Báo cáo: Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bị tê liệt vì sự tham gia của Bắc Kinh

Kelly Song

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Nhân quyền trong bài diễn văn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/02/2020. (Ảnh: Denis Balibouse/File Photo/Reuters) Trung Quốc

Trong hơn 70 năm, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền đã trở thành tiêu chuẩn thực tế về các quyền của con người cho các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chế độ Trung Quốc, trong mưu cầu thống trị toàn thế giới, đang nỗ lực để định nghĩa lại quyền con người thông qua Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), một tổ chức tư vấn quân sự của Pháp cho biết trong một báo cáo gần đây.

Báo cáo dài 650 trang về ảnh hưởng toàn cầu của chế độ Trung Quốc đã cung cấp một bản phác thảo toàn diện về các chiến thuật của Bắc Kinh, bao gồm cả cách nhà cầm quyền này “làm tê liệt Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”. Các chiến thuật bao gồm việc gạt bỏ vấn đề nhân quyền sang một bên để phát triển kinh tế, cài cắm giới chức sắc Trung Quốc vào các vị trí quyền lực, và phủ nhận cuộc đàn áp tiếp diễn của nhà cầm quyền này đối với những người có đức tin.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gồm 47 quốc gia thành viên được bầu từ năm nhóm địa lý, cụ thể là các quốc gia Phi Châu (13 ghế), các quốc gia Á Châu-Thái Bình Dương (13 ghế), các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (8 ghế), Tây Âu và các quốc gia khác (7 ghế), sau cùng là nhóm các quốc gia Đông Âu (6 ghế). Trung Quốc đã giữ một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong bốn nhiệm kỳ, tổng cộng là 12 năm kể từ năm 2006.

Ủy ban Cố vấn của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bao gồm 18 chuyên gia độc lập được phân bổ theo các nhóm địa lý tương tự. Ủy ban này có chức năng như một cơ quan tư vấn làm ra các nghiên cứu về các chủ đề do hội đồng nhân quyền lựa chọn.

Nhà ngoại giao Trung Quốc Lưu Tân Sinh (Liu Xinsheng) đã phục vụ trong Ủy ban Cố vấn từ năm 2016. Nhiệm kỳ hiện tại của ông kéo dài đến năm 2022. Ông Lưu cũng giữ các vị trí cố vấn cao cấp trong các trường đại học và cơ quan của Trung Quốc. Ông thường nói chuyện tại các trường đại học về nhân quyền và các chủ đề liên quan đến Liên Hiệp Quốc. Năm 2019 tại Đại học Bắc Kinh, ông Lưu đã có bài diễn thuyết về cách nhà cầm quyền đang thực hiện chính sách ngoại giao đa phương và bảo vệ lợi ích của chính mình thông qua hệ thống Liên Hiệp Quốc.

Thao túng các hội đồng và ủy ban

Một báo cáo năm 2019 của dự án Sinopsis có trụ sở tại Czech có nhan đề “Ủy ban Cố vấn Hội đồng Nhân quyền: Một công cụ mới trong chiến lược chống nhân quyền của Trung Quốc”, đã mô tả chi tiết các nghị quyết do Bắc Kinh hậu thuẫn được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2017, 2018, và 2019, cũng như các nghiên cứu tiếp nối do Ủy ban Cố vấn thực hiện. Báo cáo này khái quát một số nghị quyết trong đó đã hy sinh nhân quyền nhân danh phát triển kinh tế, tất cả đều được hội đồng nhân quyền thông qua.

“Cống hiến của sự phát triển đối với việc thụ hưởng tất cả các quyền con người” là chủ đề của một nghị quyết được đề xướng vào năm 2017 và là nghị quyết đầu tiên của Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Theo báo cáo của Sinopsis, Hoa Kỳ, Đức, và các nền dân chủ khác đã đưa ra phản đối, nói rằng nghị quyết này “đã ưu tiên một cách không thích đáng cho sự phát triển hơn là nhân quyền”.

Nghị quyết năm 2018 của Trung Quốc, có nhan đề “Thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực nhân quyền”, chỉ bị mỗi Hoa Kỳ phản đối. Nghị quyết này lập luận rằng “hợp tác đôi bên cùng có lợi là nhằm mang lại lợi ích cho các quốc gia chuyên quyền bằng cái giá của nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của người dân.” Cũng cùng năm đó, Hoa Kỳ đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Sau đó, vào năm 2019, một nghị quyết khác của Trung Quốc đã ưu tiên cho phát triển các quyền con người của cá nhân, nhấn mạnh việc xóa đói giảm nghèo, vốn được chế độ Trung Quốc coi là thành tựu thắng lợi. Các thành viên của Hội đồng Liên minh Âu Châu và Nhật Bản đã phản đối nghị quyết này. Ba nghị quyết trên đã được thông qua với sự ủng hộ của đa số.

Các nghiên cứu được thực hiện trên các chủ đề của hai nghị quyết đầu tiên. Ông Lưu đã chủ trì nhóm soạn thảo cho cả hai nghiên cứu, theo báo cáo của Sinopsis.

Tuyên bố Bắc Kinh năm 2017, trong đó nói rằng nhân quyền phải “tính đến bối cảnh khu vực và quốc gia, cũng như bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, và tôn giáo”, là tài liệu tham khảo cho nghiên cứu năm 2017 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Bà Andrea Worden, tác giả của báo cáo Sinopsis, cho biết thêm, “Những ‘nghiên cứu’ này không phải là sự thực hành học thuật … mà là một phương tiện để tiếp tục đưa nghị trình và diễn ngôn về nhân quyền của Đảng và nhà nước Trung Quốc vào công việc của Hội đồng Nhân quyền.”

Bà Worden chỉ ra rằng các nghiên cứu này chỉ đơn giản là lặp lại luận điệu của nhà cầm quyền này rằng “sự phát triển do nhà nước lãnh đạo là quyền tối quan trọng”, và rằng “việc hợp tác, đối thoại, và tôn trọng chủ quyền quốc gia là phương tiện chính để đạt được quyền con người”. Cuối cùng, Bắc Kinh muốn kết hợp Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Gây ảnh hưởng lên các chuyên gia

Báo cáo của quân đội Pháp cho biết, Trung Cộng đã sử dụng một câu chuyện chống khủng bố để biện minh cho những trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ rộng lớn của nhà cầm quyền này ở Tân Cương.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Một hướng dẫn viên du lịch đứng gần màn hình hiển thị hình ảnh người dân tại các địa điểm được mô tả là trung tâm đào tạo nghề ở miền nam Tân Cương tại Triển lãm về Cuộc chiến Chống Chủ nghĩa khủng bố và Chủ nghĩa cực đoan ở Urumqi trong khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, miền tây Trung Quốc, hôm 21/04/2021. (Ảnh: Mark Schiefelbein/AP Photo)

Hồi tháng 06/2019, người đứng đầu tổ chức chống khủng bố của Liên Hiệp Quốc Vladimir Ivanovich Voronkov đã đến thăm Tân Cương bất chấp sự phản đối của những người ủng hộ nhân quyền và các chính phủ phương Tây. Sử dụng chuyến thăm của ông Voronkov, Trung Quốc đã gợi ý rằng người Duy Ngô Nhĩ là những kẻ khủng bố, và do đó hợp pháp hóa chính sách đàn áp của họ trong khu tự trị này, báo cáo cho biết.

Ngược lại, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã không đến thăm Tân Cương.

Vào ngày 01/04/2020, Trung Quốc được bổ nhiệm vào một ghế trong Nhóm Tư Vấn có ảnh hưởng của Hội đồng Nhân Quyền. Ủy ban năm thành viên này đóng vai trò quan trọng trong việc bổ nhiệm các chuyên gia nhân quyền độc lập theo các thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Bốn thành viên khác của Nhóm Tư Vấn cho nhiệm kỳ 2020-2021 là Venezuela, Pakistan, Eritrea, và Qatar.

Bảy thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa của Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, lên tiếng phản đối việc bổ nhiệm Trung Quốc vào Nhóm Tư Vấn trên.

Theo một báo cáo của tạp chí Bitter Winter, hơn 100 tổ chức nhân quyền và tự do tôn giáo đã đệ trình kiến ​​nghị kêu gọi hủy bỏ sự bổ nhiệm của Trung Quốc. Các kiến ​​nghị này đã được đệ trình lên Tổng thư ký LHQ, chủ tịch Ủy ban Thứ ba của Đại hội đồng, chủ tịch của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Cao ủy Nhân quyền LHQ, và từng quốc gia trong số 55 quốc gia thành viên của nhóm khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đã đề cử Trung Quốc.

Như Bitter Winter đưa tin, các kiến ​​nghị này đã không nhận được hồi đáp.

Phớt lờ cuộc đàn áp

Nhóm ủng hộ đạo đức trong y khoa có trụ sở tại Hoa Kỳ, Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), đã tổ chức một chiến dịch toàn cầu để thu thập chữ ký cho một bản kiến ​​nghị gửi tới Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Bản kiến ​​nghị lên cao ủy này kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác; điều tra và đưa thủ phạm ra công lý; đồng thời yêu cầu chính phủ Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần Trung Hoa cổ xưa bao gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức đề cao chân, thiện, và nhẫn. Dữ liệu chính thức của Trung Quốc báo cáo rằng 70–100 triệu người đã thực hành [môn tập này] ở Trung Quốc vào năm 1999. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến và độc lập của môn tu luyện này, nên họ đã tiến hành đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 07/1999. Hàng triệu người đã bị giam giữ trong các nhà tù, các trại lao động, và các cơ sở khác, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp. Chính quyền Trung Quốc đã sát hại các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và các tù nhân lương tâm khác bằng cách thu hoạch nội tạng cưỡng bức và bán nội tạng của họ để kiếm lời, một tòa án nhân dân độc lập có trụ sở tại London cho biết vào tháng 03/2018.

Từ năm 2012 đến năm 2018, chiến dịch của tổ chức DAFOH đã thu thập được hơn ba triệu chữ ký từ hơn 50 quốc gia và khu vực. Các đại diện của tổ chức DAFOH cũng đã gặp Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc ba lần để trao tận tay các chữ ký này.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Tổng cộng 166,461 chữ ký vào đơn kiến nghị từ 36 quốc gia ủng hộ Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) kêu gọi LHQ điều tra và lên án việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, trong Phòng Wagner của Khách sạn Metropole ở Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 17/12/2012. (Ảnh: Tanghong/The Epoch Times)

“Theo hiểu biết của chúng tôi, không có sự công nhận chính thức nào về đơn kiến ​​nghị của chúng tôi (ngoài cuộc gặp với chúng tôi) và trong một lần chúng tôi được thông báo rằng Hội đồng Nhân quyền LHQ sẽ làm điều gì đó, nhưng không thấy được hành động xác thực nào,” Tiến sĩ Torsten Trey, người sáng lập và giám đốc điều hành của DAFOH, nói với The Epoch Times trong một email.

“Cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lẫn WHO đều là các tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc,” ông Trey nói. “Có vẻ như có các động cơ chính trị có ưu tiên cao hơn là giải quyết tội ác chống lại loài người nghiêm trọng nhất thế kỷ 21, đơn cử như việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, và có vẻ như Trung Quốc sẽ được Liên Hiệp Quốc trao cho một tấm vé thông qua miễn phí. Tại thời điểm đó, chúng tôi đã quyết định chấm dứt chiến dịch này.”

DAFOH đã kết thúc chiến dịch kiến ​​nghị vào năm 2018 sau khi biết rằng ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), nhân vật chủ chốt của Bắc Kinh trong việc quảng bá hệ thống cấy ghép và hiến tặng của họ ra thế giới, đã được bổ nhiệm làm thành viên trong lực lượng đặc nhiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với nhiệm vụ là chống buôn bán nội tạng.

“DAFOH đã kết thúc chiến dịch kiến ​​nghị, nhưng 3 triệu người đã ký vào bản kiến ​​nghị vẫn đang chờ một phản hồi có trách nhiệm từ Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc,” ông Trey nói.


Kelly Song là một tác gia của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, tập trung vào tất cả những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Hồng Ân biên dịch

Related posts