Vũ Văn Lê, dịch từ WSJ
Sự hiếu chiến ngày càng tăng của Bắc Kinh cùng lúc với sức mạnh quân sự Hoa Kỳ đang suy giảm.
Phương Tây đã thắng Chiến Tranh Lạnh không cần nổ một tiếng súng, nhưng cuộc đối đầu ngày càng gay gắt với Trung Quốc có thể sẽ không kết thúc tốt đẹp như thế. Số lượng kỷ lục phản lực cơ chiến đấu Trung Quốc tiến sát Đài Loan tuần trước đã dấy lên hồi chuông cảnh báo, và đặt ra nhiều câu hỏi.
Trong nhiều thập kỷ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nhẫn nhục chờ đợi vì biết rõ một cuộc đối đầu quân sự với Hoa Kỳ sẽ phải chịu một kết cuộc tồi tệ. Nhưng suốt một phần tư thế kỷ qua, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư đều đặn vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).
Từ 2010 đến 2020, chi tiêu quốc phòng TQ tăng 76% , và khả năng chiến đấu của PLA được cải thiện đáng kể. Những năm gần đây, Lầu Năm Góc đã bầy ra những cuộc chiến giả tưởng, dùng điện toán để trắc lượng khả năng quân sự của Hoa Kỳ trong việc đánh bại một cuộc tấn chiếm Đài Loan của Trung Quốc. Kết quả: Mỹ gần như thất bại tất cả.
Việc Trung quốc gia tăng khả năng quân sự xảy ra cùng lúc với những thay đổi về triển vọng. Những tuyên bố của Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc khác đều cho Mỹ là cường quốc suy thoái, mà điển hình là tình trạng nội bộ chia rẽ và hệ thống công quyền tê liệt. Họ ngờ vực ý chí sử dụng vũ lực của Mỹ ở nước ngoài, phản ánh qua việc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan. Theo Bắc Kinh, chuyện Trung Quốc thay thế Hoa kỳ để thống trị thế giới là sự thể đang nằm trong tầm tay.
Một cuộc xâm lược thành công của Trung Quốc vào Đài Loan, vốn là sự kiện từng được cho là không thể nào tưởng tượng được, nay đã thành khả dĩ, và rất có thể sẽ diễn ra. Quan chức hải quân cấp cao của Hoa Kỳ đã thẳng thừng xác nhận điều này. “Đối với chúng tôi, chuyện đó chỉ còn là khi nào, hết còn chữ nếu”, Chuẩn đô đốc Michael Studeman, giám đốc tình báo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã cho biết rõ như vậy hồi đầu năm.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi tranh luận từ nhiều phía đã nổ ra về tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung. Phe lạc quan tin tưởng Trung Quốc sẽ mất nhiều thứ hơn là được, từ một cuộc tấn chiếm Đài Loan, và giới lãnh đạo Bắc Kinh hiểu rất rõ điều này. Thương mại quốc tế vốn là mạch máu kinh tế của Tầu, sẽ bị tổn thương nặng, và các quốc gia ngoại cuộc sẽ ngả hết về phía Mỹ.
Nhưng kẻ bi quan lại phản bác, thấy Tập đã nhiễm nặng cảm quan cấp bách mới về việc thống nhất đất nước, sẽ không dễ dàng xoay ngược chủ nghĩa dân tộc mà ông ta đã dấy xướng.
Từ nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã duy trì một “chiến lược mập mờ” về phản ứng trước một triển vọng tấn chiếm Đài Loan của Trung Quốc. Một thông báo công khai bảo vệ Đài Loan của Hoa Thạnh Đốn, sẽ xóa bỏ hết mọi điều khoản của Thông cáo Thượng Hải khởi đầu quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ – Trung vào năm 1972, và Thông cáo chung tái thiết lập quan hệ ngoại giao hoàn toàn vào năm 1979.
Ngược lại, nếu Hoa kỳ coi đây là một vấn đề nội bộ của nước TQ, thì sự công nhận đó sẽ khuyến khích giới lãnh đạo CSTQ coi Đài Loan là một “tỉnh ly khai” và việc thống nhất đất nước phải được cấp thời thực thi bằng mọi biện pháp cần thiết.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thì chiến lược mơ hồ xưa đã lỗi thời, cần được thay thế bằng một bảo đảm cứng rắn để bảo vệ Đài Loan khỏi bị tấn chiếm. Song, nhiều ý kiến khác lại phản biện ngược lại, thấy hủy bỏ chính sách cũ sẽ tạo hậu quả dấy xướng dân tộc chủ nghĩa ở cả hai bên eo biển Đài Loan, và khuyến khích Bắc Kinh leo thang.
Đánh giá ý đồ của Tập Cân Bình luôn là điều cực khó khăn. Nếu Tập mưu tính hành động quân sự vì tin tưởng Hoa Kỳ sẽ không cứu viện trợ Đài Loan, thì một cam kết minh bạch bảo vê an ninh cho Đài Loan sẽ có tác dụng như một biện pháp răn đe. Mặt khác, nếu Tập khoa trương dân tộc chủ nghĩa chỉ nhắm mục đích đối nội, thì một bảo đảm an ninh Đài Loan rõ ràng của Hoa kỳ sẽ khiến Tập mất hết kiểm soát với “những tình cảm” do chính ông ta dấy xướng và nuôi dưỡng.
Kết quả thảm hại của “các trò chơi chiến tranh Lầu Năm Góc (Pentagon’s war games)” đã dấy lên một cuộc tranh luận khác: Nếu không đủ quân đủ lực để ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan, thì Hoa kỳ nên làm gì? Nếu xu hướng hiện hành tiếp tục, vào năm 2030, hải lực của Trung Quốc sẽ hiện đại và lớn mạnh hơn đáng kể so với của Mỹ.
Seth Cropsey của Viện Hudson đã chỉ trích chiến lược “thoái vốn để đầu tư” (“divest to invest”) hiện hành của Hải quân Hoa Kỳ là sai lầm: Giảm bớt đội tàu cũ, lớn, để thay thế bằng những tầu nhỏ hơn và nhiều hơn sẽ khiến Hoa kỳ lâm vào thế nguy hiểm giữa thập kỷ này, thời điểm mà giới phân tích tin tưởng mối hiểm Đài Loan sẽ tới đỉnh điểm.
Thay vào đó, Cropsey đề nghị Hoa kỳ tiếp tuc duy trì phần lớn hạm đội nổi hiện tại, và bổ sung thêm những phẩm vật mới mà chúng ta có thể chế tạo hoặc mua sắm từ các đồng minh, để cấp kỳ tạo ngay sự khác biệt, một chiến lược với yêu cầu gia tăng khoảng 30% cho ngân sách đóng tàu của Hải quân. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh có thể cải thiện khả năng phòng thủ của Đài Loan, và chính Trung Hoa Dân quốc phải tăng cường nỗ lực hơn nữa để tự vệ.
Người bình thường, không ai muốn có chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa kỳ. Nhưng một kết hợp giữa tham vọng chiếm đoạt, sai lầm chiến lược, và nhận thức sai lầm lẫn nhau, có thể khiến Hoa Kỳ rơi chìm vào chiến trận, đặc biệt nếu Hoa Thạnh Đốn không thực hiện các bước cần thiết để thuyết phục Tập, rằng: Hoa Kỳ không phải là một cường quốc đang suy thoái, thiếu phương tiện, và ý chí để bảo vệ bạn bè như giới lãnh đaọ Trung Quốc đang lầm tưởng.