Trọng Nghĩa
Đối với nhiều nước đã áp dụng một chính sách phong tỏa nghiêm ngặt để triệt hạ dịch Covid-19 trong thời gian qua, chiến lược gọi là “Zero Covid” – tức là “sạch bóng Covid” – thành công vào lúc đầu, đã không chống chọi được với làn sóng biến thể Delta và đã lần lượt bị nhiều nước khai tử trong những ngày gần đây, với những tuyên bố thừa nhận là giờ đây cần phải tập “sống chung với Covid”.
Biểu tượng rõ nhất của sự thay đổi chiến lược này là trường hợp của New Zealand, quốc gia được tôn lên làm điển hình của việc chống dịch thành công trong giai đoạn đầu. Đầu tháng 10/2021 vừa qua, thủ tướng Jacinda Adern của nước này đã thú nhận rằng không thể tiêu diệt hoàn toàn dịch Covid mà phải chấp nhận sống chung với virus corona, đẩy mạnh tiêm chủng để hạn chế các ca nguy kịch.
Zero Covid: Thành công năm 2020 nhưng vô hiệu năm 2021
Láng giềng của New Zealand là nước Úc cũng đi theo chiều hướng tương tự, sau khi phải công nhận thực tế là dù đóng cửa chặt chẽ đến đâu cũng không ngăn chặn được đà lây lan của dịch Covid. Ngày 11/10/2021 vừa qua, Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ban hành 4 tháng trước đó, đánh dấu quyết định từ bỏ chiến lược “sạch bóng Covid” trên toàn liên bang.
Tại vùng Đông Nam Á cũng vậy, Việt Nam, nước từng được nêu lên thành điển hình của việc chống dịch thành công, đã bị làn sóng Delta tràn ngập từ cuối tháng Tư 2021, và cũng đã nhận ra rằng mục tiêu Zero Covid là không tưởng. Lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt, đặc biệt tại Thành Phố Hồ Chí Minh, thủ phủ kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu được dỡ bỏ ngày 01/10 vừa qua, các hoạt động sản xuất được tái lập. Trên bình diện toàn quốc, nhiều điểm du lịch có thể sẽ mở lại vào tháng 12 cho du khách đã được tiêm chủng từ một số quốc gia “có nguy cơ thấp”, trước khi tiến đến việc bình thường hóa vào tháng 6 năm 2022.
Láng giềng của Việt Nam là Thái Lan, ngày 11/10/2021 cũng loan báo quyết định mở cửa cho những du khách đã được tiêm chủng từ một số quốc gia “có nguy cơ trung bình” kể từ đầu tháng 11, sau gần 20 tháng đóng cửa du lịch.
Giải thích về sự chuyển đổi chiến lược từ “sạch bóng Covid” sang “sống chung với Covid”, giới chuyên gia đều thống nhất trên một điểm: Với biến thể Delta quá hung dữ và lây lan quá mạnh, việc tiêu diệt hoàn toàn con virus gây dịch là điều bât khả thi, nhất là khi việc đóng cửa lâu dài sẽ có hậu quả kinh tế thảm khốc.
The Economist: Từ bỏ Zero Covid là hướng đi đúng
Trong bài phân tích “Các nước châu Á rốt cuộc đã phải từ bỏ chiến lược Zero Covid”, tuần báo Anh The Economist ngày 09/10/2021 đã nêu bật ví dụ thành công chống dịch của New Zealand, Đài Loan, Singapore trong năm 2020 và những khó khăn mà những nơi này đang gặp phải với biến thể Delta để giải thích nguyên nhân dẫn đến việc thay đổi chiến lược.
Tuần báo Anh đã trích nhận định của ông Tikki Pangestu, một chuyên gia từng đứng đầu bộ phận nghiên cứu chính sách của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, hiện làm việc tại Đại Học Quốc Gia Singapore, theo đó: “Biến thể Delta đã xuất hiện. Đã quá muộn để ngăn chặn”.
Đối với The Economist, trước thực tế vừa kể, việc các quốc gia từ bỏ chiến lược Zero Covid là một hướng đi thích hợp, và Singapore là quyết định như vây. Ngay từ tháng 6/2021, chính quyền của thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đã đến lúc phải sống chung với virus. Chương trình tiêm chủng của Singapore là chương trình thành công nhất ở châu Á, với 82% dân số được chích ngừa đầy đủ.
Nối gót Singapore là Úc, với thủ tướng Scott Morrison ngay từ cuối tháng 8, đã tuyên bố kết thúc phương pháp tiếp cận Zero Covid, cho rằng “Đã đến lúc để trả lại cho người Úc cuộc sống bình thường”. Trong thực tế, việc các ca bệnh tăng lên sẽ không còn là vấn đề, miễn là các bệnh viện có thể đối phó. Một khi tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao nhất 80%, có lẽ vào cuối năm, hầu hết các hạn chế sẽ được nới lỏng.
Việt Nam: Mục tiêu sạch bóng Covid là điều “viễn vông”
Riêng về trường hợp của Việt Nam, The Economist cũng nhắc lại rằng chính quyền đã quyết định từ bỏ chiến lược này vào thượng tuần tháng 10.
Trong một phân tích công bố ngày 01/10/2021, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc, Đại Học New South Wales, đã ghi nhận nhiều nguyên nhân khiến chiến lược Zero Covid bị bãi bỏ, trong đó có vấn đề tính chất dữ dội của biến thể Delta.
Theo giáo sư Thayer, chính Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về Phòng Chống và Kiểm Soát Covid-19 của Việt Nam đã khuyến nghị rằng mục tiêu tận diệt Covid là điều “viễn vông nếu không muốn nói là không thể đạt được trong khi biến thể Delta đang hoạt động”. Ngoài ra, tác hại tài chánh của tình trạng phong tỏa kéo dài đối với nền kinh tế và các vấn đề sức khỏe tâm thần có liên quan cũng là những nhân tố thúc đẩy việc từ bỏ chiến lược Zero Covid.
Quyết định thay đổi chiến lược cũng được đưa ra vào lúc dịch Covid như đã vượt đỉnh và số ca nhiễm mới và tử vong trên toàn quốc đã bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu tăng tốc.
Theo ghi nhận của giáo sư Thayer, vào tháng 8, Việt Nam đã khởi động một chiến dịch ngoại giao Covid quốc tế rất thành công, thu được 55 triệu liều vắc xin. Tính đến cuối tháng 9, Việt Nam mới chỉ tiêm được dưới 10% dân số, nhưng tại Thành Phố Hồ Chí Minh, một điểm nóng chủ yếu của biến thể Delta, bộ Y Tế Việt Nam cho biết là 98,5% của số dân gần mười triệu người đã được tiêm một mũi, và 48y 48% đã nhận được chích liều thứ hai.
Zero Covid không khả thi trong một thế giới mở cửa
Nhìn chung, theo giới phân tích, việc các nước như Việt Nam, New Zealand, Singapore… thay đổi trong chiến lược, hoàn toàn không có gì là đáng ngạc nhiên trong bối cảnh biến thể Delta đã khiến cho các phương pháp tiêu diệt hoàn toàn trở nên vô ích.
Trả lời kênh truyền hình Mỹ CNBC ngày 06/10, nhà virus học Lawrence Young, giáo sư ung thư phân tử tại Đại Học Warwick cho rằng: “Không có gì ngạc nhiên khi New Zealand đã từ bỏ chiến lược Zero Covid. Biến thể Delta có khả năng truyền nhiễm cao đã thay đổi cuộc chơi và có nghĩa là chiến lược loại bỏ không còn khả thi nữa”.
Đối với chuyên gia này thì điều đó không có nghĩa là cách tiếp cận Zero Covid (như đóng cửa biên giới, cách ly, phong tỏa, truy vết…) không có hiệu quả, nhưng việc tiếp tục các hạn chế nặng nề sẽ gây tổn hại cho cá nhân và xã hội”.
Theo giáo sư Young, các chính sách hạn chế không khoan nhượng sẽ trở nên khó khăn hơn khi phần còn lại của thế giới mở cửa trở lại. Vấn đề là mọi nước cần phải duy trì cảnh giác: “Chúng ta cần ngăn chặn vi rút lây lan và đột biến bằng cách làm mọi thứ có thể để hỗ trợ việc triển khai vac-xin trên toàn cầu”.
Nga: TT Putin cảnh báo về một làn sóng Covid-19 đang dữ dội
Thùy Dương
Nước Nga đang phải đối mặt với một làn sóng dịch Covid-19 mới do tỷ lệ tiêm chủng ở mức rất thấp. Vào thứ Ba 12/10/2021, tổng thống Vladimir Putin nhân một cuộc họp với các dân biểu mới đắc cử gần đây đã lưu ý về tầm quan trọng của việc tiêm ngừa Covid-19 cho dân cư các vùng càng nhanh càng tốt.
Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo gửi về bài tường trình:
“Từ hai ngày nay, cứ 24 giờ lại có gần 1.000 ca tử vong, dịch bệnh Covid-19 đã lên đến ngưỡng chưa từng có ở Nga. Theo số liệu chính thức, hơn 218.000 ca tử vong đã được ghi nhận trong cả nước kể từ đầu đại dịch. Báo Nezavissimaïa Gazeta khẳng định, dựa trên các dữ liệu của cơ quan thống kê liên bang, đến cuối năm nay số người chết trên thực tế có thể lên tới một triệu người.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (12/10) đã gặp các đại biểu mới được bầu và yêu cầu họ đặt cuộc chiến chống Covid-19 và đặc biệt chiến dịch tiêm chủng thành các ưu tiên: : « Quý vị biết đấy, trong nhiều vùng, dịch bệnh hiện đang gia tăng. Tôi yêu cầu quý vị tham gia tích cực vào công việc này, nói về dịch bệnh và tiêm chủng trên các phương tiện truyền thông. Người dân tin tưởng quý vị, lắng nghe lời khuyên và khuyến nghị của quý vị. Chúng ta phải có những hành động kiên trì và bền bỉ với dân chúng và giải thích cho họ hiểu về tất cả những lợi ích của việc tiêm ngừa căn bệnh nguy hiểm này”.
Với chỉ hơn 30% dân số người được tiêm chủng, Nga đang chuẩn bị nếm trải thêm một làn sóng dịch mới đầy đau đớn. Loại vac-xin bào chế trong nước, vac-xin Sputnik V, đã không thuyết phục được nhiều người Nga, một số người yêu cầu nhập khẩu vac-xin của châu Âu”.‘‘Sống chung với Covid’’:
Hàn Quốc chuẩn bị lập kế hoạch cụ thể
Trọng Thành
Chính quyền Hàn Quốc hôm 13/10/2021 thông báo sẽ lập “giấy thông hành vac-xin” để chuẩn bị cho kế hoạch “sống chung với Covid”, tương tự như nhiều quốc gia. Seoul dự kiến khởi động kế hoạch nói trên vào tháng 11, sau khi đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ đối với 70% cư dân vào cuối tháng này.
Theo Yonhap, bệnh Covid-19 sẽ được coi như “một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường như cúm mùa”. Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết “giấy thông hành vac-xin” sẽ cho phép những người tiêm chủng đầy đủ được phép tiếp cận các không gian công cộng. Theo thủ tướng Kim Boo Kyum, cùng với giấy thông hành vac-xin, Hàn Quốc sẽ “củng cố hệ thống y tế để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ”.
Khoảng 30 chuyên gia thuộc khu vực ngoài nhà nước tham gia cùng với 8 giới chức của chính phủ trong một ủy ban, để thảo luận về các biện pháp được thực thi cho giai đoạn chuyển tiếp, nới lỏng các biện phòng hạn chế phòng dịch để xã hội Hàn Quốc dần dần trở lại cuộc sống bình thường.
Các biện pháp liên quan đến hàng loạt lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, an ninh, kiểm soát, cách ly. Ủy ban hỗn hợp chính phủ – khu vực tư nhân sẽ đệ trình một kế hoạch trước cuối tháng này, để cho phép bắt đầu kế hoạch “sống chung với Covid” kể từ tháng tới.
Trước buổi họp khai mạc ủy ban lập kế hoạch sống chung với Covid hôm nay, chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh là cần phải có 70% trong số 51 triệu cư dân được tiêm chủng đủ liều, trước khi khởi động kế hoạch « sống chung với Covid ». Cho đến nay, đã có 31,2 triệu cư dân Hàn Quốc, tương đương hơn 60% dân số đã tiêm chủng đủ liều. Hơn 40 triệu người tiêm chủng ít nhất một liều, chiếm hơn 78% dân số, theo cơ quan y tế Hàn Quốc. Hàn Quốc có kế hoạch tiêm chủng đủ hai liều cho 70% dân số trước ngày 23/10, và đạt “miễn dịch cộng đồng” vào tháng 11.