Tin Việt Nam sáng thứ Năm

PTT Lê Văn Thành: ‘Bàn giao đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho Hà Nội trước ngày 10/11’

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. (Ảnh: Đức Tuân/VGP)

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT hoàn thành nghiệm thu, bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GTVT.

Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng lưu ý Bộ GTVT đặc biệt quan tâm đến giai đoạn 2 của dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông (2021 – 2025) với chiều dài khoảng 750 km, hướng tới mục tiêu khởi công toàn tuyến trước ngày 31/12/2022, hoàn thành trước tháng 6/2025.

Đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho TP. Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.

Cùng với đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT hỗ trợ Hà Nội, TP. HCM đẩy nhanh tiến độ, cố gắng từ nay đến năm 2025 có thể khánh thành, đưa vào sử dụng thêm một số tuyến đường sắt đô thị.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng nhắc Bộ GTVT thúc đẩy dự án sân bay Long Thành để có thể khánh thành vào năm 2025 như mục tiêu đề ra.

Về dự án thu phí tự động không dừng và dự án BOT, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT nhanh chóng lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đối với các trạm còn lại, từ nay đến hết tháng 11, hoàn thành ký hợp đồng, chọn được nhà thầu. Đến tháng 3/2022, lắp xong toàn bộ tất cả các trạm trên hệ thống đường cao tốc toàn quốc.

Đến Quý I/2022, cố gắng tất cả các tuyến cao tốc chỉ giữ lại 1 làn thu phí một dừng; tiến tới lựa chọn một số tuyến cao tốc chỉ thu phí không dừng, đóng hoàn toàn việc thu phí thủ công. Bộ GTVT đề xuất cơ chế để các dự án đường bộ cao tốc thực hiện trong thời gian tới đây phải có hệ thống thu phí không dừng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, đến thời điểm này, có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm, đã lắp đặt 351 làn, còn phải lắp 69 làn; địa phương quản lý 43 trạm, đã lắp 189 làn, còn phải lắp 62 làn.

Một số trạm không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện thu phí không dừng do có tính chất đặc thù. Đến nay, đã có khoảng 2 triệu phương tiện dán thẻ thu phí tự động…

TP.HCM cho mở hàng quán ăn uống tại chỗ từ 28/10

Anh Thư

TP. HCM cho mở hàng quán ăn uống tại chỗ từ 28/10. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Hàng quán tại TP. HCM chính thức được phục vụ ăn uống tại chỗ từ ngày 28/10 nhưng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày và phục vụ tối đa 50% công suất.

Chiều 27/10, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Phan Thị Thắng đã ký công văn khẩn gửi Sở Công thương và các sở, ngành liên quan về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đó, các hàng quán được kinh doanh ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10.

Chính quyền TP. HCM yêu cầu hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ phải đáp ứng các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng dịch COVID-19.

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nên hoạt động của hàng quán phải được tổ chức đảm bảo an toàn. Trừ nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đóng cửa trước 21h hàng ngày và phục vụ tối đa 50% công suất.

Cùng với đó, các hàng quán không bán, không sử dụng đồ uống có cồn. Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh tại các khu vực, cho phép quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 15/11.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, chủ tịch UBND quận 7 và TP. Thủ Đức sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo, đề xuất thành phố có cơ sở tiếp tục nhân rộng tại các khu vực khác.

4 tiêu chí để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP. HCM được hoạt động:

  1. Cơ sở phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và có đăng ký mã QR tại http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
  2. Khách hàng phải thực hiện 5K; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19.
  3. Nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao – nhận hàng, người đến liên hệ cơ sở (người làm việc) thực hiện 5K; quét mã QR và tuân thủ các biện pháp phòng dịch COVID-19.

Người làm việc tại cơ sở phải tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày hoặc khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng. Cơ sở phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc khi người làm việc có một trong các biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất khứu giác và vị giác, khó thở…

  1. Chủ cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp phòng dịch COVID-19 tại cơ sở; có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại cơ sở cùng một thời điểm (có bảng thông báo rõ tại cơ sở); báo cáo phương án tổ chức kinh doanh, biện pháp kiểm soát phòng dịch COVID-19 tại cơ sở cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, giám sát.

Theo thông báo ngày 24/10, toàn TP. HCM đang ở cấp độ 2. Trong 22 địa phương cấp quận, huyện, có 9 địa phương ở cấp độ 1 (màu xanh – nguy cơ thấp, bình thường mới), 12 địa phương ở cấp độ 2 (màu vàng – nguy cơ trung bình), 1 địa phương ở cấp độ 3 (màu cam – nguy cơ cao).

Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô

Mạnh Hùng

Tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) thường xuyên bị ùn tắc. (Ảnh: Tuấn Lương/hanoimoi.com.vn)

Sở GTVT Hà Nội cùng đơn vị tư vấn vừa xây dựng xong phương án thiết lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô. Thời gian thu phí từ 5h – 21 hàng ngày. Có thể áp dụng từ năm 2025.

Với mục tiêu giảm xe ô tô đi vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường, Sở GTVT TP. Hà Nội cùng với đơn vị tư vấn vừa xây dựng xong phương án thiết lập 87 trạm thu phí phương tiện vào nội đô.

Theo đơn vị tư vấn, hiện, phương tiện tham gia giao thông tại TP. Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó có 0,6 triệu xe ô tô và 5,6 triệu xe máy.

Trước đó, đề án quản lý xe cá nhân với tầm nhìn đến năm 2030 đã được HĐND TP. Hà Nội thông qua vào tháng 7/2017. Theo đề án, đến năm 2030, TP. Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành, nhưng do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy (mỗi năm thêm 10,2%) nên việc đưa ra phương án thu phí vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là cần thiết.

Sở GTVT TP. Hà Nội đã giao cho đơn vị tư vấn xây dựng đề án thành phần có tên: “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào”. Hiện, đơn vị tư vấn đã có báo cáo kết quả xây dựng đề án với Sở GTVT.

Nội dung quan trọng nhất của đề án là khảo sát, lên phương án lập các trạm thu phí xe ô tô vào nội đô.

Theo đó, về các loại xe chịu phí vào nội đô, đơn vị tư vấn cho rằng:

  • Ô tô con cá nhân là đối tượng chính chịu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện khi đi lại để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong khu vực thu phí;
  • Taxi áp dụng phương án thu phí theo quan điểm ưu tiên với phương thức vận tải công cộng;
  • Xe tải đang được hoạt động hạn chế trong nội đô sẽ không chịu phí hoặc mức phí thấp;
  • Xe khách thương mại áp dụng mức phí thấp hơn xe cá nhân;
  • Có chính sách miễn giảm phí với ô tô của người dân, tổ chức trong khu vực thu phí.

Về khu vực thu phí, sau một thời gian thực tế, tính toán và làm việc với các sở, ngành, đơn vị có trách nhiệm, đơn vị tư vấn đã đưa ra 87 vị trí để lập các trạm thu phí xe vào nội đô.

Đa số các vị trí đưa ra để lập trạm thu phí nằm ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) – cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – Tây Hồ Tây – Võ Chí Công – cầu Nhật Tân – Hoàng Sa – Trường Sa – Lý Sơn – Nguyễn Văn Linh – Vành đai 3.

Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, đơn vị tư vấn đưa ra phương án thiết lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Trong đó có các vị trí như: nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, nút giao Big C Thăng Long, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Giải Phóng, Cổ Linh – cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hoàng Quốc Việt, Võ Chí Công, cầu Đông Trù, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì…

Thời gian đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, từ 5h đến 21h, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Theo đơn vị tư vấn xây dựng đề án, giải pháp thu phí xe cá nhân vào nội đô nhằm mục đích hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Giải pháp này được nhiều nước trên thế giới, trong khu vực áp dụng có hiệu quả, nhưng ở Việt Nam vẫn là một vấn đề mới.

Phương án thu phí xe vào khu vực nội đô dự kiến được thực hiện theo 3 giai đoạn:

  • Từ năm 2021 – 2025: nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện tổ chức thu phí.
  • Từ năm 2025 – 2030: xây dựng dự án và thí điểm thu phí tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm.
  • Từ năm 2030: xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án.

Đề án thu phí phương tiện vào khu vực nội đô đã nhận được nhiều đánh giá trong những năm qua.

Theo TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), “cần phải lưu ý rằng Hà Nội ùn tắc đâu phải lỗi của người dân mà có cả lỗi của đơn vị quy hoạch, quản lý. Cụ thể, ở Hà Nội có nhiều đoạn đường hẹp phải gồng gánh tới hàng chục tòa nhà chung cư, tắc đường là chuyện hiển nhiên. Một bài toán khó, cần có lời giải nữa là sẽ thu phí ra sao, thu phí bằng cách nào… để bảo đảm công bằng cho người dân?”.

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải – cho rằng, việc thu phí nội đô để giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thủ đô là cần thiết trong bối cảnh ùn tắc khu vực nội đô ngày càng trầm trọng.

Tuy nhiên, để thực hiện được, Hà Nội cũng như cả nước cần sớm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành giao thông; phương tiện ra vào nội đô đều được giám sát bằng hệ thống camera và thu phí tự động để tránh gây ùn tắc tại các trạm thu phí.

Đặc biệt, Hà Nội phải dành quỹ đất làm các bãi đỗ xe tại các tuyến đường vành đai, cũng như bố trí mạng lưới giao thông công cộng thuận tiện để phục vụ người dân ngoại thành, ngoại tỉnh khi vào nội đô có thể gửi xe, đi lại thuận tiện bằng giao thông công cộng.

Mạnh Hùng

Related posts