Antonio Graceffo
Đề ủng hộ việc người dân Trung Quốc tẩy chay các công ty ngoại quốc không tuân theo đường lối của Trung Cộng, Global Times, hãng truyền thông nhà nước viết: “Nhiều công ty ngoại quốc đã bị cư dân mạng Trung Quốc phải đối kịch liệt… H&M, Nike và những công ty khác hiện đang chịu tổn thất nặng nề về danh tiếng của họ tại thị trường Trung Quốc.”
Các thương hiệu ngoại quốc bị ảnh hưởng khi Trung Quốc hướng nội. Biên giới của Trung Quốc đã được đóng cửa trên thực tế kể từ tháng 03/2020. Du khách cần có sự chấp thuận đặc biệt của chính phủ và phải cách ly trong vòng 28 ngày. Các công ty đa quốc gia đã không thể cử các nhà quản lý hoặc kỹ sư cao cấp đến nước này, trong khi việc luân chuyển và thay thế nhân viên phần lớn đang bị tạm dừng. Các quy định nghiêm ngặt về COVID-19, khiến người ngoại quốc khó nhập cảnh vào Trung Quốc, đã khiến doanh số bán hàng giảm và tác động tiêu cực đến hoạt động của các công ty ngoại quốc.
Cả các công ty Hoa Kỳ và EU đều báo cáo nhiều bằng chứng về sự ưu ái của chính phủ đối với các doanh nghiệp trong nước, cũng như vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế được cho là thị trường. “Mua hàng Trung Quốc” thậm chí đã trở thành một phần của các chính sách mua sắm công. Ngoài ra, Bắc Kinh đã trợ cấp cho các nhà sản xuất các sản phẩm chiến lược, chẳng hạn như chất bán dẫn, máy bay, và ô tô điện, trong nỗ lực đạt được khả năng tự lực cao hơn. Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu cho rằng việc Trung Cộng chú trọng đến an ninh quốc gia và sự tự cường có thể khiến các công ty ngoại quốc xa lánh, đồng thời gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc.
Việc thúc đẩy tự lực, được nêu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Cộng, có nghĩa là Bắc Kinh phải tiếp tục bơm hàng trăm tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển để thay thế các công nghệ tiên tiến của ngoại quốc. Năm 2020, Trung Cộng đã chi 372 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển, tăng 10% so với năm trước. Khoản chi này xảy ra vào thời điểm nợ công đang ở mức khủng khiếp và nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.
Ngoài rủi ro kinh tế, cả các công ty trong nước và ngoại quốc ở Trung Quốc đều phải đối mặt với rủi ro chính trị và pháp luật. Ngay sau đợt IPO của ứng dụng gọi xe Didi của Trung Quốc, công ty này đã bị yêu cầu tạm dừng việc đăng ký tài khoản mới. Trong một sự tấn công ngẫu nhiên khác của luật pháp, các công ty giáo dục đã được lệnh ngừng cung cấp các lớp học với giáo viên ngoại quốc. Wall Street English, nhà cung cấp các lớp học tiếng Anh lớn nhất ở Trung Quốc, đã buộc phải đóng cửa hầu hết hoặc tất cả các hoạt động trong nước. Hậu quả là, thị trường giáo dục trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc đã mất khoảng 60% giá trị gần như chỉ sau một đêm.
Các công ty đa quốc gia nhận thức rõ ràng thực tế rằng những thay đổi trong quy định có thể, ngay lập tức, làm giảm khả năng kinh doanh của họ, trong khi các sự kiện địa chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của họ có thể gây ra sự đảo ngược của dư luận, dẫn đến việc tẩy chay.
Các thương hiệu quốc tế, chẳng hạn như H&M, Nike, và Zara, gần đây đã phải đối mặt với sự tẩy chay ở Trung Quốc do lên tiếng phản đối việc Trung Cộng đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Các thương hiệu Nhật Bản Muji và Uniqlo đã chứng kiến doanh số bán hàng của họ giảm mạnh sau khi đứng về phía cộng đồng quốc tế về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Năm 2012, các sản phẩm của Nhật Bản là mục tiêu bị tẩy chay do tranh chấp quần đảo Senkaku. Bây giờ, vào năm 2021, các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc giảm mạnh do thiếu hụt chuỗi cung ứng và các hạn chế COVID-19.
Những người trẻ yêu nước đang thay đổi thói quen mua hàng của họ, sử dụng các thương hiệu trong nước, trong khi bỏ qua hàng nhập cảng. Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang chuyển sự trung thành của họ từ Starbucks sang HeyTea và từ Coke Zero sang Yuanqi Senlin. Công ty sản xuất đồ thể thao Li-Ning đã có sự gia tăng về doanh số bán hàng sau khi thông báo rằng thành viên nhóm nhạc nam kiêm diễn viên Xiao Zhan sẽ là đại sứ thương hiệu mới của họ. Mỗi bài báo về quần áo anh này chạm vào đều đã lan truyền mạnh mẽ.
Sự kết hợp giữa xung đột chính trị và chủ nghĩa dân tộc đã ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến các sản phẩm của Hàn Quốc. Sự thất bại về địa chính trị và dư luận từ việc Hàn Quốc chấp nhận Hệ thống Phòng thủ Khu vực Độ cao Nhà ga của Mỹ (THAAD) đã kết thúc nhiều thương hiệu và nhà mốt Hàn Quốc, từ phim truyền hình đến K-pop. Các nhà sản xuất xe hơi Hàn Quốc đã chứng kiến doanh số bán hàng tại Trung Quốc của họ giảm 7.7% trong năm 2016 xuống 4% trong sáu tháng đầu năm 2020. Doanh số bán mỹ phẩm Hàn Quốc đã giảm từ 27% năm 2016 xuống 18.9% vào năm 2020. Và thị phần điện thoại thông minh Hàn Quốc ở Trung Quốc đã giảm từ 4.9% vào năm 2016 xuống dưới 1% vào năm 2019.
Trước khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, các khiếu nại chống lại chế độ Trung Quốc vẫn tồn tại như về việc bị cưỡng bức chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, bị hạn chế quyền tiếp cận một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế Trung Quốc và sự cần thiết phải có đối tác liên doanh trong nhiều lĩnh vực. Các vấn đề tiếp diễn khác mà các công ty ngoại quốc phải đối mặt là thiếu minh bạch và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào và ra.
Nhiều doanh nghiệp ngoại quốc đã báo cáo rằng có thể cần phải chuyển giao công nghệ để được chấp thuận thực hiện nghiên cứu và phát triển, hoặc để đáp ứng các quy định về xuất cảng. Chuyển giao quyền sở hữu cưỡng bức đôi khi là một yêu cầu để đạt được nhượng bộ thương mại. Các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ ngoại quốc, ưu tiên cho các SOE hoặc loại bỏ hoàn toàn người ngoại quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các SOE, nhận được chỉ đạo của chính phủ, các nguồn lực, và sự hỗ trợ về pháp lý. Chính phủ cấp tỉnh và địa phương cũng có thể là những cổ đông quan trọng trong các SOE, thiên vị khi ra quyết định của họ đối với các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc.
Bất chấp những vấn đề nói trên, cũng như nạn tham nhũng tràn lan, các thành viên Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rủi ro tuân thủ quy định là trở ngại lớn nhất mà các công ty ngoại quốc phải đối mặt. Các quy định thường thay đổi ngay lập tức, không cho các công ty đủ thời gian để điều chỉnh và tuân thủ.
Những thay đổi về quy tắc dường như đang đi theo hướng kiểm soát của nhà nước nhiều hơn, thay vì tự do hóa và tăng độ mở đối với các công ty ngoại quốc.
Rủi ro kinh doanh ngày càng tăng ở Trung Quốc cuối cùng có thể dẫn đến giảm đầu tư của ngoại quốc. Ví dụ, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã giảm 23% vào năm 2020. Tương tự, đầu tư tích lũy của Úc vào Trung Quốc giảm hơn 20 tỷ USD trong năm ngoái.
Cho đến nay, 13% thành viên Phòng Thương mại Hoa Kỳ nói rằng họ đã giảm các khoản đầu tư theo kế hoạch vào Trung Quốc. Đầu tư liên quan đến công nghệ của Mỹ-Trung đã giảm 96% từ năm 2016 đến năm 2020, một xu hướng dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai. Theo Global Times, những ảnh hưởng đối với nền kinh tế nói chung có thể đã được nhìn thấy khi tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc trong năm nay chỉ đạt 4.9%.
“Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Lưu Đức biên dịch