Du Uyên
Những nụ cười, những lời chào nhau thiệt chân tình… đã hiện diện ngày một đông – mặc kệ sự chia cắt của những cái khẩu trang, những tấm kính chắn nước bọt. Người dân nghèo tiền nhưng sức sống luôn mạnh mẽ, ai cũng khuyến khích nhau “Còn thở là còn gỡ”.
Ngày 22-10, những người bạn trên mạng xã hội của tôi bắt đầu “khoe” những tờ vé số đầu tiên họ mua được và câu chuyện dễ thương xung quanh nó. Bởi vé số đã được bán trở lại ở nhiều tỉnh, trong đó có Sài Gòn. Không phải những người khoe vé số đang vui với cuộc đỏ đen cùng nhà nước, mà họ vui vì nhìn thấy những người già, tàn tật bán vé số vẫn còn… sống. Họ vui vì những người từng bị đài truyền hình quốc gia (VTV) gọi là “sống ký sinh trùng trên đường phố” lại có thể tiếp tục mưu sinh bằng mồ hôi nước mắt của mình. Ðể chứng minh cho xã hội thấy là họ không “ký sinh trùng” ai, cũng không thể “ký sinh trùng” ai.
Thiệt ra, không cần chứng minh thì điều đó cũng là sự thật, vì Việt Nam chưa có những điều luật giúp cho họ có thể “sống ký sinh trùng”, ngay cả khi họ không còn khả năng lao động, hoặc bị cấm ra đường lao động. Một nhà báo trong nước, Facebooker Hà Phan, viết trên mạng:
“Sáng nay trên đường đi tập thể dục, chú Tư- người nhặt ve chai kiêm bán vé số xua tay không nhận chút quà nhỏ như mấy lần trước và vui mừng báo: «Hôm nay vé số mở bán trở lại rồi, để dành giúp mấy người khác đi em. Tui ráng chắc cũng hết 200 tờ, đủ sở hụi».
Nói xong chú cười khà khà, nụ cười hiếm hoi của ông già hơn 70 may mắn không bị gì sau đợt dịch khủng khiếp dù có ngày chỉ vỏn vẹn 1 gói mì cầm hơi.
Hôm nay, vé số miền Nam cho bán lại, bà con nghèo mừng như chú Tư không ít, dù bán chưa được nhiều như trước, vì mới, vì người ta ngại dịch bệnh và giới mua vé nhiều nhất-những người có khi chỉ đỡ hơn họ chút đỉnh cũng không còn đông hay dư dả.
Thật ra tôi không ủng hộ những người già, khuyết tật, không nghề nghiệp gì cứ phải dãi nắng dầm mưa, lội bộ khắp Thành phố này (SG) bán vé số với tương lai bấp bênh như thế. Họ càng nhiều, an sinh xã hội càng lắm lỗ hổng, thiếu thốn.
Nhưng trong những cái dở, đôi khi phải chấp nhận cái ít dở hơn, vì nếu không làm nghề này với vốn liếng gần như bằng không, trình độ và nghề nghiệp khó làm gì hơn, thì vài chục hay trăm ngàn kiếm được mỗi ngày lại là nguồn sống duy nhất của họ và cả người họ phải lo.
Lực lượng này đông, cả miền Nam có lẽ cả trăm ngàn, số thu từ xổ số mỗi năm 25-30 ngàn tỷ đồng, nhiều hơn không ít lĩnh vực khác nhưng hàng chục năm qua những người tạo ra phần lớn con số khổng lồ ấy vẫn chẳng có chế độ gì! Họ vẫn phải phó mặc cho cuộc đời khó khăn luôn chực chờ và niềm vui đôi khi chỉ là được bán vé số như chú Tư…” – Hết trích
Dưới bình luận cũng có nhiều người tỏ ý không tin anh nhà báo, họ hỏi ai cũng đeo khẩu trang sao mà biết cười (Sài Gòn vẫn còn buộc đeo khẩu trang khi ra đường), chú Tư trong truyện trên có thiệt hông, “quà nhỏ” là quà gì? Có lẽ dạo này người xấu nhiều quá, người ta ít tin vào lòng tốt hơn. Cũng có thể, dạo này người viết báo thiếu kiến thức, nhân tính và tự trọng quá nhiều, nên người ta không tin vào một câu chuyện vu vơ, không có bằng chứng của một nhà báo lắm. Riêng tôi, tôi tin ở Sài Gòn có nhiều “chú Tư” như trong câu chuyện trên, vì tôi gặp hoài. Cả tuần nay, chính tôi cũng được những người bán hàng rong cho đồ ăn hoài, khi thì cái bánh, khi thì bịch chè, thứ Bảy này tôi còn được hứa cho một dĩa bún thịt nướng từ chị bán… bún bò. Một phần vì trong lúc dịch nặng, tôi có giúp họ đôi chút. Một phần vì nhìn tôi cũng có vẻ nghèo, mà giờ họ buôn bán lại chắc cũng có chút đỉnh, cho tôi bữa ăn chắc cũng không mất bao nhiêu. Ngay sáng nay, ngày đầu vé số được bán, tuy không mua vé số nhưng tôi vẫn được cô bán vé số mua cho cái bánh tiêu và chúc mau… có chồng. Cổ còn đòi cho tôi một tờ vé số đặng “lấy hên”, nhưng tôi không chịu, vì tôi cũng không tin mình có thể trúng số. Ngoài ra, những năm trước dịch, tôi đã không ít lần «quê xệ». Vì tôi hay trả tiền bữa sáng giùm cho những người khuyết tật bán vé số/mua ve chai, khi tôi dư dả. Nhưng lâu lâu, tôi bị vài người trong số họ từ chối. Những người này nói thà mua vé số cho họ/cho họ ve chai, chứ họ không muốn bị thương hại. Trong khi chính tôi, lâu lâu được anh nào trả tiền bữa sáng cho là mắt sáng rỡ, đi khoe khắp làng trên xóm dưới, từ ngoài đời tới trên mạng rồi cả trên báo. Hôm trước được trả tiền ăn ở quán nào, là hôm sau ra y quán đó ăn lần nữa, mong lại được «thương hại»
Bởi vậy, trong khi người đời, cũng giống như anh Hà Phan ở trên, cho là bán vé số thì không cần học vấn, không cần dáng vóc, không cần bằng cấp, không cần sức khỏe… nghĩa là số đông người bán vé số hầu như không có những thứ đó. Nhưng tôi cảm nhận và gặp được rất nhiều người bán vé số có lòng tự trọng cao, có kiến thức rộng hơn tôi. Nhiều người bán vé số từng là các nhà giáo, là cựu chiến binh/thương binh của (cả hai phía), là những người từng rất giàu/rất nổi tiếng nhưng sa cơ lỡ bước, những người từng có tương lai tươi đẹp nhưng bất ngờ gặp tai nạn, không thể tiếp tục gầy dựng tương lai… có rất nhiều người mất sức lao động, già yếu, chọn đi bán vé số tự nuôi thân để không phiền con cháu. Có nhiều người vừa bán vé số vừa làm từ thiện. Họ đáng trân trọng hơn rất nhiều người.
Như mới đây, có bài viết “Vé số bán trở lại: Bà con vui vì bán mỗi ngày từ 700 – 1000 tờ, được giúp cả vốn” đăng trên báo Thanh Niên online (một tờ báo lớn trong nước) trưa ngày 22-10) khiến nhiều người chỉ trích, nhưng nó vẫn “sống nhăn răng” không bị gỡ như các bài báo được dân tình khen khác (như bài viết “đòi” lư hương dưới chân tượng Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo-bị gỡ trong một “nốt nhạc”).
Người ta phê phán, phần vì nhà báo viết về kinh tế mà lại không có kiến thức về thị trường, cứ cho rằng mới mở bán thì người ta bán được đi, nhưng hai/ba bữa nữa thì sao, sao lại ghi “mỗi ngày bán được 700-1000 tờ vé số”? Rất tội nghiệp người nghèo, vì nhiều người có điều kiện sẽ nghĩ những người bán vé số đã bớt nghèo, mà không còn giúp đỡ nữa. Phần vì bài báo này làm không ít người nhớ đến phát ngôn của ông Hồ Kinh Kha – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang hồi 2016: “Người tàn tật đi xe lăn ở tỉnh An Giang có người bán 3,000 tờ vé số ngày – tương đương 100 triệu VNÐ/tháng.” Nhiều người là chủ quán cà phê, làm nghề cò đất, làm nghề luật sư… mỉa mai rằng muốn bỏ nghề hiện tại và thử sức với ngành vé số. Tại lời to quá, “ngon ăn” quá. Khi quá nhiều người rời bỏ thành phố, quá nhiều người không còn tiền để làm ăn/sinh sống, mà mỗi người bán vé số có thể bán cả ngàn tờ mỗi bữa. Không biết bán cho ai khi hàng quán chưa được mở? Con người chưa được tự do đi lại, làm ăn? Bán nhiều vé số một ngày như vậy, tiền để đâu cho hết?
Không biết trong hơn 4 tháng giãn cách gắt gao vừa qua, và 2 năm có dịch cúm Vũ Hán, các công ty vé số có giúp gì cho hàng trăm ngàn người làm việc cho họ hay không? Vì tôi chưa đọc được bài báo nào nói về việc này. Tôi chỉ đọc được những dòng tin kêu cứu trên mạng, những bài báo giải thích lý do chậm trễ của các gói hỗ trợ từ chính quyền. Như mới đây, tôi cảm thấy “hỡi ơi”, cứng họng vì bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Bình Dương xác nhận các địa phương trong tỉnh đã chi nhầm tiền hỗ trợ Cúm Vũ Hán cho trên 22,900 người với số tiền hàng tỷ đồng. Trích báo Thanh Niên:
800,000 đồng (chưa tới 40 USD) trong thời vật giá leo thang sau dịch thì không nhiều, nhưng đối với 22,900 người đã rất khốn khổ bởi các quy định gắt gao trong mấy tháng qua là tất cả, nói nguồn sống duy nhất cũng không quá lố. Vậy mà “nhầm”, một chữ giải thích nhẹ hều của lãnh đạo Bình Dương giải quyết tất cả sai phạm, người nghèo tiếp tục chờ…
Cách đây mấy bữa, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TPHCM phải lên báo xin lỗi vì phát ngôn “nhầm”: “Ðánh giá trong gần 5 tháng qua dịch bệnh trên địa bàn TPHCM rất là ác liệt, kinh hoàng nhưng đến giờ này chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc, chưa ai khốn khổ…” (Mà chỉ xin lỗi sau khi chối tội và bị nhà báo đưa ra băng ghi âm cuộc họp.)
Nhiều khi tôi nghi ngờ, liệu những người bán vé số mà tôi biết, khi lên làm lãnh đạo, họ có “nhầm” như trên không?
Tôi biết là trong bất cứ nhóm người nào đó trong xã hội, cũng sẽ có người xấu/kẻ tốt. Nhưng có lẽ tôi may mắn, vì gặp rất nhiều người bị khuyết tật về thân thể như không nói được, không đi được, không còn bộ phận nào đó trên người, nhưng đa số sống rất đàng hoàng. Vì họ có lòng tự trọng, có tinh thần rộng rãi, có tình người… họ không khuyết tật trong tâm hồn.
Trong cái may cũng có cái rủi, tôi đọc báo, coi tivi, thấy rất nhiều người thân thể hoàn hảo, không sứt miếng thịt mà ăn nói cà lăm, phát biểu nhảm nhí, hay nhầm này nhầm nọ, đẩy rất nhiều người vào cảnh khổ. Như người dân hay khích lệ nhau: “Còn thở là còn gỡ”, chắc sắp tới, không ít ông lại lên tivi “xin rút kinh nghiệm vào mùa dịch sau”?