Bảo Vân
Breibart đưa tin, một báo cáo của Dự án AidData tại Đại học William & Mary ở Virginia được công bố gần đây cho biết, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quảng bá là để giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi, trên thực tế đều làm lợi cho ĐCSTQ, đồng thời cũng đang “giúp các đối tác” của họ ngày càng sa lầy vào những gánh nợ chồng chất.
Theo Breibart, báo cáo với tựa đề Ngân hàng cho Vành đai và Con đường, được coi là một đánh giá “toàn diện duy nhất” với hơn 13.000 dự án BRI trải rộng trên 165 quốc gia trong vòng 18 năm qua.
Báo cáo kết luận: “Trung Quốc sử dụng hệ thống tính nợ thay vì viện trợ để thiết lập vị trí thống lĩnh trên thị trường tài chính phát triển quốc tế”, khiến BRI đi ngược với các nỗ lực từ thiện hơn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
AidData cho biết, các khoản vay khổng lồ cho các dự án BRI được tiến hành với “các điều khoản ít hào phóng hơn các khoản vay từ OECD”. Trong khi lãi suất trung bình của OECD là 1% và thời hạn trả nợ là 28 năm, BRI áp đặt lãi suất vay là 4,2% và thời hạn trả nợ ngắn hơn nhiều, trung bình dưới 10 năm.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, đối với các dự án phát triển lớn hơn và nhiều rủi ro hơn, các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc có lãi suất cao hơn và yêu cầu điều kiện bảo hiểm tín dụng và tài sản thế chấp cũng cao hơn.
Tài sản thế chấp mà các ngân hàng TQ yêu cầu chỉ bao gồm các nguồn lực mà TQ đang săn lừng:
Để có thể giành được mối lợi về năng lượng cũng như tài nguyên hữu hạn mà đất nước họ đang thiếu, và tối đa hóa lợi nhuận đầu tư đối với đô la và euro, các chủ tín dụng do nhà nước TQ sở hữu đã nhanh chóng mở rộng cung cấp các khoản vay bằng ngoại tệ cho các quốc gia giàu tài nguyên nhưng có mức độ tham nhũng cao.
BRI có xu hướng cho vay các khoản tiền lớn cho các doanh nghiệp nhà nước tại các quốc gia đang phát triển, những doanh nghiệp này có thói quen biến mất khỏi bảng cân đối kế toán của chính phủ và được hưởng “các hình thức bảo vệ trách nhiệm pháp lý rõ ràng hoặc ngầm hiểu của chính phủ sở tại”. Điều này có nghĩa là quy mô thực sự của các khoản vay của TQ thường bị che giấu trước công chúng ở các quốc gia đối tác và với các cơ quan tài chính quốc tế.
AidData nhận xét: “Gánh nợ từ TQ mà các con nợ đang phải chịu lớn hơn nhiều so với những gì các tổ chức nghiên cứu, tổ chức tín dụng được xếp hạng hoặc các tổ chức liên chính phủ có trách nhiệm giám sát phát hiện được”.
Báo cáo còn tiết lộ: “42 quốc gia hiện có mức nợ công TQ vượt quá 10% GDP.” Trên thực tế, tám trong số các quốc gia đó có khoản nợ vượt quá 30% GDP của họ.
Những vấn đề nợ ẩn này đôi khi gây khó chịu bất ngờ cho các chính phủ mới sau khi các nhà lãnh đạo cắt đứt các thỏa thuận với Trung Quốc bị bỏ phiếu miễn nhiệm. Một ví dụ nổi bật hiện nay là Zambia, đất nước mà Tổng thống đắc cử gần đây Hakainde Hichilema đã phát hiện ra các khoản nợ ngân hàng TQ do người tiền nhiệm Edgar Lungu điều hành lớn gấp đôi con số 3 tỷ USD mà Lungu thừa nhận. Zambia đã vỡ nợ vào cuối năm ngoái.
Ngoài những chi tiết đáng kinh ngạc về vấn đề tài chính của họ, các dự án BRI có lịch sử về “các vấn đề thực thi cơ bản,” từ tham nhũng đến thảm họa môi trường. Các dự án BRI mất nhiều thời gian bất thường để thực hiện và có khả năng bị hủy bỏ rất cao trước khi hoàn thành – đặc biệt nếu công việc được quản lý bởi các công ty Trung Quốc mà không phải do các nước chủ nhà hoặc bên thứ ba giám sát.
“Trung Quốc là ông chủ nhà băng, không phải là ân nhân,” giám đốc AidData, Brad Parks đã nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hôm thứ Sáu.
“Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc là những người đại diện cho nhà nước tối đa hóa lợi nhuận. Họ đang săn lùng các dự án tạo doanh thu, có lợi nhuận. Có thể có một số phát triển kinh tế phụ trợ hoặc lợi ích phúc lợi xã hội cho các nước chủ nhà, nhưng đó không phải là động lực chính”, ông Parks nói.
Một chủ đề mà báo cáo của AidData dễ khai thác hơn so với nhiều chỉ trích khác đối với Trung Quốc là “ngoại giao bẫy nợ”, trong đó giả thuyết rằng Trung Quốc khuyến khích các quốc gia đang phát triển vay tiền mà họ biết rằng các quốc gia đó không thể trả được, vì vậy Trung Quốc có thể siết nợ và chiếm đoạt tài sản quốc gia của họ.
Ông Parks cho biết nghiên cứu của nhóm cho thấy Trung Quốc thích “thế chấp các khoản vay bằng tài sản dễ thanh khoản hơn là cơ sở hạ tầng vật chất”, mặc dù đã có một số ví dụ ngoạn mục về tài sản thế chấp vật chất gây chú ý trong vài năm qua.
Khi xem xét hàng nghìn dự án BRI trải dài qua nhiều quốc gia, chứ không chỉ một vài ví dụ về địa chính trị, AidData kết luận rằng các ngân hàng Trung Quốc thường tin rằng họ có thể kiếm được lợi nhuận từ các khoản cho vay của họ.
“Rất hiếm khi thấy Bắc Kinh nhận thế chấp là tài sản có tính thanh khoản thấp. Họ thông minh hơn thế. Những gì họ muốn là thế chấp bằng tiền mặt, tài sản có tính thanh khoản nhanh chóng, có thể mang đi”, ông Parks khẳng định.
Những gì Trung Quốc muốn làm là tạo ra một thỏa thuận tài chính vòng tròn, trong đó về cơ bản họ sử dụng nợ từ các quốc gia, tham gia BRI, giàu tài nguyên chuyển thành tiền để mua những gì Bắc Kinh muốn.
Thỏa thuận trả nợ phổ biến, ông Parks cho biết, thường liên quan đến các hợp đồng cấp tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia. Đồng thời với việc phát hành một khoản vay, Bắc Kinh sẽ thu xếp một thỏa thuận song song cho việc mua tài nguyên liên tục do nước sở tại khai thác, sản xuất. Tuy nhiên, khi nhận tài nguyên, Bắc Kinh “trả tiền” bằng cách gửi tiền vào tài khoản mà họ kiểm soát, và sử dụng các khoản tiền đó để thu các khoản thanh toán cho vay theo lịch trình.
AidData còn nhận thấy “sự hối hận” của rất nhiều trong số các khách hàng của BRI, những người đã thấy rõ rằng nhiều dự án tốn kém, hoàn thành chậm và mang lại lợi ích kém hơn so với dự kiến. Các quốc gia phương Tây cũng đang có chút thành công trong việc lôi kéo các khách hàng BRI, những quốc gia không hài lòng rời khỏi Trung Quốc, mặc dù báo cáo của AidData nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn “vượt xa Mỹ và các cường quốc khác trên cơ sở 2 đối 1” trong các dự án phát triển quốc tế.
The Epoch Times đưa tin, theo một báo cáo mới được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố hôm 5/8, một con đập của Trung Quốc được xây dựng ở Đông Nam Á đã phá hủy nguồn thủy sản, đất nông nghiệp và môi trường tự nhiên của nước sở tại Campuchia và các nước lân cận và Việt Nam, lào và Thái Lan.
Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), có trụ sở tại Hoa Kỳ, dài 137 trang, có tiêu đề: “Ngập nước: Các Hậu quả về Nhân quyền từ một Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Campuchia”. Báo cáo trình bày những tác động đang diễn ra của đập thuỷ điện Hạ Sesan 2 đối với các cộng đồng địa phương, bao gồm thu nhập, sinh kế, đất đai và khả năng tiếp cận thực phẩm và nước của họ.
Các nhà nghiên cứu cho biết, dự án thủy điện Hạ Sesan 2 do Trung Quốc đầu tư xây dựng, trị giá 781 triệu USD, được thực hiện ở lưu vực sông Mekong của Campuchia. Để thực hiện dự án này, nhà cầm quyền Campuchia đã cưỡng chế người dân tái định cư và phải nhận khoản đền bù “không thỏa đáng”.
HRW nhận định rằng, chính phủ Campuchia và các lãnh đạo của công ty đầu tư không tham vấn đầy đủ với các cộng đồng bị ảnh hưởng trước khi khởi động dự án và bỏ qua đa số các ý kiến quan ngại của họ.
“Họ không hỏi chúng tôi muốn hay cần gì. Tất cả chúng tôi đều phản đối”, một người dân làng tái định cư tên Nhuy cho biết.
Gần 5.000 người Campuchia sống bằng nghề đánh cá và trồng trọt qua nhiều thế hệ giờ chỉ còn lại đất đá và nước không thể uống được.
“Nếu Bắc Kinh muốn duy trì sự ủng hộ cho sáng kiến này, họ cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát để giải quyết tình trạng bất bình ngày càng gia tăng giữa các nước tham gia Vành đai và Con đường, và họ cần phải quan sát lợi ích sát sườn của mình, bởi vì sẽ sớm có sự lựa chọn lớn hơn trong thị trường tài chính cơ sở hạ tầng”, ông Parks đưa ra gợi ý, Breibart cho hay.
Bảo Vân