Winnie Han
Bộ phim truyền hình Nam Hàn của Netflix “Squid Game” (hay Trò chơi Con mực, dựa theo trò chơi quen thuộc của trẻ em) đã trở thành bộ phim truyền hình nổi tiếng nhất trong lịch sử của nền tảng này. Bộ phim đã vượt mốc 132 triệu lượt xem chỉ trong 23 ngày sau khi ra mắt và đứng đầu tại hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới. Một nhà làm phim tài liệu Nam Hàn cho rằng thành công của bộ phim có thể chấm dứt sự phụ thuộc của ngành công nghiệp điện ảnh Nam Hàn vào nguồn tiền của Trung Quốc.
Seri phim phản địa đàng này, trong đó các thí sinh đang rất cần tiền chơi các trò chơi của trẻ em có biến tấu chết người để giành giải thưởng tiền mặt, là seri phim Nam Hàn đầu tiên đạt vị trí số Một tại Hoa Kỳ, tạo ra gần 900 triệu USD giá trị cho công ty này.
Khoảng 95% người xem “Squid Game” là ở ngoài Nam Hàn. Netflix cho biết bộ phim đã được dịch phụ đề sang 31 ngôn ngữ và được lồng 13 thứ tiếng.
Các bộ phim truyền hình Nam Hàn từ lâu đã có một lượng lớn người hâm mộ trên khắp Á Châu và đã được người Âu Châu, châu Mỹ Latinh, và Hoa Kỳ xem thông qua các dịch vụ phát trực tuyến khác. Nhưng những địch thủ đó không sản xuất nhiều nội dung nguyên bản, kinh phí lớn hay tự hào về khả năng phát trực tuyến của Netflix, vốn đã bắt đầu những nỗ lực của họ tại Nam Hàn hồi năm 2016.
Đại nền tảng phát trực tuyến của Hoa Kỳ cho biết họ đã đầu tư khoảng 700 triệu USD cho các bộ phim và chương trình truyền hình của Nam Hàn từ năm 2015 đến năm 2020. Riêng năm nay, Netflix có kế hoạch chi nửa tỷ dollar.
Kể từ đó, Netflix đã giới thiệu khoảng 80 bộ phim và seri phim Nam Hàn, và lượng xem phim truyền hình Nam Hàn tại Hoa Kỳ đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, Netflix cho biết thêm.
Ngành công nghiệp điện ảnh Nam Hàn giảm phụ thuộc vào nguồn tiền Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Deckard Choi, một nhà làm phim tài liệu Nam Hàn, nói rằng ông thấy thành công của “Squid Game” là một lợi thế cho Nam Hàn, tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện ảnh Nam Hàn cắt giảm sự phụ thuộc của mình vào tiền của Trung Quốc.
Ông Choi cho biết, “Trên thực tế, thị trường văn hóa Nam Hàn bị chi phối bởi tiền của Trung Quốc. Không quá lời khi nói rằng thị trường này hầu như hoàn toàn dựa vào nguồn vốn của Trung Quốc. Tôi nghĩ thành công của ‘Squid Game’ đã cho thấy một tương lai tươi sáng cho ngành điện ảnh của Nam Hàn”.
Ông Choi nói thêm, “‘Squid Game’ đã thích ứng được với nhu cầu thay đổi. Khán giả đã quá mệt mỏi với những bộ phim truyền hình nhàm chán giống nhau trên truyền hình Nam Hàn. Mức độ đánh giá của khán giả đang được cải thiện, các bộ phim truyền hình Nam Hàn cần phải thay đổi và ‘Squid Game’ đã làm được điều đó”.
Ông Choi tin rằng Squid Game kể một câu chuyện rất thực tế; seri phim minh họa cuộc sống đời thường giữa những người quá giàu và quá nghèo. Mặc dù bộ phim này là một thành công toàn cầu, nhưng nó chứa đựng nhiều tài liệu tham khảo về văn hóa Nam Hàn. Nhiều người coi bộ phim này là mang tính phổ biến đồng thời [đậm chất] “Nam Hàn”. Do đó được cả trong nước lẫn quốc tế ưa chuộng.
Chỉ khi sống dưới một hệ thống tư bản chủ nghĩa mới có thể có quyền tự do làm ‘điều Thiện’
Biên kịch kiêm đạo diễn Hwang Dong-hyuk của Squid Game cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Variety, “Tôi muốn viết một câu chuyện ngụ ngôn hoặc truyện hoang đường về xã hội tư bản hiện đại, một thứ gì đó mô tả sự cạnh tranh khắc nghiệt, phần nào giống như sự cạnh tranh khắc nghiệt của cuộc sống. Nhưng tôi muốn sử dụng kiểu nhân vật mà tất cả chúng ta đã gặp trong đời thực”.
Ông Hwang muốn trò chơi này được mô tả đơn giản và dễ hiểu để khán giả có thể tập trung vào các nhân vật.
Mặc dù đã hoàn thành kịch bản đầu tiên cho Squid Game vào năm 2009, nhưng bộ phim này đã bị gác lại trong khoảng mười năm. Khi đó, công ty điện ảnh và truyền hình Nam Hàn cho rằng cốt truyện này phức tạp và không có giá trị thương mại nên từ chối đầu tư.
Ông Hwang tin rằng lý do cho sự thành công toàn cầu của Squid Game là “tính đơn giản” và “người xem có thể dễ dàng đồng cảm với nhân vật”. Khán giả trên toàn thế giới có thể cảm nhận được khoảng cách giàu nghèo và bản chất rõ ràng của con người dưới sự bất toàn của chủ nghĩa tư bản. Đồng thời, khán giả Nam Hàn được nhìn thấy những nhân vật quen thuộc xung quanh mình ngoài đời.
Sau khi Squid Game trở thành một hiện tượng toàn cầu, Bắc Hàn nói rằng seri phim này đã phơi bày “thực tế tàn khốc” của xã hội tư bản Nam Hàn. Đáp lại những lời chỉ trích này, nhà bình luận Nam Hàn Hwang Sun Woo nói rằng “bản thân chủ nghĩa tư bản không hoàn hảo, nhưng chỉ dưới một hệ thống tư bản chủ nghĩa mới có quyền tự do làm ‘điều Thiện’”.
Ông Hwang nói rằng các nền văn hóa có thể ảnh hưởng đến thế giới quan của mọi người một cách vô thức. Các nhà làm phim sản xuất ra những thước phim dựa trên thế giới quan của họ. Và mọi người cần học cách xác định những thành kiến trên truyền hình và phim ảnh và tự mình xác định điều gì là đúng và sai.
Ông Hwang cho hay, “Chẳng hạn, ‘Squid Game’ chứa đựng nhiều thế giới quan, và trong số đó, có một thành kiến chống lại chủ nghĩa tư bản. Nếu quý vị chỉ đơn giản chấp nhận thành kiến của nó, quý vị sẽ nghĩ rằng chủ nghĩa tư bản là xấu. Tuy nhiên, nếu quý vị đánh giá thành kiến này từ góc độ trung lập, quý vị có thể thấy rằng điều đó không phải lúc nào cũng như vậy và có khả năng đưa ra một kết luận khác”.
Cô Winnie Han hiện đang đưa tin về Trung Quốc cho The Epoch Times.
An Nhiên biên dịch