Trọng Nghĩa
Hôm 05/10/2021, bộ trưởng phụ trách các vùng hải ngoại của Pháp Sébastien Lecornu sẽ đặt chân xuống Nouméa, thủ phủ của Nouvelle-Calédonie – còn gọi là Tân Calédonie – bắt đầu một chuyến thị sát kéo dài hai tuần lễ tại vùng quần đảo thuộc Pháp này, nằm ở khu vực tây nam Thái Bình Dương, cách Úc khoảng 1.200 km nhưng cách chính quốc Pháp đến hơn 16.000 cây số.
Đến Nouvelle-Calédonie vào lúc vùng đất chỉ hơn 2,5 triệu dân này đang bị Covid-19 tác hại nặng nề, trọng tâm của bộ trưởng Lãnh Thổ Hải Ngoại Pháp sẽ là vấn đề chống dịch. Thế nhưng trong bối cảnh Nouvelle-Calédonie lại tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng lãnh thổ này, trên nguyên tắc vào ngày 12/12/2021 tới đây, khả năng dời ngày bầu phiếu hay không chắc chắn cũng sẽ được ông Lecornu đưa vào chương trình nghị sự.
Và theo giới quan sát, đối với nước Pháp, chính cuộc trưng cầu dân ý – thứ ba và cuối cùng trong khuôn khổ Thỏa Thuận Nouméa năm 1998 giữa Paris và phong trào đòi độc lập cho vùng Nouvelle-Calédonie – mới là điểm đáng chú ý nhất hiện nay vì kết quả của cuộc bầu phiếu này sẽ có tác động rất lớn đến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà Pháp muốn thúc đẩy, với một trong những mục tiêu không nói ra là nhằm hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Xu hướng ngày càng lên của phong trào đòi độc lập
Cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Nouvelle-Calédonie rất được chú ý trong bối cảnh chiến lược Thái Bình Dương của Pháp vừa bị một vố đau sau vụ hợp đồng đóng tàu ngầm bị Úc đơn phương hủy bỏ, và vào lúc Trung Quốc, trong thời gian gần đây ngày càng hỗ trơ phong trào đòi độc lập cho vùng Nouvelle Calédonie một cách lộ liễu hơn.
Trong lần trưng cầu dân ý lần này, các cử tri sẽ phải tiếp tục trả lời câu hỏi: “Bạn có muốn Nouvelle-Calédonie đạt được toàn bộ chủ quyền và trở thành độc lập không?” (Voulez-vous que la Nouvelle-Calédonie accède à sa pleine souveraineté et devienne indépendante?).
Trong hai cuộc tham khảo đầu tiên, câu trả lời “không” đã thắng, nhưng với tỷ lệ giảm dần: Từ 56,7% vào tháng 11 năm 2018, xuống còn 53,3% vào tháng 10 năm 2020. Ở phía đối lập, tỷ lệ câu trả lời thuận lại tăng thêm, từ 43,3% lên thành 46,7%.
Tân Calédonie độc lập: “Món bở” cho Bắc Kinh
Căn cứ vào chiều hướng được ghi nhận trong hai cuộc trưng cầu dân ý năm 2018 và 2020, giới phân tích không loại trừ khả năng trong cuộc bầu phiếu cuối cùng năm nay, xu thế đòi độc lập cho vùng Nouvelle-Calédonie có thể chiến thắng.
Đó sẽ là một “thảm họa” cho nước Pháp vì mất đi chỗ dựa chủ chốt cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của mình, và sẽ là một “món bở” cho Trung Quốc, vì mặc nhiên gạt bỏ được một cản lực tiềm tàng ngăn chặn đà bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực Nam Thái Bình Dương.
Nhật báo Pháp Le Monde ngày 05/10 ghi nhận: “Căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và Úc bắt nguồn từ ‘vụ tàu ngầm’ đã làm dấy các lo âu về sự bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, và nỗi lo sợ là trong trường hợp độc lập, Tân Calédonie sẽ trở thành ‘thuộc địa của Trung Quốc’, đúng theo cảnh báo của phe chủ trương duy trì vùng lãnh thổ này trong lòng Cộng Hòa Pháp”.
Trung Quốc rất thèm muốn Nouvelle Calédonie
Theo hầu hết các nhà quan sát, vị trí chiến lược cũng như sự phong phú về khoáng sản và thủy sản của vùng quần đảo Nouvelle-Calédonie đã khơi dậy nhiều sự thèm muốn, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, vốn không ngần ngại khuyến khích xu thế đòi độc lập tại vùng lãnh thổ hải ngoại này của Pháp.
Về phương diện địa dư, quần đảo Nouvelle-Calédonie có một vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1,5 triệu km vuông và dồi dào khoáng sản, đặc biệt là niken và coban, biến vùng này trở thành một trong những nhà sản xuất chính trên thế giới.
Trong một bài viết gần đây của Viện nghiên cứu Montaigne tại Pháp, chuyên gia về Trung Quốc François Godement nhận xét: “Tân Calédonie là vùng lãnh thổ giàu tài nguyên thiên nhiên nhất mà Trung Quốc cần: Niken và nguồn thủy sản”. Đối với nhà sử học này, các cuộc trưng cầu dân ý về quyền dân tộc tự quyết liên tiếp – tức là về nền độc lập của Nouvelle-Calédonie – “có thể trở thành một cỗ máy quái quỷ” gây hại cho nước Pháp.
Lợi ích của Bắc Kinh là khuyến khích các phong trào đòi độc lập
Trong công trình nghiên cứu đồ sộ “Hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc”, mà Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Học Viện Quân Sự Pháp Irserm vừa công bố tháng 9 vừa qua, Paul Charon và Jean-Baptiste Jeangène Vilmer nhấn mạnh đến mối quan tâm mà Trung Quốc dành cho nhóm Quốc Đảo vùng Thái Bình Dương (Pacific Island Countries) và đặc biệt là Tân Calédonie.
Hai nhà nghiên cứu nhận định: “Lợi ích của Bắc Kinh là khuyến khích các phong trào đòi độc lập, giành giật thị phần hoặc làm suy yếu các đối thủ tiềm tàng”. Theo các tác giả này, “sở dĩ Bắc Kinh theo dõi sát sao đà tiến triển của phe đòi độc lập được xác nhận trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2020, đó là vì một Nouvelle-Calédonie độc lập trong thực tế sẽ lọt vào trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Phe muốn Nouvelle-Calédonie độc lập rất thân Bắc Kinh
Không chỉ quan sát, Trung Quốc trong thời gian gần đây ngày càng công khai tài trợ và giúp đỡ các đảo quốc thân Bắc Kinh ở miền Nam Thái Bình Dương, qua đó hỗ trợ và chiêu dụ các lãnh đạo phong trào đòi độc lập tại Nouvelle Calédonie.
Theo ghi nhận của Le Monde, Trung Quốc đã tài trợ cho việc xây dựng trụ sở của tổ chức liên chính phủ Nhóm Mũi Nhọn Mélanésie (Groupe Fer de lance mélanésien GFL theo tiếng Pháp, hay Melanesian Spearhead Group MSG theo tiếng Anh), đặt tại Port-Vila, thủ đô Vanuatu.
Liên minh này tập hợp 4 nước: Solomon, Papua New Guinea, Vanuatu, Fiji và Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Kanak và Xã Hội FLNKS ở Nouvelle Calédonie. GFL hiện có chủ tịch là Victor Tutugoro, một trong những phát ngôn viên của FLNKS.
FLNKS: Chính nước Pháp, chứ không phải là Trung Quốc mới là kẻ đô hộ
Tại chính Tân Calédonie, Bắc Kinh thực hiện một cách tiếp cận kín đáo với các nhà lãnh đạo chính trị và các bộ tộc thông qua Hội Hữu nghị Trung Quốc-Calédonie.
Bà Karine Shan Sei Fan, chánh văn phòng của đương kim chủ tịch Nghị Viện Calédonie Roch Wamytan, người theo xu hướng đòi chủ nghĩa độc lập, là một thành viên của hội này.
Trước cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, vào tháng 10 năm 2020, ông Wamytan từng tuyên bố với Le Monde rằng: “Chúng tôi không sợ Trung Quốc. Chính nước Pháp, chứ không phải là Trung Quốc, đã đô hộ chúng tôi. Trung Quốc chẳng có gì là đáng sợ đối với chúng tôi”.
Theo mặt trân FLNKS, “Điều được cho là ảnh hưởng của Trung Quốc đã bị lợi dụng một cách trơ trẽn và vô căn cứ ở Tân Calédonie để biện minh cho sự có mặt của Pháp”.
Trong một diễn đàn trên báo Le Monde ngày 29/09/2021, bà Sonia Backès, lãnh đạo của liên minh Les Loyalistes – tức là Những Người Trung Thành – tại Nouvelle Calédonie, phe chủ trương duy trì vùng lãnh thổ này trong lòng nước Pháp đã cảnh cáo chính quyền Paris rằng: “Không thể hình dung được một cách hợp lý việc Pháp nuôi dưỡng tham vọng ở vùng Thái Bình Dương mà không tính đến Tân Calédonie. Chúng tôi là nền tảng của trục Ấn Độ-Thái Bình Dương”.