Ngày 19 tháng Giêng và bài học quốc gia đồng lòng

Lê Học Lãnh Vân

1) Từ bốn mươi bảy năm nay, ngày 19/1 là một ngày nhức nhối tâm can người Việt. Chừng nào chúng ta hay con cháu chúng ta chưa đòi lại được Hoàng Sa, ngày đó còn gây nhức nhối!

Rất nhức nhối, bởi vì đó là mảnh đất thiêng liêng cha ông để lại. Mảnh đất ấy bị Trung Cộng đem quân đánh cướp trên tay, ngay trước mắt chúng ta!

Rất nhức nhối vì mảnh đất một phần của đất nước đó bị chiếm ngay khi Việt Nam bị chia cắt làm Miền Bắc và Miền Nam, và hai Miền đang đánh nhau khốc liệt vì một Miền tin rằng Miền kia đang bị cướp nước và bị bán nước!

Rất nhức nhối bởi vì Trung Cộng chính là kẻ cung cấp vũ khí cho Miền Bắc, và khi hai Miền đang ở đỉnh cao của cuộc chiến tàn khốc hủy hoại sinh lực dân tộc thì Trung Cộng tung quân chiếm đất của Miền Nam, đất của mọi người dân Việt cả Bắc lẫn Nam!

Rất nhức nhối bởi vì từ những hòn đảo Trung Cộng chiếm ngày 19/1/1974 họ đã xây dựng một thực thể quân sự trở thành thế lực mạnh nhất Biển Đông, uy hiếp ghê gớm toàn bộ Việt Nam từ mặt Biển Đông. Một thế rất mạnh của Việt Nam là bờ biển dài đã suy yếu nghiêm trọng, và Biển Đông lại trở thành nguy cơ rất lớn của Tổ Quốc!

2) Bài học lịch sử nào cần được rút ra? Những câu hỏi và những chữ NẾU cần được nêu lên? Hai câu hỏi dưới đây được nghe không ít lần từ những buổi chuyện trò thong thả. Người viết xin ghi lại…

Câu hỏi thứ nhất: Nếu ngày ấy, hai Miền Việt Nam không đang đánh nhau tàn khốc thì Trung Cộng, với thực lực kinh tế và quân sự của họ lúc đó, có thể chiếm đảo Việt Nam được không?

Câu hỏi thứ hai: Nếu ngày ấy, khi Trung Cộng đã chiếm đảo, hai Miền hợp tác phản đối, phản công, hay nếu Miền Nam được giảm uy hiếp từ cuộc chiến tương tàn giữa hai Miền để tổ chức phản công dùng không quân chiếm lại đảo đã mất, thì Miền Nam có giành lại được các đảo đó không? Nhớ rằng lúc đó không quân Việt Nam mạnh nhất Đông Nam Á và Trung Cộng chưa có không quân trong vùng này.

Hai câu hỏi trên quá lớn nên người viết không dám trả lời. Chỉ xin được lắng nghe từ giới chuyên môn…

Câu hỏi thứ ba:

Nếu câu trả cho câu thứ nhất là năm 1974 Trung Cộng không thể chiếm đảo của Việt Nam nếu hai Miền Việt Nam không đánh nhau, và

Nếu câu trả lời cho câu thứ hai là lúc đó Việt Nam Cộng Hòa, với thực lực không quân của mình và không bị uy hiếp bởi nội chiến, có thể đánh bật quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ.

Thì rõ ràng Việt Nam mất đảo là do chính mình đã chia rẽ và tương tàn để nước ngoài lợi dụng. Nước ngoài tích cực nhất giúp Miền này của Việt Nam đánh Miền kia chính là kẻ kiên nhẫn đợi lúc cả hai Miền suy kiệt thì ra tay chiếm đảo của người Việt chung nguồn cội Tiên Rồng! Kẻ đó bây giờ chắc rất rất nhiều người Việt đã biết rõ mặt!

Bài học lớn nhất là khi quốc gia không đồng lòng thì Tổ Quốc bị rứt đi từng mảng thịt. Láng giềng Việt Nam là một quốc gia rất lớn xuất thân phong kiến châu Á, nếu đất nước không bao dung, khoan hòa nhau thì cái họa Tổ Quốc bị lăng trì e chẳng còn xa!

3) Bài học có đang được học?

Hiện nay Việt Nam không còn phân tranh quân sự Nam – Bắc.

Nhưng phân tranh đâu chỉ là quân sự! Sau khi đất nước thống nhất về chính quyền và lãnh thổ, có không những biểu hiện phân chia khác?

Các vùng miền khác nhau của quốc gia Việt Nam có một sự bình đẳng về phát triển kinh tế chưa?

Giữa các vùng miền, thành phần dân chúng khác nhau, đã có chưa một chính sách phát triển đồng đều, và sự thực thi chính sách đồng đều, được nhiều người dân cảm nhận là đồng đều, về cơ sở hạ tầng như các công trình giao thông, hệ thống đường cao tốc? Giữa các vùng miền, thành phần khác nhau, đã có cơ hội đồng đều tiếp cận các cở sở giáo dục? Đã có cơ hội đồng đều tham gia bộ máy hành chánh công?

Đã có một sự phân công đồng đều của các vùng miền về trách nhiệm và số lượng đóng góp cho quốc gia?

Bài viết không đù sức trả lời các câu hỏi rộng lớn trên. Tuy nhiên, khi nào chưa có những sự đồng đều nói trên, ít nhất là đồng đều một cách tương đối và người dân cảm nhận được sự đồng đều đó, thì quốc gia còn chia rẽ, chưa đồng lòng, và chưa thể phát triển xứng với tiềm năng dân tộc.

Quốc Gia đồng lòng, bài học sinh tồn đáng giá nhất cho Tổ Quốc, sau bốn mươi bảy năm, người Việt đã học tới đâu? Trong hoàn cảnh kẻ chiếm đất đang phát triển như vũ bão khiến cả thế giới e sợ… Trong hoàn cảnh tốc độ quân sự hóa các đảo họ đã chiếm từ Việt Nam đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh…

Bài viết tin rằng khi quốc gia đồng lòng, Việt Nam đủ sức giàu mạnh và trở lại, một cách hòa bình, quản lý những vùng đất vừa bị chiếm trên tay. Việt Nam không nghèo yếu nếu Việt Nam không chia rẽ. Mong sao người Việt bỏ qua hết chia rẽ cũ và từ nay quốc gia đồng lòng phát triển. Mong sao chính phủ thúc đẩy và quản lý sự đồng lòng của quốc gia một cách hiệu quả!

Ngày 19 tháng 01 năm 2021

Related posts