộng.
Hiện tại, gần một nửa trong số 23 tỉnh của Trung Quốc đã không đạt được các mục tiêu năng lượng do Bắc Kinh đặt ra và đang phải đối mặt với giới hạn tiêu thụ điện rất lớn. Trong số đó, Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông có tác động lớn nhất. Chỉ riêng ba thành phố công nghiệp lớn này chiếm gần 1/3 GDP của Trung Quốc. Các nhân viên sản xuất áo khoác tại một nhà máy cho công ty quần áo Trung Quốc Bosideng ở Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 24 tháng 9 năm 2019 (Ảnh: STR / AFP / Getty Images)
Tờ South China Morning Post của Hong Kong đưa tin trong tháng qua, 16 trong số 31 tỉnh của Trung Quốc, từ thị trấn công nghiệp phía nam Quảng Đông đến “vành đai bụi” [ám chỉ khu công nghiệp] ở phía đông bắc, đã đưa ra các biện pháp cắt giảm điện, khiến ngành công nghiệp quốc gia rơi vào tình trạng tiêu điều và không ai dám chắc chắn về tương lai.
Các nhà phân tích của Nomura Holdings cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ thu hẹp trong quý 4 năm nay. Thị trường hiện tại tập trung chủ yếu vào cơn bão nợ của Evergrande và quản lý và các chính sách kiểm soát bất động sản của Bắc Kinh. Do vậy, tác động của chính sách siết chặt việc phân bổ điện năng có thể bị đánh giá thấp hoặc thậm chí bị bỏ qua, nhưng chính sách này mới thực sự có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế.
Đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Nomura cũng chỉ ra rằng các biện pháp cắt giảm điện của Trung Quốc sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Thị trường toàn cầu sẽ sớm có thể cảm nhận được áp lực thiếu hụt nguồn cung từ hàng dệt may, đồ chơi cho đến các bộ phận máy móc và các chủng loại khác.
Hiện đang là mùa cao điểm về cầu từ các sản phẩm điện tử, nhưng nhiều nhà cung cấp của Trung Quốc lại bị buộc phải hợp tác cắt điện, ngừng sản xuất, chuỗi cung ứng gặp rủi ro. Nếu tắc nghẽn hậu cần và ảnh hưởng của việc ngừng sản xuất, thế giới sẽ nhanh chóng bị lây nhiễm lạm phát xuất khẩu từ Trung Quốc.
Tờ Nikkei đưa tin, các nhà cung cấp của Apple và Tesla đã ngừng dây chuyền sản xuất tại một số nhà máy ở Trung Quốc; nhiều công ty nhỏ hơn cũng đã bắt đầu thông báo với các sàn giao dịch chứng khoán rằng họ đã được lệnh hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động sản xuất.
Hãng thông tấn trung ương cũng đưa tin, trong những tuần gần đây, ít nhất 15 công ty Trung Quốc đã công bố các biện pháp cắt giảm điện trong các thông báo trên sàn chứng khoán khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Đồng thời, hơn 30 công ty niêm yết tại Đài Loan phải tạm ngừng sản xuất vì các biện pháp cắt giảm tiêu thụ điện từ chính quyền Bắc Kinh.
Nguồn điện ít ỏi ưu tiên cho các dự án xây dựng
Tại sao lại là các dự án xây dựng? Vì đào đất lên rồi lấp lại cũng giúp Trung Quốc tăng GDP. Các chính quyền địa phương tại mọi cấp đều phải báo cáo thành tích GDP lên cấp trên. Nếu nguồn cung điện hữu hạn, thì để tăng GDP trước mắt, chính quyền sẽ ưu tiên cho các dự án xây dựng.
Gong Shengli, một nhà nghiên cứu tại China Financial Think Tank, cho biết “rất có thể Trung Quốc đang thiếu điện và họ cần dồn nguồn năng lượng này để phục vụ các dự án xây dựng. Tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande bắt đầu xây dựng chỉ trong một đêm. Trung Quốc vẫn còn rất nhiều dự án đường bộ, đường sắt, cầu cảng đang được xây dựng, chẳng hạn như xây dựng các đường hầm sâu và trung bình, các dự án quốc gia lớn và các dự án trọng điểm như thủy lợi từ Quảng Đông đến Hồng Kông. Ở đó đã không bị mất điện“, theo Epoch Times.
Ông cho rằng lượng than tồn kho giảm do nhu cầu than cho nhiệt điện tăng cao để bù đắp vào nguồn cung thủy điện suy giảm mạnh vì Trung Quốc bắt đầu vào mua khô. “Tháng 7, 8 và 9 năm nay, điện khan hiếm, than tồn kho giảm và cầu với than tăng mạnh. Tình trạng khủng hoảng nguồn cung điện sẽ tiếp tục kéo dài cho tới hết năm nay. Bây giờ đang là mùa khô và không thể sản xuất thủy điện”.
Các phương tiện truyền thông đại lục “Thời báo chứng khoán” đưa tin rằng tỉnh Liêu Ninh đã tổ chức một hội nghị về công tác an ninh điện vào ngày 26/9 vừa qua. Kể từ tháng 7, do công suất phát điện giảm mạnh, tình trạng thiếu điện ở tỉnh Liêu Ninh đã ở mức khủng hoảng.
Báo cáo cho biết, để ngăn chặn sự cố sập toàn bộ lưới điện, bộ phận điều độ lưới điện Đông Bắc đã trực tiếp ban hành chỉ đạo thực hiện “sự cố lưới điện và suất định mức; theo đó, đề ra các biện pháp tiêu thụ điện năng có trật tự”, tức là một kế hoạch cắt điện luân phiên.
Ông Wang Weiluo, chuyên gia về bảo tồn nước của Trung Quốc cho biết tốc độ phát triển máy phát điện của Trung Quốc luôn cao hơn nhiều so với năng lực sản xuất điện bởi vì các con sông của Trung Quốc không cung cấp đủ nguồn nước cho các trạm thủy điện này.
Một mũi tên trúng 4 đích
Nhìn lại, rõ ràng Trung Quốc đã bất lực trước cuộc khủng hoảng điện. Nhưng chính sách “kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng’ lại là một tuyên bố giảo hoạt, giúp Trung Quốc đắc được 4 lợi ích sau:
Thứ nhất, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng chính sách “kiểm soát kép tiêu thụ năng lượng” sẽ được Bắc Kinh phô diễn hùng hồn tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc vào tháng 11 tới đây. Dĩ nhiên, trong màn trình diễn này, báo cáo của Trung Quốc sẽ không bao gồm khủng hoảng năng lượng thực sự cũng như cái giá của cuộc khủng hoảng này là sự suy yếu, thậm chí đổ vỡ của hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhà nước, tư nhân đã không thể sản xuất vì thiếu điện.
Vào ngày 21, Tổng thống Biden của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, mỗi bên đều công bố các biện pháp mới về biến đổi khí hậu.
Nhà nghiên cứu kinh tế và chính trị Tianjun Ren Zhongdao cho rằng lý do bên ngoài của việc cắt điện đột ngột là để giảm áp lực quốc tế. “Lượng khí thải carbon của Trung Quốc hiện chiếm 1/4 lượng khí thải toàn cầu”, ông Tập Cận Bình tuyên bố vào cuối năm ngoái rằng: “Năm 2030, lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc trên một đơn vị GDP sẽ giảm hơn 65% so với năm 2005, đạt được mục tiêu của thỏa thuận khí hậu Paris”.
Thứ hai, sự thật là chính quyền ĐCSTQ đang rất thiếu tiền. Với lý do kiểm soát CO2, vì bảo vệ môi trường, Trung Quốc không chỉ điều tiết lại cầu về điện năng theo cách cưỡng chế mà còn có thể tăng giá điện một cách ‘hợp lý và cao cả hơn bao giờ hết.
Theo một số liệu mới công bố gần đây, doanh thu tài chính của 31 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong quý II của Trung Quốc là con số âm, duy chỉ có Thượng Hải là dương, ngay cả các tỉnh có truyền thống thu nhập cao là Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang thì tình trạng cũng vô cùng bết bát. Không khó để có thể nhận ra rằng các tỉnh này đang được trung ương giải cứu.
Trên thực tế, chính quyền ở nhiều địa phương đang mắc nợ rất nhiều và thậm chí không thể trả nổi lương cho giáo viên. Gần đây, các giáo viên và công chức ở Liêu Ninh, Hà Nam và An Huy đã xuống đường đòi được trả lương. Số lương còn thiếu từ năm 2007 đến nay chỉ là hơn 70 triệu NDT, vậy mà chính quyền cũng không thể chi nổi, thì nguyên nhân có thể là gì?
Trước đây, giá nhà đất tại Trung Quốc không ngừng tăng lên. Các chính quyền địa phương địa phương có thể bán đất lấy tiền. Tuy nhiên, hiện tại giá nhà ở, giá đất đai không tăng nữa và không có giao dịch ở nhiều nơi. Vậy các chính quyền có thể tăng thu bằng cách nào? Dù tăng thu bằng giá điện để lại hậu quả nghiêm trọng về lạm phát và suy giảm năng lực tiêu dùng của người dân Trung Quốc, nhưng giải cứu ngân khố quan trọng hơn và điện năng là một giải pháp tốt.
Tại Trung Quốc, ngành điện là độc quyền, hoàn toàn thuộc về sở hữu nhà nước. Rất có thể Trung Quốc buộc phải tăng giá điện, điều này làm cho lạm phát giá nhà sản xuất tăng vọt. Rủi ro Trung Quốc nhanh chóng xuất khẩu lạm phát giá nhà sản xuất cho toàn thế giới là rất lớn và nghiêm trọng.
Thứ ba, chính sách này cũng giúp Trung Quốc che giấu năng lực sản xuất điện đang giảm mạnh do trừng phạt thương mại với Úc khiến Trung Quốc thiếu nguồn than và do sự suy kiệt của các dòng sông.
Khí hậu ô nhiễm, các dòng sông chết dần và cạn kiệt nguồn nước sau hàng thập kỷ bị chặn ngang dòng làm thủy điện. Không những vậy, việc trừng phạt Úc và không nhập khẩu than nhiệt từ Úc cũng đang khiến nguồn cung nhiệt điện của nước này giảm mạnh, dễ dàng rơi vào khủng hoảng. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than của Úc đang phản tác dụng, chẳng khác gì việc Bắc Kinh đang “tự bắn vào chân mình” (Ảnh: Getty Images)
Hiện tại, giá than và nguồn cung của Trung Quốc rất eo hẹp. Sản xuất nhiệt điện chiếm 70% thị phần của Trung Quốc. Phần còn lại là thủy điện, điện gió và điện mặt trời. Do giá than nguyên liệu tăng nên chi phí sản xuất điện đã tác động ngược trở lại với giá điện. Một số nhà máy điện phải hạn chế sản xuất vì giá than tăng.
Cuối cùng, một câu hỏi lớn về việc ĐCSTQ vì sao lại hủy hoại khu vực sản xuất chỉ vì kiểm soát CO2? Liệu có phải ĐCSTQ cần các doanh nghiệp tư nhân suy yếu, biết sợ và từ đó có thể quốc hữu hóa hoặc ít nhất là đưa các chi bộ đảng vào kiểm soát bộ máy quản lý của từng doanh nghiệp hay không?
Trung Quốc luôn nói rằng họ ưu tiên việc làm, tăng trưởng, nhưng rõ ràng các chính sách gần đây đã giáng nhiều cú đấm vào việc làm và tạo nên bất ổn xã hội. Điều này vừa là do Trung Quốc thực sự bất lực không thể kiểm soát, cũng vừa là do ĐCSTQ tương kế tựu kế chấp nhận việc doanh nghiệp điêu đứng, người dân mất việc làm, mất thu nhập hay đói khổ; đổi lại ĐCSTQ có thể nhanh chóng quốc hữu hóa kinh tế tư nhân, tiếp tục trừng phạt thương mại các quốc gia dám lên án Trung Quốc và cùng chính quyền ông Biden khoe thành tích “giảm carbon” ở các hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thanh Đoàn