Jessica Mao
Trước một đại hội chính trị lớn được lên kế hoạch vào tháng 11/2021, nơi sẽ đưa ra các quyết định bổ nhiệm quan trọng trong ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm tới, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ám chỉ rằng ông Tập Cận Bình cần phải tiếp bước cố Chủ tịch Mao Trạch Đông để trở thành lãnh tụ tối cao của ĐCSTQ.
Một số kênh truyền thông nhà nước gần đây đã nhắc lại các tuyên bố mà ông Tập đã đưa ra vào 5 năm trước về Hội nghị Tuân Nghĩa 1935, một hội nghị quan trọng trong cái gọi là “Vạn lý Trường chinh” của ĐCSTQ. Kết quả của hội nghị này là một sự thay đổi quyền lực lớn, trong đó ông Mao Trạch Đông đã thay thế các cựu lãnh đạo của ĐCSTQ và được tôn lên làm lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ và quân đội.
Hôm 05/10, Mạng lưới Đài Phát thanh Trung ương thuộc Đài tiếng nói Trung Quốc đã đăng một bài báo của ông Công Phương Bân (Gong Fangbin), một giáo sư tại Đại học Quốc phòng của Quân Giải phóng Nhân dân – PLA. Bài báo dẫn lời ông Tập đã nói vào hồi tháng 10/2016, tại hội nghị đánh dấu kỷ niệm 80 năm cuộc Vạn lý Trường chinh, rằng Hội nghị Tuân Nghĩa là “một bước ngoặt sinh tử” trong lịch sử của ĐCSTQ.
Vạn lý Trường chinh trên thực tế là một cuộc rút quân bắt buộc. Sau khi bị quân đội Trung Quốc Quốc dân Đảng đánh bại trong chiến dịch bao vây lần thứ năm, Hồng quân buộc phải di chuyển đến các tỉnh Vân Nam và Quý Châu phía tây nam Trung Quốc. Nhưng đã rất khó để tìm được một nơi để đóng quân, bài báo cho biết. Một cuộc khủng hoảng đã nhen nhóm trong nội bộ Hồng quân, và cách duy nhất để đảo ngược [tình thế] đó là đưa ông Mao vào vị trí trung tâm đưa ra quyết định.
Câu hỏi đặt ra là làm sao để ông Mao, người đang ở bên ngoài vòng tròn [quyền lực] chỉ huy, lại có thể lọt vào ban lãnh đạo nòng cốt. Theo bài báo, cuộc khủng hoảng là một bài kiểm tra đối với các thành viên trong ban lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ. “Lịch sử đã chứng minh rằng họ đã làm được. Ông Mao Trạch Đông đã gia nhập ban lãnh đạo nòng cốt khi đó và sau này đã trở thành lãnh đạo nòng cốt. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi các thành viên của ban lãnh đạo nòng cốt có thể vượt lên trên lợi ích của chính bản thân họ vào những thời khắc quan trọng.”
Cuộc khủng hoảng sống còn
Ông Lý Ngạn Minh (Li Yanming), một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà bình luận các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times vào hôm 09/10 rằng, vào đêm trước của Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu của Ủy ban Trung ương, bài báo này hưởng ứng một bài báo khác đã được truyền thông nhà nước xuất bản trước đó, với nhan đề: “Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu là để quyết định số phận của Trung Quốc.” Theo ông Lý, bài báo này ẩn chứa bốn tín hiệu quan trọng.
Tín hiệu đầu tiên là ĐCSTQ đang trong một cuộc khủng hoảng sống còn. Hội nghị Tuân Nghĩa 1935 diễn ra trong bối cảnh là một cuộc đào thoát đồ sộ của ĐCSTQ sau chiến dịch bao vây lần thứ năm của quân đội Quốc dân Đảng. Ngày hôm nay, ĐCSTQ lại đang phải đối mặt với làn sóng chống cộng trên toàn cầu, cũng như rất nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.
Thứ hai, bài báo ám chỉ rằng ông Tập đang tìm cách đi theo mô hình chủ nghĩa Mao để nâng cấp hơn nữa địa vị “nòng cốt” của mình lên tầm vị trí “lãnh đạo Đảng” cùng với quyền lực lâu dài. Bài báo nhấn mạnh việc ông Mao đã bước vào trung tâm có quyền ra quyết định giữa thời điểm khủng hoảng, trở thành nhà lãnh đạo nòng cốt và sau đó lên nắm quyền trong thời gian dài. Ông Lý nói, có những điểm tương đồng được ngầm hiểu giữa việc ông Tập trở thành “nòng cốt” và sự nổi lên của ông Mao trong tư cách là nhà lãnh đạo nòng cốt.
Thứ ba, bài báo ngụ ý đe dọa giới lãnh đạo ĐCSTQ để họ cam kết ủng hộ ông Tập tại vị. Bài báo nhấn mạnh rằng ông Mao, người đang ở bên ngoài vòng tròn chỉ huy quyền lực tại thời điểm đó, đã có thể xâm nhập vào ban lãnh đạo nòng cốt và trở thành người đứng đầu bởi vì giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã “vượt lên trên lợi ích cá nhân” và “hy sinh thân mình,” vốn là một cuộc thử nghiệm xem họ có phải là những người thực sự theo chủ nghĩa Mác xít hay không.
“Điều này thực chất đang cưỡng ép giới lãnh đạo cao nhất của Đảng hiện nay bằng cách vận dụng cái gọi là nguyên tắc ‘Đảng tính’ của chế độ cộng sản này,” ông Lý cho hay và nói thêm rằng điều này chủ yếu thúc ép “các thành viên hiện tại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, các thành viên Bộ Chính trị, và những người đã nghỉ hưu biểu đạt sự ủng hộ của mình đối với vai trò lãnh đạo Đảng của ông Tập, cũng tức là, vị trí lãnh đạo và sự thống lĩnh lâu dài của ông ta.”
Thứ tư, bài báo tiết lộ một cuộc đối đầu trong nội bộ ĐCSTQ về các đường lối chính trị. Theo ông Lý, bài báo nhấn mạnh rằng Hội nghị Tuân Nghĩa đã thiết lập sự lãnh đạo của Ủy ban Trung ương Đảng với ông Mao là nhân vật đại diện chính cho “đường lối đúng đắn.” Trong lịch sử của ĐCSTQ, việc ông Mao thiết lập quyền lãnh đạo tại Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu có liên quan chặt chẽ đến việc chỉ trích các đường lối gây chia rẽ do các nhà lãnh đạo ban đầu của ĐCSTQ là Trương Quốc Thụ (Zhang Guoshu) và Vương Minh (Wang Ming) đề xướng.
“Đường lối đúng đắn” được đề cập trong bài báo một mặt ngụ ý rằng vẫn còn sự tranh giành đường lối chính trị giữa các các cấp bậc cao nhất của ĐCSTQ, mặt khác, nó đưa ra một thông điệp răn đe, cảnh báo các đối thủ chính trị của ông Tập rằng nếu họ không nhiệt tình chấp thuận ông Tập nắm quyền lãnh đạo Đảng, họ sẽ bị coi là một nhánh gây chia rẽ và sẽ bị loại bỏ, ông Lý cho hay.
Trì hoãn Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu
Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu của Ủy ban Trung ương sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng Mười Một năm nay. Phiên họp này thường được tổ chức vào tháng Chín và tháng Mười, nhưng hội nghị năm nay đã bị trì hoãn. Kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa xã đưa tin hôm 31/08 rằng, hội nghị của bộ chính trị kêu gọi “lấy lịch sử làm tấm gương” và nói rằng ông Tập sẽ là “nòng cốt của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và của toàn Đảng.”
Truyền thông nhà nước thậm chí còn bắt đầu công khai sớm hơn. Một trang web liên kết với Cầu Thị, một nhà xuất bản của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, đã đăng một bài báo vào hôm 07/05 nói rằng, ông Mao đã trở thành “nòng cốt” của Ủy ban Trung ương sau Hội nghị Tuân Nghĩa. Việc củng cố vị trí lãnh đạo của ông Mao là “điều kiện tiên quyết quan trọng để không ngừng thiết lập một đường lối tư tưởng đúng đắn trong toàn Đảng.”
Việc ông Tập có tái đắc cử hay không là trọng tâm chính của các cuộc bổ nhiệm nhân sự đứng đầu tại Ủy ban Trung ương lần thứ 20 của ĐCSTQ vào năm tới, ông Lý cho biết. Bài báo của Cầu Thị gợi ý rằng trọng tâm của Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu sẽ là củng cố hơn nữa địa vị của ông Tập trong Đảng, mở đường cho việc tái đắc cử của ông ta.
Ông Lý cũng cho biết việc trì hoãn Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu một cách bất thường như vậy cũng phản ánh cường độ của các cuộc đối đầu nội bộ giữa các quan chức cao cấp trước thềm Ủy ban Trung ương lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Doanh Doanh biên dịch