Thục Quyên
23-10-2021
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang buộc Mỹ phải tập trung vào Đông Nam Á, khiến Mỹ không còn dồi dào nguồn lực để đầu tư vào nền an ninh Âu châu. Với Mỹ, kịch bản tồi tệ nhất là một cuộc chiến tranh với hai mặt trận cùng lúc với Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, nền an ninh của Âu châu thì cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi hai cường quốc này xích lại gần nhau.
Xu hướng xích lại với nhau của Trung Quốc và Nga càng ngày càng rõ rệt trong những năm gần đây.
Bắc Kinh và Moscow tuy chưa thành lập liên minh nhưng đã hợp tác với nhau trong các vấn đề ngoại giao và an ninh. Lập trường của họ tương tự nhau về nhiều vấn đề quốc tế; họ thường ủng hộ thế đứng của nhau trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, họ đang mở rộng hợp tác quốc phòng, đánh dấu bằng việc bán vũ khí tối tân của Nga cho Trung Quốc như hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35. và một loạt các cuộc tập trận chung dồn dập trên bộ cũng như của hải quân và không quân. Với thu nhập từ việc bán vũ khí cho Trung Quốc, Nga tài trợ cho nghiên cứu và phát triển quân sự, từ đó mở rộng sức mạnh kỹ thuật của mình.
Quan hệ đối tác giữa hai cường quốc này làm phức tạp thêm chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ. Mối quan hệ thắt chặt giữa Trung Quốc và Nga đưa tới việc ủng hộ chiến lược lẫn nhau và đôi bên đều giảm bớt nỗi lo lắng đối tác có thể quay lưng và ngã sang phe Âu-Mỹ. Điều này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho Bắc Kinh và Moscow để rảnh tay củng cố các phạm vi ảnh hưởng trong khu vực của họ: Bắc Kinh tại Hồng Kông, Biển Đông… và Moscow tại Ukraine, Trung Đông…
Hành động phối hợp của Trung-Nga ở Âu châu cho tới nay chỉ có thể được quan sát ở một mức độ hạn chế, nhưng mỗi nước này đều đã hành động theo cách của riêng mình để làm suy yếu an ninh khu vực.
Cả Trung Quốc và Nga cũng đều đang dốc sức trang bị quân sự cho mình. Điều này cùng lúc gây áp lực lên Hoa Kỳ tại hai khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Euro – Đại Tây Dương, và khiến Hoa Kỳ khó thực hiện nghĩa vụ an ninh đối với đồng minh. Chỉ một cuộc chiến chống lại một trong hai quốc gia trong vài kịch bản, chẳng hạn như chống lại Nga vì các nước Baltic hoặc chống lại Trung Quốc vì Đài Loan, sẽ gây ra cho Hoa Kỳ những khó khăn to lớn. Rủi ro lớn nhất đối với Washington là một cuộc chiến được tiến hành trên hai mặt trận cùng một lúc. Trong mọi trường hợp, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đang buộc Mỹ phải quan tâm nhiều hơn, đổ nguồn lực và phương tiện quân sự tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, và điều này có nghĩa là Âu châu ngày càng phải tự gánh trách nhiệm bảo vệ an ninh của chính mình.
Trung Quốc và Nga đã trở nên thân thiết hơn trong những năm gần đây khi quan hệ của họ với phương Tây ngày càng xấu đi. Nhưng đây không phải là động lực duy nhất thúc đẩy sự hợp tác của họ. Tình trạng yếu kém, dễ bị tổn thương của các vùng miền Đông của Nga khiến Nga khó có thể cắt đứt với Trung Quốc, trong khi chỉ riêng những căng thẳng với các quốc gia láng giềng cũng đủ để khuyến cáo Trung Quốc không thể ra khỏi mối quan hệ hữu nghị với Nga.
Năm 2020 quất một ngọn gió ngược vào mối quan hệ Moscow – Bắc Kinh với Âu châu. Trong trường hợp của Nga, vụ đầu độc thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny bằng chất độc hóa học Novichok đã gây phẫn nộ ở phương Tây, còn đại dịch corona đã đẩy Trung Quốc vào thế bị các chính trị gia và dân chúng Âu châu cáo buộc đã che đậy sự bùng phát dịch bệnh và ngoan cố chối bỏ trách nhiệm của mình.
Như để phản ứng, quan hệ Trung – Nga càng có vẻ vững chắc. Vào tháng 10/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, ông có thể hình dung một liên minh trong tương lai với Trung Quốc.
Các chính phủ phương Tây đang theo dõi với mối quan tâm ngày càng tăng
Đối với NATO, Nga vẫn là một thách thức lớn với chương trình tăng cường trang bị vũ khí quy ước, cũng như vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó là các thủ thuật tuyên truyền gây ảnh hưởng mà Moscow muốn dùng để thay đổi quan điểm có lợi cho mình và chia rẽ các xã hội phương Tây.
Không giống như Nga, Trung Quốc không phải là mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Âu châu, nhưng Bắc Kinh có thể sử dụng các phương tiện chiến tranh mạng hoặc năng lực công nghệ, thí dụ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, để ảnh hưởng lên đời sống người dân Âu châu. Xét cho cùng thì với vai trò trọng tâm trong các chuỗi cung ứng quan trọng, Trung Quốc đã và đang hoàn toàn có khả năng nắm “Lục Địa Già” trong tay mình.
Mỹ tìm cách trở lại
Chính phủ Trump chấm dứt nhiệm kỳ là cơ hội cho Hoa Kỳ thoát khỏi màng lưới mà Trung Quốc và Nga đã cùng nhau tung ra để cô lập Mỹ.
Tổng thống Biden tức tốc hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình và báo hiệu ông đã chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc và Nga về nhiều vấn đề khác nhau. Chính phủ của ông một lần nữa cam kết chắc chắn với NATO, và muốn giành được Âu châu dứt khoát về phía Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Các đồng minh Âu châu rất hoan nghênh cam kết mới của Washington đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đúng lúc các cuộc tranh luận về quyền tự chủ chiến lược của Âu châu và xây dựng một quân đội độc lập theo quan điểm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không có nhiều tiến bộ. Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer coi quyền tự chủ chiến lược của châu Âu chỉ là ảo tưởng, vì châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ trong tương lai gần, đặc biệt là bảo vệ thông qua răn đe hạt nhân.
Mặt khác, tạo dựng được một phương cách chung để tiếp cận Trung Quốc và Nga không hề dễ dàng để thực hiện. Mỹ và các đối tác Âu châu không phải lúc nào cũng có cùng lợi ích. Đức và Pháp chưa chấp nhận được ý tưởng của Biden kéo các nền dân chủ phương Tây vào một cuộc đối đầu quyết liệt với các cường quốc độc tài Trung Quốc và Nga. Dư âm cuộc rút quân khỏi Afghanistan của Hoa Kỳ không gây ảnh hưởng thuận lợi. Việc Đức ủng hộ thỏa thuận đầu tư toàn diện của EU với Trung Quốc và đường ống Nord Stream 2 từ Nga lại thể hiện mong muốn của Berlin trong việc tách biệt các mục tiêu chính sách kinh tế và an ninh.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 Vũ điệu Rồng Tàu – Gấu Nga vẫn đang linh động, lúc khoe sắc lúc giương nanh vuốt, vờn bắt những con mồi nhỏ.