Chính sách chiến lang thất bại của ĐCSTQ tại Úc

Đông Phương

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từng coi thường nước Úc bởi đất nước nhỏ bé này dân số ít, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, thương mại phụ thuộc nghiêm trọng vào Bắc Kinh. Tuy nhiên mười năm trở lại đây, Úc đã thay đổi, cùng với hai nước lớn là Anh và Mỹ trở thành đồng minh, mua sắm tàu ngầm hạt nhân, ngăn cản Bắc Kinh gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Chỉ trong chưa đầy 10 năm, hình thế hoàn toàn đảo ngược, chuyện gì đang xảy ra? Chúng ta hãy nhìn lại chặng đường lịch sử 10 năm qua để hiểu được phần nào.

Cách đây 10 năm, khi ông Tập Cận Bình vừa lên nắm quyền, cũng là lúc xu hướng chính trị của Úc bắt đầu dịch chuyển. Trong cuốn sách trắng Chính trị Thế kỷ Châu Á năm 2012 tại Úc, các biện pháp chính trị của Canberra đề xuất là: giảng dạy các ngôn ngữ Châu Á trong trường học, đặc biệt là tiếng phổ thông Trung Quốc, tăng cường hợp tác kinh tế với Bắc Kinh và mở cửa nền kinh tế sang Châu Á. Mục đích nhằm thoát khỏi chế độ thực dân phương tây trước đây và hình tượng người anh em nhỏ bé của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, muốn làm một điều gì đó để thực hóa ước mơ trở thành một bộ phận chiến lược không thể coi thường ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Với sự thay đổi chiến lược như vậy, tất nhiên Canberra lập tức xích lại gần Bắc Kinh. Năm 2014, Úc ký hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, còn mời cả ông Tập Cận Bình đọc diễn văn trước Quốc hội Úc. Trước đây chỉ có tổng thống Mỹ mới nhận được vinh dự đặc biệt này. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Úc, ông Tập Cận Bình đề cập rằng hai nước Trung – Úc không có hiềm khích lịch sử nào và cần tăng cường hợp tác sâu rộng. Quan hệ hai nước không chỉ giới hạn về kinh tế, cần phải trở thành đối tác chiến lược. Khi ấy, các chuyên gia về vấn đề quốc tế trong và ngoài Trung Quốc phần lớn đều cho rằng đây là sự khởi đầu của mối quan hệ mới giữa hai nước.

Khi xu hướng chính trị của Úc chuyển dịch, cũng là lúc xu hướng chính trị của ĐCSTQ chuyển dịch. Ngay trước khi ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Úc, vào ngày 5/1/2013, ông Tập đã phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đề xuất các chính sách nhằm đưa Trung Quốc trở thành siêu cường quốc thông qua sức mạnh kinh tế và công nghệ. Theo lời của ông Tập Cận Bình, “Chúng ta phải tập trung sức mạnh làm tốt công việc của mình, không ngừng gia tăng sức mạnh quốc gia …, phát huy ưu điểm của chủ nghĩa xã hội vượt trội hơn so với chủ nghĩa tư bản, đặt nền tảng cho việc giành thế chủ động và chiếm vị thế dẫn đầu trong tương lai… Người ta sẽ lợi dụng ưu thế của các nước phát triển phương Tây để phủ định sự phát triển của xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Về điểm này, chúng ta cần phải có một một chiến lược ổn định lớn, kiên quyết phản đối tất cả những luận điệu xuyên tạc muốn chúng ta vứt bỏ xã hội chủ nghĩa.”

Trong mắt của ĐCSTQ, Úc là một mắt xích nhỏ bé của phe cánh tư bản phương Tây, chỉ là một điểm tiếp cận. Vậy phương pháp cụ thể là gì? Đầu tiên, ĐCSTQ cho tin tặc tấn công mạng nhằm vào Quốc hội, cục Khí tượng, các trường đại học quốc gia của Úc và một số tổ chức khác; tiếp đó, trấn áp các phương tiện truyền thông tiếng Trung tại Úc, bất kỳ hãng truyền thông tiếng Trung nào dám chỉ trích ĐCSTQ đều bị uy hiếp và đe dọa. Bắc Kinh còn lợi dụng sự cởi mở của xã hội dân chủ để thâm nhập sâu vào giới chính trị Úc, bồi dưỡng những nhân sĩ thân cộng, dẫn dắt ngôn luận ủng hộ ĐCSTQ. Qua các cuộc điều tra đã phát hiện rằng các khoản quyên góp chính trị có liên quan đến ĐCSTQ chiếm quy mô lớn nhất, những khoản quyên góp chính trị này không phân biệt đảng phái, tất cả các đảng phái đều có. Cuộc điều tra này đã làm chấn động chính phủ và đảng đối lập Úc. Năm 2017, Thượng nghị sĩ Sam Dastyari của Đảng Lao động Úc bị buộc từ chức với cáo buộc nhận tài trợ từ những người có quan hệ với ĐCSTQ, để trợ giúp lợi ích cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Thậm chí ông còn gây sức ép với Phó chủ tịch Đảng Lao động để ngăn vị này gặp mặt một nhà hoạt động chính trị Trung Quốc trong chuyến thăm Hồng Kông năm 2015.

Cũng trong năm đó, các quan chức của ĐCSTQ trực tiếp cảnh cáo chủ tịch Đảng Lao động rằng nếu ông không ủng hộ hiệp ước dẫn độ mà Bắc Kinh mong muốn thì sẽ không nhận được sự ủng hộ của các cử tri Úc gốc Hoa. Khi dịch bệnh bùng phát, Canberra đã yêu cầu điều tra nguồn gốc của virus COVID-19, việc này đã khiến ĐCSTQ tức giận và liên tiếp trả đũa Úc các bằng thủ đoạn kinh tế. Cùng lúc đó, các hoạt động quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông ngày càng dồn dập, kết thúc sớm chính sách “một quốc gia hai chế độ” tại Hồng Kông, dùng máy bay chiến đấu nhiều lần khiêu khích Đài Loan, nỗ lực bành trướng biển Đông và tác động đến nước Úc.

Tất cả các chính sách “chiến lang” của ĐCSTQ cuối cùng đã đẩy Úc về phe đối lập, đồng thời cũng khiến Úc xích lại gần khối đồng minh trước đây. Hơn thế nữa, vào tháng 9, liên minh ba nước Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) được thành lập, điều này cho thấy xu hướng chính trị của Úc một lần nữa được dịch chuyển. Không những liên minh công thủ trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ, tình báo, mà còn cùng nhau cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo ông Rory Medcalf, Giám đốc của Viện nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, việc ĐCSTQ đe dọa kinh tế và tấn công mạng là một điều không thể ngờ trước đây, nhưng bây giờ chúng là sự thật. Các cơ quan tình báo Úc đã học được cách đánh giá những khả năng xấu nhất có thể xảy ra, cũng nhờ Bắc Kinh mà liên minh AUKUS đã được thành lập. Trong khuôn khổ liên minh này, ba nước sẽ chia sẻ hợp tác trên các phương diện công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, máy tính lượng tử, hệ thống phòng thủ dưới nước và tấn công tầm xa…. Úc đã hủy đơn đặt hàng tàu ngầm trị giá 50 tỷ đô la Úc với Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ. Nói cách khác, người bạn của Bắc Kinh đã trở thành kẻ địch của Bắc Kinh.

Cách đây 5 năm, tức năm 2016, đảng cầm quyền và đảng đối lập của Úc vẫn nhìn nhận rằng năng lượng hạt nhân là vấn đề khá nhạy cảm và quá đắt đỏ. Trước khi thành lập liên minh ba nước, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ năng lượng hạt nhân với Anh. Cũng trong năm 2016, Úc đã ngăn hai công ty Trung Quốc mua lại công ty lưới điện Ausgrid vì lý do an ninh quốc gia. Hai năm sau, Úc đã cấm tất cả các hoạt động mạng 5G của Huawei. Năm 2015, tập đoàn Landbridge của Trung Quốc đã sử dụng 500 triệu đô la Úc để có được hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm. Tuy nhiên, vào tháng 5 năm nay, chính phủ Úc thông báo sẽ xem xét lại hợp đồng thuê cảng Darwin 99 năm, lý do cũng chỉ xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia, buộc Landbridge Group phải từ bỏ các quyền sở hữu liên quan. Thật hợp lý khi nói rằng đe dọa đến an ninh quốc gia, vì đội thủy quân lục chiến của Mỹ sẽ tập trận ở cảng Darwin. Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng đề xuất mở rộng quy mô tập trận giữa hai nước Úc-Mỹ và thành lập lực lượng tác chiến giữa hai nước.

Phản ứng của các nước Châu Âu rất đáng được quan tâm. Sau khi thành lập liên minh AUKUS, phản ứng đầu tiên của các nước Châu Âu là lên án Mỹ và Úc. Đặc biệt là Pháp đã triệu hồi đại sứ của họ tại Washington, theo quan điểm này, chiến lược chia rẽ các nước đồng minh phương Tây của Trung Quốc đã phát huy tác dụng. Nhưng tin rằng thời gian dần trôi, các nước châu Âu sớm muộn gì cũng sẽ quay trở lại đồng minh bên bờ Đại Tây Dương. Việc Pháp không vui là điều dễ hiểu. Khi lỡ mất một đơn hàng béo bở như vậy, ông Macron đương nhiên sẽ có phản ứng tức giận bởi vì hoạt động ngoại giao luôn cân nhắc tới lợi ích. Mất đơn hàng có nghĩa là mất luôn cơ hội làm việc, khiến người dân bất bình, nếu ai ở vị trí tổng thống Pháp cũng đều phản ứng như vậy, ngay cả diễn xuất thì cũng nên vậy. Nhưng cũng vì lẽ đó, ngoại giao chính là đấu tranh giành quyền lợi, không quốc gia nào muốn tỏ ra yếu thế trước chính sách chiến lang. Suy cho cùng thì chủ quyền vẫn cao hơn lợi ích, huống hồ là Pháp và Liên minh châu Âu (EU) không phải là cừu non. Hãy chờ xem, mối quan hệ giữa Pháp và Mỹ, quan hệ giữa EU và Mỹ sẽ dần trở lại khuôn khổ đồng minh truyền thống.

Đông Phương, Vision Times

Related posts