Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ công du Nước Nga
Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Victoria Nuland. Ảnh: nationalinterest.org
U.S.A/ RUSSIA – Chính phủ Moscow cho biết: Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là bà Victoria Nuland được phép công du Nước Nga để đàm phán. mặc dù trước đó họ đã đưa bà vào danh sách đen. Có sự chấp thuận này vì chính phủ Washington cũng đồng ý dỡ bỏ một hạn chế tương tự đối với một công dân Nga.Thứ Trưởng Victoria Nuland dự tính sẽ có mặt tại Moscow từ ngày 11 đến ngày 13/10. Bà thực hiện chuyến công du trong thời điểm đang căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Nước Nga. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết: Thứ Trưởng Nuland sẽ gặp các quan chức cao cấp của Nước Nga, để thảo luận các vấn đề song phương, liên quan đến khu vực và toàn cầu.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga cho biết: “Thứ Trưởng Nuland thật sự có tên trong trong danh sách trừng phạt của chúng tôi, nghĩa là không được qua biên giới.”
Hoa Kỳ cũng trừng phạt những vị đại diện và các chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga. Nhưng bây giờ sự trừng phạt này đã được bãi bỏ. Bà Zakhrova cũng cho đài phát thanh Govorit Moskva biết tin: Một công dân Nga được đưa ra khỏi danh loại khỏi danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ.
Ba chuyên gia Mỹ về thị trường lao động đoạt giải Nobel Kinh Tế 2021
Thanh Hà
Hàn Lâm Viện Thụy Điển trưa ngày 11/10/2021 thông báo danh tính ba giải thưởng Nobel Kinh Tế năm nay : David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens. Cả ba cùng nghiên cứu về thị trường lao động từ những kinh nghiệm quan sát ngoài đời và cùng đang giảng dậy tại các trường đại học danh tiếng Hoa Kỳ.
Giáo sư Card, 66 tuổi, gốc Canada thuộc đại Học Berkley-California nghiên cứu thị trường lao động dựa trên cơ sở những quan sát, được trao tặng một nửa phần thưởng danh giá này.
Nửa còn lại về tay giáo sư Angrist, 61 tuổi, một người Mỹ gốc Israel của trường đại học danh tiếng MIT và giáo sư người gốc Hà Lan Imbens, của đại học Stanfort. Cả hai được vinh danh nhờ những “đóng góp về phương pháp phân tích về liên hệ giữa các nguyên nhân và hệ quả” trên thị trường lao động.
Các công trình nghiên cứu nói trên đã mang lại những “kiến thức mới về thị trường lao động và cho phép đưa ra những kết luận về các nguyên nhân và hậu quả từ những quan sát, những kinh nghiệm tự nhiên”. Đáng chú ý hơn nữa theo Viện Hàn Lâm Thụy Điển, là các công trình nghiên cứu của ba vị giáo sư đang giảng dậy tại các trường đại học Mỹ không chỉ thu hẹp trong thị trường lao động, mà còn “mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác và đã làm thay đổi công tác nghiên cứu căn cứ trên những quan sát”.
Giải thưởng Kinh Tế khép lại mùa Nobel 2021 và đây là một giải thưởng của Ngân Hàng Trung Ương Thụy Điển dành để vinh danh Alfred Nobel. Giải Nobel Kinh Tế được thành lập năm 1968 và giải thưởng đầu tiên năm 1969 được trao tặng hai chuyên gia Tinbergen của Hà Lan và nhà kinh tế học Ragnar Anton Kittil Frisch người Na Uy. Trong lịch sử của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, mới chỉ có hai phụ nữ giành được Nobel Kinh Tế đó là nhà nghiên cứu Mỹ Elinor Ostrom năm 2009 và chuyên gia của Pháp, bà Esther Duflot năm 2019.
Tổng thống Thái Anh Văn: Đài Loan không cúi đầu trước Trung Quốc
Thanh Hà
Phát biểu nhân lễ Quốc Khánh 10/10/2021, tổng thống Thái Anh Văn khẳng định « Đài Loan không nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc » và quyết tâm bảo vệ « mô hình dân chủ » của đất nước. Một lần nữa, tổng thống Đài Loan bác bỏ nguyên tắc « một nước Trung Hoa duy nhất ».
Trong bài phát biểu hôm nay, bà Thái Anh Văn tuyên bố sẽ làm « tất cả để duy trì nguyên trạng » trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục gia tăng sức ép đòi thống nhất Đài Loan và xem quốc đảo này là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan khẳng định « tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia và chứng minh quyết tâm tự vệ để không một ai có thể cưỡng ép Đài Loan đi theo con đường mà Trung Quốc đã vạch ra cho chúng ta ». Bởi vì con đường đó, theo bà « không đem lại tự do và dân chủ cho Đài Loan và cũng không bảo đảm chủ quyền cho 23 triệu dân của hòn đảo này ».
Hãng tin Mỹ AP nhắc lại, những tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc dồn dập điều chiến đấu cơ bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan gây căng thẳng trong khu vực. Cùng lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xem việc thống nhất Đài Loan là một « nghĩa vụ phải hoàn thành ».
Thông tín viên Adrien Simorre từ Đài Bắc ghi nhận, Đài Loan mừng Quốc Khánh vào thời điểm căng tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh gia tăng tột độ :
“Nào là nhạc rap, nào là những màn trình diễn khiêu vũ, nào là hoa giấy trên bầu trời Đài Bắc. Đó là những hình ảnh của một đất nước đoàn kết trước những thách thức, ít ra đây là điều mà bà Xu muốn trông thấy trong ngày Quốc Khánh hôm nay.
Cùng chồng đến dự sự kiện này, bà nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ Đài Loan và chính phủ của chúng tôi. Tôi nghĩ là họ đã làm việc tốt để bảo vệ đất nước. Mô hình tự do và dân chủ của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi”.
Lễ mừng Quốc Khánh lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt căng thẳng với Bắc Kinh. Đầu tuần qua, Đài Bắc nhận diện số máy bay quân sự của Trung Quốc ngay cửa ngõ cao kỷ lục. Hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại ý định thôn tính Đài Loan và ông xem đó là một nghĩa vụ lịch sử.
Trong bối cảnh sóng gió này, tổng thống Thái Anh Văn đã dành hẳn một thông điệp cho Bắc Kinh. Bà tuyên bố : “Hy vọng quan hệ với Bắc Kinh hòa dịu nhưng chắc chắn là Đài Loan không nhượng bộ trước những áp lực. Bởi vì con đường mà Trung Quốc đề ra đòi Đài Loan phải từ bỏ chủ quyền, đòi chúng tôi phải từ bỏ mô hình dân chủ”.
Chương trình mừng quốc khánh kết thúc bằng một cuộc diễu binh ở quy mô vừa phải. Đài Loan phô trương xe tăng, hệ thống phóng tên lửa và trực thăng như để nhắc lại thông điệp mà chính quyền Đài Loan không ngừng lặp lại. Đó là “chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trong trường hợp bị xâm lược”.”
Vòng đàm phán thứ 13 thất bại: Ấn Độ và Trung Quốc duy trì quân tại vùng biên giới tranh chấp
Trọng Thành
Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đàm phán để tìm giải pháp cho cuộc đối đầu tại vùng biên giới, kéo dài đã 17 tháng. Tuy nhiên, cuộc đàm phán hôm qua, Chủ Nhật 10/10/2021, rốt cục đã không đạt kết quả. Như vậy, hai bên sẽ phải tiếp tục duy trì binh sĩ thêm một mùa đông khắc nghiệt thứ hai tại vùng đông Ladakh, dãy núi Himalaya.
Theo hãng tin Ấn Độ ANI, cuộc đàm phán kéo dài 8 tiếng rưỡi đồng hồ tại Moldo, đông Ladakh, thuộc khu vực do Trung Quốc kiểm soát. Đàm phán chấm dứt vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương, mà không đạt được bất cứ bước tiến nào.
Sau cuộc đàm phán hôm qua, bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đã đưa ra « những đề xuất mang tính xây dựng », nhưng phía Trung Quốc « không đồng ý » và « cũng đã không đưa ra bất kỳ đề xuất nào cho tương lai ».
Về phần mình, một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc thông báo “phía Ấn Độ luôn đưa ra những đòi hỏi phi lý và phi thực tế, gây thêm khó khăn cho đàm phán”, tuy nhiên phía Trung Quốc không nói rõ đây là các yêu cầu gì.
Kết thúc buổi đàm phán thất bại, phía Ấn Độ cho biết cả hai bên đã cam kết “duy trì liên lạc và ổn định” tại khu vực tranh chấp. Đây là đợt thương lượng thứ 13, ở cấp chỉ huy quân khu, kể từ vụ đụng độ đẫm máu với các vũ khí thô sơ tại vùng đông Ladakh, cực bắc Ấn Độ, khiến 20 quân nhân Ấn Độ và nhiều binh sĩ Trung Quốc tử thương.
Theo AFP, cuộc họp hôm qua diễn ra trong bối cảnh bộ Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đầu tháng 10, Trung Quốc đã đưa « một số lượng đáng kể » binh sĩ đến khu vực biên giới tranh chấp buộc New Delhi phải triển khai một lực lượng tương xứng. Truyền thông ở cả hai nước đã đưa tin về một cuộc đối đầu biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng trước, nhưng không bên nào xác nhận điều này.
Kể từ đụng độ tháng 5/2020, hai bên đã đưa hàng chục nghìn binh sĩ với pháo binh, thiết giáp và máy bay chiến đấu áp sát khu vực « Đường kiểm soát thực tế » (Line of Actual Control – LAC). Vào mùa đông, nhiệt độ tại các khu vực này xuống thấp đến -30°C. Vào lúc không có tranh chấp, hai bên thường đưa quân đội rút khỏi khu vực rất khắc nghiệt này vào mùa đông.
Báo chí Ấn Độ cũng cho biết kể từ chạm trán hồi năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng « hàng chục công trình lớn chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt » dọc theo đường LAC ở phía đông Ladakh. Truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin về việc Trung Quốc xây dựng nhiều sân bay trực thăng mới, đường băng được mở rộng, doanh trại mới, địa điểm đặt tên lửa đất đối không và vị trí radar mới tại khu vực tranh chấp.
Trả lời báo chí Ấn Độ hôm thứ Bảy (09/10), tức một ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán thứ 13, tướng MM Naravane, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Ấn Độ, lo ngại việc Trung Quốc tiến hành “các hoạt động xây dựng quy mô lớn” và “phát triển nhiều cơ sở hạ tầng” quy mô tương đương để phục vụ cho các hoạt động xây dựng. Theo tổng tham mưu trưởng MM Naravane, Quân Đội Ấn Độ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến, và ở lại khu vực tranh chấp chừng nào phía Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng.
Covid–19: Công ty Moderna bị chỉ trích dành chủ yếu vac-xin cho các nước giàu
Trọng Thành
Nhật báo Hoa Kỳ New York Times đăng tải một điều tra cho thấy hãng dược Moderna đã dành tuyệt đại đa số vac-xin do hãng chế tạo cho các nước giàu. Thông tin được đưa ra hôm 07/10/2021 vừa qua, trong lúc các tổ chức quốc tế liên tục kêu gọi phân phối công bằng hơn vac-xin ngữa Covid-19.
Vac-xin ngừa Covid-19 của hãng Moderna đã phát triển thành công nhờ sự hỗ trợ tài chính và khoa học của chính phủ Hoa Kỳ. Chính quyền Mỹ đã đầu tư 1,3 tỷ đô la cho các thử nghiệm lâm sàng vac-xin Moderna và các nghiên cứu liên quan.
Trang mạng politico.com hôm qua 10/10/2021 dẫn ba nguồn tin cho hay, hãng dược Moderna đang cưỡng lại nhiều áp lực từ chính quyền Biden buộc hãng tăng cường đóng góp cho nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng toàn cầu của cộng đồng quốc tế cho năm tới 2022, thông qua chương trình COVAX.
Về điều tra liên quan đến phân phối vac-xin Moderna, được New York Times đăng tải, thông tín viên Loubna Anaki từ New York cho biết thêm :
“Điều tra mà New York Times đăng tải đã được công bố lần đầu tiên bởi một công ty phụ trách theo dõi việc cung cấp vac-xin trên toàn cầu (công ty Airfinity). Theo điều tra này, Moderna – với loại vac-xin ngừa Covid-19 được coi là có hiệu quả nhất hiện nay – đã bán 80% vac-xin tại Mỹ và châu Âu. Duy nhất chỉ có một triệu liều là được bán cho các nước ‘‘nghèo’’, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Để so sánh, có thể thấy Pfizer đã bán gần 9 triệu liều vac-xin cho các nước nghèo, Johnson&Johnson bán 25 triệu.
Đối với các nước được coi là ‘‘thu nhập trung bình’’, tình hình cũng phức tạp. Hoặc các nước thuộc nhóm này phải trả tiền đắt hơn so với Mỹ và châu Âu, hoặc họ bị nhận hàng chậm. Công ty Moderna đã bảo đảm tối đa sẽ sản xuất và cấp vac-xin nhanh nhất có thể được. Thế nhưng, hãng bào chế có trụ sở tại Boston ngày càng bị nhiều chỉ trích. Một số người cáo buộc mục tiêu của Moderna chỉ là thu được các khoản lời lớn.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước, ông chủ của Moderna đã công bố dự án xây dựng một nhà máy sản xuất vac-xin tại châu Phi. Chủ tịch – tổng giám đốc Moderna, ông Stephane Bancel, giải thích là mục tiêu sản xuất 500 triệu liều vac-xin mỗi năm nhằm để ‘‘đáp ứng nhu cầu tại khu vực này’’”.
Đàm phán Mỹ – Taliban: Nhân quyền và an ninh là ‘‘trọng tâm’’
Trọng Thành
Hoa Kỳ và Taliban vừa có cuộc đàm phán đầu tiên tại Doha, Qatar, kể từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Sau cuộc đàm phán, bộ Ngoại Giao Mỹ ra thông báo cho biết an ninh và nhân quyền là chủ đề trọng tâm của cuộc đối thoại diễn ra trong hai ngày 9 và 10/11/2021.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, các đàm phán đã diễn ra “thẳng thắn và chuyên nghiệp”. Vấn đề hội nhập hoàn toàn của phụ nữ nói chung, và thiếu nữ Afghanistan vào xã hội là một chủ đề chính. Bên cạnh đó, hai bên cũng đề cập đến các trợ giúp nhân đạo của Mỹ với cư dân Afghanistan. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng cho biết là phái đoàn đàm phán Mỹ đã nhấn mạnh là phong trào Hồi Giáo Taliban sẽ được phán xét căn cứ trên “các hành động cụ thể của họ, chứ không chỉ qua lời nói”.
Theo Reuters, bộ Ngoại Giao của chính quyền Taliban đã cám ơn phía Mỹ đã mang lại các trợ giúp nhân đạo và cho biết sẵn sàng tạo điều kiện cho việc phân phối hàng cứu trợ, hợp tác với các tổ chức nhân đạo, nhưng cũng cảnh báo là sẽ không chấp nhận hoạt động cứu trợ liên quan đến « các vấn đề chính trị ». Thông báo của bộ Ngoại Giao Taliban cũng cho biết: “đã có nhiều thảo luận sâu về nhiều chủ đề khác nhau, và những nỗ lực cần thực hiện để cải thiện quan hệ ngoại giao”.
Các đàm phán Mỹ – Taliban tại Doha được coi như sự tiếp nối của chủ trương “đối thoại thực tế” giữa Washington và Taliban nhằm giải quyết nhiều vấn đề, nhưng không có ý nghĩa như một sự thừa nhận của Mỹ đối với tính chính đáng của tân chính quyền Taliban. Bên cạnh các chủ đề nhân quyền, viện trợ nhân đạo, một trong các ưu tiên của Hoa Kỳ là yêu cầu chính quyền Taliban tôn trọng các cam kết, không để Afghanistan trở thành căn cứ địa cho các thế lực khủng bố như Al-Qaida.
Mỹ, Anh báo động nguy cơ khủng bố tại một số khách sạn ở Kabul
Hôm nay, 11/10/2021, các cơ quan ngoại giao Mỹ và Anh báo động công dân nước mình về nguy cơ tấn công nhắm vào các khách sạn lớn tại Kabul, đặc biệt là khách sạn Serana, một khách sạn rất sang trọng ở trung tâm thủ đô. Bộ Ngoại Giao Mỹ yêu cầu các công dân Hoa Kỳ tránh ở lại tại các khách sạn này, cũng như khu vực liên quan. Báo động được đưa ra ít giờ sau cuộc đàm phán giữa các đại diện cấp cao của Hoa Kỳ và Taliban tại Qatar, trong đó an ninh là một vấn đề trọng tâm.
Các khách sạn hạng sang tại Kabul hiện tại là nơi trú chân của nhiều công dân nước ngoài, đặc biệt là các nhà báo hay nhà hoạt động nhân đạo, các giới chức cao cấp Taliban cũng tổ chức nhiều cuộc họp tại đây.
Kể từ khi Taliban chiếm Kabul, tại Afghanistan đã diễn ra hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech) đứng ra nhận trách nhiệm. EI-K, chi nhánh địa phương của Daech, tuyên bố là thủ phạm vụ tấn công khủng bố hôm thứ Sáu, 07/10, nhắm vào một thánh đường của hệ phái Shia ở Kunduz, khiến ít nhất 60 người chết. Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất kể từ khi quân Mỹ rút khỏi Afghanistan ngày 30/08/2021.
Truyền thông Hàn Quốc: Quân đội Trung Quốc có điểm yếu chết người
Truyền thông Hàn Quốc Chosun Ilbo mới đây có bài phân tích chỉ ra rằng, quân đội Trung Quốc có “điểm yếu chết người”, đó là 45 năm qua không có kinh nghiệm thực chiến, hiện chỉ có một vị tướng đã trải qua chiến trận. Nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cũng biết rõ mức độ nghiêm trọng của nó.
Lee Chul-min, một nhà báo có thâm niên của tờ Chosun Ilbo cho biết, Trung Quốc là một cường quốc quân sự chỉ đứng sau Hoa Kỳ về số lượng máy bay chiến đấu, tàu chiến, xe chiến và các loại tên lửa đạn đạo khác. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc có một “nhược điểm chết người”, đó là thiếu kinh nghiệm thực tế.
Trong trận thực chiến gần đây nhất diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3/1979, khi quân đội Trung Quốc xâm lược xuống phía Nam, trải qua khoảng 4 tuần chiến đấu với quân đội Việt Nam, cuối cùng Trung Quốc đã thất bại và chịu tổn thất nặng nề, ước tính khoảng 7.000 đến 10.000 người đã thiệt mạng.
Tờ Chosun Ilbo cho biết, mặc dù quân đội Trung Quốc hiện nay đã khác với thời điểm đó, nhưng từ các báo cáo nội bộ của quân đội Trung Quốc đã chỉ ra rằng, trong chiến trường căng thẳng, quân đội Trung Quốc không có khả năng xử lý đối với các loại vũ khí công nghệ cao và thiếu năng lực phối hợp tác chiến của 3 quân (lục quân, không quân, hải quân).
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã nhận thức sâu sắc về mức độ nghiêm trọng của “5 không” trong quân đội Trung Quốc. Ngay từ năm 2015, “Báo Giải Phóng Quân (PLA Daily) của ĐCSTQ đã nhiều lần đề cập đến 5 vấn đề của quân đội: (1) Chỉ huy quân sự thiếu phán đoán độc lập về hình hình ở chiến trường; (2) Không thể lý giải tốt chỉ thị của cấp trên; (3) Không thể đưa ra quyết sách tác chiến; (4) Không thể bố trí quân đội; (5) Không thể đối phó thích hợp với các trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, nói đến thực lực của quân đội Trung Quốc, không thể không nhắc đến một yếu tố vô hình chính là tinh thần chiến đấu. Một số chuyên gia tin rằng binh sĩ Trung Quốc có tinh thần yếu là do chính sách một con lâu đời của nước này, khiến các binh lính này trở thành “đội quân con một”.
Ông Kinichi Nishimura, cựu sĩ quan Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản và từng có nhiều năm nghiên cứu quân sự Đông Á cho cơ quan tình báo, chỉ ra: “Hơn 70% binh lính Trung Quốc là ‘con một’ và phần còn lại là con thứ 2 mà các bậc cha mẹ từng phải đánh đổi không ít để có thể sinh ra”.
Trên thực tế, quân đội Mỹ cũng đã biết nhược điểm trí mạng này của quân đội Trung Quốc. Hiện nay trong quân đội Trung Quốc, tướng quân duy nhất có kinh nghiệm thực chiến, cũng chỉ có Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Trung ương Lý Tác Thành, năm nay đã 68 tuổi, từng tham gia trong chiến tranh Việt Nam. Nếu so sánh với quân đội Mỹ vốn dày dặn kinh nghiệm thì sẽ thấy sự tương phản rõ rệt. Quân đội Mỹ trong 20 năm qua đã từng tham chiến trên dưới 10 trận.
Tờ Chosun Ilbo cũng phát hiện ra rằng, gần đây tờ báo của nhà nước Trung Quốc “Hải quân Nhân dân” đã xuất bản một bài báo để lên dây cót tinh thần cho binh sĩ, trong đó nói rằng “đừng coi việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu là một vấn đề lớn” và đưa ra ví dụ về việc quân đội Anh giàu kinh nghiệm chiến đấu lại thất bại trước quân Đức trong Thế chiến thứ nhất.
Tuy nhiên, Chosun Ilbo cũng đưa ra thí dụ châm biếm nói rằng, vào tháng 5 năm ngoái, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ với nhau ở khu vực biên giới bằng gậy và đá, vụ ẩu đả đã khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong, nhưng lại khiến 43 quân nhân Trung Quốc thiệt mạng. Cho nên, không cách nào biết được vũ khí quân sự tiên tiến của Trung Quốc rốt cuộc “ghê gớm” đến nhường nào.
Mạnh Vãn Châu đã trở về nhưng rất khó để cứu Huawei khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ
Huawei của Trung Quốc đã chào đón giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu trở lại Trung Quốc vào ngày 25/9, nhưng rất khó để cứu mảng kinh doanh liên quan đến điện thoại di động đang chết dần bởi lệnh trừng phạt của Mỹ…
Tờ Wall Street Journal đã đăng một bình luận vào ngày 8/10, nói thẳng rằng xếp hạng doanh số bán điện thoại di động của Huawei đã giảm từ thứ hai thế giới xuống thứ 9. Riêng năm nay, mảng kinh doanh điện thoại thông minh đã thiệt hại 40 tỷ đô-la Mỹ do các lệnh trừng phạt; 5G và thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu khác cũng bị thu hẹp mạnh, khách hàng “lo lắng” về khả năng cạnh tranh công nghệ của Huawei.
Huawei hiện đang trong thời kỳ suy thoái sâu sắc. Vào đầu năm ngoái, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới vẫn đang mở rộng thị phần của mình trong lĩnh vực 5G và đang cố gắng trở thành nhà vô địch của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu. Các hạn chế xuất khẩu trong một năm của chính quyền thời Tổng thống Trump đã chưa gây ra nhiều tác động.
Tuy nhiên giờ đây, doanh thu của Huawei đã giảm trong ba quý liên tiếp. Doanh số bán điện thoại thông minh của công ty đã giảm xuống vị trí thứ 9. Khi Huawei thua tại các thị trường chủ chốt, thị phần của công ty trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu đang thu hẹp lại, một phần do Hoa Kỳ đang gây áp lực ngăn cản việc sử dụng công nghệ 5G của Huawei.
Các quy tắc do Washington ban hành bắt đầu có tác động sâu rộng, hạn chế khả năng của Huawei trong việc mua các bộ phận và phần mềm được sản xuất theo công nghệ Mỹ, dẫn đến sự thiếu hụt các bộ phận cho điện thoại di động của Huawei và các ngành kinh doanh khác. Hoa Kỳ cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại và vi phạm các lệnh trừng phạt, trong khi Huawei bác bỏ những tuyên bố này.
Các quan chức và thành viên Quốc hội Mỹ vẫn cho rằng Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei được lắp đặt trên các mạng viễn thông trên toàn thế giới để thực hiện hoạt động gián điệp hoặc làm gián đoạn liên lạc.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận việc công ty gây ra mối đe dọa an ninh, nói rằng hành động của Hoa Kỳ là không hợp lý. Huawei đã tăng ngân sách vận động hành lang và quan hệ công chúng tại Hoa Kỳ để yêu cầu Washington xem xét lại, nhưng Hoa Kỳ đã không cho dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Các hạn chế do Hoa Kỳ áp đặt thậm chí còn cắt đứt các kênh của Huawei để lấy chip từ các nhà cung cấp bên ngoài Hoa Kỳ, khiến Huawei phải bán mảng kinh doanh điện thoại di động giá rẻ và dự đoán rằng doanh thu điện thoại thông minh của họ sẽ bị lỗ tới 40 tỷ USD trong năm nay. Công ty dựa vào thị trường Trung Quốc với 2/3 doanh thu trong năm ngoái, trong khi trong năm 2017 họ chỉ dựa một nửa dựa vào thị trường nội địa.
Washington đã sử dụng một số công cụ sát thương nhất trong kho vũ khí của mình và đã thành công, buộc Huawei phải thử các ngành kinh doanh mới, từ bỏ một số thị trường nước ngoài và xây dựng chuỗi cung ứng độc lập với Hoa Kỳ, đồng thời hàng tồn kho chip cao cấp của công ty tiếp tục giảm. Hoa Kỳ hiếm khi — hoặc thậm chí chưa bao giờ — có thể trực tiếp tác động lớn tới một công ty lớn ở nước ngoài như vậy.
Các giám đốc điều hành của Huawei hiện đang dẫn dắt công ty phát triển xe điện, phần mềm và công nghệ khai thác than. Nhiều hành động vẫn còn sơ khai và chỉ chiếm một phần nhỏ doanh thu. Các nhà điều hành đang nói về “chiến đấu để sinh tồn”.
Huawei cũng cho biết họ sẽ bán ô tô tại 1.000 cửa hàng trong nước vào cuối năm nay. Các giám đốc điều hành đầy tham vọng của công ty đặt mục tiêu bán 300.000 xe trong năm tới, con số này gần bằng hai lần Tesla bán xe tại Trung Quốc tính đến cuối tháng 8 năm nay.
Richard Yu, giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, cho biết đầu năm nay rằng bằng cách bán ô tô, Huawei có thể bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động kinh doanh điện thoại di động của họ.
Trong ngành công nghiệp xe điện đông đúc của Trung Quốc, Huawei phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Tình hình kinh doanh xe điện đang bùng nổ, nhưng hàng trăm công ty đã tham gia vào lĩnh vực này. Cơ quan chính của Trung Quốc chịu trách nhiệm giám sát ngành công nghệ đã khuyến khích sự hợp nhất của lĩnh vực xe điện vào tháng 9, nói rằng có quá nhiều công ty sản xuất xe điện trên thị trường.
Thêm vào đó, một mỏ than ở tỉnh Sơn Tây sử dụng công nghệ được trang bị bộ định tuyến 5G của Huawei để thu thập dữ liệu cho trung tâm điều khiển. Đây là một ví dụ về hoạt động kinh doanh mới của Huawei.
Các dự án khác được công bố trong năm nay bao gồm việc đưa trí tuệ nhân tạo vào các trang trại chăn nuôi lợn và xây dựng các camera kết nối 5G để giám sát các trang trại nuôi cá.