Lê Minh
Nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà suy giảm mạnh, bởi Bắc Kinh phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ Evergrande. Sự suy giảm này sẽ kéo dài trong vài năm, trở thành một lời cảnh tỉnh cho các quốc gia khác trên thế giới.
Theo ông Leland Miller – Giám đốc điều hành của công ty dự báo kinh tế China Beige Book International, không dễ để nhận biết ngay lập tức sự thu hẹp của nền kinh tế Trung Quốc. Để chuẩn bị cho nhiệm kỳ ba của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, ĐCSTQ sẽ cố gắng trì hoãn, ngăn chặn bất kỳ tin tức nào gây tổn hại về mặt chính trị, ít nhất là cho tới hết năm 2022.
Dù vậy, sự thật sẽ được phơi bày, chỉ là vấn đề thời gian.
Tại một cuộc họp trực tuyến do viện Hudson tổ chức, ông Miller phát biểu: “Đó sẽ là một quyết định mang tính chính trị”, sự thật sẽ sáng tỏ trong 2-3 năm tới, hoặc trong hơn một thập kỷ tới, rằng “tăng trưởng [của Trung Quốc] sẽ chậm lại đáng kể”.
“Trung Quốc đang đi trên con đường một chiều hướng tới tăng trưởng chậm hơn”.
Kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại
Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong năm nay do nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, tắc nghẽn nguồn cung, các đợt bùng phát dịch bệnh, và sự phát triển chậm lại của lĩnh vực bất động sản (BĐS). Mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 là 4.9%, giảm 3% so với quý trước và còn tệ hơn so với các dự báo đã được điều chỉnh giảm được các nhà phân tích đưa ra.
Evergrande, nhà phát triển BĐS hàng đầu của Trung Quốc, đang vật lộn với khoản nợ hơn 300 tỷ USD và đã bỏ lỡ 3 đợt thanh toán trái phiếu trong vòng chưa đầy một tháng.
Ông Miller nói, mặc dù có thể kiểm soát những rủi ro từ sự sụp đổ sắp xảy đến nhưng rõ ràng, cuộc khủng hoảng cho thấy mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang hướng tới một giai đoạn chậm hơn.
Không giống như các nước khác trên thế giới, Trung Quốc có một hệ thống tài chính phi thương mại, trong đó chính phủ kiểm soát tất cả các tổ chức doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, Bắc Kinh có khả năng bơm tín dụng để duy trì nền kinh tế hoặc ra lệnh cho các công ty nhà nước hấp thụ các khoản nợ tồn đọng, ngăn chặn sự sụp đổ của Evergrande. Nhưng về lâu dài, theo ông Miller, việc rót vốn vào các công ty ‘xác sống’ và “tiếp tục ném tiền vào các dự án xấu” sẽ làm trì trệ sự tăng trưởng.
Ông cho biết thêm, trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc trong nhiều năm qua đã quảng cáo rầm rộ cho quá trình Trung Quốc chuyển đổi từ ‘mô hình kinh tế dựa vào đầu tư’ sang ‘mô hình kinh tế dựa vào tiêu dùng’, thì những thông điệp như vậy chỉ đơn thuần là nói suông và “chính phủ đã không làm bất cứ điều gì để biến điều đó trở thành hiện thực”.
Theo ông Miller, một cách để tạo ra làn sóng tiêu dùng là củng cố đồng tiền bằng cách giúp các hộ gia đình có nhiều sức mua hơn.
Các nhà chức trách cũng có thể chuyển tài sản nhà nước sang cho tư nhân và mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội cho người nghèo. Nhưng hầu hết các chính sách của Bắc Kinh đang có tác động ngược lại với việc đưa Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế dựa trên tiêu dùng, ông nói thêm.
Cấu trúc Ponzi
Theo ông Miller, Evergrande về cơ bản đang hoạt động dựa trên một cấu trúc Ponzi. Tập đoàn này lấy tiền bằng cách hứa hẹn cung cấp ngày càng nhiều căn hộ cho các gia đình Trung Quốc, và sau đó sử dụng khoản tiền khách hàng trả trước để trả cho các khoản vay đã được đóng gói thành các khoản đầu tư lãi suất cao.
Nhưng mô hình vay để phát triển này đã bị dừng lại sau khi Bắc Kinh đưa ra các chính sách mới vào tháng 08/2020 nhằm hạn chế nợ nần của các công ty BĐS.
Theo ông Miller, sự sống còn của Evergrande không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là “chính phủ sẽ can thiệp ở mức độ nào” để hạn chế các hậu quả và ai sẽ phải gánh chịu những thiệt hại.
Trong vài tuần hoặc vài tháng tới, có thể có các công ty Trung Quốc ‘yêu nước’ giơ tay phát biểu: “Hãy để chúng tôi xây những căn hộ đó. Hãy để chúng tôi nhận những trách nhiệm đó. Hãy để chúng tôi giúp bạn trả tiền cho những trái chủ này”.
“Điều đó có hoàn toàn là tự nguyện không? Không… đây là những kịch sĩ hành động theo mệnh lệnh của chính quyền, và điều này vượt ra ngoài phạm vi giao dịch thương mại thuần túy”.
Hôm 15/10, một quan chức trong Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố: Các vấn đề của Evergrande là “có thể kiểm soát được”. Việc này đã phá vỡ sự im lặng kéo dài nhiều tháng của Bắc Kinh về vấn đề Evergrande. Trong khi gọi cuộc khủng hoảng nợ của công ty là một “hiện tượng cá biệt,” quan chức của PBOC thúc giục Evergrande tăng cường các nỗ lực xử lý tài sản, đồng thời cam kết tài trợ cho việc nối lại các dự án xây dựng của Evergrande.
Thay đổi các cam kết xã hội
Ông Miller cho rằng việc giảm tỷ lệ đòn bẩy ở lĩnh vực nhà ở là phù hợp với cuộc đàn áp sâu rộng của chính phủ đối với những gã khổng lồ công nghệ cùng với phong trào “thịnh vượng chung” của ông Tập.“Một phần, Đảng muốn lợi dụng các vấn đề rất phổ biến của xã hội để đạt được sự ủng hộ”, ngoài ra, chế độ này cũng đang coi các công ty tư nhân như “những con bò sữa cung cấp tiền mặt”.
“Nói rộng ra, có một lượng tài sản khổng lồ đang nằm trong các tập đoàn lớn ở Trung Quốc, và các công ty này chắc chắn sẽ bị động chạm đến khi Đảng ‘khát tiền’. Bằng cách này hay cách khác, họ sẽ phải đóng góp cho Đảng”.
Theo ông Miller, cuộc khủng hoảng tiền mặt đang buộc Đảng phải “sáng tạo”. Chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu đưa nhân sự của Đảng vào hội đồng quản trị của các công ty lớn, trong khi một số chính quyền địa phương đang trở thành các cổ đông thiểu số.
Các quốc gia phụ thuộc vào “làn sóng tín dụng” khổng lồ của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của họ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính giờ đây sẽ phải chuẩn bị cho một sự thay đổi.
“Sự phát triển của Trung Quốc đã được tin rằng sẽ kéo dài mãi mãi, thách thức các quy luật. Do vậy, các quốc gia khác chưa hề có kế hoạch đối phó nào khi sự phát triển đó dừng lại. Có lẽ từ bây giờ, họ nên chuẩn bị cho sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc”, ông Miller cho hay.
Cuộc khủng hoảng Evergrande “sẽ ảnh hưởng tồi tệ đến một số quốc gia trên thế giới nếu họ không chuẩn bị trước”.
Lê Minh