Hôm 23/10, cơ quan lập pháp ‘con dấu cao su’ (rubber-stamp) của Trung Quốc đã thông qua một bộ luật biên giới trên đất liền trong bối cảnh bế tắc kéo dài về vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ.
Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2022, và được đưa ra sau khi Trung Quốc tăng cường hoạt động dọc theo biên giới tranh chấp của họ với Ấn Độ và Bhutan, được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), tại biên giới Himalaya của Trung Quốc.
Tại Đường Kiểm soát Thực tế này, binh lính Trung Quốc đã ở trong một tình thế bế tắc với binh sĩ Ấn Độ kể từ tháng 04/2020, với các cuộc đụng độ bạo lực, gây thương vong nổ ra hồi tháng Năm, và kết thúc bằng [một cuộc giao tranh] thực sự hồi tháng Sáu. Các cuộc đàm phán liên tiếp được tổ chức giữa tư lệnh quân đoàn của hai bên, hiện là vòng [đàm phán] thứ 13, một lần nữa đã không đạt được giải pháp vào ngày 10/10/2021.
Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) ở Bắc Kinh đã đưa ra một bộ luật chuyên ngành quy định cụ thể cách nhà cầm quyền này quản lý và bảo vệ biên giới trên đất liền dài 22,000 km (14,000 dặm) tiếp giáp với 14 quốc gia, bao gồm cả cựu siêu cường Nga, Bắc Hàn, Mông Cổ.
Luật này nói rằng Trung Quốc sẽ chính thức kết hợp việc bảo vệ biên giới trên đất liền của mình với các nỗ lực nhằm tăng cường phát triển kinh tế và xã hội ở các khu vực biên giới, bao gồm cả khu vực Đường Kiểm soát Thực tế đang tranh chấp.
Luật nêu rõ nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp để “hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội cũng như mở cửa vùng biên với thế giới bên ngoài, cải thiện các dịch vụ công cộng và cơ sở hạ tầng ở những khu vực này, khuyến khích cũng như hỗ trợ cuộc sống và công việc của nhân dân biên giới, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp xây dựng biên phòng và kinh tế-xã hội vùng biên”.
Các cuộc biểu tình ở Ấn Độ đã nổ ra trước việc Trung Quốc xây dựng một ngôi làng trên khu đất thuộc tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực mà Trung Quốc đã biện hộ bằng cách nói rằng họ “chưa bao giờ công nhận” các yêu sách của Ấn Độ ở khu vực đó.
Luật trên cũng khẳng định Trung Cộng sẽ “thực hiện các biện pháp hữu hiệu để kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới trên bộ”, nói thêm rằng [Trung Quốc] sẽ “bảo vệ và chống lại bất kỳ hành động nào” làm suy yếu các yêu sách lãnh thổ và biên giới đất liền của Trung Quốc.
Quân đội và cảnh sát quân sự Trung Quốc – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc — chịu trách nhiệm canh gác và bảo vệ biên giới, chống lại mọi “cuộc xâm lược, lấn chiếm, xâm nhập, khiêu khích”, luật tiếp tục.
Luật này quy định rằng Trung Quốc có thể đóng cửa biên giới của mình, nếu một cuộc chiến tranh hoặc xung đột có vũ trang khác gần đó đe dọa đến an ninh biên giới.
Yến Nhi biên dịch.