Tường Vân
Điều 294 Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) dưới thời vua Lê Thánh Tông có ghi: “Trong kinh thành hay phường, ngõ làng, xóm cỏ, kẻ đau ốm mà không ai nuôi nấng, nằm ở đường sá, cầu, điếm, chùa, quán, thì xã quan ở đó phải dựng lều lên mà giữ gìn săn sóc, cho họ cơm cháo, thuốc men, cốt sao cứu cho họ sống, không được bỏ mặc cho họ rên rỉ khốn khổ. Nếu không may mà họ chết thì phải trình quan trên và tùy điều kiện mà chôn cất, không được để lộ thi hài; nếu trái lệnh này thì quan phường, xã phải tội biếm hay bãi chức…”
Cựu nhà báo Thông Tấn Xã Việt Nam – Lưu Kha – chia sẻ cảm nhận của ông trên trang Facebook cá nhân hôm 5/9 rằng: “Là người yêu nước, tôi thực sự thấy đau và xấu hổ khi Việt Nam bị Nikkei Asia xếp hạng bét thế giới về chống COVID và Hà Nội bị một tờ báo của Bỉ gọi là ‘nhà tù lộ thiên’.” Ông cũng kêu gọi các lãnh đạo nhà nước rằng: “Đây là lúc nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật”. Ông viết thêm: “như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói, để rút kinh nghiệm và sửa chữa.”
Có điều không phải lỗi lầm nào cũng có thể dễ dàng sửa chữa được.
Các nhà phê bình và công chúng vẫn dành những lời “có cánh” cho những bộ phim vượt ngục “bom tấn”. Đủ mọi cung bậc cảm xúc được tuôn trào trước một khát khao mãnh liệt về cuộc sống tự do bên ngoài những song sắt.
Xuất hiện “phiên bản đời thực” tại Việt Nam của những “bom tấn” vượt ngục, hơn 90.000 người đã vượt qua những chốt kiểm soát ở cửa ngõ TP. HCM từ ngày 1/10 khi thành phố thực hiện Chỉ thị 18 – nới lỏng giãn cách xã hội trong trạng thái “bình thường mới”.
Ai đã từng động lòng trắc ẩn bên trang giấy “Những người khốn khổ” của Victor Hugo giờ đây cũng rơi lệ theo từng dặm đường của những người con phương xa trở về. Dải đất miền Trung như chiếc “đòn gánh” giữa hai đầu đất nước vốn bé nhỏ, nghèo khó, giờ lại thêm oằn mình bởi những dòng xe nối đuôi nhau trong cơn mưa tầm tã.
Hành trang năm xưa khi rời quê hương để đến miền “đất hứa” và “gia tài” ngày hôm nay trở về có gì khác nhau. Có khác chăng là thêm một gia đình nhỏ nhỏ và vài thứ đồ lỉnh kỉnh. Năm xưa rời quê hương ra đi trong niềm hy vọng về một cuộc sống đổi thay, hôm nay trở về với nỗi lòng trĩu nặng khi tiền tài trong túi đã cạn và nỗi âu lo cho những ngày sắp tới.
Để lại nỗi ám ảnh những ngày sống lay lắt ở chốn phồn hoa, bất chấp mưa gió bão bùng, con đường về quê trở thành lựa chọn “thập tử nhất sinh” mà “cửa sinh” chính là quê mẹ. “Giấu mình” trong thùng xe đông lạnh hay thùng xe chở heo để “thông chốt”, vượt đèo đi xe máy về quê, hay trên chiếc xe đạp cà tàng, và dù khởi hành đi bộ cho chặng đường 1.800 km khi trong túi chỉ còn chút tiền cũng không ngăn được lòng mong mỏi được trở về nhà.
Đoàn người xơ xác cũng cho thấy bức tranh thực tại của đô thị thịnh vượng bậc nhất cả nước. Giấc mộng về “một thành phố trong thành phố” với rất nhiều những chiến lược “đầu tàu” nhưng lại “bỏ qua” cấu trúc đô thị tổng thể với các kiến trúc hạ tầng và an sinh. Một bên là những khối nhà lung linh, hiện đại, và một bên là khu ổ chuột với những phận người lầm lũi.
Không có ai bị bỏ lại phía sau, chỉ có những đoàn người tự bỏ về chốn quê nhà.
Kịch bản “sống chung với COVID-19” đã không tính đến và đo lường một chỉ số. Đó là chỉ số tín nhiệm hay niềm tin của người dân vào chính quyền. Chỉ số tín nhiệm Tổng thống Mỹ được coi như một chỉ điểm cho thấy hiệu quả các chính sách của Chính phủ cũng như mức độ hài lòng, những đánh giá, phản hồi của công chúng với người lãnh đạo đất nước.
Ở Nhật Bản cũng có một “chỉ số” khác đo lường mức độ thành công của các chính sách công và năng lực của nhà lãnh đạo, đó là “chỉ số từ chức”.
Hôm 3/9 mới đây, Thủ tướng Yoshihide Suga công bố ý định từ chức.
Nội các của ông đã chứng kiến tỉ lệ ủng hộ mình giảm xuống dưới 30% do cách ứng phó với đại dịch COVID-19 và một số vấn đề khác sau một năm ông lãnh đạo đất nước.
Ông Suga giải thích: “Tôi nhận ra tôi cần nguồn năng lượng rất lớn. Tôi không thể làm cả hai việc (tái tranh cử và xử lý đại dịch). Tôi phải chọn một việc thôi”. Ông nói: “Như tôi đã nhiều lần nói với mọi người, bảo vệ mạng sống và sức khỏe của người dân là trách nhiệm của tôi với tư cách thủ tướng. Đó là những gì mà bản thân tôi cống hiến”.
Ông Suga tiếp quản chức Thủ tướng Nhật Bản sau khi ông Shinzo Abe từ chức vào tháng 9/2020 với lý do sức khỏe. Thủ tướng Abe khi đó đã xin lỗi người dân Nhật Bản “từ tận đáy lòng” vì không thể làm tròn nghĩa vụ của mình. “Tôi không thể là thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Do đó, tôi quyết định rời khỏi vị trí hiện tại”, ông Abe giải thích.
Chiến lược “hi sinh” kinh tế để kiểm soát được đại dịch với mục tiêu là “zero COVID” để lại những gì?
Lần đầu tiên trong lịch sử, tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam chứng kiến mức âm 6,7% trong quý III/2021 do đóng cửa kéo dài tại các trung tâm công nghiệp, thương mại và tài chính lớn nhất cả nước vì biến thể Delta. Lâu nay, câu hỏi “khi doanh nghiệp FDI “xách vali” ra đi, chúng ta còn lại gì” vẫn luôn canh cánh, thì nay hiện hữu khi nhiều đơn hàng đã được chuyển ra nước khác và các nhà đầu tư rục rịch từ bỏ Việt Nam do các chính sách kiểm soát quá ngặt nghèo.
Cũng lần đầu tiên, trong lịch sử thời bình, Việt Nam chứng kiến một làn sóng “di cư ngược” đồ sộ từ đô thị về nông thôn mà có tờ báo mô tả rằng “vỡ trận”.
Đỉnh đèo Hải Vân từng chứng kiến những hành trình ngạo nghễ xuyên Việt của tuổi trẻ “chinh phục đỉnh cao” thì giờ đây lại vang vọng tiếng khóc thét của một người mẹ trong đêm khuya khi con mình bị ngất xỉu vì quá đói và mệt sau một hành trình dài. “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”, hành trình về quê lấy vỉa hè, lề đường làm manh chiếu, chạy đâu tránh được nắng mưa của trời.
Khi những quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự trong đại dịch có thể được đo bằng con số hàng tỉ đồng chỉ sau vài ngày thì “nghĩa đồng bào” chỉ có giá 0 đồng với xăng xe miễn phí, nước uống miễn phí, bát súp miễn phí, bánh mì miễn phí, áo mưa miễn phí, chiếc xe cà tàng trên đường bị hỏng cũng được thay miễn phí…
Dân quê dù có nghèo nhưng vẫn dang rộng hai tay và tấm lòng để đón những đồng hương trở về. Dù chỉ là cái vẫy tay chào khi qua đường nhưng cũng kịp trao cho nhau ánh mắt, nụ cười thương mến, cùng lời chúc cầu bình an.
Sử Việt có ghi lại thời kỳ trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) là thời kỳ hoàng kim của đất nước. Ông dùng đức trị và pháp trị để an dân. Ông dạy rằng: “Với dân, mọi việc lợi nên làm, mọi mối hại nên bỏ” và răn dạy các quan lại dưới quyền phải “làm cho dân cường, làm cho dân giàu, làm cho dân biết lễ nghĩa, làm cho dân tin”.
Ông cho rằng, chăm nom đến sức khoẻ của người dân cũng là cách làm cho dân cường, nước thịnh. Điều 572 trong Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) thời đó có ghi lại: “Những phu thợ đang làm việc, những quân lính đang ở trại hoặc theo quân đội ra đánh giặc, hoặc theo hầu xa giá, hay sai đi việc quan, khi có tật bệnh mà quan chủ ty không xin cấp thuốc thang cứu chữa, thì xử phạt 40 roi; nếu vì ốm không chữa mà chết thì xử phạt 80 trượng…”.
Hay Điều 294 ghi: “Trong kinh thành hay phường, ngõ làng, xóm cỏ, kẻ đau ốm mà không ai nuôi nấng, nằm ở đường sá, cầu, điếm, chùa, quán, thì xã quan ở đó phải dựng lều lên mà giữ gìn săn sóc, cho họ cơm cháo, thuốc men, cốt sao cứu cho họ sống, không được bỏ mặc cho họ rên rỉ khốn khổ. Nếu không may mà họ chết thì phải trình quan trên và tùy điều kiện mà chôn cất, không được để lộ thi hài; nếu trái lệnh này thì quan phường, xã phải tội biếm hay bãi chức…”.
Vua Lê Thánh Tông nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của lễ nghĩa trong đạo trị nước an dân. Ông nói: “Lấy chữ lễ, nghĩa, liêm, sỉ mà dạy dân, khiến cho dân hướng về chữ nhân, chữ nhường, bỏ hết lòng gian phi, để cho dân được an cư, lạc nghiệp, giàu có và đông đúc”.
Dưới sự trị vì anh minh sáng suốt của vua Lê Thánh Tông, Đại Việt đã trở thành một cường quốc ở Đông Nam Á, bờ cõi mở mang, kinh tế phồn thịnh, xã hội thái bình.
Nay trong thời thế đại dịch tang thương, chỉ số “niềm tin và lòng dân” sau bao lâu mới có thể khôi phục trở lại? Các địa phương đang lên kịch bản phục hồi kinh tế, nhưng trước đó có lẽ cần phải có một “kịch bản” an dân.
Tường Vân