Eo biển Đài Loan đã nóng từ lâu vì dã tâm thôn tính Đài Loan của ĐCSTQ. Trong 4 ngày từ ngày 1 đến ngày 4/10, ĐCSTQ liên tiếp cử 150 chiến đấu cơ quần thảo vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, trong đó chỉ riêng ngày 4/10 đã có 56 chiếc.
ĐCSTQ thể hiện quyết tâm xâm chiếm Đài Loan, đồng thời dằn mặt cuộc tập trận của Mỹ cùng 5 nước là Nhật, Anh, Hà Lan, Canada và New Zealand. Cuộc tập trận này có mục đích ngăn chặn ĐCSTQ thống nhất Đài Loan ở vùng biển tây nam Okinawa.
Nhưng quyết tâm là một chuyện còn thực lực lại là chuyện khác. Người Trung Quốc có một sách lược: “Muốn chiếm đóng bên ngoài, ắt phải an định bên trong”. Vậy nếu đem lên bàn cân, một bên là Trung Quốc đang ‘đói ăn’, cúp điện triền miên, kinh tế lao dốc; với một bên là Đài Loan tràn đầy quyết tâm bảo vệ hòn đảo, cộng với sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật… thì cán cân sẽ thiên về ai?
Một học giả từng nhận định rằng: “Ngoại giao là sự tiếp diễn của nội chính”. Tập Cận Bình đã 600 ngày không công du mà chỉ tham gia họp trực tuyến với lãnh đạo các nước, thêm vào đó gần đây ĐCSTQ luôn có những màn phô diễn ầm ĩ để hướng sự chú ý ra bên ngoài, phải chăng đây là dấu hiệu của sóng ngầm ở Trung Nam Hải?
Nhà sử học, đồng thời cũng là chuyên gia phân tích các vấn đề thời sự – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 8/10 đã có nhận định về vấn đề trên như sau.
Tấn công Đài Loan không phải là chuyện một sớm một chiều
Giáo sư Chương nhận định, nếu không dám động thủ thì một loạt hành động quần thảo Đài Loan và dằn mặt 6 nước tập trận ở vùng biển tây nam Okinawa của ĐCSTQ thực sự không có ý nghĩa, thậm chí phản tác dụng. Bởi vì ĐCSTQ leo thang căng thẳng chỉ có thể khiến người dân trên hòn đảo Đài Loan phản cảm. Người Đài Loan quyết không để mình trở thành Hồng Kông phiên bản 2.
Ngày 5/10, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc bà Thái Anh Văn đã đăng một bài viết có ký tên trên tờ Foreign Affairs của Mỹ nói rằng: “Dân chủ là không thể đàm phán… Nếu dân chủ và cách sống bị đe dọa, Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tự vệ”. Bà Thái nói thêm: “Đối diện với sự xâm nhiễu của Quân đội Trung Quốc gần như mỗi ngày, lập trường của chúng tôi về vấn đề eo biển luôn nhất quán từ đầu đến cuối. Đài Loan sẽ không khuất phục trước áp lực nhưng sẽ không mạo hiểm”. Ý nghĩa “không mạo hiểm” là phía Đài Loan sẽ không bắn phát súng đầu tiên.
Một số học giả phân cuộc xâm lược có vũ trang của ĐCSTQ vào Đài Loan có thể xảy ra vào 3 thời điểm: năm 2022, 2024 và 2027.
Năm 2022 diễn ra Đại hội 20 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình có khả năng chiếm Đài Loan thông qua vũ lực để tái đắc cử. Quan điểm của một số nhà bình luận và các chuyên gia cũng cho rằng: Nếu Tập Cận Bình gặp khó khăn trong việc tái đắc cử ở Đại hội 20, ông ấy sẽ chơi tất tay, hy vọng thông qua thắng lợi quân sự để tạo được uy vọng.
Nhưng Giáo sư Chương lại cho rằng điều này không thể. Giáo sư Chương giải thích: dùng vũ lực tấn công Đài Loan không phải là chuyện một sớm một chiều. Chỉ cần ĐCSTQ động thủ trong một ngày không thể hạ được Đài Loan, thấy hòn đảo này có biến, hàng không mẫu hạm của Mỹ đến ngay, Mỹ, Nhật sẽ liên thủ đáp trả mạnh mẽ, Úc sẽ không đứng nhìn. Những điều này sẽ khiến cuộc chiến của ĐCSTQ đi vào bế tắc.
Nhiều chuyên gia hoặc những người yêu thích quân sự đã phân tích tính ‘bất khả thi’ hoạt động đổ bộ quân đội Trung Quốc vào Đài Loan. Bởi vì những nơi thích hợp cho việc đổ bộ vào hòn đảo là rất ít. Nếu quân đội Đài Loan có thể phòng thủ chắc chắn những vị trí đó, ĐCSTQ không có cách nào đến được đảo Đài Loan. Nói cách khác, chỉ cần Đài Loan chống trả đến cùng, ĐCSTQ không có cách nào giải quyết trận chiến nhanh chóng, trừ khi ĐCSTQ sử dụng vũ khí hạt nhân.
ĐCSTQ không thể sử dụng vũ khí hạt nhân vì chính quyền này đã hứa không phải là bên đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Giáo sư Chương cho rằng, nếu ĐCSTQ sử dụng vũ khí hạt nhân, chính quyền này sẽ phạm tội lớn với người dân, đây là tội ác phản nhân loại. Xã hội quốc tế tuyệt đối sẽ không tha thứ cho ĐCSTQ vì đồ sát lượng lớn người dân vô tội.
Xã hội quốc tế sẽ trừng phạt hội đồng ĐCSTQ vì sử dụng vũ khí hạt nhân, do đó hy vọng tái đắc cử của Tập Cận Bình cũng tan như bọt nước. Ông Tập tuyệt đối không muốn bất cứ biến động nào trong việc đắc cử ở Đại hội 20 và năm sau 2022.
Đài Loan và các nước ủng hộ đã chuẩn bị, còn ĐCSTQ thì sao?
ĐCSTQ hù doạ Đài Loan trên thực tế cũng khiến Nhật Bản tăng nhanh quá trình quân sự hoá. Ngày 5/10, trên Twitter Đài Á châu tự do đăng một video của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, đồng thời xác nhận việc chiến đấu cơ F-35 của Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đã hoàn thành thành công quá trình cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trên khinh hạm JS Izumo của… Nhật Bản.
Việc chiến đấu cơ F-35 có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng trên khinh hạm trực thăng Izumo, điều này tương đương biến khinh hạm của Nhật Bản trở thành một tàu sân bay. Điều này không chỉ cho thấy liên minh chặt chẽ giữa quân đội Hoa Kỳ và Nhật Bản, mà càng nhấn mạnh thêm rằng Tokyo đã có trong tay hàng không mẫu hạm.
ĐCSTQ cho máy bay quần thảo Đài Loan, Nhật Bản ngay lập tức cho thấy sức mạnh của họ. Cũng trong ngày 5/10, Quốc phòng Đài Loan cũng soạn ‘Dự thảo ngân sách đặc biệt cho việc mua sắm nhằm tăng cường sức chiến đấu trên biển và trên không’ để đưa đến Hội đồng Lập pháp, trong đó tăng 64% tức 240 tỷ đài tệ (khoảng 192 nghìn tỷ đồng) để mua thiết bị chống hạm, trong số đó có 80 tỷ đài tệ (khoảng 64 nghìn tỷ đồng) dành cho việc mua tên lửa Hùng Phong chống hạm.
Phía Nhật Bản và Đài Loan đã chuẩn bị, còn nhìn lại Trung Quốc thì thấy đến đâu cũng cúp điện liên miên, ngay cả lương thực cũng không đủ ăn. Mỗi năm Trung Quốc phải nhập khẩu 20% lương thực, 540 triệu tấn dầu thô, ở Trung Quốc, năng lượng và lương thực dựa vào quốc gia khác thì không đủ nội lực để phát động chiến tranh.
Hơn nữa nếu xã hội quốc tế áp dụng những lệnh trừng phạt, lúc đó Trung Quốc không nhập khẩu được lương thực, năng lượng thì hoàn cảnh lúc ấy không khác gì Bắc Hàn: lương thực không đủ ăn, năng lượng không đủ dùng, thậm chí người dân còn chết đói.
Ông Tập đang đối mặt với khủng hoảng chính trị nghiêm trọng
Một số người nói ĐCSTQ có thể xâm phạm Đài Loan vào năm 2024 và 2027, nhưng Giáo sư Chương cho rằng điều này vẫn không thể.
Người Trung Quốc có một sách lược rằng: Muốn chiếm đóng bên ngoài, ắt phải an định bên trong. Nếu muốn xâm chiếm Đài Loan, ông Tập phải giải quyết các vấn đề trong nước.
Một chuyên gia đã nói rằng: Ngoại giao là sự tiếp diễn của nội chính, do đó việc ông Tập không ra nước ngoài để thực hiện những hoạt động ngoại giao chứng tỏ nội chính đang rất phức tạp.
Lần cuối ông Tập ra nước ngoài là ngày 18/1/2020 khi thăm Miến Điện. Sau đó Trung Quốc đóng cửa vì dịch viêm phổi Vũ Hán. Tính đến nay ông Tập đã không ra nước ngoài hơn 600 ngày.
Trong vòng 1 năm Tập Cận Bình đã thay 4 người ở vị trí Tư lệnh chiến khu tây, điều này chứng tỏ ông Tập không tin tưởng những người xung quanh mình.
Thêm vào đó, từ vụ bắt giữ Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa, chúng ta thấy rằng ông Tập đang phải chống đỡ các cuộc phản công của các đối thủ chính trị. Trong nhiều bài phân tích, Giáo sư Chương đã chỉ ra con hổ lớn đằng sau những vụ của Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa là Tăng Khánh Hồng, mà đụng đến Tăng Khánh Hồng là đã tiến sát cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân.
Với tình thế không tin tưởng những người xung quanh và cần thanh trừng những đối thủ chính trị, nếu xảy ra chiến tranh, ông Tập phải giao quyền lực, tiền bạc, súng đạn cho những người chỉ huy trong quân đội, nhưng nếu những người ấy quay trở lại mũi giáo hướng vào ông Tập thì sao? Vì vậy, ông Tập sẽ không dám mạo hiểm đi nước cờ đó.
Đồng thời, ông Tập Cận Bình vẫn đang phải đối diện với tình hình kinh tế vô cùng khó khăn. Nếu ông Tập bỏ lỡ hoặc không động thủ vào năm 2022, cuộc khủng hoảng dân số và kinh tế Trung Quốc, gồm cả việc nổ bong bóng bất động sản v.v. sẽ khiến sức mạnh của ĐCSTQ suy giảm nhanh chóng. Lúc đó ĐCSTQ muốn phát động cuộc chiến ở eo biển Đài Loan sẽ trở nên khó khăn hơn. Năm 2022 đã khó, nếu theo đà này thì đến năm 2024, 2027 thì tình thế của Trung Quốc sẽ càng khó khăn hơn nữa, cho nên việc tấn công Đài Loan vào năm 2024 và 2027 cũng không khả thi.
Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của ông Tập lúc này là thanh tẩy hoàn cảnh chính trị trong nước, bình định những kẻ thù chính trị. Nếu không bình định hoàn cảnh trong nước, ông Tập sẽ không thể phát động chiến tranh xâm lược Đài Loan. Khi đặt mọi thứ lên bàn cân, chúng ta thấy rõ ràng ĐCSTQ thua một cách toàn diện.