Haizhong Ning và Chang Chun
Chương trình “Sự thịnh vượng chung” đã làm mưa làm gió ở Bắc Kinh kể từ tháng Tám. Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã nhiệt tình hưởng ứng chương trình này bằng các hoạt động quyên góp từ thiện và cam kết trung thành với Đảng thông qua các hoạt động tập thể.
Khi lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình yêu cầu “sự thịnh vượng chung”, ông ta đã để mắt đến sự giàu có quá mức của các tỷ phú Trung Quốc và gọi chương trình này là “một yêu cầu thiết yếu của chủ nghĩa xã hội”, biện pháp sẽ minh họa cách thức “Trung Quốc nỗ lực tăng thu nhập của những người thuộc nhóm thu nhập thấp và mở rộng nhóm thu nhập trung bình”.
Các nhà quan sát nhớ lại số phận của các khu vực tư nhân Trung Quốc dưới sự cai trị của cộng sản kể từ thời ông Mao Trạch Đông; trong số rất nhiều tổ chức trung thành quỳ gối trước Đảng chỉ để tồn tại, vẫn có những tổ chức cứng rắn giữ vững phẩm giá của mình.
Tư bản đỏ
Hôm 14/10, phương tiện truyền thông xã hội của chế độ Trung Cộng “@XinhuaFinancial” đã đăng hình ảnh một nhóm doanh nhân-đảng viên trong một buổi học về triết lý cầm quyền của ông Tập Cận Bình tại một học viện của Đảng ở tỉnh Chiết Giang.
Trước đó, truyền thông nhà nước đưa tin hơn 30 doanh nhân Trung Quốc thuộc Đảng đã đến thăm hội trường lưu niệm họp mặt cơ quan lập pháp danh nghĩa đầu tiên của Trung Cộng để tìm hiểu về triết lý cầm quyền của ông Tập vào ngày 08/10.
Mặc dù chủ nghĩa cộng sản được thành lập với tư cách là một đảng của giai cấp công nhân để chống lại sự áp bức từ giai cấp thương nhân, giai cấp tư sản; sau khi cải cách và mở cửa, chế độ này đã áp dụng triết lý cầm quyền của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân là hấp thụ “các tổ chức xuất sắc của khu vực tư nhân vào Đảng” vào năm 2001.
Ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của tạp chí trực tuyến Mùa xuân Bắc Kinh, nói với tờ The Epoch Times tiếng Trung rằng kể từ khi cải cách và mở cửa, Trung Cộng đã thực sự áp dụng cách tiếp cận của chủ nghĩa tư bản.
Ông Hồ nói, “ông Giang Trạch Dân đã cho phép các nhà tư bản gia nhập Đảng. Điều đó lạ phải không? Chủ nghĩa cộng sản lẽ ra phải loại bỏ giai cấp tư sản”.
Đối với tuyên truyền của nhà nước về lời cam kết trung thành với Đảng của các thành phần tư nhân, nhà báo Vương Hách (Wang He) nói với The Epoch Times rằng, “Đó là một chiến dịch cho phong trào ‘sự thịnh vượng chung’, và có lẽ sẽ còn nhiều hoạt động tiếp theo nữa”.
Ảnh hưởng của sự thịnh vượng chung
Trước đó, The Epoch Times đã đưa tin rằng sau vụ đàn áp các đại công ty internet và các cơ sở giáo dục ngoài trường học, lời kêu gọi về sự thịnh vượng chung của ông Tập vào tháng Tám là một tín hiệu báo động đối với các tỷ phú Trung Quốc. Các nhà cung cấp nền tảng internet của Trung Quốc như Tencent, Alibaba, và Pinduoduo đã cam kết chi hàng trăm tỷ USD để hưởng ứng chiến dịch vì sự thịnh vượng chung của ông Tập.
Trong một làn sóng làm từ thiện gần đây, Tencent một lần nữa dẫn đầu cung cấp quỹ cứu trợ 7.8 triệu USD cho các nạn nhân lũ lụt ở Sơn Tây, tiếp theo là những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Ant và ByteDance. Người ta ước tính rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đã quyên góp được gần 47 triệu USD chỉ trong hai ngày.
Hôm 11/10, nhà phát triển bất động sản tư nhân Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), người sáng lập Wanda Group, thông báo rằng ông và các giám đốc điều hành cấp cao từ phó chủ tịch trở lên sẽ chuyển phương tiện của họ sang “xe hơi Cờ đỏ Trung Quốc”.
Ông Hồ Bình nói, “Đối mặt với những khó khăn kinh tế của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã lợi dụng cái gọi là thịnh vượng chung để sách nhiễu các khu vực tư nhân, thu vén của cải của họ nhân danh các trách nhiệm xã hội như thuế và từ thiện”.
Ông cho biết mục tiêu của ông Tập là giữ một tên tuổi tốt cho bản thân. Tổ chức từ thiện của khu vực tư nhân được ông Tập gọi là “Triết lý phát triển lấy con người làm trung tâm” và ông ta kêu gọi “nỗ lực đạt được sự thịnh vượng chung thông qua phát triển chất lượng cao”.
Ông Hồ cho biết đó là một phần trong trò chơi hình ảnh của ông Tập, “Mục đích của ông ta là xây dựng một xã hội nơi chỉ Đảng là có quyền tối cao, chỉ có nhà lãnh đạo của nó là vĩ đại nhất, và Đảng có quyền với mọi thứ mà nó thấy”.
Ông Vương Hách nói rằng ông Tập ép người giàu Trung Quốc quyên góp của cải bằng cách dán nhãn cho họ là người giàu tội lỗi, một phong trào chính trị và xã hội mà những người cộng sản đều quá quen thuộc.
Ông nói, “Mục đích của Trung Cộng không phải là giết họ. Nhưng ông ta sẽ biến quý vị thành nô lệ như một con la bị bịt mắt. Sự tồn tại duy nhất của quý vị là kiếm tiền cho họ”.
Số phận của các doanh nhân làm từ thiện trong thế giới cộng sản
Vào tháng 11/2020, ông Tập Cận Bình nói rằng các khu vực tư nhân nên lấy ông Trương Kiển (Zhang Jian), một doanh nhân và nhà giáo dục vào cuối triều đại nhà Thanh, làm hình mẫu cho họ. Ông Trương là người thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ một triều đại phong kiến sang Trung Hoa Dân Quốc, một nhà lãnh đạo phong trào lập hiến. Ông đã dành toàn bộ tài sản của mình để lập hơn 20 doanh nghiệp và hơn 370 trường học.
Sau bình luận của ông Tập, chế độ này đã tiến hành một diễn đàn về “ý nghĩa tinh thần của ông Trương Kiển thời bấy giờ”, do bộ phận mặt trận thống nhất của Trung Cộng tổ chức hôm 12/12/2020.
Theo báo cáo của truyền thông nhà nước, “các doanh nhân Trung Quốc có nghĩa vụ đi theo đất nước để phát triển và thoái lui, chia sẻ thịnh vượng và hổ thẹn, và đảm nhận vận mệnh và số phận”.
Điều mà truyền thông nhà nước không đề cập đến là cách Trung Cộng đối xử với ông Trương Kiển.
Vào ngày 24/08/1966, lăng mộ của ông Trương Kiển đã bị Hồng vệ binh phá hủy vì được coi là một trong “Bốn ngôi cổ tự”. Cháu gái của ông đã chứng kiến sự phá hủy ngôi mộ của ông.
Ngay cả ngày nay, một doanh nhân từ thiện chân chính cũng không được chế độ cộng sản đánh giá cao.
Ông Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), một tỷ phú bộc trực của Trung Quốc, đã bị kết án 18 năm tù vào ngày 28/07.
Chủ sở hữu của Tập đoàn Đại Ngọ (Dawu Group), một trong những doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc, bị buộc tội “gây rối” và “tụ tập đông người để tấn công các cơ quan nhà nước”.
Năm 2000, Tập đoàn Đại Ngọ đã phát triển 16 nhà máy với các cơ sở y tế và giáo dục để hỗ trợ nhu cầu của 1,600 nhân viên và gia đình của họ. Bệnh viện [của tập đoàn này] đã cung cấp dịch vụ cho nhân viên và dân làng địa phương với chi phí 1 nhân dân tệ (0.15 USD) một tháng; một cuộc kiểm tra y tế đầy đủ, bao gồm siêu âm và xét nghiệm máu, giá chỉ 1.50 USD; Tập đoàn Đại Ngọ đầu tư hơn 4.7 triệu USD để cung cấp chỗ học cho học sinh; và tiền ăn ở trung bình hàng tháng của một sinh viên là khoảng 15 USD.
Ông Hồ Bình tin rằng chế độ không thể dung thứ cho khu vực tư nhân có quyền lực bên ngoài Đảng. Ảnh hưởng của họ phải bị dập tắt.
Ông lấy Jack Ma của Alibaba làm ví dụ.
Ông Jack Ma, người giàu nhất Trung Quốc, cũng là một Đảng viên. Trong Diễn đàn Tài chính Bốn mươi của Trung Quốc (China Financial Forty Forum) vào tháng 10/2020, ông Ma nói, “Trung Quốc thiếu một hệ thống quản lý hiệu quả … làm mất đi sự đổi mới một cách nghiêm trọng”. Người ta nhìn chung tin rằng những lời chỉ trích của ông Ma đã dẫn đến sự trả đũa từ ông Tập; hậu quả là ông ta đã biến mất trong gần một năm.
Tháng Tư năm nay, khi Tập đoàn Alibaba bị phạt chống độc quyền cao kỷ lục 2.8 tỷ USD, tập đoàn này đã công khai bày tỏ lòng biết ơn đối với chế độ.
Ông Hồ Bình tin rằng chế độ sẽ không bắt ông Jack Ma, một nhân vật biểu tượng của giới doanh nhân tư nhân Trung Quốc. Các nhà chức trách sẽ không đánh sập Alibaba; nhưng có thể chia nhỏ và tổ chức lại nó. Ông Ma sẽ không hoạt động tích cực như trước nữa, chế độ sẽ cho phép ông ta xuất hiện trước công chúng để chứng tỏ rằng ông ta vẫn còn sống.
Ông Hồ nói thêm, “Mục đích của ông Tập là nắm quyền kiểm soát các khu vực tư nhân”.
Haizhong Ning và Chang Chun
Ông Haizhong Ning từng là một nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra ngoại quốc và làm phóng viên chuyên về các vấn đề và chính trị của Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Lưu Đức biên dịch