Bất chấp đại dịch, TP.HCM thu ngân sách hơn 271.000 tỷ đồng
Thanhnien – Bất chấp ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tình trạng phong toả kéo dài khiến cuộc sống của hàng triệu người lao đao, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, một báo cáo mới công bố cho biết nền kinh tế TP.HCM vẫn có nhiều điểm sáng như thu ngân sách 9 tháng hơn 271.000 tỷ đồng (tăng gần 8% so với cùng kỳ), dịch vụ ngân hàng tăng trưởng, giá trị xuất khẩu ở Khu Công nghệ cao mang về hơn 16 tỷ đô la Mỹ (USD).
Báo Thanh Niên cho biết, thông tin này được đưa ra tại hội nghị Thành ủy TP.HCM hôm 14/10.
Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
VnExpress – Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới công bố, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết sau khi đạt kết quả tốt trong nửa đầu năm, GDP quý 3 năm nay suy giảm 6,2% (so với cùng kỳ năm trước), ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý.
Ngân hàng thế giới cho biết: “Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan”.
Ngân hàng thế giới đánh giá với GDP giảm sâu trong quý 3, và sự phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4 khi cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các hạn chế, GDP năm 2021 của Việt Nam hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2 % đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,8% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8 vừa qua.
Theo Ngân hàng thế giới, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Đất Sóc Sơn được rao bán rầm rộ sau thông tin quy hoạch lên thành phố
Khảo sát thực tế của phóng viên Tiền Phong cho thấy, vài ngày gần đây, tờ rơi, biển quảng cáo mua, bán, ký gửi đất thổ cư, đất vườn, đất trang trại… xuất hiện la liệt dọc hai bên đường ở huyện Sóc Sơn, tập trung nhất là khu vực 3 xã Hiền Ninh, Minh Phú và Minh Trí.
Tại Hiền Ninh, chỉ tính riêng đoạn gần Việt Phủ Thành Chương đã có hàng chục tờ rơi, biển rao bán đất dọc đường. Người dân cho biết, đất khu vực này đang dao động ở mức 4 – 6 triệu đồng/m2.
Trong khi tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú), các văn phòng giao dịch bất động sản xuất hiện ngày càng nhiều. Do nơi đây tập trung các khu du lịch – sinh thái, homestay, biệt thự nghỉ dưỡng, nên giá đất nhỉnh hơn so với xã Hiền Ninh và đang được rao bán trong khoảng 4,5 – 6,5 triệu đồng/m2.
Cũng theo ghi nhận phóng viên Tiền Phong, trong cuối tuần qua, các đoàn xe của nhà đầu tư nườm nượp kéo về khu vực thôn Lâm Trường để xem đất.
Bên cạnh đó, hàng loạt bài viết rao bán đất ở Sóc Sơn cũng liên tục xuất hiện trên các website, hội, nhóm mạng xã hội với tần suất ngày một dày đặc. Nhiều người cho biết giá đất các khu vực trên đang có chiều hướng tăng hơn so với giai đoạn trước. Trong khi một số môi giới khẳng định đất ở đây luôn luôn được quan tâm, thậm chí sau mỗi đợt dịch COVID -19, nhu cầu tìm mua đất để làm nơi nghỉ dưỡng tăng lên.
Mặc dù rao bán đất ồ ạt là vậy, nhưng đa phần người dân và môi giới ở Sóc Sơn cho biết, các giao dịch thực tế thì không nhiều. Lý do là bởi đất trên địa bàn này đang thuộc diện thực hiện kết luận thanh tra, khắc phục hậu quả do xâm phạm đất rừng, nếu không tìm hiểu kỹ thì nhà đầu tư dễ bị mua nhầm đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, hoặc gặp rắc rối liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các địa phương dần bỏ cách ly, xét nghiệm với du khách
VnExpress – Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam… sẽ từng bước mở cửa, thích nghi an toàn theo nghị quyết của Chính Phủ.
Đây là nội dung được lãnh đạo UBND, Sở Du lịch các địa phương trao đổi trong tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” ngày 14/10.
Du khách đến Thừa Thiên Huế theo đường hàng không có đủ điều kiện sẽ không phải cách ly. Cụ thể, hành khách đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi Covid-19 trong 6 tháng; xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay đủ tiêu chuẩn vào địa phận tỉnh. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết hiện đã có 3 chuyến bay đến Huế, du khách có thể đăng ký lưu trú nếu không có yêu cầu theo dõi sức khỏe.
Ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện nay tỉnh không cách ly y tế đối với khách đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 và khách đã điều trị khỏi Covid-19 thì tự theo dõi y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú, với điều kiện cơ quan y tế giám sát chặt chẽ. Điều này tạo sự yên tâm, thoải mái cho du khách. Chiều ngày 13/10, UBND tỉnh đã có cuộc họp về cách thức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo cách tiếp cận mới.
Tỉnh Quảng Nam dần mở cửa để đón khách trong tháng 11. Hiện nay, theo quy định mới nhất, những du khách đến từ địa phương đã qua 14 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng đến Quảng Nam không cần xét nghiệm SARS-CoV-2 hay cách ly.
Bắt đầu từ 16/10, du khách từ TP.HCM có thể đi tour khép kín tới núi Bà Đen (Tây Ninh). Trong tuần sau TP.HCM tiếp tục xúc tiến tới miền Trung để liên kết vùng và tổ chức những tour khép kín. Hiện nay, 98% người trên 18 tuổi ở thành phố đã tiêm mũi một vaccine và 74% hoàn thành mũi 2. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhận định đây là điều kiện an toàn để các địa phương đón khách TP.HCM trở lại. Thích ứng với dịch bệnh cần sự thoải mái cho du khách nhưng không được quên yếu tố an toàn, vì vậy buộc các công ty du lịch, điểm tham quan, nhà hàng, cơ sở lưu trú thích ứng theo.
Các địa phương khác cũng sẵn sàng chuyển từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tỉnh Bình Định mở cửa nhiều hoạt động từ 15/10, trong đó có lưu trú không quá 50% công suất. Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang dự kiến cuối tháng 11 có thể vận hành đón khách trong tình hình mới. Tại Đà Nẵng, du khách đến từ các địa phương, khu vực không có dịch Covid-19 cần có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Ngoài ra, đại diện từ các địa phương kiến nghị ngành du lịch sớm có một bộ tiêu chí thống nhất chung trên cả nước. Trong thời gian này, việc liên kết và xây dựng “bong bóng du lịch” giữa các vùng xanh cũng góp phần làm nóng thị trường, từng bước khôi phục du lịch.