Vũ Hiến
Tập Cận Bình đang tiến hành một cuộc thanh trừng mới, lần này không chỉ nhắm tới những đối thủ chính trị mà là tới tất cả mọi thứ liên quan tới đủ mọi ngóc ngách sinh hoạt của Trung Quốc. Liệu Tập có thể thành công trong việc áp đặt những quy luật mới lên toàn thể xã hội hay không sẽ là thước đo để định hình tương lai của Trung Quốc, cũng như định hình cuộc chiến ý thức hệ giữa dân chủ và độc tài.
Chiến dịch lần này của Tập có thể nói mang tầm vóc bao trùm và đầy tham vọng. Mọi chuyện bắt đầu ầm ĩ vào năm 2020, khi các giới chức nhà nước ra lệnh ngăn chặn trước khi cổ phiếu của Ant Group, một chi nhánh về tài chánh của tập đoàn Alibaba, chính thức đưa lên sàn chứng khoán. Sự việc này xảy ra như một trận sấm sét lớn, và cho đến nay có lẽ đã tiêu hủy một khối tài sản trị giá khoảng $2 ngàn tỷ. Didi, một công ty đưa đón khách tựa như Uber hay Lyft, cũng bị trừng phạt vì có giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Mỹ. Evergrande, công ty phát triển bất động sản nợ nần ngập đầu, bị đẩy tới tình trạng sắp sửa vỡ nợ. Hoạt động giao dịch liên quan đến tiền điện tử (cryptocurrency) đã bị cấm, và thậm chí lãnh vực kinh doanh dạy kèm cũng cùng chung số phận. Trò chơi điện tử không tốt cho trẻ em, do đó nó cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Trung Quốc cần những gia đình đông con hơn, và vì vậy việc phá thai ít được cho phép hơn. Những người nổi tiếng như trong giới nghệ sĩ phải có lập trường yêu nước. Và sau hết, nền tảng của tất cả những điều nói trên chính là tư tưởng Tập Cận Bình, hiện đang được nhồi nhét vào trong đầu của những đứa bé dù mới lên sáu và vừa tới tuổi cắp sách tới trường,
Cuộc thanh trừng xảy ra trong một thể chế toàn trị đã sẵn tàn bạo trong những năm vừa qua. Trong cương vị chủ tịch nước, Tập đã tiêu diệt các đối thủ chính trị một cách không khoan nhượng và bắt bỏ tù hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ. Ông ta theo dõi sát các cuộc tranh luận và sẽ không khoan thứ cho những tiếng nói bất đồng quan điểm. Chiến dịch lần này sẽ cho thấy liệu Tập có phải là người có tư tưởng muốn giành hết quyền lực cho chính bản thân mình, thậm chí nếu việc làm này khiến cho tốc độ phát triển chậm lại và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng lây, hay liệu Tập có phải là một lãnh tụ cai trị bằng bàn tay sắt sẵn sàng áp đặt những giáo điều với chủ nghĩa thực dụng. Quan điểm của Tập là đảng nắm quyền kiểm soát để bảo đảm rằng lãnh vực kinh doanh phải phù hợp với chính sách của nhà nước và tất cả mọi công dân phải phục vụ quốc gia một cách trung thành, và quan điểm này sẽ quyết định số phận tương lai của 1.4 tỷ người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến dịch thanh trừng lần này của Tập sẽ đe dọa đến nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh hưởng xấu từ việc giải quyết các món nợ của các công ty như Evergrande có thể lan rộng khó lường. Công ty xây dựng này hiện đang ngồi trên một núi nợ khổng lồ là $2.8 ngàn tỷ. Lãnh vực phát triển bất động sản và các ngành kỹ nghệ liên quan đến nó đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng nội địa (GDP) của Trung Quốc. Nhiều gia đình đã bỏ tiền tiết kiệm của họ vào bất động sản mà một phần lý do là vì đầu tư ở những nơi khác ít có lời hơn. Tiền của các hộ gia đình tại Trung Quốc đổ vào các bất động sản chưa hoàn tất chiếm tới một nửa nguồn đầu tư của các công ty xây cất. Chính quyền địa phương, đặc biệt là những nơi nằm xa các thành phố lớn, phụ thuộc vào việc bán đất và phát triển bất động sản để tạo ra nguồn thu.
Cuộc thanh trừng cũng khiến cho công việc kinh doanh khó khăn hơn và kém hiệu quả. Ðảng đã lập ra một khuôn khổ pháp lý và quy định cho các ngành kinh doanh, nhưng Tập đang cho áp đặt những thay đổi lớn từ trên xuống dưới quá nhanh đến mức các quy định của nhà nước bắt đầu có vẻ trở thành độc đoán. Một ví dụ, khi Tập hô hào tái phân phối tài sản khu vực ba kinh tế (tức dịch vụ) như một phần nằm trong kế hoạch “cộng đồng phú dụ”, nhưng trên thực tế thì là tạo áp lực để các công ty kỹ thuật cảm thấy xấu hổ phải giao tiền cho nhà nước như một cách để cố công chuộc tội.
Bởi vì thành công nổi bật quá cũng là một điều nguy hiểm nên các công ty tư nhân sẽ thận trọng hơn. Những công ty của nhà nước và các ngành kỹ nghệ mang tính chiến lược – chẳng hạn ngành sản xuất chất bán dẫn – có thể được hưởng lợi trong tình hình hiện nay, nhưng chính những công ty tư, là nguồn động lực phát triển thực sự của kinh tế Trung Quốc, thì không.
Cách thức lãnh đạo của Tập biến những người dưới quyền thành những kẻ chỉ biết vâng dạ, xóa bỏ đi di sản về quy tắc đồng thuận mà Ðặng Tiểu Bình đã đặt ra trước đây để tránh tình trạng độc tài quá độ như dưới thời Mao. Dưới sự lãnh đạo của Tập, không có chỗ dành cho cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực. Nói cách khác, Tập chính là một hoàng đế Trung Hoa thời nay. Ông ta sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế đang thay đổi, bởi vì ông ta cai trị bằng sự đe dọa. Những giới chức dưới quyền không dám nói cho Tập biết thực tế đất nước đang thay đổi như thế nào vì sợ điều thực tế đó có thể khiến ông ta nổi giận. Tình trạng này sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của nhà nước độc đảng Trung Quốc và có thể đưa đến những xáo trộn trong nước. Nếu điều đó xảy ra cũng có nghĩa là nó sẽ gây bất ổn cho tình hình chung của thế giới.