Simon Veazey
Chính phủ Anh đang làm cho việc đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân trở nên dễ dàng hơn, hạ thấp hơn các điều kiện tối thiểu bằng một mô hình tài chính mới mà họ hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư tư nhân trong nước thay cho các nhà phát triển ở hải ngoại.
Thông báo hôm 26/10 không đề cập đến sự băn khoăn lo lắng ngày càng tăng của chính phủ nước này về một nhà phát triển do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã tham gia vào việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân hàng đầu trị giá 20 tỷ bảng Anh (27.5 tỷ USD) của họ.
Nhưng mô hình tài chính mới này, vốn chuyển rủi ro tài chính cho người tiêu dùng, cung cấp một cơ chế gây sức ép để Tập đoàn điện hạt nhân CGN do Trung Cộng hậu thuẫn phải thoái 20% cổ phần hiện thời trong công ty Sizewell C mà không phải viện dẫn các luật an ninh quốc gia, hành động này có khả năng làm tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Mô hình tài trợ hiện tại có nghĩa là chỉ các tập đoàn quốc tế với hầu bao rủng rỉnh mới có thể chấp nhận rủi ro và quy mô thời gian đầu tư vào các nhà máy điện trị giá hàng tỷ bảng Anh này.
Bộ trưởng Kinh doanh và Năng lượng Kwasi Kwarteng cho biết trong một tuyên bố rằng, “Kế hoạch tài chính hiện tại đã dẫn đến việc quá nhiều nhà phát triển hạt nhân ở hải ngoại rời bỏ các dự án, khiến nước Anh phải lùi lại nhiều năm. Chúng tôi rất cần một cách tiếp cận mới để thu hút các quỹ của Anh và các nhà đầu tư tư nhân khác hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn mới ở Anh Quốc.”
Cách tiếp cận mới đó áp dụng phương pháp tương tự như được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác, chẳng hạn như mạng lưới cấp nước, khí đốt, và điện, được gọi là Cơ sở Tài sản theo Quy định (RAB: cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án công cộng thông qua việc bảo đảm khả năng hoàn vốn và lợi nhuận và giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư bằng sự chia sẻ chi phí với người tiêu dùng được áp đặt theo quy định và/trợ cấp của chính phủ).
Các ví dụ về RAB gần đây bao gồm Đường hầm Thames Tideway và Nhà ga số 5 của Heathrow.
Kế hoạch này cho phép các nhà đầu tư được cấp phép bắt đầu chuyển chi phí cho người tiêu dùng trong quá trình xây dựng, mặc dù giá cả là do cơ quan quản lý quy định.
Nhà máy Sizewell C được đề nghị là dự án phát triển hạt nhân quy mô lớn duy nhất trong nước và hiện được tài trợ 80% bởi EDF của Pháp và 20% bởi CGN của Trung Quốc, theo một thỏa thuận được ký cách đây sáu năm. Kể từ đó, Chính phủ Anh Quốc không còn mặn mà với các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng.
Năm ngoái (2020), chính phủ Anh Quốc đã đảo ngược quan điểm của mình đối với Huawei, cấm đại công ty viễn thông Trung Quốc này khỏi mạng điện thoại di động 5G của quốc gia này.
Dưới áp lực ngày càng tăng từ Hoa Kỳ và những người ủng hộ phe Bảo thủ quan trọng, chính phủ đã cho thấy mong muốn loại bỏ CGN khỏi Sizewell ngày càng tăng, nhưng không có cơ chế khả dụng theo các quy tắc hiện hành.
Với mô hình mới, EDF sẽ có thể thiết lập liên kết đối tác mới với các nhà đầu tư tư nhân thay thế trước khi bộ trưởng kinh doanh ký tên vào dự án.
Chính phủ tuyên bố rằng mô hình tài chính mới này cuối cùng cũng rẻ hơn và sẽ tiết kiệm cho người tiêu dùng 30 tỷ bảng Anh (41.3 tỷ USD) trong dài hạn.
Một tuyên bố từ Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp cho biết, “Hiện tại, khoảng 16% sản lượng điện của Anh Quốc là từ năng lượng hạt nhân và mô hình RAB sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân ủng hộ các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn mới, hoạt động cùng với năng lượng tái tạo trên một lưới điện [có khí thải] carbon ngày càng thấp.”
Tiến sĩ Doug Parr, trưởng nhóm khoa học của tổ chức Hòa bình xanh tại Anh Quốc, cho biết mô hình này đã được sử dụng ở Hoa Kỳ.
Ông nói: “Kết quả thật thảm hại. Mô hình này chuyển rủi ro tài chính khổng lồ từ người xây dựng sang người thanh toán hóa đơn. Ở South Carolina, 18% hóa đơn năng lượng của cư dân được dùng để trả tiền cho một lò phản ứng đã được xây dựng một nửa vốn đang bị bỏ hoang và sẽ không bao giờ sản xuất ra điện.”
Một số nhà phân tích nói rằng năng lượng hạt nhân có khả năng tốn kém hơn so với các giải pháp thay thế khác có sử dụng ít carbon.
Theo mô hình hiện tại, đại tập đoàn năng lượng EDF cho biết họ có thể cung cấp điện với giá 89.50 bảng Anh (123.21 USD) mỗi megawatt giờ từ địa điểm hạt nhân Sizewell C mới của mình.
Nhưng một số dự án năng lượng điện gió ngoài khơi sẽ đi vào hoạt động sau hai năm sẽ chỉ tính phí khoảng 39.65 bảng Anh (54.59 USD) cho mỗi megawatt giờ.
Tuy nhiên, những người ủng hộ năng lượng hạt nhân nói rằng công nghệ này cung cấp một nguồn điện không carbon, ít biến động hơn so với gió hoặc năng lượng mặt trời. Khi gió không thổi, các tuabin không thể tạo ra bất cứ thứ gì, điều này đòi hỏi phải có thứ gì đó thay thế vị trí của chúng.
Ông Simon Veazey là một ký giả làm việc tại Anh Quốc, người đã đưa tin cho The Epoch Times từ năm 2006 trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ đưa tin chuyên sâu về chính trị Anh và Âu Châu đến viết tin tức mới nhất cho báo web.
Hồng Ân biên dịch