Trần Kiên
VOA đưa tin, ngày 27 tháng 9, Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành “Chương trình vì sự phát triển của phụ nữ Trung Quốc (2021-2030)”. Trong đó nhấn mạnh hạn chế phá thai vì “mục đích phi y tế”.
Nhiều năm trước, chính sách một con trong nhiều thập kỷ của ĐCSTQ đã khiến một lượng lớn phụ nữ Trung Quốc buộc phải phá thai. Ngay sau khi hướng dẫn mới được đưa ra, đã có những cách hiểu khác nhau từ mọi tầng lớp trong xã hội. Một số người chờ đợi, số khác cho rằng đây là truyền thống độc tài nhất quán của ĐCSTQ, đang cố gắng áp đặt các mục tiêu dân số của chính phủ lên phụ nữ.
Hạn chế phá thai vì “mục đích phi y tế”
Ngày 27 tháng 9, Quốc vụ viện Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành “Chương trình phát triển phụ nữ Trung Quốc (2021-2030)” và “Chương trình phát triển trẻ em Trung Quốc (2021-2030)”, yêu cầu tất cả các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện. Theo đó, chính quyền nhấn mạnh việc “nâng cao khả năng bảo vệ sức khỏe phụ nữ”, “tăng cường hệ thống dịch vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em”, “đảm bảo việc sinh nở an toàn cho phụ nữ mang thai”.
Ngay sau khi hướng dẫn mới được công bố đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Một bài đăng của Lu Media về chủ đề này đã thu hút hơn 40.000 bình luận, hầu hết đều là những lời giễu cợt, chế giễu bạo lực và kế hoạch hóa gia đình của chính quyền trong nhiều năm trước. Nhưng bây giờ, ĐCSTQ dường như lại có dấu hiệu muốn cưỡng bức sinh con.
Nhận xét về chính sách mới của ĐCSTQ, bà Trương Thanh (Zhang Jing) người sáng lập tổ chức phi chính phủ “Quyền phụ nữ Trung Quốc” có trụ sở tại New York tin rằng, cái gọi là giảm phá thai vì “mục đích phi y tế” là một chính sách khác được ĐCSTQ áp dụng để khuyến khích sinh con.
Chia sẻ với Đài tiếng nói Hoa Kỳ, bà cho hay: “Toàn bộ quá trình là vì [ĐCSTQ] muốn hoàn thành chính sách của mình, không coi phúc lợi của phụ nữ, dân chúng là gì”.
Kết quả của cuộc điều tra dân số lần thứ bảy do chính quyền Trung Quốc công bố vào tháng 5 năm nay cho biết, dân số nước này là 1,4 tỷ người. Dân số trong độ tuổi lao động và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều giảm nhẹ. Theo Bản tin điều tra dân số, dân số Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên chiếm 18,7%. Tình trạng già hóa dân số ngày càng sâu sắc hơn khiến nước này đối mặt với áp lực cân bằng dân số trong dài hạn.
Vào tháng 8 năm nay, Ủy ban Thường vụ đã thông qua quyết định về việc sửa đổi Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, khuyến khích kết hôn và sinh con đúng tuổi, một cặp vợ chồng có thể sinh ba con. Điều này đánh dấu việc chính sách “sinh ba” chính thức được đưa vào luật.
Từ “cưỡng bức phá thai” đến “đảm bảo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ”
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai và nạo phá thai nhiều lần cao nhất trên thế giới, và người phá thai có xu hướng trẻ hóa.
Đầu năm 2020, trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc đã xuất bản một bài viết trên tài khoản WeChat chính thức cho biết, năm 2017, số người nạo phá thai [ở Trung Quốc] là 9,62 triệu người. Trong số các nhóm nạo phá thai, phụ nữ dưới 25 tuổi chiếm hơn 47%, phụ nữ chưa kết hôn chiếm gần 50% và nạo phá thai hơn 2 lần chiếm gần 56%.
Bài báo cho biết hơn một nửa số phụ nữ phá thai ở độ tuổi từ 20 – 30. Điều này liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc và ngày càng nhiều thanh niên nông thôn đến thành phố. Dân số trong độ tuổi này có tính di động cao và sự cởi mở về quan niệm tình dục, tuy nhiên họ cực kỳ thiếu các biện pháp tránh thai và kiểm soát sinh sản.
Tuy nhiên, mức phá thai cao ở Trung Quốc không thể không kể đến, là hậu quả trực tiếp của chính sách một con kéo dài hơn 30 năm của ĐCSTQ. Chính sách này dẫn đến nhiều bi kịch cho phụ nữ và các gia đình Trung Quốc, khi họ phải nạo phá thai một cách không tự nguyện. Bây giờ, khi ĐCSTQ hô hào “bảo vệ sức khỏe phụ nữ”, người ta không khỏi nhớ đến những ký ức kinh hoàng trong thời kế hoạch hóa gia đình cực đoan.
Năm 1991, phong trào “Trăm ngày không có con” khét tiếng nhất Trung Quốc Đại lục diễn ra ở Sơn Đông. Tăng Chiêu Khởi (Zeng Zhaoqi), khi đó là bí thư quận ủy, đã phát động chiến dịch “Trăm ngày không có con”, yêu cầu một cách cực đoan từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 10 tháng 8 cùng năm, đảm bảo rằng không có đứa trẻ nào được sinh ra trong quận. Trong ba tháng này, tất cả phụ nữ mang thai dù là trong hay ngoài kế hoạch, dù là sinh con đầu lòng, sinh con thứ hai, thứ ba đều bị bắt nạo, phá thai.
Theo Niên giám thống kê y tế Trung Quốc 2010, tổng số ca nạo phá thai ở Trung Quốc từ năm 1980 đến 2009 là khoảng 275,4 triệu ca. Trong số 275 triệu ca phá thai, thì có bao nhiêu ca là do phụ nữ bị dụ dỗ và ép buộc? E rằng đó là một bí mật vĩnh cửu.
Trương Văn Phương (Zhang Wenfang) là một dân làng từng bị cưỡng bức phá thai ở huyện Hồng Động, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
Ngày 23 tháng 5 năm 2008, cô Phương đã bị các quan chức địa phương cưỡng bức đưa đến bệnh viện ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Cô bị bất tỉnh sau khi bị tiêm thuốc. Hai ngày sau, cô tỉnh dậy thì đã mất con, bệnh viện không thông báo cho gia đình và cháu bé cũng không biết đã đi đâu. Đáng sợ hơn nữa là khi cô đi khám sức khỏe vài tháng sau đó, cô phát hiện tử cung và buồng trứng bên phải đã bị cắt bỏ. Từ đó, cô đã bị tàn tật và không thể rời khỏi chiếc xe lăn.
Cô nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ “Những thứ này, quyền của phụ nữ, về cơ bản không được bảo vệ. Khi đó tôi đang mang thai được 9 tháng và đang chuyển dạ. Họ đã làm những điều này…. Tôi nói đây là cơn ác mộng vĩnh viễn của tôi. Tôi chỉ có thể nhẫn, cắn răng, trong lòng nhỏ máu, dần dần trải qua những ngày tháng của mình”.
Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) là một luật sư mù ở Sơn Đông. Bởi vì từng chú ý tới vấn đề bạo lực địa phương, ông đã bị chính quyền địa phương đàn áp. Năm 2012, ông Thành trốn khỏi Trung Quốc và hiện sống ở Mỹ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ, ông Thành cho biết “Một mặt, ĐCSTQ điều chỉnh cái gọi là chính sách của mình để đáp ứng nhu cầu của họ. Trên thực tế, chính là [các chính sách của ĐCSTQ] thay đổi quá nhanh. [ĐCSTQ] trị ngọn không trị gốc, không cân nhắc chiến lược lâu dài. Hôm nay sinh thì phạm pháp, ngày mai không sinh lại không được… Những điều này, trên thực tế thì suy cho cùng, đều là biểu hiện của chế độ chuyên chế tùy ý tước đoạt các quyền lợi cơ bản của người dân”.
Làm thế nào để giảm phá thai hiệu quả?
Theo số liệu của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, mặc dù nhà chức trách đã cho phép “sinh hai con” từ năm 2016 nhưng số ca nạo phá thai trung bình hàng năm từ năm 2014 đến 2018 vẫn là 9,7 triệu ca và tỷ lệ nạo phá thai vẫn ở mức cao. Tại sao lại như vậy?
Giáo dục, chăm sóc y tế và nhà ở là những lý do chính khiến nhiều người cho rằng, giới trẻ đương đại không muốn có con. Chính quyền ĐCSTQ gần đây đã chấn chỉnh mạnh mẽ ngành giáo dục và đào tạo. Sẽ cần thời gian để chứng minh liệu mục tiêu [của ĐCSTQ] có thể đạt được hay không.
Bà Trương Thanh bày tỏ rằng, gần đây, ĐCSTQ đã tiến hành cải tạo quyết liệt trong tất cả các tầng lớp xã hội. Ví dụ như về vấn đề dạy thêm, phía trên nói một câu, phía dưới hành động ngay lập tức, dọn sạch sẽ. Như vậy, theo bà Thanh, chỉ cần ĐCSTQ cấm bác sĩ trong viện [phá thai]. Ai phá thai người đó chịu trách nhiệm, trừ lương, trừ thưởng. Như vậy người ta sẽ không dám làm.
Tuy nhiên bà cũng lo ngại rằng, nếu ĐCSTQ cấm và phụ nữ không được phép tự ý phá thai. Trong trường hợp họ không muốn sinh thêm, họ có thể tìm đến chợ đen hoặc thị trường đen, và tác hại đối với phụ nữ là rất lớn.
Vào ngày 3 tháng 8, Chính quyền Phàn Chi Hoa của tỉnh Tứ Xuyên thông báo, họ sẽ cung cấp dịch vụ sinh miễn phí cho các thai phụ ở địa phương, sinh con tại các bệnh viện thành phố và thị xã trở lên. Đối với các gia đình có hộ khẩu ở Phàn Chi Hoa có con thứ hai trở lên, theo chính sách, các gia đình sẽ được cung cấp khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em 500 nhân dân tệ/trẻ cho đến khi đứa trẻ được 3 tuổi.
Tuy nhiên luật sư Thành tin rằng, những cơ chế thưởng như vậy không giải quyết vấn đề cơ bản trong việc tăng tỷ lệ sinh con. Ông nói: “Bởi vì có nhiều nguyên nhân và yếu tố khiến người ta không muốn nuôi thêm con. Trong đó có một số vấn đề mà ĐCSTQ đã không giải quyết trong một thời gian dài, dẫn đến phân bổ xã hội lệch lạc. Không thể nào vài trăm nhân dân tệ là có thể giải quyết được. Không có cách nào thực sự điều chỉnh trạng thái này”.