Tin thế giới sáng thứ Sáu

Một nhân viên gốc Hoa sẵn sàng làm chứng trước Quốc hội Mỹ về hành vi phạm tội của Facebook

Mai Hạ

Ảnh chụp khuôn viên trụ sở công ty của Facebook ở Menlo Park, California, vào ngày 23/10/2019. (Josh Edelson / AFP qua Getty)

Hôm 11/10, bà Sophie Zhang, cựu nhân viên của Facebook, cũng là nhà khoa học dữ liệu người Trung Quốc, đã công khai tuyên bố rằng bà sẵn sàng làm chứng trước Quốc hội Mỹ về các hành vi phạm pháp của Facebook.

Bà Sophie Zhang đăng trên Twitter hôm 10/10 rằng, bà đã cung cấp “Tài liệu chi tiết về các hành vi phạm tội tiềm ẩn (của Facebook)” cho một cơ quan thực thi pháp luật Mỹ. Bà tin rằng cuộc điều tra đối với Facebook vẫn đang được tiến hành.

CNN hỏi bà Sophie Zhang đã cung cấp những tài liệu này cho cơ quan nào, nhưng bà Zhang không trả lời. Khi CNN liên hệ với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về vấn đề này, người phát ngôn của cơ quan này đã từ chối bình luận.

Sau đó, bà Zhang cho biết trong một bài đăng trên Twitter liên quan đến cuộc phỏng vấn của CNN ngày 11/10 rằng: “Nếu Quốc hội (Mỹ) muốn tôi làm chứng, tôi sẽ hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình, như tôi đã tuyên bố công khai cách đây nửa năm”.

Trong bài đăng này, bà Zhang còn tiết lộ rằng năm ngoái, bà đã làm chứng riêng trước một ủy ban của Nghị viện Châu Âu, nhưng tránh trả lời câu hỏi của các kênh truyền thông. Bà cũng nói rằng trách nhiệm của bà đối với nền dân chủ đặt lên hàng đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bà Zhang nói sau khi bà Frances Haugen, một người tố cáo Facebook khác làm chứng trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 5/10 về tác hại các thuật toán của Facebook trên nền tảng xã hội đối với thanh thiếu niên, lưỡng đảng đã bày tỏ ủng hộ sẽ thực hiện hành động đối với Facebook. Chính điều này đã khích lệ bà đứng ra làm chứng.

Theo Business Insider đưa tin, bà Sophie Zhang đã bị Facebook sa thải vào tháng 8/2020. Trước khi rời công ty công nghệ này, bà đã công bố một tài liệu dài 7.800 từ, kể chi tiết về việc bà cho rằng Facebook đã cho phép chủ nghĩa độc tài trên khắp thế giới thao túng nền tảng này như thế nào.

Trong tài liệu, bà Zhang còn viết: “Tay tôi đã dính máu”, ít nhất một phần tự trách bản thân vì một số xung đột chính trị đã nổ ra ở một số quốc gia. Bà mô tả vai trò của mình rất căng thẳng, một đặc điểm chung của những người kiểm duyệt nội dung cho các công ty công nghệ lớn.

Bà cũng viết rằng lý do bà bị sa thải vì Facebook cho rằng bà “làm việc hiệu suất kém”.

Ngoài việc đăng tài liệu lên Facebook nội bộ, bà Zhang cũng đăng lên trang web cá nhân của mình. Vào tháng 7 năm nay, bà nói với kênh truyền thông Technology Review rằng, bà nhận được thông báo từ máy chủ lưu trữ của mình rằng họ đã gỡ xuống toàn bộ trang web của bà sau khi có khiếu nại từ Facebook.

Kênh truyền thông BuzzFeed News lần đầu tiên đưa tin về bản tài liệu của bà Zhang vào tháng 9 năm ngoái. Trước khi rời khỏi Facebook, bà Zhang làm việc với tư cách là nhà khoa học dữ liệu cho nhóm tương tác giả mạo của Site Integrity. Bà nói rằng trên nền tảng Facebook, ngay cả những nhân viên cấp dưới chuyên về khoa học dữ liệu và các lĩnh vực khác như bà cũng có thể thực hiện quyền lực to lớn để kiểm soát hoạt động của những người dùng Facebook nặng ký như các nhà lãnh đạo thế giới.

Kể từ tháng 9/2020, bà Zhang đã công khai chỉ trích Facebook.

Facebook đã hoàn toàn phủ nhận các cáo buộc của người tố cáo Haugen và những lời chỉ trích của bà Sophie Zhang.

Nhật và Anh cam kết vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Thụy My

Vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ), địa bàn chiến lược mới trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh. @Wikipedia

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và đồng nhiệm Anh Boris Johnson trong cuộc điện đàm hôm 13/10/2021 đã thỏa thuận cùng nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hãng tin Nhật NHK cho biết đây là cuộc đối thoại đầu tiên kể từ khi ông Kishida nhậm chức vào tuần trước. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố mong muốn tăng cường quan hệ song phương, đánh giá Nhật và Anh là đối tác chiến lược ở tầm quốc tế. Về phần mình, ông Johnson đã hoan nghênh việc ông Kishida lên làm thủ tướng, cho biết sẵn sàng củng cố quan hệ giữa hai nước.

Đôi bên nhận định mối quan hệ đã được siết chặt hơn trong những năm gần đây về quốc phòng và an ninh. Việc hợp tác đã được tăng thêm một nấc với chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth vào tháng trước, đến một căn cứ hải quân Mỹ gần Tokyo.

Hai vị thủ tướng khẳng định ý muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận hỗ tương giữa Nhật Bản và Anh quốc, định ra phương thức hoạt động phối hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Anh.

Ngoài ra ông Boris Johnson cho biết sẵn sàng dỡ bỏ việc hạn chế nhập thực phẩm của Nhật Bản, được áp đặt sau tai nạn nguyên tử Fukushima năm 2011 ; ông Kishida Fumio nói muốn nhanh chóng bãi bỏ biện pháp này, dựa trên tiêu chí khoa học.

Cũng liên quan đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, hãng tin ANI ở New Delhi hôm 13/10/2021 cho biết trong cuộc đối thoại hợp tác biển lần thứ năm tại Paris, Pháp và Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết trong khu vực. Cuộc họp có sự hiện diện của ông Pankaj Saran, phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ và ông Marcel Escure, đại sứ phụ trách việc hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương.

TT Nga Putin đề nghị tăng xuất khẩu khí đốt cho Liên Âu

Thùy Dương

Ống dẫn khí đốt từ Nga sang biên giới châu Âu © REUTERS /Yuri Maltsev

Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất tăng xuất khẩu khí đốt cho Liên Âu, hôm qua 13/10/2021, sau khi đưa ra nhiều bình luận về tình hình giá khí đốt tăng mạnh tại châu Âu và khẳng định Matxcơva không có lỗi. Theo nguyên thủ Nga, nguyên nhân là do chính sách năng lượng của các nước Liên Hiệp Châu Âu,

Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo cho biết chi tiết :

Từ vài ngày nay, ông Vladimir Putin có nhiều phát biểu bình luận về tình trạng khí đốt tăng giá tại châu Âu. Cuối cùng, vào chiều thứ Tư (13/10) tổng thống Nga tuyên bố ông chấp thuận tăng xuất khẩu khí đốt sang Tây phương. Nước Nga cung cấp gần 1/3 nhu cầu khí gaz của các nước châu Âu.

Từ vài ngày nay, tập đoàn khổng lồ của Nga, Gazprom, huy động rất nhiều nguồn dự trữ để bình ổn thị trường. Nhưng điều mà ông chủ điện Kremlin mong muốn trước hết là các nước châu Âu phải “rút ra một bài học”. Ông Putin nói dằn từng tiếng. Theo ông, Liên Hiệp Châu Âu là bên duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này và Liên Âu đã không biết cách tự bảo vệ mình khỏi sự tăng giá bằng cách ký các hợp đồng dài hạn với Matxcơva. Các nước châu Âu đã phạm sai lầm khi “dựa vào bàn tay vô hình của thị trường”, từ trong nguyên văn phát biểu của Putin.

Lý do rõ ràng là về địa chính trị. Mỗi lần Liên Âu và điện Kremlin có xích mích lại làm dấy lên câu hỏi về việc Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc năng lượng vào nước Nga.

Tự coi mình là một đối tác ổn định và chối bỏ mọi trách nhiệm về việc khiến giá cả tăng vọt, Matxcơva có ý định áp đặt các điều kiện của mình. Theo bộ trưởng Năng Lượng Nikolai Shulguinov, sự trợ giúp của Nga nhất thiết phải thông qua các điều kiện mới về hợp đồng”.

Căn cứ hải quân Ream: Mỹ tố Cam Bốt thiếu minh bạch về hoạt động của Bắc Kinh

Thụy My

Các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019. REUTERS / Samrang Pring

Hoa Kỳ hôm 13/10/2021 tố cáo Cam Bốt thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Ream, căn cứ hải quân lớn nhất của nước này, đồng thời thúc giục chính phủ Phnompenh thông báo cho dân chúng toàn bộ những can dự về quân sự của Bắc Kinh tại nơi đây.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm qua công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy, trong tháng Tám và tháng Chín đã có ba tòa nhà mới được xây lên, và đang bắt đầu làm một con đường mới. Reuters dẫn lời phát ngôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ Chad Roedemeier, nói rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào tại căn cứ Ream đều vi phạm Hiến Pháp Cam Bốt, và gây phương hại cho an ninh khu vực.

Ông Roedemeier tuyên bố: « Chính quyền Cam Bốt không hoàn toàn minh bạch về ý đồ, bản chất và tầm mức của dự án này, hoặc về vai trò của quân đội Trung Quốc, gây lo ngại về mục đích sử dụng căn cứ hải quân. Người dân Cam Bốt có quyền được biết rõ hơn về dự án ở Ream, và có được tiếng nói về loại thỏa thuận quân sự can dự lâu dài vào đất nước của họ ».

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cam Bốt đã rạn nứt trong những năm gần đây, do Washington tố cáo đảng cầm quyền đàn áp đối lập, đồng thời bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Cách đây một năm, Cam Bốt thông báo san bằng một tòa nhà vốn là trung tâm chỉ huy chiến thuật hải quân do Mỹ tài trợ để mở rộng thêm, từ chối đề nghị của Mỹ nhằm tôn tạo căn cứ Ream.

Cam Bốt nhiều lần bác bỏ thông tin về dự định để quân đội Trung Quốc đóng tại căn cứ này. Một quyết định như vậy sẽ rất quan trọng cho Trung Quốc, tại khu vực mà Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện trong nhiều thập niên, thông qua các căn cứ quân sự hoặc tập trận chung với các nước như Philippines, Thái Lan. Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt Phay Siphan nói rằng các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Ream là một phần của viện trợ phát triển, và hải cảng sẽ mở rộng cho các nước một khi việc xây dựng hoàn tất.

Iran: Mỹ để ngỏ khả năng dùng biện pháp quân sự, nếu ngoại giao không kết quả

Thụy My

Một cuộc tập trận tên lửa phòng không của quân đội Iran. – Iranian Army office/AFP

Nước Mỹ của ông Joe Biden hôm 13/10/2021 đã để ngỏ đe dọa phải dùng đến biện pháp quân sự với Iran trong trường hợp các hoạt động ngoại giao nhằm ngăn cản Teheran sở hữu vũ khí nguyên tử  thất bại. Đây là lần đầu tiên Washington hòa giọng với những cảnh báo của Israel. Hôm nay nhà đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu đến Teheran, trong bối cảnh cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều bắt đầu mất kiên nhẫn về hồ sơ này.

Trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Israel Yair Lapid tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh ngoại giao vẫn là cách tốt nhất, nhưng bày tỏ thất vọng khi cho đến nay Teheran vẫn chưa ấn định thời điểm đàm phán nhằm cứu vãn hiệp ước nguyên tử, từ khi Iran có tổng thống mới vào tháng Sáu.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:

Ngoại trưởng Antony Blinken luôn nói bằng giọng điệu ôn hòa, và những từ ngữ của ông ít khi vượt quá những suy nghĩ. Ngược lại, giờ đây khi thời gian trôi đi mà viễn cảnh tái đàm phán về hiệp ước nguyên tử Iran còn xa vời, phát biểu của ông cho thấy suy nghĩ của Mỹ đã thay đổi. Ông Blinken nói: “Chúng tôi sẽ xem xét mọi khả năng để xử lý thách thức do Iran đưa ra. Chúng tôi tiếp tục nghĩ rằng ngoại giao là phương tiện hiệu quả nhất cho vấn đề này, nhưng ngoại giao cần có cả hai bên, mà cho đến nay vẫn chưa thấy được nỗ lực nào từ Iran.”

Bên cạnh Antony Blinken, người đồng nhiệm Israel, Yahir Lapid, thẳng thừng nêu ra khả năng dùng giải pháp quân sự. Ông Lapid nói: “Có những lúc mà các quốc gia phải sử dụng đến vũ lực để bảo vệ thế giới chống lại cái ác. Nếu một chế độ khủng bố muốn sở hữu vũ khí nguyên tử, chúng ta phải hành động, phải làm cho họ hiểu rằng thế giới văn minh không thể chấp nhận được việc này. Israel bảo lưu quyền can thiệp bất kỳ lúc nào và bằng bất cứ cách nào. Đó không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Mỹ không nói thêm gì và cũng không chỉnh lại điều gì trong tuyên bố của phía Israel, theo đúng nghĩa của câu : Im lặng tức là đồng ý.

Châu Âu tìm cách cứu vãn JCPOA, Pháp duy trì áp lực

Nhà đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Enrique Mora trước khi đến Teheran hôm nay cho biết trên Twitter, sẽ nhấn mạnh đến việc khẩn cấp tái lập thương lượng.

Về phần mình, Pháp tiếp tục kêu gọi Iran mau chóng quay lại bàn đàm phán, cho rằng Teheran có thái độ không rõ ràng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp khẳng định, qua những tuyên bố và hành động trên thực địa, tân chính quyền của tổng thống Ebrahim Raissi tạo ra những nghi ngờ. Từ chối thương lượng, Iran còn tạo ra tình trạng việc đã rồi, gây thêm phức tạp cho việc quay lại với hiệp ước JCPOA.

Pháp cũng khuyến khích Iran hợp tác trở lại với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), chấm dứt những hành động vi phạm trầm trọng hiệp ước. Hôm Chủ nhật 10/10, AIEA cho biết đã bị từ chối cho vào một cơ sở sản xuất các thiết bị ly tâm ở Karaj, gần Teheran, ngược với thỏa thuận hôm 12/09 với Iran.

Trung Quốc: Giá sản xuất tăng cao nhất tính từ 25 năm qua

Thùy Dương

Năng lượng đắt đỏ khiến giá sản xuất tăng cao nhất tính từ 25 năm qua tại Trung Quốc. Ảnh minh họa : Một nhà máy nhiệt điện gần Bắc Kinh REUTERS/Jason Lee

Chỉ số giá sản xuất đã tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo dữ liệu Cơ quan Thống kê Quốc gia (SNB) công bố hôm nay 14/10/2021, giá sản xuất đã tăng 10,7% trong tháng 9 vừa qua, mức tăng cao kỷ lục trong vòng 25 năm, do giá nguyên vật liệu sản xuất tăng, đặc biệt là than đá, nguồn nhiên liệu sản xuất điện chủ yếu ở Trung Quốc.  

Từ Bắc Kinh, thông tín viênStéphane Lagarde giải thích:

Tình hình đang rất căng thẳng ở « công xưởng của thế giới”, việc thiếu điện dẫn đến chi phí của các dây chuyền lắp ráp tăng cao. Các nhà máy ở phía bắc và đông nam của đất nước phải chịu các hạn chế, chẳng hạn nhiều lần bị cúp điện, bắt buộc phải tạm ngưng sản xuất.

Một số nhà sản xuất ở Đông Quan, trung tâm công nghiệp cạnh Quảng Châu, mà chúng tôi liên lạc qua điện thoại, cho biết nhà máy của họ chỉ hoạt động 2 trên 5 ngày trong tuần. Kết quả là họ phải đề nghị người lao động làm việc ban đêm vào các giờ không phải giờ cao điểm, điều này khiến nhà máy phải trả tiền phụ cấp cho người lao động.

Ngoài việc giá nguyên vật liệu tăng, hiện nay còn có sự tăng vọt về chi phí năng lượng, liên quan đến việc tăng giá than đá và giá điện. Các chi phí này trong tháng 10 có thể sẽ rất cao. Thủ tướng Trung Quốc hồi tuần trước đã cho phép tăng 20% giá điện tham khảo, thông qua đó thúc đẩy nguồn cung của các nhà máy nhiệt điện than, nguồn cung cấp điện lớn nhất tại Trung Quốc.

Tình trạng mất điện diễn ra không đúng thời điểm. Các nhà máy Trung Quốc đang có nhiều đơn hàng nhờ sự phục hồi toàn cầu kể từ sau kỳ nghỉ hè. Công xưởng của các nhà sản xuất ở Nghĩa Ô (Yiwu), tỉnh Quảng Đông, đã hoạt động hết công suất trong những tuần gần đây, đặc biệt là để cung cấp các vật phẩm quảng cáo nho nhỏ và sản phẩm ăn theo bộ phim Hàn Quốc Squid Game đang rất thành công, được cho là sẽ có rất nhiều người muốn mua trong mùa Halloween năm nay”.

Cựu Phó Giám đốc Phòng 610, tổ chức giống như Gestapo của Trung Quốc, bị buộc tội tham nhũng

Frank Fang

Cảnh sát đeo khẩu trang đứng canh giữ bên ngoài Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 nơi luật sư nhân quyền Phố Chí Cường (Pu Zhiqiang) bị kết án tại Bắc Kinh vào hôm 22/12/2015. (Ảnh: Greg Baker/AFP/Getty Images) Trung Quốc

Ông Bành Ba (Peng Bo), người từng làm việc cho một cơ quan bí mật đã thực hiện hành vi tàn bạo kéo dài hàng thập niên trong tư cách là cánh tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị buộc tội tham nhũng.

Theo viện kiểm sát tối cao của Trung Quốc, một công tố viên nhà nước của chính quyền cộng sản này, đã công bố cáo buộc chống lại ông Bành hôm 11/10. Tuy nhiên, thông báo đó không đề cập đến những vi phạm nhân quyền mà ông này có thể đã phạm phải khi làm phó giám đốc cơ quan nằm ngoài vòng pháp luật “Phòng 610” này.

Công tố viên nhà nước này cho biết ông Bành bị buộc tội đã nhận “số lượng lớn tiền hối lộ” một cách phi pháp và kiểm duyệt internet vì lợi ích của một số công ty nhất định. Những tội trạng này đã được thực hiện trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài của ông kể từ năm 2006, trong thời gian đó ông cũng đảm nhiệm một số chức vụ khác nhau trong lĩnh vực không gian mạng của Trung Quốc, trong đó gồm cả vị trí Phó giám đốc Cơ quan quản lý internet của Trung Quốc, Cục quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC).

Ông Bành là phó giám đốc CAC từ năm 2012 đến năm 2015. Sau đó, ông đảm nhiệm vị trí phó giám đốc Phòng 610 và là trưởng nhóm quản lý “dư luận mạng” trong cơ quan pháp lý cao nhất của chính quyền cộng sản này, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương. 

Sự nghiệp chính trị của ông Bành dường như kết thúc vào năm 2018. Năm đó, ông bắt đầu làm giáo sư tại trường cũ của mình, Đại học Bắc Kinh.

Ông Bành bị Đảng đưa ra điều tra vào tháng Ba (03/2021) rồi bị tước tư cách Đảng viên năm tháng sau đó.

Phòng 610, được đặt tên theo ngày ra đời, được thành lập vào ngày 10/06/1999, bởi cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân với mục đích thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Cộng. Hiện văn phòng này vẫn đang tiếp tục hoạt động theo cách tương tự như Gestapo của Đức Quốc xã, với quyền hạn vượt trên cả các tòa án và công an của Trung Quốc.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần với các bài tập thiền định và các bài giảng về đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện và nhẫn. Môn tu luyện này đã trở nên rất phổ biến vào năm 1999, theo đó ước tính chính thức thời điểm đó có từ 70 triệu đến 100 triệu người tại Trung Quốc đã theo học môn tu luyện này. 

Ông Giang, người đã coi sự phổ biến của môn tập này là một mối đe dọa đối với sự tồn vong của chính quyền cộng sản, đã mở một chiến dịch toàn quốc để bức hại các học viên Pháp Luân Công vào ngày 20/07/1999. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác nhau ở Trung Quốc, với hàng trăm nghìn người đã bị tra tấn trong khi bị giam cầm, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Theo trang Minghui.org (Minh Huệ), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của nhà cầm quyền này, Phòng 610 phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những trường hợp tra tấn và tử vong này.

Chẳng hạn, vào tháng 12 năm 2004, bà Trần Tú Sung (Chen Xiuchong), 74 tuổi, sống tại thành phố Hạ Môn, miền nam Trung Quốc, đã bị các quan chức của Phòng 610 địa phương đánh đến chết tại nhà riêng, theo trang Minh Huệ.

Vào năm 2016, trang Minh Huệ đã ghi nhận việc Văn phòng 610 ở khu vực Đức Huệ, tỉnh Cát Lâm, đã bắt các học viên Pháp Luân Công địa phương vào các khóa tẩy não trong một nỗ lực nhằm buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Một cựu quan chức Phòng 610 cũng đã bị Hoa Kỳ trừng phạt. Vào tháng 05/2021, ông Dư Huy (Yu Hui), người từng đứng đầu Phòng 610 khu vực tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò của ông này trong việc “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cụ thể là việc giam cầm tùy tiện các học viên Pháp Luân Công vì đức tin tinh thần của họ.”

Ông Bành là vị quan chức thứ hai thuộc Phòng 610 bị chính quyền Trung Quốc thanh trừng trong tháng này.

Ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), cựu lãnh đạo Phòng 610 và là cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, đã bị điều tra hôm 02/10. Cơ quan kiểm soát tham nhũng của Đảng này, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, đã ám chỉ rằng cuộc điều tra này có liên quan đến những tội phạm tham nhũng, nhưng họ không cho biết liệu ủy ban này có đang xem xét khả năng ông Phó có thể đã tham gia vào các vi phạm nhân quyền hay không.

Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã chỉ đích danh ông Phó là một trong các thủ phạm đã gây ra tội ác nhằm vào các học viên Pháp Luân Công.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts