Tin thế giới sáng thứ Năm

Anh và ba nước Baltic tăng cường hợp tác để đối phó với Trung Quốc và Nga

Thanh Hải

Ngoại trưởng Anh Liz Truss (ảnh: Youtube/DKN.TV).

Theo Đài Á Châu Tự Do, ngày 11/10, Ngoại trưởng Anh đã gặp gỡ Ngoại trưởng của ba nước Baltic. Các bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trên các nền tảng đa phương để đối phó hiệu quả với những thách thức từ các quốc gia có hành động độc hại như Trung Quốc, Nga và Belarus.

Trong bài phát biểu trước cuộc gặp với những người đồng cấp, Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss khẳng định “Chúng ta phải bảo đảm rằng các tiêu chuẩn công nghệ được đặt ra bởi một thế giới tự do tin tưởng vào dân chủ và tự do, chứ không phải bởi các tác nhân độc hại”.

Các Ngoại trưởng đã ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm 4 bên. Tuyên bố nhấn mạnh các bên đã thảo luận về quan hệ với Trung Quốc và Nga, và tất cả các bên nhất trí hợp tác chặt chẽ trên các nền tảng đa phương khác nhau để buộc Trung Quốc và Nga tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế; và nhấn mạnh rằng trước những thách thức mang tính hệ thống của Trung Quốc, họ phải tuân thủ với các nguyên tắc và giá trị phổ quát.

Bộ Ngoại giao Litva tuyên bố rằng, “Các nước Baltic và Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã nhất trí hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương để bảo đảm rằng Trung Quốc và Nga cũng tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của họ về tôn trọng nhân quyền. Không thể chấp nhận được việc Trung Quốc gây áp lực kinh tế và ngoại giao lên Litva vì nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Đài Loan. Đây là một trong những ưu tiên của chúng tôi”.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh với Estonia và Latvia, trong khi kỷ niệm 100 năm ngoại giao với Litva sẽ vào năm 2022.

Năm 2021 cũng là năm kỷ niệm 30 năm Liên Xô tan rã, chấm dứt sự chiếm đóng của ba nước Baltic, đồng thời thiết lập lại quan hệ ngoại giao chính thức với Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác sau khi ba nước này giành lại độc lập.

Đại học Harvard chuyển chương trình dạy tiếng Hoa từ Trung Quốc sang Đài Loan

Thanh Hải

Ảnh: Youtube/鍾喬 joe.

Đại học Harvard đã quyết định chuyển chương trình hè tiếng Hoa từ Trung Quốc sang Đài Loan vào mùa hè năm 2022, trang SCMP cho hay.

Theo đó, Chương trình du học hè của Học viện Harvard Bắc Kinh sẽ được chuyển đến Đại học Quốc lập Đài Loan ở Đài Bắc và được đổi tên thành Học viện Harvard Đài Loan .

Giám đốc chương trình Jennifer L. Liu cho biết quyết định này là do “nhận thức thiếu thân thiện” từ trường Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (BLCU).

Trao đổi với nhật báo sinh viên “Harvard Crimson” của Đại học Harvard, bà Jennifer Liu cho biết, vấn đề nằm ở chỗ chương trình đã liên tục gặp khó khăn từ đối tác trong việc tiếp cận phòng học và ký túc, làm giảm chất lượng chỗ ngủ nghỉ cho sinh viên. Không chỉ vậy, bắt đầu từ năm 2019 , Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh đã cấm giáo viên và sinh viên người Mỹ từ Đại học Harvard Bắc Kinh tổ chức lễ kỷ niệm quốc khánh Mỹ và cấm họ hát quốc ca Mỹ.

Trong khi đó, Đại học Quốc lập Đài Loan nói với Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan rằng, dự kiến ​​sẽ có 60 sinh viên Harvard sang Đài Loan tham gia khóa học tiếng Trung kéo dài 8 tuần vào mùa hè năm sau.

Các khóa học và giáo viên phụ trách cụ thể vẫn đang được lên kế hoạch, và họ sẽ cân nhắc sắp xếp các chuyến thăm quan tới các điểm du lịch nổi tiếng ở Đài Bắc như thị trấn Cửu Phần, thị trấn vàng Jinguashi, Bảo tàng Cố cung Quốc gia, Chợ đêm Sĩ Lâm, Công viên Quốc gia Dương Minh Sơn và các điểm tham quan khác, hoặc trải nghiệm các hoạt động văn hóa như thư pháp, cờ vua, cắt giấy và làm bánh bao. Đại học quốc lập Đài Loan hy vọng sẽ đặt nền tảng tiếng Trung vững chắc cho sinh viên Harvard trong bầu không khí học thuật tự do của trường.

Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản công bố tuyên ngôn bầu cử: Chấm dứt đại dịch, cứng rắn với Trung Quốc

Phụng Minh

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (ảnh: Youtube/自民党).

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản hôm thứ Ba (ngày 12/10) đã công bố tuyên ngôn bầu cử cho cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 31/10. Trọng tâm là chấm dứt đại dịch COVID-19, hứa hẹn xây dựng lại tầng lớp trung lưu và chính sách đối phó với Trung Quốc ngày càng cứng rắn.

Các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ của lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do và Thủ tướng Fumio Kishida khá tốt sau một tuần, cho thấy mục tiêu của Đảng Dân chủ Tự do và Liên minh cầm quyền Komeito là duy trì đa số ghế trong Hạ viện có thể đạt được.

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm cung cấp thuốc kháng vi-rút đường uống trong năm nay. Tuyên bố của Đảng Dân chủ Tự do nêu rõ sẽ mở rộng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cung cấp trợ cấp cho các doanh nghiệp bước vào các ngành công nghiệp mới.

Tầm nhìn của ông Kishida về hiện thực hóa “chủ nghĩa tư bản mới”, tập trung vào tăng trưởng kinh tế và tái phân phối của cải.

Về vấn đề an ninh, trước việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động quân sự gần eo biển Đài Loan và các đảo tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương, Đảng Dân chủ Tự do cho biết họ sẽ “xem xét lại” phản ứng.

Đảng Dân chủ Tự do tuyên bố rằng chính phủ sẽ làm việc để tăng ngân sách quốc phòng, “nhằm đạt hoặc vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).”

Trong những thập kỷ gần đây, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn ở mức khoảng 1% GDP.

Thay đổi thuật ngữ ngoại giao, Canada tỏ ý cứng rắn hơn với Trung Quốc?

Thanh Hải

Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau (ảnh: LeStudio1.com/Flickr).

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đề cập đến thuật ngữ lợi ích khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong cuộc trao đổi với thủ tướng Nhật Bản và Australia. Một số nhà bình luận tin rằng, Canada với việc thay từ Ấn Độ vào từ Châu Á trong cụm từ ” Châu Á-Thái Bình Dương”, Canada đã bày tỏ mong muốn giải phóng mối quan hệ ràng buộc của nước này với Trung Quốc, và họ sẽ có lập trường cứng rắn hơn trong ngoại giao song phương với Bắc Kinh. 

Theo Đài Á Châu Tự Do, Quốc hội mới của Canada sắp được triệu tập trong tháng này. Thế giới bên ngoài lo ngại về việc liệu Canada có nối gót Mỹ và Australia cùng các đồng minh khác để áp dụng một lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc hay không? 

Shen Rong Chin, Phó giáo sư tại Đại học York ở Canada cho biết, tuần trước trong bức thư chúc mừng Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Trudeau đã hai lần sử dụng từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” để nhấn mạnh tầm quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Canada và Nhật Bản. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Trudeau và Thủ tướng Úc Scott Morrison, ông cũng chú ý đến sự hợp tác của Liên minh Ngũ Nhãn và sự hợp tác quân sự ba bên giữa Mỹ, Anh và Úc, đồng thời đề cập đến các mục tiêu chung của khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Ông Shen Rongqin lưu ý Canada theo truyền thống vẫn gọi phía bên kia của Thái Bình Dương là khu vực “Châu Á – Thái Bình Dương”, và thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là một thuật ngữ mới để đề cập đến việc cô lập Trung Quốc của Tây Bán Cầu. Đặc biệt sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, phương Tây đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và Ottawa cũng không ngoại lệ: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được mọi người công nhận rộng rãi, quân đội sáu nước gần đây tập trận là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và Canada cũng đã tham gia cuộc tập trận”.

Viện chính sách Macdonald-Laurier Institute của Canada đã hồi tuần trước đã tổ chức buổi diễn đàn với chủ đề, “làm thế nào để đối phó với chính sách ngoại giao cưỡng chế của Trung quốc”, và mời các chuyên gia Châu Âu, Nhật Bản và Úc lên phân tích vấn đề. Tương tự Canada, những khu vực này đã phải hứng chịu sự cưỡng bức kinh tế và ngoại giao con tin của Bắc Kinh.

Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch Luke Patey nói rằng đoàn kết là sức mạnh. Trung quốc thích sử dụng các phương tiện thương mại để đe dọa người khác. EU đang thảo luận về một cơ chế chống lại sự ép buộc kinh tế của Trung Quốc, theo đó tất cả các quốc gia sẽ đồng ý rằng nếu Trung quốc tẩy chay thương mại của một quốc gia nhất định, các quốc gia khác sẽ không tăng tỷ trọng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc.

Chuyên gia này nói: “Nếu một quốc gia bị đe dọa tấn công, các nước EU khác sẽ cùng nhau chống trả. Mọi người sẽ không muốn hưởng lợi từ việc này. Điều này sẽ ngăn chặn hiệu quả sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc. Đây là một hướng đi tốt. Các đồng minh như Canada và Australia có thể làm việc cùng nhau theo cách này. Hợp tác dựa trên cơ sở như vậy”.

Giáo sư Đại học Cơ đốc giáo quốc tế Tokyo, Nhật Bản Stephen Nigel thì nhận định, chính sách ngoại giao chống con tin được quốc tế bảo trợ là một cách làm tốt, hiệu quả chống lại Trung quốc: “Đây là một cách làm tốt để chống lại Trung Quốc. Bởi khi đó Trung Quốc sẽ khó tìm được đối tác có thể hợp tác về các vấn đề như thương mại, an ninh và khí hậu”.

Các chuyên gia cho rằng trước đây Ottawa phải lo lắng cho sự an toàn của hai công dân Canada tên Michaels, nay họ đã về nhà an toàn, thì đã đến lúc Canada phải chống trả lại Trung Quốc một cách gay gắt hơn. Hy vọng rằng sau Đại hội, Ottawa có thể đáp lại phản hồi của người dân và thông báo rằng Huawei sẽ bị cấm tham gia vào việc xây dựng mạng 5G tại nước này.

Nhật Bản: Đảng cầm quyền kêu gọi tăng mạnh ngân sách quân sự

Thùy Dương

Khu trục hạm chở trực thăng Nhật Bản JS Ise (hàng 1, trái) cùng tập trận với các nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth (hàng 1, phải) và Mỹ USS Ronald Reagan và USS Carl Vinson tại Biển Philippines ngày 03/10/2021. AP – Gray Gibson

Trong chương trình tranh cử cho kỳ bầu cử lập pháp ngày 31/10/2021, đảng bảo thủ cầm quyền ở Nhật Bản hôm nay 13/10/2021 kêu gọi tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Tokyo đang lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Bộ Quốc Phòng Nhật Bản muốn Quốc Hội thông qua một khoản ngân sách tương đương 50 tỷ đô la cho năm tài chính tới đây.

 Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết :

So với chi tiêu quân sự của Trung Quốc, vốn đã tăng lên gấp 30 lần chỉ sau một phần tư thế kỷ, chi tiêu quân sự của Nhật Bản chỉ nhỏ bằng cỡ một cây cảnh bonsai, một cái cây tí hon. Năm tới, lần đầu tiên chi tiêu quân sự của Nhật có thể vượt ngưỡng 1% GDP. Đồng minh Mỹ, cũng là nước bảo vệ Nhật Bản, kêu gọi Tokyo tăng cường năng lực răn đe quân sự. Về lâu dài, đảng bảo thủ cầm quyền ở Nhật muốn tăng ngân sách quốc phòng lên ngang mức của các nước NATO, tức là vượt ngưỡng 2% GDP.

Giống như Hoa Kỳ, Nhật Bản ngày càng lo ngại về thái độ hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc đối với Đài Loan. Lần đầu tiên, Tokyo xác định mối liên hệ trực tiếp giữa an ninh của Nhật Bản và của Đài Loan. Đảng bảo thủ Nhật Bản đã mở một cuộc đối thoại an ninh với các dân biểu Đài Loan, bởi họ tin rằng một sự cố nghiêm trọng ở Đài Loan có thể sẽ là mối nguy đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản.  

Trong khi chờ đợi, Tokyo ngày càng hội nhập vào chiến lược tấn công của Mỹ bất chấp những giới hạn trong Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản. Thế nhưng, giới doanh nghiệp Nhật Bản không muốn nước này có một chiến lược tấn công mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi chiến lược này lại nhắm tới một nước Trung Quốc vốn đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản.”

Liên Hiệp Châu Âu trợ giúp “người dân Afghanistan” một tỷ euro

Trọng Thành

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm G20 về Afghanistan do Ý tổ chức ngày 12/10/2021. via REUTERS – PALAZZO CHIGI PRESS OFFICE

Đúng vào lúc các đại diện của tân chính quyền Taliban lần đầu tiên tiếp xúc với phái bộ Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tại Doha hôm 12/10/2021, Liên Âu thông báo dành một tỷ euro cho chương trình trợ giúp “người dân Afghanistan” và các nước láng giềng, với mục tiêu trước hết là để tránh xảy ra khủng hoảng nhân đạo.

Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến của khối G20, do Ý tổ chức. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm tất cả trong khả năng để tránh một khủng hoảng về nhân đạo và khủng hoảng kinh tế-xã hội lớn tại Afghanistan”. Ngoài trợ giúp nhân đạo, khoản viện trợ nói trên cũng được dành cho tiêm chủng, y tế, hỗ trợ về nhà ở, nhân quyền. Liên Âu nhấn mạnh, đây là trợ giúp cho người dân Afghanistan chứ không phải cho chế độ Taliban.  

Thông tín viên Pierre Bénazet từ Bruxelles cho biết cụ thể :

Thông báo của châu Âu là rất rõ ràng, cứu trợ là dành cho người dân Afghanistan, chứ không phải cho chính quyền Afghanistan. Khác biệt là rất rõ ràng. Các nước châu Âu nhắm mục tiêu kép. Trước hết làm sao để cho những nỗi đau khổ của người dân Afghanistan không tăng thêm, và đây là những trợ giúp nhân đạo mang tính thiết yếu. Thứ hai là để duy trì phần nào các thành quả của 20 năm vừa qua, ví dụ như việc trẻ em gái được đi học.

Hiện tại, các nước châu Âu chưa mở lại các cơ sở tại Kabul, nhưng trong mọi trường hợp, các trợ giúp tại Afghanistan sẽ được phân phối trực tiếp qua các tổ chức phi chính phủ và các định chế quốc tế.

Các khoản tài trợ sẽ không được sử dụng toàn bộ tại Afghanistan mà còn cho nhiều nơi khác. Kế hoạch phân bổ ngân sách hiện chưa được công bố, nhưng một phần đáng kể sẽ là dành cho các nước láng giềng tiếp nhận người tị nạn Afghanistan. Tiền sẽ được dành cho cứu trợ nhân đạo, nhưng đồng thời cũng để chi phí cho việc quản lý nhập cư, ngăn ngừa khủng bố, chống tội phạm có tổ chức và nạn buôn người.

Tạo điều kiện cho các trợ giúp nhân đạo là một trong năm tiêu chí mà các nước châu Âu đặt ra như một điều kiện, không phải để công nhận chế độ Taliban, mà để cho một ‘‘sự phối hợp hành động’’ với Taliban ».

Cũng ngày hôm qua, ông Amir Khan Muttaqi – ngoại trưởng của chính quyền Taliban – ra thông cáo, báo động về nguy cơ làn sóng tị nạn người Afghanistan sẽ gia tăng, nếu « chính quyền Taliban suy yếu » và cấm vận quốc tế với Afghanistan vẫn được duy trì.

Quan điểm của Hoa Kỳ và Liên Âu sẵn sàng hậu thuẫn các sáng kiến nhân đạo tại Afghanistan, nhưng từ chối hỗ trợ trực tiếp chính quyền Taliban, chừng nào Taliban chưa bảo đảm là tôn trọng nhân quyền, và đặc biệt là các quyền của phụ nữ”.

Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu ký thỏa thuận bầu trời chung

Anh Vũ

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (G), chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (T) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen (p) họp tại Kiev (Ukraina) ngày 12/10/2021. AFP – HANDOUT

Kiev xích lại gần thêm Liên Hiệp Châu Âu qua đường hàng không. Trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh Châu Âu- Ukraina tại thủ đô Kiev ngày 12/10/2021, hai bên đã ký thỏa thuận mang tính lịch sử tạo ra một không phận chung mở ra nhiều cơ hội mới  cho hoạt động hàng không của bên.

Thông tín viên Stéphane Siohan tường thuật từ Kiev:

Hiệp định được ký giữa các ông Volodymyr Zelensky, Charles Michel và bà Ursula von der Leyen sẽ cho phép các hãng hàng không châu Âu mở bất kể bao nhiêu đường bay mà họ muốn. Đồng thời, các hãng máy bay Ukraina cũng được hoạt động không hạn chế trong bầu trời Liên Hiệp Châu Âu. Từ trước tới giờ các hãng hàng không Ukraina vẫn phải đàm phán các thỏa thuận với từng nước thành viên EU.

Bruxelles đã có thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, các nước vùng Balkan, Maroc, Gruzia hay Israel.

Tương lai Ukraina, một thị trường nội địa 40 triệu dân đang mở ra với châu Âu.  Kiev là một đầu mối cảng hàng không có lượng lưu thông ngày càng lớn trong những năm qua.

Trước mắt, các hãng hàng không giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường đầy hứa hẹn này. Hãng bay Ryanair đã dự trù tăng gấp đôi đội bay ở Ukraina và bay đến 12 sân bay trong nước này.

Theo tổng thống Volodymyr Zelenski, thỏa thuận này sẽ mang lợi cho nền kinh tế, đồng thời sẽ làm thay đổi địa lý du lịch và không gian tinh thần của người Ukraina.

Tóm lại, nhờ hạ giá, người Ukraina sẽ có thể đến châu Âu nhiều hơn, trong khi mà giờ đây không còn chuyến bay trực tiếp nào từ Minsk hay từ Matxcova đến Ukraina.

Tham mưu trưởng Hải Quân Mỹ công du Ấn Độ 5 ngày

Trọng Thành

Tham mưu trưởng Hải Quân Ấn Độ, đô đốc Karambir Singh (P), chào mừng đồng nhiệm Hoa Kỳ, đô đốc Michael Gilday khi ông đến bộ Quốc Phòng Ấn Độ ở New Delhi ngày 12/10/2021. AP – Manish Swarup

Tham mưu trưởng Hải Quân Hoa Kỳ, đô đốc Michael Gilday, hôm qua, 13/10/2021, bắt đầu chuyến du Ấn Độ 5 ngày. Chuyến công du của chỉ huy hải quân Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn tại vùng biên giới cực bắc Ấn Độ, sau khi vòng đàm phán Ấn – Trung lần thứ 13 tìm giải pháp cho tranh chấp biên giới hôm 10/10 thất bại.

Theo báo chí Ấn Độ, chuyến công du của tham mưu trưởng Hải Quân Mỹ bắt đầu với cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ, đô đốc Karambir Singh, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Bipin Rawat và nhiều quan chức cấp cao khác của chính phủ. Trong các thảo luận với đối tác Ấn Độ, tham mưu trưởng Hải Quân Mỹ nói đến mục tiêu bảo vệ « Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình và an toàn », trên cơ sở tôn trọng tự do, dựa trên luật pháp quốc tế, một khu vực mở, không loại trừ ai và vai trò trụ cột của hợp tác Mỹ-Ấn.

Chỉ huy Hải Quân Mỹ nhấn mạnh chủ trương của Hoa Kỳ là để « khu vực và toàn cầu được hưởng lợi từ một vùng Ấn Độ Dương ổn định ». Chỉ huy Hải Quân Mỹ Michael Gilday xác nhận xu thế Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân, đồng thời khẳng định nước Mỹ cũng đang tăng cường khả năng của mình để cùng với các đối tác và đồng minh duy trì « ưu thế tương đối » về quân sự với Trung Quốc, và sự hiện diện của « 60% lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ »  ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là bằng chứng cho thấy điều này.

Tham mưu trưởng Hải Quân Mỹ có kế hoạch thăm Bộ Tư Lệnh Hải Quân miền Tây Ấn Độ (tại Mumbai) và Bộ Tư Lệnh Hải Quân miền Đông (tại Visakhapatnam), đồng thời sẽ tới gặp các thủy thủ của nhóm tàu chiến do tàu sân bay USN do USS Carl Vinson dẫn đầu, hiện đang tham gia cuộc tập trận Hải Quân Malabar đợt hai, diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 12 đến 15/10.

Tập trận Malabar tại vịnh Bengala lần thứ 25 có sự tham gia của hải quân 4 quốc gia Bộ Tứ. Ngoài Ấn Độ và Hoa Kỳ, còn có Hải Quân Nhật Bản và Úc. Nội dung chính của cuộc tập trận Mabalar giai đoạn hai là các hoạt động tác chiến trên mặt biển và chống tàu ngầm. Hải Quân bốn nước đã có đợt tập trận giai đoạn một tại Biển Philippines hồi mùa hè năm nay, để trau dồi kỹ năng phối hợp trên biển, chống tầu ngầm, tác chiến trên không cũng như các đợt tập trận bắn đạn thật khác.

Eo biển Đài Loan: Bắc Kinh giải thích lý do huy động không quân rầm rộ

Cách vùng biên giới Ấn – Trung khoảng 5.000 cây số, căng thẳng cũng gia tăng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc tại vùng eo biển Đài Loan với việc không quân Trung Quốc trong bốn ngày liên tiếp đưa số lượng chiến đấu cơ kỷ lục vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan cuối tuần trước. Trong một cuộc họp báo hôm qua, 12/10/2021, tại Bắc Kinh, phát ngôn viên của Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang) tuyên bố việc Bắc Kinh gia tăng tập trận những ngày gần đây là một hành động « chính đáng » nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định. Phát ngôn viên Mã Hiểu Quang lên án đảng Dân Tiến cầm quyền ở Đài Loan « thông đồng » với lực lượng nước ngoài và có các hành động « khiêu khích » nhằm tìm kiếm độc lập cho Đài Loan.

Căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan có khả năng khiến thế giới ít chú ý hơn đến tình hình căng thẳng không kém tại biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể dẫn đến xung đột, theo một phân tích trên trang mạng CNN hôm thứ Hai 11/10.

CNN dẫn lời Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo đại diện cho quan điểm dân tộc chủ nghĩa cực đoan của chính quyền Trung Quốc, nhấn mạnh là Quân Đội Trung Quốc đang chuẩn bị sẵn sàng cho « các cuộc đối đầu sắp tới » tại Đài Loan và trên dãy Himalaya. Theo Hoàn Cầu Thời Báo, Hoa Kỳ đứng đằng sau các đe dọa nhắm vào Trung Quốc. 

Related posts