Katabella Roberts
Các quan chức tài chính G-7 đã tán thành 13 nguyên tắc của chính sách công đối với tiền điện toán của ngân hàng trung ương (CBDC) hôm 13/10, lưu ý rằng mặc dù tiền điện toán có thể hỗ trợ sự hòa nhập và đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng tăng, nhưng các loại tiền này cũng đặt ra những câu hỏi quan trọng liên quan đến chính sách và quy định.
Các quốc gia G-7 bao gồm Canada, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản.
Nhóm đại diện các quốc gia này đã gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn trong các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak, nơi họ thảo luận về các CBDC có khả năng được sử dụng như một dạng tiền điện toán của ngân hàng trung ương cùng với tiền giấy và tiền xu.
“Đổi mới về tiền và thanh toán điện toán có khả năng mang lại những lợi ích đáng kể nhưng cũng làm nảy sinh các vấn đề đáng kể về chính sách công và quy định”, các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương nhóm G-7 cho biết trong một tuyên bố chung phát hành hôm 13/10.
“Sự phối hợp và hợp tác quốc tế mạnh mẽ về những vấn đề này giúp bảo đảm rằng sự đổi mới của khu vực công và tư nhân sẽ mang lại lợi ích trong nước và xuyên biên giới đồng thời an toàn cho người dùng và hệ thống tài chính rộng lớn hơn.”
Các ngân hàng trung ương và bộ tài chính G-7 hiện đang khám phá cách thức đổi mới kỹ thuật số có thể duy trì quyền truy cập và thúc đẩy việc sử dụng CBDC, lưu ý rằng nếu được phát hành dưới dạng tiền ngân hàng trung ương, chúng có thể hoạt động như “một tài sản thanh toán an toàn, thanh khoản và như một mỏ neo cho hệ thống thanh toán.”
Nhóm lưu ý rằng CBDC có thể chứng minh là không thể thiếu đối với các ngân hàng trung ương trong tương lai và thiết kế của bất kỳ loại tiền tệ nào như vậy phải có khả năng đáp ứng nhu cầu thanh toán trong tương lai.
13 nguyên tắc do các quan chức G-7 đưa ra tập trung vào mọi thứ, từ cạnh tranh đến minh bạch cho đến các vấn đề môi trường liên quan đến tiền điện toán.
Các quan chức lưu ý rằng bất kỳ CBDC nào cũng phải được “thiết kế theo cách hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu chính sách công và quan trọng hơn là không gây tổn hại đến sự ổn định tài chính và tiền tệ của ngân hàng trung ương.”
Họ tuyên bố rằng các giá trị của G-7 đối với hệ thống tiền tệ quốc tế phải “hướng dẫn thiết kế và hoạt động của bất kỳ CBDC nào, cụ thể là tuân thủ pháp quyền, quản lý kinh tế lành mạnh, và minh bạch phù hợp.”
Liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu, các quan chức kêu gọi “các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quyền riêng tư và trách nhiệm giải trình”, cũng như tính minh bạch về cách thông tin sẽ được bảo mật và sử dụng, để đảm bảo rằng tiền điện toán có thể được tin cậy.
Các quan chức cũng xác nhận khả năng phục hồi hoạt động và an ninh mạng, lưu ý rằng bất kỳ hệ sinh thái CBDC nào cũng phải “an toàn và có khả năng phục hồi trước rủi ro không gian mạng, gian lận, và các rủi ro hoạt động khác”.
Các nhà lãnh đạo G-7 đã chỉ ra sự cạnh tranh, lưu ý rằng các CBDC phải cùng tồn tại với các phương tiện thanh toán hiện có, và chúng phải hoạt động trong một môi trường “cởi mở, an toàn, linh hoạt, minh bạch và cạnh tranh nhằm thúc đẩy sự lựa chọn và đa dạng trong các lựa chọn thanh toán.”
Liên quan đến nguyên tắc tài chính bất hợp pháp, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng bất kỳ CBDC nào sẽ phải tích hợp cẩn thận nhu cầu “thanh toán nhanh hơn và dễ tiếp cận hơn, an toàn hơn, và rẻ hơn” và phải có cam kết giảm bớt việc sử dụng chúng trong việc tạo điều kiện cho bất kỳ tội phạm nào.
Trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về năng lượng và môi trường, các quan chức nói rằng việc sử dụng năng lượng của bất kỳ cơ sở hạ tầng CBDC nào cần phải hiệu quả nhất có thể để hỗ trợ các cam kết chung của cộng đồng quốc tế nhằm chuyển đổi sang một nền kinh tế được gọi là net-zero (phát thải bằng không).
Các thợ đào Bitcoin nói riêng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng nhiều về tác động môi trường của quá trình “khai thác” tiền điện toán, là quá trình tính toán toán học cạnh tranh mà qua đó tiền ảo là phần thưởng.
Các thợ đào bitcoin sử dụng kho dữ liệu của máy tính để giải quyết các vấn đề tính toán nhằm xác minh các giao dịch, cập nhật và duy trì chuỗi khối bitcoin. Trên thực tế, các thợ đào giữ cho chuỗi khối bitcoin được cập nhật, và đổi lại, được đền bù bằng các khối bitcoin mới. Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng quá trình này tiêu thụ lượng điện năng cao.
Các quan chức cho biết, các CBDC cần phải được thiết kế theo cách mà chúng tránh được những rủi ro có hại cho “hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, bao gồm chủ quyền tiền tệ và sự ổn định tài chính của các quốc gia khác.”
13 nguyên tắc nhằm hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các cuộc thảo luận chính sách toàn cầu trong bối cảnh sự gia tăng sử dụng và đổi mới tiền điện toán.
Tuyên bố cho biết vẫn chưa có cơ quan nào của G-7 quyết định ban hành CBDC và việc xem xét cẩn thận các nội hàm chính sách tiềm năng sẽ tiếp tục.
Vào tháng Tám, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller cho biết ông “rất nghi ngờ” về sự cần thiết của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ để phát triển một loại tiền kỹ thuật số.
Trong bài phát biểu gửi tới Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn, ông Waller đã chỉ ra những chi phí và rủi ro tiềm ẩn như cạnh tranh với các ngân hàng thương mại và những lo ngại về an ninh mạng.
Ông Waller nói: “Trong khi các CBDC tiếp tục tạo ra sự quan tâm to lớn ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, tôi vẫn hoài nghi rằng CBDC của Cục Dự trữ Liên bang sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào đối với hệ thống thanh toán của Hoa Kỳ.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Chánh Tìn biên dịch