Chi Anh
Các thương hiệu hàng đầu thế giới đã dành nhiều thời gian và tiền bạc để chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á lân cận, vừa để khai thác lao động giá rẻ hơn, vừa để né tránh các loại thuế quan áp lên hàng hóa bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Việt Nam là một trong những điểm đến phổ biến nhất của các công ty Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, các biện pháp chống dịch ngặt nghèo mà chính quyền Việt Nam đang thực thi khiến một số doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về việc có nên quá phụ thuộc vào các nhà máy ở Việt Nam hay không.
Nghiên cứu về hiệu quả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong giai đoạn 2011-2019 thấy rằng, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 19,6% GDP năm 2019, tạo ra 6,1 triệu việc làm (theo VnEconomy).
Cùng với sự leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, một lượng lớn dòng vốn FDI tốt đã thiết lập kế hoạch từ bỏ Trung Quốc để ‘định cư’ tại Việt Nam. Điều này mang lại nhiều lạc quan hơn cho tăng trưởng và việc làm trong nước.
Tuy nhiên, biện pháp phong tỏa kinh tế cực đoan và kéo dài ở các trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam như Bình Dương và TP. HCM suốt 5 tháng qua đã phá tan các điều kiện kinh tế vốn là ưu điểm thúc đẩy sự lựa chọn của FDI cũng như sự cam kết ở lại Việt Nam lâu dài của dòng vốn FDI.
Chính sách chống dịch cực đoan và không đồng bộ đã huỷ đi mọi điều kiện cần cho sản xuất
Thứ nhất, sự mất mát của lực lượng lao động ngoại tỉnh tại các trung tâm công nghiệp là không thể khôi phục trong ngắn hạn.
Lực lượng lao động Việt Nam trẻ, dồi dào, rẻ, và chăm chỉ đã trở thành một trong các tiêu chí được đề cập hàng đầu khi các doanh nghiệp FDI tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đã ‘tan thành mây khói’ sau 5 tháng đóng cửa kinh tế khắc nghiệt tại các trung tâm công nghiệp lớn nhất của đất nước là TP. HCM và Bình Dương, và việc tạm ngừng hoạt động (thời gian ngắn hơn) tại một số khu công nghiệp ở miền Bắc và Đà Nẵng.
Đóng cửa sản xuất kèm theo các biện pháp cách ly F0, F1, F2 cực đoan, trong khi không có hỗ trợ lao động ngoại tỉnh kịp thời, đã khiến lực lượng lao động này không còn tiền, lương thực, và niềm tin để ở lại làm việc. Lao động tháo chạy khỏi TP. HCM bằng tất cả mọi cách bất chấp rủi ro và ngăn cản của các chính quyền địa phương. Sự kiện này đã trở thành câu chuyện nóng bỏng trong đại dịch. Một người tốt bụng phát nước miễn phí cho người dân về quê nhưng bị chặn lại tại cửa ngõ giáp Long An sau khi TP. HCM nới lỏng giãn cách xã hội và tháo dỡ các chốt kiểm soát liên quận. (Ảnh chụp màn hình Saigon Now)
Cục việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, ngay cả khi mở cửa, các doanh nghiệp sẽ thiếu 35 – 37% lao động. Điều này có thể khiến chi phí lao động gia tăng hoặc các doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô hoạt động.
Cuộc tháo chạy của lao động nhập cư không phải là câu chuyện trong ngắn hạn. Với nhiều người, nó giống như là việc tái định cư về quê hơn là chạy trốn khỏi đại dịch. Với trải nghiệm khủng khiếp về đóng cửa cực đoan trong khi thiếu hỗ trợ lương thực và điều kiện y tế, cùng với một tương lai bất định bởi đại dịch, lao động ngoại tỉnh khó có thể quay trở lại với công việc sớm.
Thứ hai, đổ vỡ chuỗi cung ứng và logistics trong nước khiến mọi doanh nghiệp tê liệt
Sản xuất chỉ khôi phục khi mọi mắt xích của nó cùng được vận hành bởi ngành công nghiệp ngày càng chuyên môn hoá sâu. Không một doanh nghiệp nào, một ngành nào có thể tồn tại riêng lẻ. Do vậy, chỉ cần đóng cửa cực đoan dài hạn ở một khu vực, một trung tâm công nghiệp thì chuỗi cung ứng nội bộ, thậm chí quốc tế, cũng vì thế mà đổ gãy.
Việt Nam có thể không đóng cửa hết mọi khu công nghiệp, nhưng giãn cách dài hạn suốt 5 tháng ở các trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam đủ để các doanh nghiệp sản xuất thấm thía rủi ro đổ vỡ chuỗi cung ứng và logistics trong nước. Tháng trước, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã phải ồ ạt chuyển đơn hàng sang các căn cứ sản xuất ở nước khác để đảm bảo có đủ hàng hóa phục vụ mùa Giáng Sinh, vốn là mùa tiêu dùng mạnh nhất trong năm. Ngay cả khi có thể sản xuất được ở một khu công nghiệp nào đó ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất FDI cũng khó chấp nhận rủi ro thiếu nguyên liệu đầu vào hoặc không thể giao sản phẩm cho người mua đúng hạn vì chuỗi cung ứng trong nước bị đứt gãy, hoặc vì logistics không thông suốt. Chỉ cần đóng cửa cực đoan dài hạn ở một khu vực, một trung tâm công nghiệp thì chuỗi cung ứng nội bộ, thậm chí quốc tế, cũng vì thế mà đổ gãy. (Ảnh minh họa: Linh Pham/Getty Images)
Giám đốc điều hành của hãng thời trang Zilingo là Ankiti Bose mới đây đã nhận xét rằng: Kinh tế Việt Nam đã “hoàn toàn sụp đổ” do các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt trong thời kỳ đại dịch. Bà cho biết đây là “thời điểm không tốt cho Việt Nam” vì các lô hàng trong mùa lễ hội “cần phải thực hiện ngay lập tức”. “Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, và Indonesia đều là những lựa chọn tốt”, bà nói với CNBC.
Bà Joyce Chang, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại JPMorgan, cho biết: “Bất chấp chính sách kiểm dịch hà khắc, các trường hợp nhiễm Covid-19 mới của Việt Nam vẫn tăng cao và căng thẳng kinh tế vĩ mô đang lan sang lĩnh vực sản xuất”.
Theo nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG, việc ngừng hoạt động của nhà máy ở TP. HCM đã khiến các công ty may mặc và sản xuất giày dép của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cô Donna Dellomo, Giám đốc tài chính của công ty nội thất Lovesac, cho biết công ty cô đã chuyển các đơn đặt hàng ra khỏi Việt Nam và quay trở lại Trung Quốc để cố gắng giảm thiểu rủi ro.
Thứ ba, niềm tin vào chính sách lung lay khiến ưu điểm ‘ổn định’ trở thành nhược điểm ‘bất ổn’ trong tính toán của khu vực FDI
Mới đây, tại “Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội” do Văn phòng Quốc hội và Ủy ban Kinh tế tổ chức sáng ngày 27/09, ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam cần chuyển đổi mô hình chống dịch.
“Vừa rồi rất mừng là Thủ tướng nói sẽ chuyển sang sống chung an toàn với Covid-19. Còn như trước, chúng ta cứ đặt mục tiêu ‘Zero Covid-19’ phong tỏa cứng cả đất nước, mỗi lần từ 7 – 10 ngày. Nếu cứ phong tỏa nửa năm trời như thế thì đổ vỡ hết”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, dù Thủ tướng có chỉ đạo như vậy nhưng các địa phương vẫn thực hiện khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu, gây ra rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân đến từ việc lãnh đạo địa phương sợ lãnh trách nhiệm khi dịch bùng phát. Do đó, chỉ với 1-2 ca nhiễm, họ sẽ ngay lập tức “khóa cứng” cả khu vực.
Có thể thấy, nếu các chính sách chống dịch không được thực hiện đồng bộ thì nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Việt Nam, hoặc thay đổi kế hoạch đến Việt Nam là hoàn toàn có thể xảy ra. Với cách chống dịch cực đoan và chính sách chống dịch không nhất quán giữa trung ương – địa phương, giữa các địa phương, ưu điểm ‘ổn định’ đã trở thành ‘bất ổn’, gây mất mát niềm tin lớn với doanh nghiệp và người lao động.
FDI bắt đầu mệt mỏi và thất vọng
Wall Street Journal đưa tin, đại diện của Nike vào cuối tháng 9 cho biết: Họ đã mất 10 tuần – tương đương 100 triệu đôi giày Nike không được sản xuất – bởi các nhà máy ở Việt Nam ngừng hoạt động. Nike dự đoán trong 8 tháng tới, nhu cầu đối với các sản phẩm của hãng này sẽ vượt quá nguồn cung. Được biết, khoảng một nửa số giày dép của Nike đang được sản xuất tại Việt Nam. Người dân xếp hàng chờ đến lượt mua giày Nike. Trong 8 tháng tới, nhu cầu đối với các sản phẩm của hãng này sẽ vượt quá nguồn cung khả dụng. (Ảnh: gunman47/Flickr)
“Kinh nghiệm của chúng tôi về việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid-19 cho thấy việc mở cửa trở lại và khôi phục quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian”, giám đốc tài chính của Nike là ông Matt Friend cho biết. Hãng này đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc sang Trung Quốc.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 8 với gần 100 đại diện của các công ty trong lĩnh vực sản xuất. Kết quả cho thấy, 1/5 tổng số các doanh nghiệp này đã chuyển một số hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Việt Nam.
Ông Jeremy Hoff, giám đốc điều hành của Hooker Furniture Corp, cho biết: “Chúng tôi thực sự đã đa dạng hóa khá nhiều hoạt động bên ngoài Việt Nam. Thậm chí đôi lúc, chúng tôi còn quay lại Trung Quốc. Tình hình ở quốc gia nào ổn định hơn thì chúng tôi sẽ đến quốc gia đó”.
Giám đốc điều hành của thương hiệu giày Crocs là Andrew Rees cũng cho hay: Vào giữa tháng 9, họ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các khu vực khác như Indonesia và Ấn Độ.
Dòng vốn FDI ngấp nghé cửa ngõ Việt muốn quay đầu…
Các biện pháp kiểm soát dịch ngặt nghèo của Việt Nam cũng khiến kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn lớn gồm Apple, Google, Amazon, và các nhà cung cấp chính của họ gặp trục trặc, theo Nikkei Asia.
Ví dụ, loạt điện thoại thông minh Pixel 6 sắp tới của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, mặc dù tập đoàn này đã có kế hoạch chuyển sản xuất sang Việt Nam vào đầu năm ngoái.
Apple cũng sẽ sản xuất hàng loạt tai nghe AirPods mới nhất của hãng này ở Trung Quốc thay vì ở Việt Nam như kế hoạch trước đó. Đại diện công ty cho biết, họ vẫn hy vọng có thể chuyển khoảng 20% sản lượng AirPods mới sang Việt Nam trong thời gian tới. Kế hoạch đưa một số hoạt động sản xuất MacBook và iPad của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật và các diễn biến phức tạp liên quan đến Covid-19. (Ảnh minh họa: lukgehr/Pixabay)
Kế hoạch đưa một số hoạt động sản xuất MacBook và iPad của Apple sang Việt Nam cũng bị hoãn lại do thiếu nguồn lực kỹ thuật và các diễn biến phức tạp liên quan đến Covid-19.
Việc sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh, và loa thông minh cho Amazon tại Việt Nam cũng bị hoãn lại từ tháng 5 bởi sự gia tăng các ca nhiễm và các biện pháp phòng dịch cứng rắn ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng của Apple và Google nói với Nikkei Asia: Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong năm nay, điều này đã làm chậm quá trình chuyển dịch sản xuất giữa hai nước. Việc giới thiệu sản phẩm mới – tức là các doanh nghiệp và nhà sản xuất làm việc cùng nhau để phát triển và sản xuất một sản phẩm hoàn toàn mới – tại Việt Nam là một thách thức đặc biệt khó do thiếu kỹ sư lành nghề. Trong khi đó, các kỹ sư nước ngoài lại không thể đến Việt Nam do các hạn chế đi lại.
Cơ quan Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc đầu tháng này xác nhận: Họ đã thắt chặt việc kiểm soát biên giới và cấp hộ chiếu cũng như giấy thông hành nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
“Việc kiểm soát biên giới đã được thắt chặt trong vài tháng qua. Chúng tôi không thể dễ dàng đưa các kỹ sư Trung Quốc sang hỗ trợ các dự án sản xuất của chúng tôi cho Amazon ở miền Bắc Việt Nam”, một quản lý cấp cao làm việc cho một nhà cung cấp của Amazon cho biết.
Chi Anh