Huawei tìm cách chiêu mộ nhân tài ngoại quốc để ‘dẫn đầu thế giới’

Kathleen Li

Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) (bên trái) mời nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tham quan quanh văn phòng của đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei ở London, Anh Quốc, trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập tới Anh Quốc vào hôm 21/10/2015. (Ảnh: Matthew Lloyd/AFP/Getty Images) Trung Quốc

Ông Nhậm đã có bài diễn văn tại cuộc họp báo cáo công việc mới đây vào hôm 28/09, tập trung vào việc “thu nhận những nhân tài giỏi nhất trên thế giới.”

Ông nói: “Thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới để sử dụng… Lúc này, chúng ta cần tập trung vào việc thu hút những nhân tài “mũi cao” [Tây phương] và phân bổ nhiều ngân sách hơn cho các viện nghiên cứu ở ngoại quốc.

“Số lượng nhân tài [các sinh viên Trung Quốc] trở về từ Hoa Kỳ sẽ giảm dần do những hạn chế trong việc xin thị thực cho các nghiên cứu sau đại học và tiến sỹ ở Hoa Kỳ. Chúng ta cần tìm ra con đường để có được những nhân tài giỏi nhất. Có nhiều người từ các quốc gia khác đang học tập và làm việc ở Âu Châu và Hoa Kỳ. Đều có thể thu hút tất cả những người đó và sử dụng cho các mục đích của chúng ta.”

Huawei đang tìm kiếm những tài năng 5 sao, 4 sao và 3 sao, như ông Nhậm đã nói rõ ràng, “Không cần tuyển những người dưới 3 sao.” Để thu hút nhân tài phương Tây, ông Nhậm sẵn lòng trả lương cao và đã ra lệnh cho bộ phận nhân sự của mình phải hết sức quan tâm đến nhóm nhân lực đặc biệt này.

Ông nói “Trong những dịp giao lưu học thuật, hợp tác nghiên cứu, và các cuộc thi quốc tế, nếu chúng ta tìm thấy những [người Tây phương] xuất sắc, chúng ta nên kết bạn và thu hút họ. Chúng ta cũng cần phải đi tìm kiếm họ một cách rõ ràng….”

Institut des Hautes Etudes Scientifiques (IHES), một viện của Pháp chuyên nghiên cứu về toán học và vật lý lý thuyết, gần đây đã thông báo trên trang web chính thức của mình rằng ông Laurent Lafforgue, một nhà toán học người Pháp, đã gia nhập Huawei Technologies France.

IHES đã làm việc với Huawei Pháp trong bảy năm qua, và ông Lafforgue bắt đầu làm việc với Huawei từ đầu năm 2017. Hiện đang công tác tại Huawei Technologies France, ông sẽ tiếp tục làm việc về lý thuyết hình học tôpô (topological theory) và hình học đại số cùng với nhóm nghiên cứu trước đây của mình. Ông Lafforgue đã giành được Huy chương Fields năm 2002, một giải thưởng quốc tế dành cho các nhà toán học đứng đầu dưới 40 tuổi.

Việc chiêu mộ nhân tài ngoại quốc Tây phương nhằm đạt được các mục tiêu của Huawei

Mặc dù Huawei đã bị cấm khỏi mạng 5G ở Hoa Kỳ và Úc do liên quan đến các vấn đề an ninh quốc gia, nhưng ông Guo Ping, chủ tịch luân phiên của công ty này, cho biết tại một buổi định hướng cho nhân viên mới vào tháng Tám rằng công ty này sẽ không bao giờ từ bỏ thị trường ngoại quốc và rằng “ngai vàng của ngành điện thoại di động cuối cùng sẽ quay trở lại.”

Huawei đang chờ đợi thời cơ để tái xuất. Đây không phải là một ý tưởng bốc đồng. Từ lâu công ty đã đặt mục tiêu “dẫn đầu thế giới.” Việc thu hút nhân tài Tây phương chỉ là một sự điều chỉnh trong thực tiễn cho thời điểm hiện tại để đạt được mục tiêu này.

Ông Nhậm đã từng nói tại hội nghị tiếp thị giữa năm của Huawei vào năm 2016 rằng “Trong năm năm tới, Huawei sẽ dẫn đầu thế giới, nhưng vẫn chưa có một ban lãnh đạo [đẳng cấp thế giới].” 

Năm năm sau đó, năm 2021, Huawei phải thu hẹp hoạt động tại Hoa Kỳ và Úc do gây lo ngại về an ninh quốc gia, và mục tiêu “dẫn đầu thế giới” trong năm năm đã không thể thành hiện thực.

Tuy nhiên, ông Nhậm hiện vẫn chưa từ bỏ mục tiêu đó. Trong một biên bản ghi nhớ nội bộ của Huawei hồi tháng Năm, ông Nhậm đã kêu gọi các nhân viên “dám dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực nhu liệu.” Bản ghi nhớ cho hay Huawei sẽ chật vật trong việc sản xuất cương liệu tiên tiến trong thời gian ngắn do các ràng buộc bên ngoài và nên tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái nhu liệu như HarmonyOS, Mindspore, khung nhu liệu điện toán AI toàn cảnh và các sản phẩm CNTT khác.

Ông Shen Yang, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, cho biết hồi tháng Bảy rằng chìa khóa của cạnh tranh công nghiệp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là việc ai có thể thực sự phát huy trí tuệ toàn cầu vào trò chơi này. Nếu Trung Quốc có thể tích hợp phần lớn sức mạnh của thế giới, trò chơi sẽ chuyển sang lợi thế của họ.

Bằng cách tuyển dụng các nhân tài Tây phương, Huawei đang tăng cường khả năng cạnh tranh của mình.

Huawei đã chuẩn bị cho mục tiêu của mình từ lâu

Ngay từ năm 1999, Huawei đã thành lập một viện nghiên cứu toán học ở Nga. Vào những năm 2000, Huawei đã thành lập các viện nghiên cứu công nghệ camera ở Munich, Đức và Dubai, UAE. Vào năm 2016, Huawei đã thành lập một viện toán học ở Pháp, viện toán học thứ hai trên thế giới, mở đường cho ông Lafforgue gia nhập vào Huawei trong năm này.

Hồi năm 2019, IHES đã lập ra [tổ chức] Chủ tọa Huawei về Bộ môn Hình học Đại số, và ông Lafforgue đã phục vụ trong tư cách là giáo sư đầu tiên. Vào năm 2020, Huawei hứa sẽ cung cấp 6 triệu euro trong 10 năm tới, trong đó 1 triệu euro sẽ trợ cấp cho Chủ tọa Huawei về Bộ môn Hình học Đại số và 5 triệu euro để trợ cấp cho chương trình “Tài năng Trẻ” của công ty này. Chương trình này tài trợ trung bình bảy suất học bổng sau tiến sĩ IHES mỗi năm. Các nhà nghiên cứu trẻ này làm việc với các giáo sư tại viện này về các chủ đề mà họ quan tâm.

Khoản đầu tư lớn của Huawei vào Pháp đang nhận được sự hỗ trợ từ các nhà khai thác tại Pháp tham gia vào mạng 5G, họ phớt lờ những cảnh báo về an ninh quốc gia từ các chuyên gia tư vấn chính sách của Úc

Mối lo ngại về bảo mật

Ông Fergus Hanson, người đứng đầu chính sách mạng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), nói với News Corp Australia rằng có rất nhiều ví dụ về sự hợp tác giữa nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc và các công ty do Trung Quốc tài trợ. Ngoài ra, công nghệ của Trung Quốc được cho là chứa nhiều rủi ro trong các hình thức ứng dụng khác nhau. Ông Hanson tin rằng Huawei không phải là công ty Trung Quốc duy nhất cần chú ý trong việc đánh giá rủi ro an ninh quốc gia.

Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Bộ Quốc phòng Lithuania đã công bố một báo cáo (pdf) hôm 21/09, tiết lộ rằng các cuộc kiểm tra đối với điện thoại 5G do các nhà sản xuất Trung Quốc sản xuất đã phát hiện ra lỗi bảo mật trong một điện thoại Huawei và các công cụ kiểm duyệt tích hợp trong một điện thoại Xiaomi.

Theo báo cáo này, điện thoại Mi 10T 5G của Xiaomi có chứa nhu liệu có thể phát hiện và kiểm duyệt các từ và cụm từ như “Đài Tiếng nói Hoa Kỳ”, “Tây Tạng Tự do” và “Phong trào Dân chủ [19]89”. Đối với các điện thoại được mã hóa, Xiaomi sẽ gửi dữ liệu sử dụng của chúng đến một máy chủ ở Singapore. Tính đến hiện tại, có tổng cộng 449 thuật ngữ tiếng Trung có thể bị kiểm duyệt bởi trình duyệt internet mặc định của Xiaomi và các ứng dụng hệ thống khác, đồng thời các thuật ngữ bằng tiếng Trung này liên tục được cập nhật.

Ông Margiris Abukevicius, Thứ trưởng Quốc phòng Lithuania, nói với các phóng viên khi công bố báo cáo rằng “Khuyến cáo của chúng tôi là không mua các điện thoại mới của Trung Quốc, và hãy vứt bỏ những điện thoại đã mua càng nhanh càng tốt.”

Tịnh Nhi biên dịch

Related posts